Saturday, September 23, 2023

TUYÊN BỐ : PHẢN ĐỐI CHẶT PHÁ 600 HA RỪNG NGUYÊN SINH BÌNH THUẬN ĐỂ LÀM HỒ THỦY LỢI

 


Tuyên bố: Phản đối chặt phá 600 ha rừng nguyên sinh Bình Thuận để làm hồ thủy lợi

23/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/23/tuyen-bo-phan-doi-chat-pha-600-ha-rung-nguyen-sinh-binh-thuan-de-lam-ho-thuy-loi/

 

Những ngày qua, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ việc tàn phá trên 600ha rừng tự nhiên làm hồ chứa nước ở huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận.

 

Công văn ngày 14 tháng 9 năm 2023 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia và của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung bộ (8-9-2023) cho thấy, hiểm họa thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất… là hoàn toàn có thể xảy ra mọi cấp độ tại tỉnh Bình Thuận.

 

Dư luận chung là Việt Nam đang bơi ngược dòng với thế giới. Thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên, thì Việt Nam lại ra sức phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Rừng tự nhiên là một bộ phận của kết cấu hạ tầng sinh thái không thể thay thế được; không có rừng tự nhiên thì không có nguồn nước, gây ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… Rừng trồng không thể thay thế rừng tự nhiên với tư cách là kết cấu hạ tầng sinh thái.

 

Tỉnh Bình Thuận và cả Quốc Hội vào thời điểm quyết định phá hơn 600 ha rừng để làm hồ thuỷ lợi, đã không lấy ý kiến của hai bộ chuyên ngành là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà Quốc hội đem ra biểu quyết.

 

Trong 600 ha rừng dự kiến phá để làm hồ này có rất nhiều gỗ quý nằm trong Sách Đỏ như Trắc, Mun, Cẩm lai, Giáng hương, Gõ đỏ, Gõ mật, Huỳnh đàn… Phải chăng đây chính là lý do mà tỉnh không chuyển cho các bộ chuyên môn thẩm định, tìm cách đi đường tắt đến Quốc hội?

 

Chính quyền nêu mục đích là làm hồ để cung cấp nước cho khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Lập luận này không hợp lý. Khi đầu tư dự án, nhà đầu tư có chờ dự án hồ nước không? Nhà đầu tư triển khai dự án thì phải có hạ tầng đầy đủ (đường sá, điện, nước…).

 

Về sản xuất nông nghiệp, có ai chắc chắn rằng khi có nước người nông dân sẽ sản xuất nông nghiệp và sản xuất hiệu quả. Với sản xuất nông nghiệp hiện nay, trước hết người nông dân phải tính đến thị trường để quyết định trồng cây gì, hoặc nuôi con gì; người dân phải xem thổ nhưỡng phù hợp cho cây trồng, vật nuôi và hiệu quả kinh tế với rất nhiều yếu tố chứ không chỉ có nước.

 

Một thực tế theo công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh, khó khăn hiện nay trên địa bàn Hàm Thuận Nam là hầu hết các tổ thủy nông nội đồng hoạt động chưa hiệu quả, bên cạnh những hồ bỏ hoang suốt 16 năm nay.

 

Việc phá hơn 600 ha rừng tự nhiên để làm hồ Ka Pét (thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã bỏ qua thực tế ngay trong tỉnh. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (VSMTNT) thì từ năm 2010, Huyện Hàm Thuận Nam đã giúp dân thoát khỏi nỗi lo về nước sạch trong mùa khô. Trạm nước sạch được xây dựng lấy nước 7 giếng ngầm, thiết lập đường ống 6.320 mét, cung cấp 150m3 ngày.

 

Tỉnh Bình Thuận có 49 hồ đập, tại sao không xem nơi nào thuận tiện làm mương nước đưa về cung cấp cho các nơi thiếu nước canh tác ở Hàm Thuận Nam, như TP Hồ Chí Minh đã làm kinh dẫn nước từ Hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho huyện Củ Chi; tỉnh Tây Ninh làm mương cạn dài 117km về cung cấp nước cho hai huyện Châu Thành và Huyện Bến Cầu. Với thực tế này, chính quyền tỉnh Bình Thuận còn có nhiều cách cung cấp nước theo nhu cầu mà không nhất thiết phải phá trên 600ha rừng tự nhiên.

 

Hơn nữa, trong 48 năm qua, 2/3 rừng tự nhiên đã biến mất do sự quản lý yếu kém của các cơ quan có thẩm quyền đã gây hậu quả như ta thấy. Mỗi khi lập dự án thủy điện, lúc nào chủ đầu tư cũng đều hứa trồng lại rừng mới gấp 3 lần, nhưng không bao giờ họ làm đúng và không một ai chịu trách nhiệm nên mới xảy ra tình hình nêu trên. Trong dự án này tỉnh Bình Thuận hứa sẽ trồng lại 1.800ha rừng mới. Ai dám tin?

 

Vì vậy, giờ đây không được phá thêm một mét vuông rừng tự nhiên nào nữa mà phải bảo vệ, khoanh nuôi những rừng còn lại cho tốt. Không có rừng tự nhiên thực, không có nguồn nước cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện…

 

Vì những lý do trên, chúng tôi phản đối việc tàn phá trên 600 ha rừng tự nhiên để làm hồ chứa nước và đề nghị tìm phương cách khác cung cấp nước theo nhu cầu thực tế.

 

Ngày 23 tháng 09 năm 2023

 

__________

 

Đồng ký tên:

 

Diễn đàn Xã Hội Dân Sự: Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

 

Bauxite Vietnam: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

 

Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo sư Nguyễn Đình Cống.

 

Câu lạc bộ Phan Tây Hồ: Tiến Sỹ Hà Sĩ Phu.

 

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng: Ông Lê Thân.

 

(Danh sách tiếp tục cập nhật)…





No comments: