Trung
Quốc : Mặc trang phục « làm tổn hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết
án
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày: 16/09/2023 - 10:01
Chính phủ
Trung Quốc dự định sửa đổi luật an ninh công cộng : những bình luận, những bộ
trang phục hay biểu tượng « làm suy yếu » hoặc có thể « làm tổn
hại tinh thần dân tộc » có thể bị kết án hình sự. Theo đài France 24, nếu
dự luật được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, những ai vi phạm có thể sẽ bị giam
giữ 2 tuần hoặc phải nộp khoản tiền phạt tương đương vài trăm đô la.
(Ảnh minh họa) - Hai người phụ nữ Trung Quốc trong trang phục truyền thống
Kimono của Nhật Bản chụp ảnh lưu niệm tại công viên Yuyuantan ở Bắc Kinh, ngày
30/09/2019 nhân lễ hội hoa anh đào. AP - Andy Wong
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Trung Quốc gửi
về bài tường trình :
« Rõ ràng, người dân Trung Quốc rất nhạy cảm và
đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn có ý định tấn công bất cứ điều gì có thể
« làm tổn thương tình cảm dân tộc ». Dự luật này, hiện đang được đưa
lên trang web của Quốc Hội để lấy ý kiến công chúng, đã gây ra rất nhiều
phản ứng trên các mạng xã hội.
Các luật sư đặc biệt lo ngại về nguy cơ « chệch
hướng, lạm dụng tùy tiện » do có một số điều mơ hồ. Theo các chuyên gia và
bloggeur, dự luật này trên thực tế là nhằm kết tội hình sự bất cứ điều gì có thể
gây tổn hại đến điều họ xem là « tình cảm của đất nước » hay
« tinh thần dân tộc », những khái niệm vừa mơ hồ vừa mang tính bao
quát rất rộng.
Trên tài khoản Twitter (được Reuters trích dẫn),
Tong Zhiwei, chuyên gia luật hiến định tại Đại học Khoa học Chính trị Hoa Đông,
đặt câu hỏi : Ai sẽ khẳng định điều gì thuộc về « tinh thần dân tộc
Trung Quốc » ? Và theo những thủ tục gì ?
Năm ngoái, một người phụ nữ Trung Quốc mặc kimono
(trang phục truyền thống Nhật Bản), đang đi trên đường thì bị cảnh sát bắt giữ.
Cảnh sát Trung Quốc, giống như những người làm công tác kiểm duyệt, đôi khi
không cập nhật các xu hướng thời trang.
Cách nay vài ngày, một số người Trung Quốc mặc trang
phục nhà Đường bị ngăn vào một công viên ở thành phố Vũ Hán. Những nhân viên bảo
vệ ở đó đã nhầm tưởng là những chiếc ô, dù cầm tay và trang phục của những người
này là trang phục Nhật Bản, kiểu trang phục có thể xúc phạm tới « tinh thần
dân tộc » Trung Quốc ».
Dự luật được đưa ra « lấy ý
dân » đến hết ngày 30/09/2023, nhưng hiện giờ đang vấp phải sự chỉ
trích mạnh mẽ từ công luận. Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, được
France 24 trích dẫn, cho biết chỉ trong một tuần, đã có tới 70.000 người đưa ra
ý kiến, đa phần là phản đối dự luật. Một số phương tiện truyền thông Nhà nước bảo
thủ, thậm chí còn yêu cầu chính phủ giải thích, điều mà nhà nghiên cứu về Trung
Quốc, Marc Lanteigne, tại Na Uy cho là khá hiếm xảy ra tại Trung Quốc.
Đây không phải lần đầu tiên ch ính quyền Trung
Quốc lợi dụng những điều mơ hồ để dễ bề kiểm duyệt. Thế nhưng, lần này theoông
Ho Ting “Bosco” Hung, chuyên gia về Trung Quốc tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc
tế Verona (ITSS Verona), việc chính quyền « động chạm » đến
trang phục - một khía cạnh thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày - khiến người
dân lo sợ rằng, chẳng hạn, mặc những bộ quần áo nhập khẩu từ nước ngoài đến
công sở sẽ bị quy tội. Ông Ho Ting “Bosco” Hung, nhắc lại : « Từ
những năm 1980 đã có một kiểu thỏa hiệp quốc gia ngầm, theo đó Nhà nước không
can thiệp vào cách ăn mặc của người dân ».
Một luật sư nói đến lực lượng « cảnh
sát đạo đức », liên hệ đến những vụ việc đau lòng tại Iran hoặc
Afghanistan, liên quan đến những quy định khắc nghiệt về trang phục của phụ nữ
Hồi giáo.
Iran: Một năm tranh đấu vì quyền tự do sống cho phụ
nữ, bất chấp đàn áp của chính quyền
Ngày 16/09/2023 là tròn 1 năm ngày cô gái trẻ
Masha Amini, 22 tuổi, tử vong sau khi bị « cảnh sát đạo đức » Iran
bắt vì cáo buộc không mang khăn trùm đầu không đúng quy định. Cái chết của
Amini đã làm rúng động công luận trong nước và quốc tế, đồng thời tạo nên một
phong trào đấu tranh phản kháng, không chỉ thu hút phụ nữ và cả nam giới, bất
chấp sự đàn áp ngày càng gia tăng của chính quyền. Không chỉ đòi quyền sống,
quyền tự do cho phụ nữ, phong trào đấu tranh dân sự còn đòi lật đổ chế độ Hồi
giáo Teheran khắc nghiệt đã điều hành đất nước suốt 4 thập niên qua.
Riêng đối với phục trang của phụ nữ, theo tuần
báo Le Point số ra ngày 14/09, ngày càng nhiều người, nhất là các cô gái trẻ
thách thức chế độ, bảo vệ quyền tự do sống bằng cách công khai mặc trang phục
kiểu phương Tây, áo sơ mi, quần jean, không đeo mạng che mặt, không quấn khăn
che tóc … Nguy cơ bị cảnh sát đạo đức bắt bớ là rất cao, nên đối với họ, mỗi lần
ra đường trong trang phục như vậy « hoàn toàn là một cuộc tranh đấu
».
Càng gần đến ngày 16/09, các vụ bắt bớ ngày
càng gia tăng, nhất là tháng Bảy vừa qua, Teheran đã khôi phục trở lại lực lượng « cảnh
sát đạo đức » để kiểm tra trang phục của phụ nữ và từ tháng Tư, theo
đài TF1 của Pháp, cảnh sát Iran đã thông báo dùng trí thông minh nhân tạo (AI)
tại nơi công cộng để truy vết những phụ nữ vi phạm quy định phục trang mà chế độ
Hồi giáo Teheran áp đặt.
Trên đài RFI Pháp ngữ, ngày 13/09, ông Mahmood
Amiry-Moghaddam, thuộc tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights, lo sợ là chế độ
Teheran sẽ đàn áp người dân, với nhiều « chiêu bài » mới
vi phạm nhân quyền :
« Trong những tuần gần đây, chính quyền Iran đã
tăng cường các hành vi trấn áp. Họ triệu tập và đe dọa các nhà hoạt động xã hội
dân sự, cũng như thân nhân của những người đã bị giết hại trong các cuộc biểu
tình. Tại Iran, thường có phong tục mọi người tập trung vào dịp một năm sau khi
ai đó qua đời. Vì thế, chính quyền muốn tranh việc người dân tập trung và đã
chuẩn bị rất kỹ lưỡng để đối phó. Quý vị biết đấy, việc chuẩn bị này đã bắt đầu
từ cách nay vài tháng. Số vụ hành quyết ngày càng tăng. Đó là công cụ gieo rắc
nỗi sợ hãi trong xã hội.
(…) Tính đến thời điểm hiện tại, trong năm 2023, đã
có gần 500 người đã bị hành quyết và gần 200 người khác bị xử tử trong những
tháng sau khi diễn ra các cuộc biểu tình. Tức là trong vòng một năm, kể từ đầu
phong trào phản kháng cho đến nay, khoảng gần 700 người đã bị hành quyết, trung
bình 2 người mỗi ngày ».
Hàng ngàn vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công
giáo Thụy Sĩ chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm”
Sau Pháp, Tây Ban Nha và một số nước khác, nay
đến lượt Thụy Sĩ điều tra về nạn bê bối lạm dụng tình dục trong Giáo hội Công
giáo. Các học giả, trong một nghiên cứu diện rộng, ghi nhận có khoảng 1.000 nạn
nhân bị lạm dụng tình dục tính từ những năm 1950. Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ
xem đó là điều « vô cùng đáng sợ và đáng lo ngại ». Các nhà nghiên cứu
lịch sử của Đại học Zurich đã được ủy quyền để làm sáng tỏ nạn lạm dụng tình dục
trong Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ, họ cho rằng kết quả mới được công bố mới chỉ
cho thấy « phần nổi của tảng băng chìm ».
Từ Geneve, thông tín viên Jérémy Lanche ngày 12/09
gửi về bài tường trình :
« Các nạn nhân được ghi nhận tại mọi giáo phận
trong cả nước, phần lớn là nam giới. 3/4 số trường hợp là trẻ vị thành niên.
Báo cáo thậm chí còn đề cập đến những trường hợp trẻ sơ sinh bị lạm dụng. Điều
này có thể xảy ra ở bất cứ đâu : tại các buổi xưng tội, các buổi lễ hoặc trong
nhiều trường nội trú ở Thụy Sĩ do các giáo sĩ quản lý, nhất là hồi thế kỷ trước.
Cha Nicolas Betticher, người đã đề nghị Giáo hoàng
cho điều tra về những trường hợp đáng ngờ, vui mừng khi thấy sự thật cuối cùng
đã được đưa ra ánh sang. Ông nói : « Kể từ khi bức thư tôi gửi Đức Thánh
Cha được công bố, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nạn nhân, họ
nói với tôi rằng : « Xin hãy làm điều gì đó, nhưng tôi không đủ sức để nói ra
những điều tôi đã phải chịu đựng », tức là họ có một sự mất mất về tinh thần
vô cùng lớn ».
Trong một thời gian rất dài, phản ứng duy nhất của
chính quyền là che đậy các vụ linh mục lạm dụng, hoặc chuyển họ đi xa khỏi nơi
có nạn nhân, nhất là như điều diễn ra tại Pháp. Cha Nicolas Betticher nhận định :
« Dĩ nhiên là ở cấp độ toàn cầu, tất cả các Giáo hội đều đã thất bại. Tại
sao ? Bởi vì Giáo hội ở mọi nơi đều có cấu trúc giống nhau. Chúng ta không
thể tiếp tục duy trì quan niệm rằng một giám mục vừa là người cha tinh thần, vừa
là thẩm phán tối cao, người chịu trách nhiệm điều hành, đồng thời là người làm
ra luật. »
Giáo hội Công giáo Thụy Sĩ thừa nhận thất bại trong
việc bảo vệ nạn nhân và hứa tiến hành các cải cách. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp
tục điều tra trong khi chờ đợi tư pháp ra phán quyết ».
Bên lề G20, ra đời một liên minh mới về nhiên liệu
sinh học dưới sự dẫn dắt của Ấn Độ
Bên lề thượng đỉnh G20 ở New Delhi, ngày
09/09/2023, Ấn Độ tuyên bố thành lập một liên minh nhiên liệu sinh học mới nhằm
nghiên cứu và thúc đẩy năng lượng được sản xuất từ sinh khối. Liên minh mới gồm 19 nước, trong đó
có các nước nông nghiệp lớn Brazil, Hoa Kỳ, Achentina và Nam Phi và dĩ nhiên là
cả Ấn Độ. Thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học không chỉ là nhằm bảo vệ môi
trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu mà còn có ý nghĩa về kinh tế.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis giải
thích :
« Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định là đến
năm 2030, sản xuất nhiên liệu sinh học phải tăng gấp ba thì mới đạt được mục
tiêu trung hòa carbon. Hiện tại, chẳng hạn như ở Ấn Độ và Brazil, sản xuất
nhiên liệu sinh học là điều chế ethanol từ mía. Tại châu Âu, hầu như toàn bộ nhiên liệu sinh học
được sản xuất từ cải dầu (colza).
Nhưng cũng cần nghiên cứu để phát triển thế hệ nhiên
liệu sinh học thứ tư, theo như giải thích của Chandra Bhushan, giám đốc tổ chức
tư vấn môi trường iForest ở New Delhi : « Nhiên liệu sinh học hiện
nay được sản xuất bằng cách chuyển đổi các sản phẩm nông nghiệp thành ethanol.
Thế nhưng, thế hệ nhiên liệu sinh học tiếp theo sẽ không phải là từ nông nghiệp,
mà là điều chế từ tảo và vi sinh vật nhờ nguồn năng lượng mặt trời », theo
ông cách làm này sẽ cho phép đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Người ta còn gọi đó là
nhiên liệu tảo. Ưu điểm của tảo là sống nhờ nước biển và ánh sáng mặt trời,
không cần nước ngọt và phân bón.
Các nhu cầu về nhiên liệu sinh học có lẽ sẽ mở rộng
vượt ra bên ngoài lĩnh vực ô tô. Chandra Bhushan, giám đốc tổ chức tư vấn môi
trường iForest ở New Delhi, phát biểu : « Nhiên liệu sinh học sẽ có tầm
quan trọng trong lĩnh vực hàng không. Trong vòng 20 năm tới đây, trong khi chờ
đợi nguồn nhiên liệu hydrogene và ắc quy điện phát triển hơn, tôi nghĩ rằng động
cơ máy bay sẽ bắt đầu hoạt động với ethanol ».
Riêng Hoa Kỳ và Brazil, hai cột trụ sáng lập liên
minh nhiên liệu sinh học, sản xuất đến 82% lượng ethanol trên toàn thế giới ».
------------------------------
Các nội dung liên quan
Trung Quốc kiểm
duyệt 120 bài hát « phi đạo đức » trên mạng
Trung
Quốc kiểm duyệt tin đồn trên điện thoại di động
No comments:
Post a Comment