Tướng lĩnh lão thành âm thầm
gây áp lực lên Tập tại Bắc Đới Hà?
Katsuji Nakazawa
- Nikkei Asia
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
Cuộc thanh trừng trong hàng ngũ quân đội và sự bất
mãn âm ỉ đã khiến các vị tướng về hưu phải họp mật nghị.
Tại một cuộc họp ở khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới
Hà hồi mùa hè này, một nhân vật hàng đầu trong quân đội, 94 tuổi, đã ngồi im lặng
trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình và những người ra quyết định hàng đầu khác của
Đảng Cộng sản Trung Quốc cẩn trọng lắng nghe một đảng viên lão thành đã nghỉ
hưu khác nhận xét về tình hình đất nước.
Mật nghị hàng năm tại thành phố biển tỉnh Hà Bắc
là không gian cho các lãnh đạo đảng đương nhiệm và lão thành trao đổi quan điểm
về các vấn đề quan trọng một cách không chính thức. Nhưng năm nay thì khác. Chỉ
có một đảng viên lão thành lên tiếng, trong khi các quan chức đương nhiệm lắng
nghe.
Các nguồn tin quen thuộc với những vấn đề nội
bộ của Trung Quốc đã tiết lộ một số thông tin hiếm hoi về cuộc họp, “Chỉ có một
số đảng viên lão thành quyền lực và được lựa chọn mới có mặt tại Bắc Đới Hà vào
mùa hè này.” “Một trong những nhân vật này đến từ Quân đội Giải phóng Nhân
dân.” “Sau cuộc gặp với các đảng viên lão thành, Tập đã trút giận lên các trợ
lý thân cận.”
Đại diện của nhóm đảng viên lão thành là cựu
Phó Chủ tịch Trung Quốc, Tăng Khánh Hồng, 84 tuổi, như đã
đưa tin trong chuyên mục này hai tuần trước. Nhưng một nhân vật nổi bật
khác cũng có mặt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/09. Khoảng
một tháng trước đó, Tập có thể đã nghĩ rằng ông đang cho các quan chức đã nghỉ
hưu một cơ hội để “xả bức xúc.” (Nguồn ảnh Telegram của Thủ tướng Campuchia/AP)
© AP
Ngồi cạnh Tăng là Trì Hạo Điền, một đảng viên
lão thành xuất thân từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Vừa 94 tuổi vào mùa
hè này, ông đã giữ các chức vụ chủ chốt trong quân đội suốt nhiều năm.
Trì Hạo Điền đã dành phần lớn sự nghiệp quân sự
để tham gia vào các vấn đề chính trị với tư cách là Tham mưu trưởng của PLA.
Sau đó, ông giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 10 năm.
Ông cũng đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy
Trung ương, một vị trí lãnh đạo hàng đầu trong quân đội, và còn là Uỷ viên Quốc
vụ, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng, trong phần lớn thời gian làm Bộ trưởng
Quốc phòng.
Nhờ sự nghiệp quân sự xuất sắc của mình, Trì
được nhiều người xem là một cố vấn đáng kính, luôn theo dõi sát sao quân đội.
Ngày 23/03/1998, trong giai đoạn làm Bộ trưởng
Quốc phòng, Trì đã gặp Yuji Fujinawa, lúc đó là Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng
vệ Mặt đất Nhật Bản. Trì nói với Fujinawa rằng việc trao đổi quốc phòng sẽ giúp
hai bên tin tưởng lẫn nhau và đóng góp cho an ninh khu vực.
Hình ảnh của Trì Hạo Điền chụp vào tháng 3/1998, khi
ông còn là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Bức ảnh trên đây, được chụp ngay trước cuộc gặp
đó, đánh dấu thời kỳ mà quân đội Trung Quốc còn khá công khai, chứ không bí mật
như bây giờ. Trong lúc chờ Fujinawa, Trì đã vui vẻ làm theo yêu cầu của các nhà
báo Nhật Bản muốn chụp ảnh ông.
Nhưng đó là vào 25 năm trước. Mùa hè này, Trì
Hạo Điền đến Bắc Đới Hà cùng với Tăng Khánh Hồng và ngồi cạnh cựu phó chủ tịch.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết vị đảng viên lão thành trong quân đội đã
không nói một lời nào. Sự im lặng của ông thật thú vị.
Sau khi trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương
(CMC), Tập đã đưa ra một khẩu hiệu định hướng cho quân đội “nghe và làm theo mệnh
lệnh của đảng.” CMC hiện là cơ quan giám sát hàng đầu của PLA.
Nếu khẩu hiệu mới – “nghe và làm theo mệnh lệnh
của đảng” – được hiểu theo đúng nghĩa đen, thì nghĩa là quân đội trước đây từng
không tuân theo mệnh lệnh đảng. Tuy nhiên, PLA được thành lập để bảo vệ đảng,
và trong những ngày đầu thành lập, quân đội chính là đảng.
Năm 1989, PLA đã đàn áp các cuộc biểu tình ủng
hộ dân chủ của sinh viên để bảo vệ đảng. Sự việc khiến nhiều người thiệt
mạng nhưng chế độ độc đảng vẫn được duy trì.
Đây là một điểm quan trọng. Khi nhìn lại, có
thể nói rằng Tập đang sử dụng khẩu hiệu mới để kêu gọi lòng trung thành tuyệt đối
với chính ông.
Quả thực, Tập đã quyết tâm loại bỏ các phe
phái thân cận với hai cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ra khỏi
quân đội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Tập, một cuộc điều tra nghiêm ngặt đã được
tiến hành đối với các cựu quân nhân đã nghỉ hưu, trong đó có Từ Tài Hậu, cựu
phó chủ tịch CMC, về vấn đề tham nhũng.
Nhiều đảng viên lão thành trong quân đội bị Tập
nhắm đến đã bị kết án tù chung thân. Từ cũng bị giam giữ, nhưng đã qua đời vào
tháng 3/2015 tại một bệnh viện, nơi ông được điều trị sau khi bệnh ung thư bàng
quang di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Từ Tài Hậu (trái) cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung
ương Trung Quốc, là một trong số các quan chức quân đội đã nghỉ hưu bị điều tra
về vấn đề tham nhũng. (Ảnh của Katsuji Nakazawa)
Cuộc thanh trừng các quan chức quân đội vẫn tiếp
tục. Tháng 11/2017, Trương Dương, Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Quân ủy
Trung ương, đã treo cổ tự tử tại nhà riêng trong lúc bị quản thúc tại gia vì
nghi ngờ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Cuộc thanh trừng tàn bạo nhằm loại bỏ các thế
lực cũ ra khỏi quân đội vẫn tiếp tục cho đến tận hôm nay.
Kỷ luật vẫn được duy trì. Các quan chức quân đội
dù bất mãn đến đâu cũng không thể bày tỏ sự bất bình, một phần vì lòng kiêu
hãnh của họ với tư cách là người bảo vệ đảng.
Điều này khiến các cựu quân nhân đã nghỉ hưu
buộc phải truyền đạt cho các nhà lãnh đạo đảng biết rằng tình hình quân đội
ngày nay đã nghiêm trọng đến mức nào.
Nhưng Tập hiện là nhà lãnh đạo tối cao của Ban
Chấp hành Trung ương đảng. Ngay cả đối với những quân nhân lão thành có ảnh hưởng
lớn như Trì, việc đưa ra bất kỳ chỉ trích nào ngay trước mặt Tập cũng là điều cấm
kỵ. Đó là lý do tại sao Trì lại để Tăng, gương mặt đại diện cho các đảng viên
lão thành, lên hàng đầu, trong khi bản thân ông giữ im lặng.
Sự hiện diện của một nhân vật nặng ký trong
quân đội có lẽ đã đủ để Tập khó chịu, vì điều đó khiến Tập không thể phớt lờ lời
khuyên của Tăng.
Năm nay, các đảng viên lão thành đã trao đổi
quan điểm từ trước khi diễn ra mật nghị Bắc Đới Hà, nhiều khả năng họ đã họp ở
ngoại ô Bắc Kinh.
Trong quá khứ, Tập rất ghét việc các đảng viên
lão thành gặp riêng hoặc trao đổi quan điểm với nhau. Nếu những nhận xét chỉ
trích Tập trong các cuộc thảo luận như vậy được phổ biến rộng rãi trong công
chúng, chúng có thể ảnh hưởng đến cơ sở quyền lực của ông.
Do đó, Tập đã đưa ra “thông báo chính thức” cảnh
báo nhóm đảng viên lão thành không được gặp riêng nhau. Ông cũng tận dụng tối đa
các trợ lý thân cận của mình để giám sát các đảng viên lão thành.
Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết cuộc gặp trước
thềm Bắc Đới Hà của các đảng viên lão thành “không hẳn là một cuộc họp bí mật.”
Thật ra, nó đã được lãnh đạo đảng chấp thuận, vì thực sự không còn lựa chọn nào
khác.
Tập nhận thức được rằng tình hình chính trị,
kinh tế và xã hội Trung Quốc đang rơi vào khó khăn nghiêm trọng. Với tỷ lệ thất
nghiệp cao chưa từng thấy, thanh niên đã sẵn sàng nổi loạn. Khi phong trào biểu
tình “giấy trắng” của giới trẻ lan rộng vào cuối năm ngoái, nó đã gây chấn động
trong đảng.
Để tránh xảy ra hỗn loạn, trong chừng mực nào
đó, giới lãnh đạo đảng cần phải lắng nghe tiếng nói của các đảng viên lão
thành. Tập có lẽ nghĩ rằng ông chỉ đơn giản trao cho các quan chức đã nghỉ hưu
một cơ hội để “xả bức xúc.”
Tuy nhiên, thay vì “xả bức xúc,” lời khuyên mà
Tăng truyền đạt lại từ các đảng viên lão thành khác dường như đã gây được tiếng
vang lớn trong các tổ chức đảng trên toàn quốc suốt gần một tháng.
Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc tham dự Đối thoại
IISS Shangri-La ở Singapore ngày 2/6. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể
từ cuối tháng 8. © Reuters
Chưa có thông báo chính thức nào về tình hình
hiện tại của Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Nhưng các tin tức cho rằng
ông đã bị thanh trừng đang lan truyền khắp thế giới.
Giống như Tần
Cương, người đã bị cách chức Ngoại trưởng hồi tháng 7, Lý là một nhân vật
quan trọng, kiêm nhiệm chức Ủy viên Quốc vụ, ngang hàng với phó thủ tướng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Tập phát động cuộc thanh
trừng trong quân đội hoàn toàn dựa trên mục đích chính trị của riêng ông, hay
ông bị buộc phải hành động do có tác động từ bên ngoài.
Nhưng có một điều rõ ràng. Quân đội Trung Quốc
đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Những sự kiện bất thường quan trọng đã xảy ra
trong quân đội vào khoảng thời gian diễn ra mật nghị Bắc Đới Hà và cuộc họp của
các đảng viên lão thành ngay trước đó.
Ngày 01/08, người ta đưa tin chỉ huy Quân chủng
Tên lửa, cơ quan giám sát kho vũ khí tên lửa và hạt nhân của Trung Quốc, đã bị
bắt.
Những thay đổi nhân sự được công bố một ngày
trước đó cho thấy rằng tư lệnh và chính ủy, hai quan chức hàng đầu của Quân chủng
Tên lửa, đã bị thay thế.
Ngoài ra, một cựu phó chỉ huy Quân chủng Tên lửa
được đưa tin đã qua đời vào đầu tháng 7, nhiều khả năng là do tự sát, theo nhận
định của một số người. Thêm nữa, có thông tin cho rằng một vụ rò rỉ thông tin
nhạy cảm nghiêm trọng đã kích động sự hỗn loạn này.
Chỉ huy và chính ủy mới của Quân chủng Tên lửa
lần lượt đến từ Hải quân và Không quân. Người ngoài chẳng thể nào nhanh chóng tiếp
quản Quân chủng Tên lửa, bởi đơn vị này cần phải được vận hành một cách chuyên
nghiệp.
Không khó để tưởng tượng rằng trong hàng ngũ
quân đội đang có những bất mãn lớn.
Nếu Lý Thượng Phúc, người phụ trách toàn bộ
công tác hành chính và quan hệ đối ngoại của quân đội, bị cách chức, tình trạng
hỗn loạn trong tổ chức chắc chắn sẽ ngày càng sâu rộng.
Thú vị hơn nữa, người ta tin rằng Tập đã đích
thân bổ nhiệm Lý, 65 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ, bất chấp
tuổi tác của ông.
Những cuộc thanh trừng bất thường, tình trạng
hỗn loạn và sự bất mãn âm ỉ trong quân đội có thể có liên quan đến sự hiện diện
thầm lặng của Trì Hạo Điền, người vẫn luôn theo dõi sát sao quân đội Trung Quốc,
tại cuộc họp Bắc Đới Hà mùa hè này.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp
cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên
thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã
nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
No comments:
Post a Comment