Thứ Bảy, 09/23/2023 - 11:09 — VietTuSaiGon
https://www.rfavietnam.com/node/7774
Một gốc cây si đồ sộ ở Tây Nguyên, miền Trung
Việt Nam bị chặt bỏ vì cho rằng nó chiếm không gian công cộng, trong quá trình
chặt, người ta phát hiện hình gương mặt Đức Chúa Giê Su trên thân cây, vậy là
những người thợ bủn rũn tay chân, bỏ về, bà con xúm vào lạy cây. Việc lạy cây
và có dấu hiệu xin xỏ ban phước của bà con mà đa phần là đồng bào thiểu số Tây
Nguyên khiến tôi nhớ đến chuyện ông Nguyễn Sự, cựu Bí thư thành phố Hội An lạy
cát một thời.
Chuyện là cách đây chừng mười năm trở lại
(trùng với thời gian Trung Quốc thi công đắp các bãi đá và xây dựng trên quần đảo
Trường Sa), bờ cát bãi biển Hội An kéo dài ra Đà Nẵng liên tục sụt lở, mặc dù
chính quyền bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để xây bờ kè nhưng trong chốc lát, mọi thứ
lại đâu vào đó, qua một mùa mưa thì biển ăn dần vào đất liền, riêng đoạn cuối
bãi Cửa Đại, ở mũi tàu dẫn ra Cù Lao Chàm, dường như sóng đã xâm nhập vào hàng
trăm mét, xóa dấu hai khu resort lớn. Mọi biện pháp chống xói lở trở nên vô
nghĩa. Trong khi đó, có hàng trăm tàu hút cát của Việt Nam vẫn liên tục hút
cát, bán cho phía Trung Quốc để họ xây Trường Sa.
Một bên hút, một bên xây, thềm lục địa khu vực
miền Trung bị tổn thương trầm trọng, dòng chảy thay đổi, sóng liên tục va đập
vào bờ biển miền Trung, nhưng thay vì tìm ra nguyên nhân, chính quyền lại nháo
nhào khắc phục hậu quả và hết năm này sang năm khác bị lở lói. Chỉ đến khi các
tàu hút cát trộm bị bắt (vụ này sau đó cũng chìm xuồng, chẳng nghe nói gì thêm)
và nạn khai thác cát bán cho Trung Quốc được chặn đứng thì sau một mùa mưa, bờ
biển miền Trung lại có một đợt sóng mới mang cát vào bồi đắp thành một bãi cát
rộng chừng chục hecta ngay mũi Cù Lao Chàm. Khi bãi cát hiện ra, ông Nguyễn Sự
(lúc này đã về hưu nhưng vẫn luôn là người đại diện, phát biểu các vấn đề có
tính thời sự của Hội An) mới rủ một nhóm phóng viên các báo trong nước mang
theo một nắm hương ra thắp và lạy cát.
Chuyện lạy cát của ông Sự nhanh chóng trở
thành đề tài có tính “nhân văn, nhân bản, thuần tự nhiên” của rất nhiều tờ báo
trong nước. Và dường như tờ báo nào cũng xem đây là hành động có tính văn hóa,
có tính tâm linh, mang dáng dấp của một sự phục vụ hết lòng vì dân, lòng người
đã gọi thấu trời đất... đại khái là vậy.
Chuyện ông Sự lạy cát cũng xảy ra gần với kỳ bầu
cử Tổng thống Mỹ thứ 46, lúc này, ông Biden đang là ứng cử viên của đảng Dân Chủ,
cũng đi khắp đất nước và sẵn sàng hôn hay quỳ gối trước những người da màu, sự
quỳ lụy của ông diễn ra nhiều vô tội vạ, người ta không hiểu lần này ông quỳ vì
cái gì, lần kia ông quỳ vì cái gì, cứ thấy Biden là thấy quỳ. Và nhiều người
cho rằng dường như thế giới đang bước vào một kỉ nguyên Quỳ, rất có thể là vậy,
người ta quỳ tùy tiện, quỳ như một bảo chứng nào đó về lương tri hay trách nhiệm
của một nhà lãnh đạo, hình như tâm lý con người, nhất là những người da màu vốn
bị tổn thương lâu dài trong lịch sử luôn cần một sự an ủi, quỳ lụy để cho niềm
tin rằng sự phân biệt, kỳ thị và nỗi thống khổ của họ sẽ chấm dứt khi vị này
lên làm Tổng thống.
Nói như vậy để thấy rằng không riêng gì người
da màu ở Mỹ hay quốc gia phương Tây nào mà người da màu ở ngay trên đất nước Việt
Nam này, một quốc gia của những người da màu, họ cũng cần một sự quỳ lụy nào đó
từ phía nhà cầm quyền. Bởi quỳ lụy như một sự đồng cảm sâu xa trong kiếp làm
dân đen Việt Nam.
Ngược với câu chuyện quỳ lạy của Nguyễn Sự,
câu chuyện quỳ lạy của những người đồng bào thiểu số Tây Nguyên lại bị xem là
mê tín, một sự thiếu hiểu biết, thậm chí u mê và dị đoan. Vậy đâu mới là mê tín
dị đoan?
Những tín đồ Công Giáo nhìn thấy hình tượng Đức
Chúa trên cây si, họ lạy Đức Chúa của họ, với niềm tin rằng có thể Đức Chúa hiện
ra như những lần hiển linh khác ở La Vang, Trà Kiệu, Fatima... Bởi khi các tín
đồ đau đớn, gặp cảnh loạn li, gặp chuyện trớ trêu, nguy hiểm, Ngài luôn hiện ra
trong niềm tin trong suốt và thành kính của các tín đồ, để cứu rỗi, cứu vớt và
che chở cho tín đồ của Ngài. Niềm tin của một tín đồ vào đấng Giáo Chủ không
bao giờ gọi là mê tín được, mà đó là niềm tin tôn giáo. Nếu như chỉ lạy một cái
cây vì lời đồn rằng cái cây ấy có Đức Chúa hiện về mà không thấy hình ảnh của
Ngài thì đó là chuyện mê tín dị đoan. Nhưng một khi cái cây tượng hình Đức Chúa
thì nghiễm nhiên cái cây ấy đã là tượng Chúa và tín đồ lạy Chúa chứ không phải
lạy cái cây. Đây là niềm yêu kính và xác tín vào tình yêu Thiên Chúa.
Điều này khác hẳn kiểu lạy mang hơi hướm bái vật
giáo của ông Nguyễn Sự, một đảng viên Cộng sản kì cựu và khôn ranh, từng làm
lên chức vị lãnh đạo tối cao của một thành phố du lịch được xem là con gà đẻ trứng
vàng của ngành du lịch Việt Nam như Hội An. Và ai cũng hiểu rằng người đảng
viên Cộng sản thì vô thần, họ không có tôn giáo, đảng Cộng sản chính là tôn
giáo của mỗi đảng viên và nếu có giáo chủ, thì có lẽ, Mác, Lê Nin, Hồ Chí Minh
là những bậc giáo chủ tối cao mà họ phải lạy. Thế nhưng gần đây, hiện tượng các
lãnh đạo Cộng sản chuyển sang “lạy”, từ lạy cát cho đến lạy Phật, lạy các danh
nhân ngày càng phổ biến.
Thôi thì lạy Phật, lạy danh nhân còn dễ hiểu,
bởi thời đại mới, con người cũng phải suy nghĩ mới hơn một chút, sống tử tế và
tâm linh hơn một chút, lạy như một sự nhún nhường, khiêm cung trước bề trên,
trước lịch sử, trước những vấn đề và hiện tượng tâm linh. Và trong một chừng mực
nào đó, lạy giống như một bông lúa trĩu nặng, biết cúi đầu trước bầu trời xanh.
Nhưng rồi lạy vô tội vạ, lạy theo kiểu bái vật giáo, lạy để thấy rằng mình biết
lạy trước muôn trùng là một kiểu hoặc là diễn quá lố, hoặc là mê tín dị đoan.
Bởi quay trở lại vấn đề lạy cát của ông Nguyễn
Sự, kỳ thực, trong thời đại này, chỉ cần chính quyền biết giữ gìn tài nguyên
môi trường, đừng để bọn sa tặc lộng hành, hút hàng triệu khối cát ở thềm lục địa
bán cho Trung Quốc thì làm gì có chuyện bờ biển bị xâm thực đến độ tan nát, thì
cần gì phải loay hoay khắc phục lở lói, người dân mất trắng tài sản mà tính ra
lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, nhà nước bỏ ra hàng trăm tỉ đồng (suy cho cùng
cũng là tiền của dân) để khắc phục hậu quả mà càng khắc phục thì càng lở lói?!
Có những cái lạy khiến cho người ta lớn ra,
nhưng cũng có những cái lạy biểu hiện sự giả dối, diễn kịch và hơn hết là vô
hình trung tạo ra hình ảnh ngu dân, mê tín dị đoan.
Và không hiểu tại sao càng về sau, người ta
càng ưa diễn lạy, nhất là càng quan chức đảng viên, ngoài việc ưa diễn lạy, còn
trình diễn thơ, lẩy Kiều, và việc này không những diễn ra trong tiệc nhậu,
trong phòng karaoke hay ở những chỗ ăn chơi kín đáo, sang trọng... mà nó diễn
ra ngay trước vành móng ngựa.
Một thời đại lạy, một thời đại lẩy Kiều, một
thời đại đọc thơ vô tội vạ, trăm hoa đua nở đang diễn ra chăng?!
No comments:
Post a Comment