Trí tuệ nhân tạo và tương lai của xung đột vũ trang
Ngô Di Lân
https://nghiencuuquocte.org/2023/09/07/tri-tue-nhan-tao-va-tuong-lai-cua-xung-dot-vu-trang/
Bản chất của trí tuệ nhân tạo (AI) là một phần mềm vi tính được phát
triển để mô phỏng các chức năng nhận thức của bộ não con người, ví dụ như: nhận
diện khuôn mẫu, giải quyết vấn đề, và xử lý ngôn ngữ tự nhiên.[1] “Lời hứa” của các phần mềm AI tiên
tiến nhất hiện nay như ChatGPT hay AlphaFold là chúng có thể tăng năng suất làm
việc của mỗi người lên nhiều lần và thậm chí giúp chúng ta giải được nhiều bài
toán mà trước đây tưởng chừng như bất khả thi. Mặt khác, sự phát triển thần tốc
của AI cũng sẽ đặt ra nhiều nguy cơ tiềm tàng đối với an ninh quốc gia, thậm
chí thay đổi một cách căn bản cách thức các quốc gia trong hệ thống quốc tế
tương tác với nhau trong cả thời bình lẫn thời chiến. Bài viết này sẽ phân tích
một số tác động lớn của AI đối với an ninh toàn cầu trong thời gian tới, cụ thể
là mối quan hệ giữa trí tuệ nhân tạo và nguy cơ xung đột vũ trang trong tương
lai.
AI và răn đe hạt nhân
Kể từ khi Robert Oppenheimer và các nhà khoa học khác thuộc dự án
Manhattan chế tạo ra bom nguyên tử vào năm 1945, mới chỉ duy nhất Mỹ sử dụng loại
loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt này khi lần lượt thả hai quả bom xuống Hiroshima
và Nagasaki để buộc Đế quốc Nhật đầu hàng. Tuy nhiên cả thế giới đã không ít lần
phải “nín thở”, lo lắng cho vận mệnh mong manh của mình khi các cường quốc hạt
nhân tiến đến bờ vực của chiến tranh.
Tháng 10/1962, Mỹ phát hiện Liên Xô đã chuyển một lượng tên lửa mang đầu
đạn hạt nhân sang Cuba – một đảo quốc chỉ cách điểm cực nam của bang Florida chừng
hơn 100 cây số. Nước này sau đó đã lập tức gây sức ép để Liên Xô phải rút toàn
bộ tên lửa hạt nhân khỏi Cuba. Hành động của Liên Xô và phản ứng của Mỹ đã châm
ngòi cho một cuộc khủng hoảng quân sự – ngoại giao vô tiền khoáng hậu bởi tại
thời điểm đó không ai biết được kết cục sẽ ra sao nếu như một trong hai hoặc cả
hai siêu cường có những tính toán sai lầm. Tài liệu lịch sử ghi chép lại nội
dung những cuộc họp giữa Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và các cố vấn quân sự
trong 13 ngày định mệnh đó cho thấy các cố vấn đã khuyên Kennedy nên có những
hành động quân sự cứng rắn để phủ đầu Cuba và Liên Xô, hoặc bằng việc đổ bộ lục
quân, hoặc tiến hành một chiến dịch ném bom không kích.[2] Nhưng cuối cùng chiến tranh đã không
xảy ra bởi hơn ai hết, những những người lãnh đạo hàng đầu ở cả hai siêu cường
đều hiểu rằng chỉ một nước đi sơ sẩy hay một tính toán sai lầm hoàn toàn có thể
châm ngòi cho một cơn mưa hạt nhân đủ sức huỷ diệt toàn bộ thế giới và chấm dứt
sự sống trên trái đất này.
Các học giả quốc tế, đặc biệt là ở Anh và Mỹ, lâu nay vẫn xem răn đe hạt
nhân như một trong các “bí kíp” quan trọng nhất giúp ngăn chặn một cuộc đại chiến
nổ ra giữa các cường quốc.[3] Logic đằng sau chiến lược răn đe này
là không có bất kỳ quốc gia hay nhà lãnh đạo lý trí nào lại chủ động sử dụng vũ
khí hạt nhân để tấn công một nước khác nếu biết rằng đối phương sẽ đáp trả bằng
vũ khí hạt nhân, bởi hậu quả là sự diệt vong cho cả hai. Nói cách khác, răn đe
hạt nhân ngăn chặn xung đột xảy ra nhờ nguyên lý “trạng chết, chúa cũng băng
hà”: nếu anh tấn công tôi, tôi sẽ huỷ diệt anh, và cả hai sẽ cùng thua cuộc. Và
nếu như vậy thì tốt hơn cả là hai bên không tấn công nhau ngay từ đầu. Vì cả Mỹ
lẫn Trung Quốc đều là hai siêu cường sở hữu vũ khí hạt nhân nên nhiều ý kiến
cho rằng “bẫy Thucydides” – một khái niệm chỉ nguy cơ chiến tranh giữa cường quốc
tại vị và cường quốc đang trỗi dậy, chưa chắc đã áp dụng đối với hai siêu cường
này.[4]
Nhưng đây lại là lý do vì sao những phát triển vượt bậc của công nghệ
AI trong tương lai có thể trở thành một mối hiểm hoạ đối với toàn thế giới. Vũ
khí hạt nhân với sức huỷ diệt ghê gớm có thể là một công cụ ngăn chặn đại chiến
giữa các cường quốc nếu không bên nào tự tin rằng mình có thể giành phần thắng
trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng AI có thể thay đổi điều đó và dần dần
thuyết phục người ta tin rằng mình có khả năng đánh bại đối phương trước khi họ
kịp đáp trả.
Trước hết, AI có thể tăng cường đáng kể khả năng một quốc gia theo dõi
và giám sát kho vũ khí hạt nhân của một quốc gia khác. Các thuật toán AI thông
minh có thể nhanh chóng xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ (điều mà các
chuyên gia phân tích khó lòng làm được), lọc nhiễu các tín hiệu quan trọng, cho
phép ta phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh và các công cụ tình báo khác để
xác định chính xác toạ độ của các hầm chứa vũ khí hạt nhân bí mật, các tàu ngầm
có vũ khí hạt nhân đang lặn sâu dưới đáy biển và các xe chở tên lửa hạt nhân di
động đang liên tục di chuyển ở những khu vực địa lý hiểm trở. Điều này có thể
cho phép một quốc gia tấn công phủ đầu và loại bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của
địch thủ, đồng nghĩa với việc họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công mà
không sợ bị đáp trả.
Hơn nữa, AI có thể khiến cho các lá chắn tên lửa vận hành hiệu quả hơn
nhiều lần so với hiện nay. Thoạt qua điều này tưởng chừng như sẽ giúp củng cố
hoà bình nhưng trên thực tế, rất có thể kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược. Một
khi các hệ thống phòng thủ tên lửa được trang bị công nghệ AI tối tân, chúng sẽ
có khả năng nhận biết được các mối đe doạ nhanh hơn, sớm hơn và chính xác hơn,
đồng thời có khả năng phân biệt chuẩn xác hơn giữa các tên lửa mang đầu đạn hạt
nhân thật và các tên lửa mồi bẫy. Nói cách khác, những cường quốc hạt nhân mạnh
về AI có thể sẽ chiếm ưu thế đáng kể trong cả công lẫn thủ, vừa cho phép họ
nâng cao khả năng loại bỏ được kho vũ khí hạt nhân của đối phương, vừa cho phép
họ phòng thủ một cách hiệu quả hơn trước các đòn đáp trả.[5] Nếu như vậy, ít nhất trên lý thuyết,
sự phát triển vượt trội trong công nghệ AI có thể sẽ nâng cao xác suất một quốc
gia chủ động sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu một quốc gia khác, một
hành động có thể mở ra chiếc “hộp Pandora” chứa những hậu quả khôn lường mà
không ai đoán định trước được. Xét trên phương diện này, AI có thể khiến môi
trường quốc tế bất định hơn, xói mòn an ninh toàn cầu.
AI và nguy cơ xung đột vũ trang
Tuy AI có tiềm năng nâng cao rủi ro xung đột hạt nhân, song nghịch lý
là nó lại có thể góp phần ngăn không cho chiến tranh chính quy xảy ra.[6] Công nghệ AI làm được như vậy chủ yếu
bởi nó có thể giúp các quốc gia đánh giá sớm và chính xác hơn tương quan lực lượng
giữa hai bên và kịch bản khả dĩ nhất nếu chiến tranh nổ ra. Theo nhà khoa học
chính trị Mỹ James Fearon, người đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học
có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Quan hệ quốc tế, các quốc gia sẽ bất đắc dĩ tìm
tới chiến tranh nếu không thể dàn xếp được bất đồng thông qua đàm phán hoà
bình.[7] Và một trong những lý do hàng đầu
khiến các nước không đạt được một thoả thuận chia sẻ lợi ích thông qua đàm phán
là họ không biết chắc được ai sẽ giành phần thắng nếu xung đột nổ ra. Nói cách
khác, các nhà lãnh đạo đôi lúc sẽ chọn chiến tranh thay vì đàm phán bởi họ tin
rằng mình có thể giành một chiến thắng chớp nhoáng và ít hao tổn trên chiến trường,
qua đó đạt được lợi ích mà không phải thoả hiệp với đối phương. AI với khả năng
xử lý thông tin nhanh, toàn diện và khách quan hơn con người (vốn bị ảnh hưởng
nhiều bởi định kiến và các “điểm mù tâm lý”), sẽ giúp các bên tranh chấp tiên
đoán được kết quả của một cuộc chiến tiềm năng sớm và chính xác hơn, do đó
tránh việc các nước phải “so găng” để biết ai sẽ giành phần thắng.
AI cũng sẽ ngăn ngừa chiến tranh xảy ra bằng cách liên tục theo dõi nhất
cử nhất động về mặt chính trị – quân sự – ngoại giao của các đối thủ tiềm tàng,
bên cạnh việc phân tích quan điểm ủng hộ hay phản đối của dư luận ở các nước đối
địch trên mạng xã hội, từ đó đánh giá được nguy cơ xung đột vũ trang từ sớm, từ
xa. Không những vậy, AI còn có thể hỗ trợ các chiến lược gia, các nhà hoạch định
chính sách nhanh chóng xây dựng được nhiều kịch bản khủng hoảng phong phú trong
một khoảng thời gian ngắn hơn đáng kể, từ đó cho phép họ phát triển những
phương thức đáp trả tối ưu trong mọi trường hợp. Những chức năng này sẽ làm giảm
đáng kể lợi thế đến từ sự bất ngờ của các nước có ý định tấn công trước, từ đó
buộc họ phải tính toán kĩ lưỡng hơn nhiều nếu có ý định động binh. Có thể nói,
một đòn tấn công bất ngờ như những gì Nhật Bản trước đây đã phát động nhằm vào
Trân Châu Cảng sẽ khó có thể xảy ra trong tương lai vì các ý định gây chiến sẽ
dễ bị nhận biết từ sớm và phía phòng thủ sẽ có sự chuẩn bị.
Cũng cần nói thêm rằng công nghệ AI sẽ không chỉ dừng lại ở các hệ thống
đánh giá và phân tích. Một khi công nghệ chế tạo robot đã phát triển ở mức
tương xứng với công nghệ AI hiện nay, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự ra đời của
các binh đoàn robot tinh nhuệ, có thể chiến đấu ở các khu vực xa xôi hẻo lánh
mà không cần ăn, ngủ, nghỉ và sẽ không có mối bận tâm về người thân hay gia
đình.
Việc triển khai một đội robot với nền tảng là AI có thể làm tăng nguy
cơ chiến tranh bởi trước hết, nó sẽ giảm thiểu đáng kể thương vong về người, đặc
biệt là đối với các quốc gia vốn nhạy cảm với tổn thất nhân mạng. Đối với nhiều
nền dân chủ phương Tây, chi phí chính trị của việc triển khai quân đội và khả
năng thiệt hại nhân mạng là yếu tố chính khiến họ phải cân nhắc khi quyết định
tham chiến. Nếu một phần đáng kể lực lượng quân sự sau này là các hệ thống do
AI điều khiển, từ máy bay không người lái tự động đến phương tiện mặt đất không
người lái, khả năng thương vong của con người sẽ giảm đáng kể.[8]
Hơn nữa, việc những người lính không còn phải trực tiếp xuất hiện ở chiến
trường có khả năng dẫn đến nhận thức sai lệch, xa rời thực tế về hậu quả của
chiến tranh, điều gần như chắc chắn gia tăng mức độ sẵn lòng sử dụng vũ lực. Nếu
tổn thất về người trong xung đột được loại bỏ hoàn toàn hoặc giảm đáng kể, công
chúng có thể coi chiến tranh là một biện pháp hợp lý để giải quyết tranh chấp
hay thực hiện các mục tiêu ngoại giao vị kỷ. Đó là một trong những lý do vì sao
chiến tranh lại xảy ra với tần suất cao hơn hẳn trong những thế kỷ và thiên
niên kỷ trước, khi mà các bậc vua chúa trước đây xem binh lính chỉ như những
quân tốt trên bàn cờ chiến lược của họ và người dân không có nhiều tiếng nói
trong cách thức vận hành bộ máy quốc gia. Ngược lại, khi người dân càng phát
huy quyền làm chủ, các chính phủ càng chịu lắng nghe hơn, xác suất chiến tranh
giữa các quốc gia cũng giảm hơn.
Nhìn chung, AI có khả năng làm giảm nguy cơ chiến tranh xảy ra bằng
cách cung cấp những đánh giá chính xác và kịp thời hơn, nhưng nó cũng gây ra một
loạt vấn đề phức tạp có thể vô tình làm leo thang xung đột. Khi quân đội dần được
thay thế bởi robot, việc giảm chi phí nhân lực có thể làm giảm nguy cơ chính trị
của việc khơi mào xung đột, từ đó nâng cao khả năng các nước tìm đến vũ lực. Do
đó, khi AI ngày càng được tích hợp vào các khuôn khổ quân sự và ngoại giao,
chúng ta sẽ cần một cách tiếp cận đa chiều, tỉnh táo để tận dụng lợi thế của
nó, đồng thời giảm thiểu các ủi ro tiềm ẩn. Đây không chỉ đơn thuần là một câu
hỏi mang tính kỹ thuật mà còn là một thách thức xã hội sâu sắc đòi hỏi phải
nghiên cứu kỹ lưỡng và toàn diện để có thể đưa ra các chính sách phù hợp.
Tương lai của an ninh toàn cầu và hàm ý cho Việt
Nam
Trong tương lai xa hơn, những tiến bộ trong AI cũng như sự tích hợp sâu
rộng của công nghệ này vào trong bộ máy an ninh – quốc phòng của các quốc gia sẽ
có những tác động đáng kể tới an ninh toàn cầu.
Một
là, năng lực giám sát và nhận dạng mục tiêu của AI có thể sẽ làm xói mòn
chiến lược hạt nhân “huỷ diệt lẫn nhau chắc chắn” (mutually assured destruction
– MAD) mà cho đến nay vẫn giúp duy trì sự cân bằng mong manh giữa các quốc gia
có vũ khí hạt nhân. Nếu hệ thống AI có thể xác định chính xác và đáng tin cậy vị
trí kho vũ khí hạt nhân của đối phương thì nó có thể sẽ khuyến khích các đòn
đánh phủ đầu nhằm vô hiệu hóa khả năng trả đũa của đối thủ. Điều này rất có thể
sẽ đẩy các quốc gia vào một loại cuộc chạy đua vũ trang mới tập trung vào năng
lực AI, thay vì mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Cụ thể, các quốc gia sẽ có động lực
để phát triển các hệ thống vũ khí nhằm vô hiệu hoá bộ máy AI của các nước đối địch.
Vì lẽ đó, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng của những chiến dịch tấn
công mạng quy mô lớn hơn và tinh vi hơn nhằm vào các hệ thống AI.
Hai
là, AI sẽ từng bước thay đổi cách thức các quốc gia tiến
hành chiến tranh, thậm chí có thể thay đổi bản chất của chiến tranh một cách
căn bản. Nếu như trước đây chiến tranh luôn gắn liền với yếu tố con người thì
trong tương lai xa hơn, khi con người chỉ gián tiếp tham gia vào các cuộc xung
đột vũ trang thì thiệt hại về người có thể giảm đi đáng kể. Như Clausewitz đã
nói, chiến tranh vẫn sẽ là “sự kế tục của chính trị bởi những cách khác”, nhưng
khi đó việc “đánh bại” một quốc gia sẽ không phụ thuộc vào việc tiêu diệt quân
lính đối phương trên chiến trường nữa mà sẽ xoay quanh việc phá huỷ các hệ thống
cơ sở hạ tầng của bộ máy chiến tranh của đối phương. Điều này một mặt có thể
nâng cao an ninh con người, mặt khác sẽ đẩy an ninh quốc tế vào tình trạng bất ổn
lớn hơn trước đây.
Ba
là, AI có thể định vị lại những điểm nóng, có nguy cơ nổ
ra xung đột vũ trang lớn trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, các chuyên gia vẫn
thường đánh giá những khu vực như bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hay Biển
Đông là những điểm nóng lớn nhất do các yếu tố lịch sử cũng như tầm quan trọng
về mặt địa – chính trị của chúng. Tuy nhiên, như đã lập luận ở trên, rất có thể
những nơi tập hợp các nhà máy sản xuất chip cho các hệ thống AI, hay những nơi
tập trung nhiều cơ sở chứa dữ liệu (vốn là nền tảng để phát triển các hệ thống
AI tinh vi) sẽ trở thành những mục tiêu mới của các đòn tấn công, và vì vậy
cũng sẽ là những nơi cần được gia cố, bảo vệ.
Khi công nghệ AI dường như đang tiến bộ từng ngày và gần như chắc chắn
sẽ trở thành một phần không thể thiếu của cấu trúc an ninh toàn cầu, các nước
nhỏ và tầm trung như Việt Nam sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa bất đối xứng
mới. Nằm ở khu vực địa – chính trị nhạy cảm, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc
đua AI hiện nay. Cần phải thích ứng nhanh chóng, không chỉ để tích hợp AI vào
trong các quá trình hoạch định chính sách quốc gia hay triển khai các biện pháp
an ninh mạng thiết yếu, mà còn để phát triển nguồn nhân lực có khả năng hiểu và
chống lại các mối đe dọa dành riêng cho AI. Do đó, cần gấp rút đầu tư nguồn lực
cho giáo dục STEAM ở các cấp phổ thông, đặc biệt ở các thành phố mũi nhọn về
công nghệ.
AI sẽ phát triển trong một môi trường quốc tế khó lường và nhiều bất định,
điều đó khiến cách tiếp cận đa phương với vấn đề này trở nên cấp thiết hơn bao
giờ hết. Đối với Việt Nam, điều này có nghĩa là chủ động tham gia các diễn đàn quốc
tế về đạo đức và quản trị AI, đảm nhận vai trò ngoại giao tích cực ở các cơ chế
và sáng kiến đa phơng để đảm bảo mối quan ngại của các quốc gia nhỏ hơn không bị
gạt ra bên lề. Khi AI thay đổi cơ cấu của động lực xung đột toàn cầu, một chiến
lược đa tầng—kết hợp cả thích ứng công nghệ và ngoại giao chuyên biệt—là không
thể thiếu để đảm bảo an ninh của Việt Nam, và rộng hơn là hoà bình và ổn định
khu vực trong kỷ nguyên mới.
-------------
Ngô Di
Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các vấn đề nghiên
cứu lớn của ông hiện nay bao gồm: xung đột vũ trang, chính sách ngoại giao nước
lớn và ứng dụng của AI trong hoạch định chính sách an ninh quốc gia.
———————————
[1] Xem thêm Nguyễn Việt Lâm, “Tác động của trí tuệ nhân tạo trong
quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt
Nam”, 7/4/2021. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/821708/tac-dong-cua-tri-tue-nhan-tao-trong-quan-he-quoc-te–co-hoi%2C-thach-thuc-va-de-xuat-chinh-sach-tham-chieu-doi-voi-viet-nam.aspx
[2] Graham T. Allison, Essence of Decision: Explaining the
Cuban Missile Crisis, Boston: Little, Brown and Company, 1971.
[3] Bruno Tertrais, The Causes of Peace: The Role of Deterrence,
1/2018. https://frstrategie.org/sites/default/files/documents/publications/recherches-et-documents/2018/201802.pdf
[4] Mastro, Oriana S. (2019). In the Shadow of the Thucydides Trap:
International Relations Theory and the Prospects for Peace in U.S.-China
Relations. Journal of Chinese Political Science, 24, 25–45. https://doi.org/10.1007/s11366-018-9581-4
[5] Đây là lý do vì sao hai học giả Keir Lieber và Daryl Press lập luận
rằng vũ khí hạt nhân không tạo ra một cuộc cách mạng trong quan hệ quốc tế. Xem
thêm, Lieber, K. A., & Press, D. G. (2020). The Myth of the Nuclear
Revolution: Power Politics in the Atomic Age. Cornell University Press.
[6] Chiến tranh chính quy có thể tạm hiểu là chiến tranh thông thường
giữa các quân đội đang tham chiến, không sử dụng vũ khí huỷ diệt hàng loạt như
bom hạt nhân, vũ khí hoá học hay sinh học.
[7] Fearon, James D. (1995). Rationalist explanations for war. International
organization, 49(3), 379-414.
[8] Không quân Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm với các
loại phi cơ chiến đấu không người lái dựa trên AI. Xem, A.I. Comes to the U.S.
Air Force.
https://www.nytimes.com/interactive/2023/08/27/us/politics/air-force-ai-wingman.html
======================================================
Có Thể Bạn Quan Tâm:
1.
Chiến tranh
Nga – Ukraine có thể diễn ra theo những kịch bản nào?
2.
Thực hư cam
kết NATO sẽ không mở rộng về phía Đông
3.
Điều gì sẽ
xảy ra nếu Nga đưa ra một thỏa thuận?
4.
Phương Tây
sẽ làm gì nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
5.
Điều gì sẽ
xảy ra nếu Chiến tranh Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát?
6.
Chuyên gia
Trung Quốc bàn về việc chấm dứt xung đột Nga-Ukraine
7.
Hàn Quốc muốn
có vũ khí hạt nhân, nhưng không chỉ Mỹ là bên ngáng đường
8.
Kết nạp Phần
Lan, NATO thu được những nguồn lực quân sự nào?
No comments:
Post a Comment