Thư
kêu cứu của một người mẹ, về trường hợp Vũ Quang Thuận
Mai Nguyễn - Saigon Nhỏ
14 tháng 9, 2023
Cuối Tháng Tám 2023, có một bức thư lan truyền trên
các trang mạng, của một bà mẹ nói về đứa con mình đang chết dần trong trại giam
của nhà nước Việt Nam. Đứa con được nói đến, là ông Vũ Quang Thuận, một nhà
tranh đấu có lối trình bày vấn đề rất gai góc và gây sốc ở Việt Nam, cho đến
khi bị bắt vào năm 2017, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều
88 của Bộ luật Hình sự 1999.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/Screenshot-2023-09-15-114900-1024x576.png
Bà mẹ Nguyễn
Thị Nhiên (trái) và ông Lê Trọng Hùng (phải) trong lần vận động cho ông Thuận
vào năm 2019
Hai người nữa cũng bị tù trong cùng vụ án với ông Thuận là Nguyễn Văn Điển
(6 năm tù) và sinh viên Trần Hoàng Phúc (6 năm tù), cả hai đều đã mãn hạn tù
trong năm 2023. Riêng ông Thuận bị kết án 8 năm tù giam vì bị cho là người cầm
đầu và là một trong những người khởi xướng phong trào Chấn hưng nước Việt.
Tình trạng sức khoẻ suy kiệt và chết dần của ông Vũ Quang Thuận trong trại
giam Nam Hà (Tỉnh Hà Nam) đã đột phát từ khoảng hơn một năm nay, nhưng do gia
đình thăm nuôi không thường xuyên nên đến nay tin tức mới lộ ra ngoài.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/Screenshot-2023-09-15-114809-1024x702.png
Ông Vũ Quang Thuận trong buổi thuyết trinh năm 2016
Một trong những người gần đây lên tiếng công khai về tình trạng đau yếu của
ông Vũ Quang Thuận là ông Lê Anh Hùng, người cũng vừa mãn hạn năm năm tù, và ở
cùng trại với ông Vũ Quang Thuận. Anh Lê Anh Hùng kể sức khoẻ của ông Thuận
đang ngày càng trầm trọng. “Một tuần anh ấy phải vài ba lần gọi cấp cứu, có khi
nửa đêm 2-3 giờ sáng cũng phải gọi cấp cứu”, ông Lê Anh Hùng kể.
Bệnh xá của trại giam có chữa trị cho ông Thuận, nhưng rất sơ sài. Gia
đình và ông Lê Anh Hùng cùng xác nhận là ông Thuận giờ đây mang đến 20 thứ bệnh,
đặc biệt là bệnh viêm phổi rất nặng. “Bác sĩ của trại thừa nhận là bệnh phổi của
anh ấy không thể chữa được và anh em thì lo rằng anh ấy không đủ sức để sống được
đến hết án của mình”, ông Lê Anh Hùng nói.
Nguyễn Văn Điển, người cùng chung vụ án với ông Thuận, nhưng bị giam ở trại
số 5, Thanh Hoá, xác nhận rằng lối chăm sóc y tế trong các trại giam chỉ là
“cho có”, việc điều trị chỉ là một vài loại thuốc đơn giản thông thường. Chính
vì cách đối xử vô nhân đạo với tù nhân mà ông Nguyễn Văn Điển có hai lần tuyệt
thực phản đối vào năm 2019. Một lần khác vào năm 2020, Điển trèo lên téc nước của
trại giam, cao khoảng 8m, để phản đối cách đối xử vô nhân đạo với người tù
chính trị.
Bà Nguyễn Thị Nhiên, viết trong thư rằng “Là một người mẹ, tôi cũng không
khỏi xót xa trước nghị lực, sự hy sinh và sức chịu đựng của con tôi. Hàng đêm,
khi nằm trên chiếc giường gỗ, tôi lại nghĩ về cảnh lao tù lạnh lẽo đang ngày
đêm giày vò đứa con nhỏ bé của tôi. Tôi chỉ ước mình được một phần nào đó chia
sẻ cái lạnh của lao tù, cái khổ của cơm nhạt với con tôi. Tôi chỉ ước mình có
phép lạ đến bên con để nói lời an ủi và động viên nó hằng đêm, dỗ giấc nồng cho
nó ngủ ngon mà tạm quên đi căn bệnh đang ngày đêm giày vò thân thể nó. Lòng tôi
lại quặn đau và phải xót xa nuốt ngược dòng lệ vào trong, để từng ngày cố sức
trông chờ phép màu để con được về bình an, bởi mẹ không có phép màu để đến bên
con”.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/Screenshot-2023-09-15-130832.png
Thư của bà Nguyễn Thị Nhiên
Đây là lần lên tiếng đầu tiên của bà Nhiên về tình trạng của ông Thuận.
Lý do là gia đình ông Vũ Quang Thuận xuất thân từ nhiều thành phần là cán bộ của
chính quyền, có cả công an, quân đội… nên sự kiện phản kháng của ông Thuận diễn
ra, làm cho mọi người sợ hãi và gần như là từ mặt. Chỉ còn bà Nhiên và một đứa
em trai của ông Thuận là quan tâm đến ông, nhưng do gia đình rất khó khăn (lâu
nay vẫn ở nhà trọ) nên cũng không tiện nói gì, hơn nữa tin tức cũng không đầy đủ
do vài tháng mới có tiền đi thăm nuôi một lần.
Bức thư của bà Nhiên không nhắm trực tiếp đến nhà nước Việt Nam, mà là
thư ngỏ gửi ra thế giới. Đoạn cuối thư viết “Với hết sức chân thành của một người
mẹ thương con vì lý tưởng mà sa vào cảnh lao tù hao mòn thân xác, bệnh tật giày
vò, tôi tuổi đã cao, sức cùng lực kiệt, chỉ có tấm lòng kính mong các quý cơ
quan, tổ chức, cá nhân xin hãy lắng nghe và thương xót giúp một tay với tôi để
con tôi, Vũ Quang Thuận, được khoẻ mạnh và bình an, được đoàn tụ cùng tôi và được
bước tiếp trên con đường lớn”. Thư được gửi đi vào cuối Tháng Tám 2023.
Một nguồn tin khác, ẩn danh cho biết, gia đình của ông Thuận sau nhiều lần
van nài đưa ông ra bệnh viện chuyên bên ngoài để chữa trị, thì được ra giá là
phải chuẩn bị 300 triệu đồng, mặc dù chưa có chẩn đoán hay dự trù chữa trị thế
nào. Bà Nhiên chạy vạy được vài chục triệu, định đưa trước, nhưng lại nhận được
thông báo là trại giam chưa đồng ý cho ông Thuận đi ra ngoài chữa bệnh.
Bà Nhiên kể về lần đi thăm gần đây, rằng thấy ông Thuận “xanh xao, thở dốc
và đi không nổi”. Bà Nhiên vừa lo cho con, vừa lo về số tiền chữa trị cho ông
Thuận, nếu như được đưa đi ra bệnh viện ngoài. Mặc dù theo luật của nhà nước Việt
Nam, Nghị định số 133/2020/NĐ-CP có quy định là nếu tình trạng của tù nhân có
chuyển biến xấu, bệnh xá không có khả năng thì phải chuyển ra ngoài để chữa trị,
nhưng việc được chấp nhận cho đi chữa trị ở trại giam – đặc biệt là tù nhân
chính trị rất hiếm hoi, và vào lúc nguy cấp nhất.
Trong vài năm gần đây, đã có nhiều tù nhân chính trị
chết trong tù vì đau yếu, suy kiệt do không được chữa trị hay chăm sóc y tế
đúng mức – có vẻ như là chủ trương ngấm ngầm. Trong đó có thầy giáo Đào Quang
Thực, mục sư Đinh Diêm, ông Phan Thu, nhà báo công dân Đỗ Công Đương… mà hầu hết
tù nhân này, lúc đau yếu, được gia đình yêu cầu đưa đi chữa trị chuyên khoa,
nhưng đều bị cán bộ trại giam khước từ.
No comments:
Post a Comment