Thấy gì sau chuyến thăm Việt Nam và Tổng thống Joe Biden ?
14/09/23
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp "chiến lược
toàn diện", sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố
ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm một ngày rưỡi của Tổng thống
Joe Biden.
https://live.staticflickr.com/65535/53187880251_e8bec52444.jpg
Tổng Thống Mỹ Joe
Biden và Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng
Như vậy, hai nước đã bỏ qua cấp "chiến lược" để đạt tới mức
ngoại giao cao nhất, chứng minh nhu cầu cấp bách cùa Mỹ và Viêt Nam trước mức độ
gia tăng áp lực quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khi nâng cấp lên "chiến lược toàn diện" có nghĩa cả Mỹ và Việt
Nam đều đặt trong tâm vào 3 lĩnh vực gồm : an ninh, quốc phòng và thịnh vượng
chung.
Tuy nhiên Mỹ và Việt Nam không liên kết về quân sự, nhưng Mỹ sẽ tăng cường
bán vũ khí sát thương, huấn luyện tiếng Anh và quân đội cho Việt Nam.
Hiện nay Việt Nam mua vũ khí của Nga nhiều nhất, sau đó là Do Thái.
Nhưng mấy năm gần đây, Mỹ đã cung cấp các tầu tuần tra bờ biển có võ trang,
radar theo dõi không phận cho Việt Nam và một số tầu cảnh sát biển để bảo vệ
ngư dân.
Các đại công ty như Google, Dell và Microsoft sẽ mau chóng đầu tư vào
Việt Nam sau các thỏa hiệp kinh tế trong chuyến đi của ông Biden.
Đối với khối ASEAN, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thì thỏa hiệp Việt-Mỹ
sẽ bảo đảm an ninh cho vùng Biển Đông chống lại âm mưu khống chế và đe dọa của
Trung Quốc.
Trục an ninh chung giữa Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ cũng sẽ được tăng cường mạnh
mẽ hơn để bảo vệ vận chuyển dầu từ Trung Đông sang Thái Bình Dương và Biển
Đông.
Ngược lại Trung Quốc, đồng minh cật ruột lâu đời của Việt Nam, tuy
không công khai bất bình nhưng tỏ ra lạnh nhạt và đánh giá thấp chuyến đi thăm
Việt Nam, của Tổng thống Biden.
Chính phủ Bắc Kinh không lên tiếng, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn
bản của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quuốc
viết rằng : "Chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ chỉ mang tính tượng trưng với những
kết quả hạn chế, bởi mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc
không thể được thay thế bằng mối quan hệ giữa hai nhà nước, giữa Nhà nước Việt
Nam với một quốc gia khác".
Hoàn cầu viết tiếp : "Theo các chuyên gia Trung Quốc, Hoa Kỳ đang
tìm cách lôi kéo Việt Nam trở thành một quốc gia "bán đồng minh" khi
tuyên bố mang lại cho Hà Nội một số lợi ích về kinh tế và quân sự".
Tuy nhiên, Báo này cho rằng : "Việt Nam sẽ không "đi quá
xa" vì nước này không đặt quan hệ Trung-Việt làm đối trọng với quan hệ Mỹ-Việt".
Nên biết, trước khi ông Biden đến Việt Nam, ngày 05/09, Lưu Kiến Siêu,
trưởng ban Đối ngoại Đảng cộng sản Trung Quốc, đã bất ngờ sang Hà Nội gặp Tổng
Bì thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng nhấn mạnh luôn luôn "coi trọng và ưu
tiên hàng đầu phát triển quan hệ Việt-Trung".
Tuyên bố Nguyễn Phú Trọng – Joe Biden
Tại cuộc họp báo chung, ông Nguyễn Phú Trọng nói : "Trong không
khí hữu nghị, bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôi và Ngài Tổng thống
Joe Biden vừa có cuộc hội đàm sâu rộng, đạt kết quả tốt đẹp. Hai bên thống nhất
cho rằng quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực
chất, hiệu quả kể từ khi bình thường hóa và sau khi xác lập quan hệ Đối tác
Toàn diện.
Trên cơ sở đó, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường
hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh
mới, tôi và ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố
chung, thiết lập lập Đối tác Chiến lược Toàn diện
vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững.
Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những
nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó
có tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị,
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh rằng sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của
nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc
nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng
khẳng định của Mỹ ủng hộ một nước Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh
vượng".
Về phần mình, ông Biden phát biểu : "Ngày hôm nay chúng ta có thể
nhìn lại chặng đường quan hệ giữa hai nước, từ xung đột tới bình thường hóa và
việc nâng cấp mối quan hệ đó lên tầm cao mới sẽ là một động lực cho thịnh vượng
và an ninh tại một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới.
Chúng ta nâng cấp quan hệ hai nước lên mức quan hệ Đối tác Chiến lược
Toàn diện và chúng tôi rất vui vì điều này.
Đây là một bước đi vô cùng quan trọng cho cả hai quốc gia bởi nó thể hiện
sức mạnh của bản thân mối quan hệ đó khi chúng ta đang phải đương đầu với những
thách thức có tác động to lớn đối với tương lai của khu vực và cả thế giới.
Chúng ta sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu
và mới nổi, đặc biệt trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn
cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta cũng mở rộng mối quan hệ đối tác kinh tế nhằm thúc đẩy hơn nữa
hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước".
Tổng thống Biden nói tiếp :
"Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền con
người.
Điều quan trọng nhất là chúng tôi sẽ tăng cường hoạt động giao lưu nhân
dân, vì đây là trọng tâm của mối quan hệ giữa chúng ta. Điều này bao gồm cả
hàng triệu người dân Mỹ gốc Việt đang góp phần xây dựng cộng đồng trên toàn nước
Mỹ ngày càng mạnh mẽ hơn và tôi thực sự mong chờ kết quả cuộc hội đàm này.
…Tôi vô cùng tự hào về cách thức mà hai quốc gia và nhân dân hai nước
chúng ta đã tiến hành xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau để có thể xử
lý các hậu quả đau đớn mà cuộc chiến tranh đã để lại cho cả hai dân tộc chúng
ta.
Những công việc của chúng ta đã cam kết là sẽ tiếp tục bao gồm việc rà
phá vật liệu nổ còn sót lại từ chiến tranh, làm sạch môi trường do dioxin gây
ra, mở rộng chương trình giúp đỡ người khuyết tật và tìm kiếm, quy tập những
người lính Mỹ vẫn còn mất tích từ hồi chiến tranh ở Việt Nam cũng như những bộ
đội Việt Nam còn mất tích trong cuộc chiến tranh này.
Sự hợp tác của chúng ta trên những vấn đề đau thương này cũng như việc
tạo dựng một di sản mới, một di sản của nền hòa bình và thịnh vượng chung là một
minh chứng cho sự tự cường và tinh thần của hai dân tộc chúng ta.
Đây cũng là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, những gì chúng ta đạt được
khi có thể vượt lên một quá khứ đau thương để đón nhận những bước tiến của
tương lai, dựa trên sự thống nhất và đoàn kết của hai dân tộc".
Trong cuộc họp với Tổng thống Biden, ông Nguyễn Phú Trọng còn lập lại
Chính sách quốc phòng 4 không của Việt Nam, theo đó : Việt Nam
1) không tham gia liên minh quân sự ;
2) không liên kết với nước này để chống nước kia ;
3) không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt
Nam để chống lại nước khác ;
4) không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Nhân quyền ở đâu ?
Trong lĩnh vực nhân quyền, hai nước có vẻ lúng túng khi nói đến chuyện
này. Thông tấn xã Việt Nam không đề cập đến lới nói của Tổng thống Biden. Ngược
lại Văn phòng Đối ngoại của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lại đăng đầy đủ,
theo đó, ông Biden nói :
"I also raised the importance of respect for human rights as a
priority for both my administration and the American people. And we’ll continue
to — our candid dialogue on that regard".
(dịch)
"Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là
ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ
tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này".
Báo chí Việt Nam, tiêu biểu như các báo Tuổi Trẻ, Pháp Luật Thành phố Hồ
Chí Minh hay Lao Động tuy có đăng, nhưng cắt ngắn câu nói của ông Biden. Các
báo này chỉ viết là : "Tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng
quyền con người".
Thật hư ra sao ?
Theo bản Tuyên bố chung do Tòa Bạch ốc phổ biến trễ thì :
"Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc cổ võ và
bảo vệ quyền con người theo với Hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế.
Cả hai nước cùng cam kết tiếp tục ủng hộ việc đề cao và bảo vệ quyền con người,
qua đối thoại thẳng thắn như các cuộc họp hàng năm về nhân quyền giữa Mỹ và Việt
Nam để tăng cường hiểu biết lẫn nhau và san bằng cách biệt".
"The Leaders affirmed the importance of promoting and protecting
human rights in accordance with each country’s constitution and international
obligations. Both countries pledged continued support for the promotion and
protection of human rights, including through frank and constructive dialogues
such as the annual Vietnam – U.S. Human Rights Dialogue and Vietnam – U.S.
Labor Dialogue, to strengthen mutual understandings and narrow
differences".
"Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm rằng mọi người,
kể cả những nhóm thiếu may mắn, bất kể thành phần, sắc tộc, tôn giáo hay giới
tính, và kể cả những người tật nguyền, được hưởng đầy đủ quyền con người. Mỹ và
Việt Nam ghi nhận rằng nhân quyền, ổn định khu vực, hòa bình thế giới và phát
triển sẽ được tăng cường…".
"They encouraged further cooperation to ensure that everyone,
including members of vulnerable groups, regardless of their gender, race,
religion, or sexual orientation, and including persons with disabilities, fully
enjoy their human rights. The United States and Vietnam noted human rights,
regional stability, global peace, and sustainable development are mutually
reinforcing…".
Tóm lại, chuyến thăm Việt Nam tuy chỉ kéo dài một ngày rưỡi, nhưng ông
Biden đã gặt hái được nhiều thành quả về an ninh và kinh tế cho hai nước. Ông
cũng đã tạo được sự an tâm cho các nước Đông Nam Á nói riêng và Châu Á-Thái
Bình Dương nói chung.
Riêng với Việt Nam, sự kiện Hoa Kỳ xích lại gần hơn cũng sẽ giúp Việt
Nam an tâm hơn trước sức ép của Trung Quốc cả về kinh tế, quân sự, chính trị và
tình hình Biển Đông.
Phạm Trần
(14/09/2023)
No comments:
Post a Comment