Friday, September 1, 2023

TỔNG THỐNG MỸ CẦN QUAN TÂM ĐẾN CÁC TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM, TÔN GIÁO và NGƯỜI BẢN ĐỊA Ở VIỆT NAM (Quốc Phương, RFA)

 



Tổng thống Mỹ cần quan tâm đến các tù nhân lương tâm, tôn giáo và người bản địa ở Việt Nam

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.09.01

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/biden-needs-to-care-about-vn-poc-n-indigenous-people-09012023065006.html

 

“Nhân dịp Tổng thống Biden tới Việt Nam ngày 10/9, tôi mong rằng chính quyền Joe Biden đàm phán những vấn đề của những tù nhân, trong đó có những tù nhân người Thượng,” ông Y Quynh Buôn Đáp, một tiếng nói từ giới hoạt động cho tự do, nhân quyền của Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do từ hải ngoại về kỳ vọng đối với phái đoàn của Tổng thống Hoa Kỳ trước chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp diễn ra của ông Joe Biden, đặc biệt liên quan các tù nhân lương tâm và hoạt động tự do, nhân quyền người sắc tộc bản địa.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/biden-needs-to-care-about-vn-poc-n-indigenous-people-09012023065006.html/@@images/7999f163-7578-4dbe-9297-9a6c8de2bfcb.jpeg

Tổng thống Biden lên chuyến cơ để đến tiểu bang Utah hôm 9/8/2023   (Reuters)

 

Theo ông Y Quynh, hiện nay có khoảng 100 người Thượng đang ở trong lao tù, tầm 60 trong số đó là tù nhân tôn giáo và nhận được ít sự quan tâm. 

 

“Với những tù nhân như Y Yich, rồi Y Pum Bya, rồi thầy Truyền đạo Ksor Ruk và những tù nhân khác, mong rằng chính quyền Joe Biden có thể đàm phán, cũng như yêu cầu chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo và những nhà hoạt động về nhân quyền để họ được tự do, được phóng thích về với gia đình. 

 

Và tôi cũng mong muốn là Việt Nam có chính sách, tầm nhìn rõ ràng hơn để thay đổi một đất nước dân chủ và người dân có quyền được nói, có quyền được lên tiếng, và họ có quyền đi lại, có quyền tự do lập hội để mà họ có quyền tự do nhiều hơn,” nhà hoạt động thuộc tổ chức Người Thượng Vì Công Lý nói với RFA từ Thái Lan.

 

Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), tín đồ của nhiều nhóm tôn giáo độc lập tại Việt Nam phải đối diện với việc bị đấu tố đông người, buộc từ bỏ đạo, giam giữ, thẩm vấn, tra tấn và bỏ tù. Vào tháng 9 năm 2021, Việt Nam ghi nhận có tới 140 nhóm tôn giáo với xấp xỉ một triệu tín đồ chưa được chính thức công nhận. 

 

Vẫn theo HRW, liên quan quyền tự do biểu đạt, tự do chính kiến và tự do ngôn luận, nhiều nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, bắt giữ tùy tiện, ngược đãi khi giam giữ và cầm tù một cách có hệ thống. Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì đã ôn hòa thực hành các quyền dân sự và chính trị cơ bản của mình. Trong chín tháng đầu năm 2022, các tòa án đã kết tội ít nhất là 27 người lên tiếng phê phán chính quyền và vận động cho nhân quyền, môi trường hoặc dân chủ, và xử họ các bản án tù nhiều năm, trong số đó có các nhà báo công dân.

 

 

Lưu ý quan tâm tự do ngôn luận và giới nhà báo độc lập

 

Nêu kỳ vọng của mình đối với sự tác động, can thiệp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với chính phủ Việt Nam, nhân chuyến thăm dự kiến hôm 10/9 của phái đoàn cấp cao chính phủ Mỹ, từ California, Hoa Kỳ, nhà báo tự do, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cho biết ông mong muốn Tổng thống quan tâm vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận ở trong nước. Ông nói: 

 

“Việc đàn áp tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam không chỉ là đàn áp ở trong nước, đàn áp vào những người đấu tranh dân chủ hoặc những nhà báo tự do trong nước, mà còn đàn áp ở trên không gian mạng, mong rằng Tổng thống quan tâm vấn đề này. 

Bởi vì hiện nay Việt Nam đang gây áp lực với Facebook để xóa những bài vở ở trên Facebook và tạo nên những chiến dịch đàn áp ở trên không gian mạng rất lớn. Số người bị đàn áp rất nhiều, chứ không phải là ít. 

Họ mở ra những chiến dịch, ngoài sử dụng những dư luận viên rồi sử dụng những công chức, giáo viên, rồi trường an ninh, trường quân đội sử dụng những sinh viên, học sinh của những trường đó tập trung báo cáo (report) những trang Facebook, để đánh sập những trang đó và còn áp lực Facebook để xóa những nhóm hoạt động xã hội ở trên mạng…”

 

Đề cập một trường hợp nhà báo công dân đang gặp vấn đề sức khỏe được cho là trầm trọng ở trong tù, mà cần được phái đoàn Mỹ quan tâm tác động khẩn cấp với chính phủ Việt Nam, nhà báo, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải nói:

 

“Tôi rất quan tâm đến trường hợp của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, gần đây nhất, gia đình kêu rất là nhiều. Lê Hữu Minh Tuấn là một trong những nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, bây giờ tình trạng sức khỏe đang rất nguy ngập, gia đình và kể cả các tổ chức cũng lên tiếng yêu cầu cho anh được đi khám, chữa bệnh, nhưng đến nay trại giam chưa cho đưa đi khám chữa bệnh. 

 

Và chúng tôi muốn là Tổng thống trong chuyến đi này quan tâm đến các nhà báo ở trong Hội Nhà báo Độc lập, vì họ không phạm tội gì cả, họ chỉ làm truyền thông độc lập thôi mà họ bị bắt và bị xử những án rất nặng, tới mười mấy năm tù như thế. Và thậm chí đã xử nặng rồi, lại còn giam giữ rất xa nhà như là nhà báo Nguyễn Tường Thụy. Đấy là những trường hợp mà tôi rất muốn có được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, cũng như là của Tổng thống trong chuyến đi này,” blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm, người từng trải qua 11 nhà tù, 20 lần chuyển trại trong thời gian bảy năm đi tù tại Việt Nam.

 

Vẫn theo báo cáo năm 2023 của HRW, các quyền dân sự và chính trị cơ bản ở Việt Nam bị đàn áp một cách có hệ thống. Chính quyền, dưới chế độ cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), theo đánh giá của tổ chức theo dõi nhân quyền này, kiềm tỏa chặt chẽ các quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, nhóm họp ôn hòa, tự do đi lại và tự do tôn giáo. 

 

Chính quyền tiếp tục cấm các công đoàn độc lập, các tổ chức nhân quyền và đảng chính trị độc lập. Những người cố gắng thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động ngoài hệ thống tổ chức được chính quyền phê duyệt phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ phía chính quyền. 

 

Nhà cầm quyền Việt Nam cũng quy định các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng phải xin phép trước, và từ chối cấp phép một cách hệ thống đối với bất kỳ một cuộc gặp mặt, tuần hành hay nhóm họp đông người nào bị coi là không chấp nhận được về mặt chính trị.

 

 

‘Tổng thống phải chứng tỏ không xem nhẹ nhân quyền’

 

Liên quan chuyến thăm của nhà lãnh đạo chính quyền Mỹ sắp tới Việt Nam, trong bối cảnh giới quan sát cho là hai nước có thể thiết lập quan hệ đối tác ở cấp độ chiến lược hoặc chiến lược toàn diện, mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người vượt biển (BPSOS), một tổ chức phi chính phủ từ Hoa Kỳ nêu quan điểm riêng của ông về vấn đề cần tạo áp lực với chính quyền Mỹ về nhân quyền ở Việt Nam, ông nói với RFA:

 

“Chúng ta đều biết rằng Hoa Kỳ có chính sách dài lâu là vẫn muốn đối phó với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc, điều đó là một chính sách xuyên suốt từ rất nhiều đời Tổng thống chứ không phải là mới đây, thành ra chúng ta hiểu và tôn trọng điều ấy. 

Tuy nhiên, để mà là đồng minh của Hoa Kỳ, hoặc là làm đối tác chiến lược của Hoa Kỳ, thì phải chấp nhận những giá trị chung, không chỉ riêng vấn đề chống lại sự bành trướng của Trung Quốc, không chỉ thuần túy là vấn đề mậu dịch, rồi chống khủng bố này kia v.v…, mà còn cả vấn đề nhân quyền. 

Bởi vì nhân quyền là một mũi nhọn ở trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, mà không chỉ tùy thuộc vào ý muốn của vị Tổng thống hoặc vị Ngoại trưởng, mà nó đã được đưa vào trong luật của Hoa Kỳ bởi Quốc hội Hoa Kỳ, ví dụ như Đạo luật về Tự do Tôn giáo Quốc tế được thông qua năm 1998 và năm nay đánh dấu 25 năm kỷ niệm. 

Thành ra, chúng tôi sẽ đòi hỏi và chúng tôi thấy rằng đây là cơ hội để đòi hỏi và áp lực chính quyền Tổng thống Biden phải chứng tỏ rằng không xem nhẹ lĩnh vực nhân quyền; vận động Quốc hội Hoa Kỳ để theo dõi, để bảo đảm rằng chính sách của hành pháp Hoa Kỳ phải cân bằng mọi lĩnh vực, mà trong đó lĩnh vực nhân quyền phải là một lĩnh vực ưu tiên.

 Chúng tôi thấy đấy là cơ hội để chúng ta thúc đẩy thêm nữa sự tôn trọng nhân quyền nói chung, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam,” Chủ tịch, kiêm Giám đốc Điều hành BPSOS, TS. Nguyễn Đình Thắng nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng hôm 23/8 từ Hoa Kỳ.

 

Còn về phần mình, từ thành phố Hanau, CHLB Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nhắc lại quan điểm của ông Joe Biden khi đang chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2020 là "luôn đặt trọng tâm vấn đề dân chủ ở trên phạm vi toàn cầu," và cho rằng khi ở cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông nên thực hiện cam kết của mình.

 

"Ông là người đầu tiên đã khởi xướng một hội nghị thượng đỉnh tại Hoa Kỳ (về dân chủ) trong những năm vừa qua, bởi vì vậy tôi muốn kêu gọi Tổng thống Biden cần phải thực hiện những cam kết của ông về vấn đề bảo vệ nhân quyền cũng như những giá trị dân chủ, không chỉ ở trên toàn thế giới mà tập trung vào chuyến đi của ông ở Việt Nam, để làm sao giúp cho người dân Việt Nam được cải thiện tình trạng nhân quyền, những quyền con người mà nhà nước cộng sản Việt Nam ghi nhận ở trong Hiến pháp, cũng như cam kết đối với những thể chế quốc tế là cần phải được thực thi tại Việt Nam. Đó là những điều chúng tôi mong muốn, muốn gửi thông điệp đến Tổng thống Joe Biden.

Theo quan điểm của tôi, tất cả mọi tù nhân lương tâm ở Việt Nam đều có quyền và giá trị nhân phẩm của họ đều như nhau, cho nên tôi không coi trọng bất kỳ một tù nhân lương tâm nào hơn một tù nhân lương tâm khác, mà tôi mong muốn rằng tất cả 100% tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ở Việt Nam phải được tự do ngay lập tức và không điều kiện. Chúng tôi không chấp nhận có bất kỳ một tù nhân lương tâm nào hay tù nhân chính trị nào (còn bị cầm tù-PV) ở tại Việt Nam,” luật sư Đài nói với Đài Á Châu Tự Do.

 

-------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Thúc ép Việt Nam cải thiện nhân quyền trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Biden

Quan hệ với Mỹ được nâng cấp có giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam?

Liệu có "tiêu chuẩn kép" trong việc giảm án tử hình cho quan chức tham nhũng và án oan của dân?

Báo chí 'bắt tay' tuyên giáo, Bộ 4T và doanh nghiệp: 'sáng kiến’ hay ‘liên kết lợi ích’ ?

Chuyên gia: Ấn Độ tặng tàu hộ vệ cho Việt Nam như ‘cái gai trong mắt’ Trung Quốc

 

 





No comments: