Trung
Quốc : Từ vỡ bóng địa ốc đến nguy cơ vỡ nợ
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 26/09/2023 - 15:15
15 năm sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brother’s phá sản
gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến lượt Trung Quốc bị lôi vào
vòng xoáy của một cuộc khoảng địa ốc âm ỉ từ 2021. Tại một quốc gia mà hơn 1/4
tín dụng ngân hàng « rót » vào các công trình xây dựng và các tập
đoàn trong ngành chiếm 20 % trị giá trên sàn chứng khoán thì mối lo có lẽ lại
càng lớn.
Một công trường xây dựng nhà ở tại
Thiên Tân (Tianjin), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 18/08/2023. REUTERS -
TINGSHU WANG
Trong bài tham luận đăng trên nhật báo Le Monde hôm 22/09/2023 kinh tế
gia Victor Lequillerier thuộc cơ quan tư vấn BSI Paris báo động, tại Trung Quốc, « chỉ
từ nay đến 2025, 13 tỉnh thành với trọng lượng kinh tế 20 % GDP toàn quốc bị đe
dọa mất khả năng thanh toán ».
Đâu là liên hệ giữa khủng hoảng bất động sản với nguy cơ « vỡ nợ »
ở cấp chính quyền địa phương Trung Quốc ? Nợ bất động sản tại Trung Quốc
là bao nhiêu và liệu Ngân Hàng Trung Ương, dưới sự chỉ thị của đảng Cộng Sản
Trung Quốc, có còn khả năng can thiệp nữa hay không, tránh một « thảm họa »
về kinh tế và xã hội ?
Trên kênh truyền hình Pháp Public Sénat, hôm 13/09/2023 nhà kinh tế học
Sylvie Matelly, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp
đã giải thích về liên hệ giữa một cuộc khủng hoảng bất động sản và ngân hàng
:
« Các
cuộc khủng hoảng tài chính thường do khủng hoảng
địa ốc
mà ra. Tại sao vậy ? Đơn giản là khi đi mua nhà, thường người ta phải đi
vay ngân hàng. Rủi ro ở đây đối với ngân hàng là nhà đất mất giá. Điều đó có
nghĩa là thị trường bất động sản mà sụp đổ thì tiếp theo đó là giới tài chính,
ngân hàng bị rơi vào bẫy nợ. Hệ quả sau cùng là khủng hoảng kinh tế ».
« Cá nằm trên thớt »
Nợ của công ty môi giới địa ốc Trung Quốc Evergrande lớn hơn GDP của Hy
Lạp. Country Garden, một cái tên lớn trong ngành trong thế « cá nằm trên
thớt », vừa tạm thời thoát hiểm tránh phải tuyên bố phá sản nhưng không biết
sẽ cầm cự bao lâu với số nợ gần 200 tỷ đô la. Chi nhánh ngân hàng của
Zhongrong, một trong ba ông khổng lồ trong ngành tháng 8/2023 đã không thể
thanh toán cho khách hàng đúng thời hạn do « thiếu tiền mặt ».
Vào lúc bất động sản bị đóng băng, thì các chính quyền địa phương không
biết phải làm gì với gần 650 triệu mét vuông nhà ở đã xây dựng hoàn tất nhưng bị
bỏ trống vì không có người mua. Với diện tích đó, nếu tình trung bình một căn hộ
90 thước vuông, thì trên cả nước Trung Quốc có đến hơn 7 triệu căn hộ đợi chủ
nhân vào ở. Theo thống kê chính thức hồi tháng 7/2023 « khoảng 20
% nhà mới xây tại các khu chung cư đang bị bỏ trống ».
Vỡ bóng địa ốc
Hình ảnh những chung cư, thậm chí là những khu phố còn mới nguyên nhưng
không có bóng người qua lại đó đang để lộ một thực tế đó là Trung Quốc đang bị
vỡ bong bóng địa ốc. Bà Sylvie Matelly của viện IRS nhắc lại ba nét đặc thù
lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc :
« Đầu
tiên hết, đây là một lĩnh vực được Nhà nước tài trợ một cách rất hào phóng. Điểm
thứ nhì là hầu hết các nhà thầu và cơ quan môi giới địa ốc đều tham nhũng, đều
phải biết chi tiền đúng chỗ và phải có những mối quan hệ tốt với các giới chức
địa phương. Điểm thứ ba là Trung Quốc không có những chỉ số đáng tin cậy về những
chuyển biến trên các thị trường. Thị trường địa ốc cũng vậy. Điều đó có nghĩa
là dân chúng vẫn tiếp tục đi vay để mua nhà và phải mua với giá đắt trong lúc
mà thị trường đã bão hòa. Các công ty xây dựng gặp khó khăn và không thể trao
hàng đúng thời hạn… nhưng những điều đó thì người đi mua không được biết. Cho
nên là quả bóng địa ốc vẫn được thổi lên ».
Trên đài phát thanh France Culture (ngày 02/09/2023) Agatha Kratz tổng
biên tập tạp chí China Analysis giải thích thêm về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng
« vỡ bong bóng địa ốc » tại Trung Quốc :
« Có
hai yếu tố then chốt : ngành địa ốc dư thừa tiền, đã có rất nhiều tín dụng đổ
vào các tập đoàn địa ốc, vào các nhà thầu ,vào các công ty môi giới … Các công
ty liên quan đã lợi dụng tiền rẻ để phát triển và cứ mở hết công trường này đến
công trường khác. Cho đến khi nhu cầu không còn tăng mạnh như trước nữa thì những
công ty như Evergrande hay Country Garden … vẫn tiếp tục huy động thêm vốn và mở
thêm các chương trình bán nhà cho tư nhân. Quý 3 năm 2021 khi mà khủng hoảng địa
ốc tại Trung Quốc bắt đầu nhen nhúm, giới trong ngành đã thẩm định là tốc độ
xây dựng cao gấp đôi so với nhu cầu thực sự. Kế tới là ở Trung Quốc trung bình
80 % tài sản của một hộ gia đình là bất động sản. Họ dồn hết cả tiền tiết kiệm
vào đấy. Thị trường tài chính của Trung Quốc còn rất hạn chế cho nên những người
có tiền họ chỉ biết mua nhà. Họ cũng không thể giao dịch để đầu tư ở ngoại quốc
như dân ở Mỹ hay châu Âu ».
Kinh tế Trung Quốc là nạn nhân của chính mình
Một số nhà bình luận của phương Tây lo ngại khủng hoảng địa ốc Trung Quốc
ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, bởi nếu như lĩnh vực bất động sản đẩy kinh tế
Trung Quốc vào suy thoái, đương nhiên các nước xuất khẩu hàng hóa và nhất
nguyên liệu, năng lượng cho Trung Quốc bị vạ lây. Trái lại, tổng biên tập tạp
chí chuyên phân tích về tình hình Trung Quốc, Agatha Kratz nhấn mạnh tác động
tai hại trước hết là đối với Trung Quốc ở nhiều cấp, bởi nợ của Trung Quốc là
do các ngân hàng, do người dân Trung Quốc và các chính quyền địa phương nước
này nắm giữ.
« Bất động
sản chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc. Các chính quyền địa phương chiếm khoảng 15 %
tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ các khu chung cư hay các trung tâm thương mại
… Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên đầu tư như vậy đã phát triển mạnh
và nhất là kể từ những năm 2008-2009, sau vụ Lehman Brother's sụp đổ. Đó là thời
điểm xuất khẩu bị chựng lại dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và
Trung Quốc phải đi tìm một lực đẩy mới để bảo đảm tăng trưởng, để bảo đảm công
việc làm cho người dân. Các chính quyền địa phương đã huy động vốn và ồ ạt đầu
tư vào các công trình xây dựng. Điều đó giải thích vì sao hiện tại tổng nợ của
Nhà nước Trung Quốc ở cấp trung ương và của các chính quyền địa phương lên tới
hơn 200 % so với GDP nước này. Hơn nữa chúng ta biết đầu tư tại Trung Quốc
không có hiệu quả. Cụ thể là chính quyền địa phương đi vay với lãi suất ngân
hàng là 5 % để tài trợ cho những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng
lãi thu về được từ những chương trình đó sau nhiều năm chỉ là 1 % mà thôi. Hiện
tại nhiều thành phố, tỉnh thành mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ hay ít
ra là họ không thể tiếp tục mô hình kinh tế đó ».
45 % nguồn thu vào của các chính quyền địa phương là nhờ các giấy phép
chuyển nhượng đất đai cho các công trình xây dựng. Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ
Quốc Tế hồi tháng 2/2023 nợ « không được thống kê chính thức » của
các chính quyền địa phương tăng 30 % trong vòng 2 năm.
Nếu tính cả nợ « Chính thức và không được thống kê chính thức » tức
là của tư nhân, của cấp trung ương và các chính quyền địa phương Trung Quốc thì
tính đến cuối 2022, con số này đã vượt ngưỡng 9.200 tỷ đô la, tương đương với « một
nửa GDP » của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.
500 tỷ đô la để trả nợ ngân hàng
Một công ty Trung Quốc chuyên nghiên cứu các dữ liệu tài chính Wind được
báo Le Monde hồi tháng 3/2023 trích dẫn báo động, chỉ riêng trong năm nay các
chính quyền địa phương ở Hoa Lục sẽ phải huy động 500 tỷ đô la chỉ để
« thanh toán nợ ngân hàng ».
Trong ba năm dịch Covid hoành hành, các hoạt động kinh tế bị đình trệ
dưới tác động các đợt phong tỏa kéo dài, cùng lúc các phí tổn về y tế thì đã
tăng vọt với các chương trình xét nghiệm mỗi ngày đẩy nợ ở cấp chính quyền địa
phương Trung Quốc lên cao.
Đầu 2023, Bắc Kinh « mở cửa » trở lại sau ba năm áp dụng chủ
trương « zero Covid » Trung Quốc cũng như là cộng đồng quốc tế đã tưởng
chừng tăng trưởng và thiêu thụ nhanh chóng phục hồi nhưng các chỉ số trong quý
2/2023 gây thất vọng.
Bức tranh kinh tế của Trung Quốc lại càng ảm đạm hơn vào lúc mà nợ đáo
hạn của các chính quyền địa phương, của các tập đoàn địa ốc càng lúc càng cận kề,
thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ dốc. Cơ quan tư vấn BSI nghi
ngờ đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể huy động « từ 10 đến 22 điểm
trong GDP để thanh toán nợ » hay không ?
Có một điều chắc chắn là 15 năm sau Lehman Brother’s, những chuyển biến
trong lĩnh vực bất động sản đang đặt giới tài chính và ngân hàng Trung Quốc
trong thế « ngồi trên lửa ». Ngày 17/08/2023 họp báo tại
Bắc Kinh các giới chức liên quan khẳng định « làm tất cả, nhất quyết
chống lại rủi ro khủng hoảng lan rộng ». Sáng lập viên quỹ đầu cơ
Bridgewater tương đối lạc quan tin vào cam kết đó bởi Nhà nước Trung Quốc bắt
buộc sẽ « mua lại » nợ khó đòi của ngành địa ốc.
Khác hẳn với trường hợp của Hoa Kỳ 15 năm trước đây trong vụ Lehman
Brother’s, các chủ nợ của Trung Quốc là chính « các định chế và công dân
nước này », hơn thế nữa Đảng và « trung ương » kiểm soát tất cả
nên lại càng dễ dàng can thiệp bất kỳ lúc nào, tránh để xảy ra kịch bản
« tệ hại nhất ». Điều đó không cấm cản « khủng hoảng địa ốc ở
Trung Quốc sẽ kéo dài » như giáo sư George Magnus đại học Anh Oxford tiên
đoán trên báo Hồng Kong South China Morning Post.
No comments:
Post a Comment