Sunday, September 10, 2023

TẬP CẬN BÌNH BỊ CÁC ĐẢNG VIÊN LÃO THÀNH Ở BẮC ĐỚI HÀ KHIỂN TRÁCH (Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia)

 



Tập Cận Bình bị các đảng viên lão thành ở Bắc Đới Hà khiển trách

Katsuji Nakazawa  -  Nikkei Asia

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

11/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/11/tap-can-binh-bi-cac-dang-vien-lao-thanh-o-bac-doi-ha-khien-trach/

 

Sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc ở G-20 đã gợi ý về tình trạng hỗn loạn trong chính trị nội bộ nước này.

 

Đang có những dấu hiệu cho thấy bất ổn trong chính trị nội bộ Trung Quốc.

 

Hôm thứ Hai (04/09/2023), có thông báo rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Nhóm 20 nền kinh tế lớn ở Ấn Độ. Thủ tướng Lý Cường sẽ thay ông dự sự kiện.

 

Đây sẽ là lần đầu tiên Tập bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20, sự kiện mà ông luôn coi trọng với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

 

Nguyên nhân dường như đến từ mật nghị Bắc Đới Hà mùa hè này, vốn là cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.

 

Nội dung các cuộc thảo luận không chính thức này chưa bao giờ được công bố, nhưng chi tiết của cuộc thảo luận năm nay lại vừa xuất hiện. Nói ngắn gọn, mật nghị Bắc Đới Hà lần này có cảm giác khác biệt đáng kể so với 10 cuộc họp trước đó, diễn ra kể từ khi Tập trở thành Tổng bí thư vào năm 2012.

 

Các nguồn tin cho biết, tại cuộc họp năm nay, một nhóm đảng viên lão thành đã khiển trách nhà lãnh đạo cấp cao theo những cách mà họ chưa từng làm cho đến bây giờ. Theo thông tin thu thập được, Tập sau đó đã bày tỏ sự thất vọng với các trợ lý thân cận nhất của mình.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F8%252F3%252F4%252F3%252F46473438-5-eng-GB%252FCropped-1693867012-08-23T111953Z_81443356_RC2NT2AUJXIH_RTRMADP_3_BRICS-SUMMIT.JPG?source=nar-cms

Tập Cận Bình dường như đang tránh các hội nghị quốc tế, nơi nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc có thể bị đưa ra thảo luận. © Reuters

 

Bắc Đới Hà năm nay được tổ chức mà không có sự hiện diện của những nhân vật lão thành quyền lực nhất trong đảng. Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã qua đời ở tuổi 96 vào tháng 11 năm ngoái, trong khi người tiền nhiệm trực tiếp của Tập, Hồ Cẩm Đào, hiện 80 tuổi, hiếm khi được nhìn thấy kể từ khi bị hộ tống ra khỏi Đại lễ đường Nhân dân tại đại hội đảng toàn quốc hồi tháng 10 năm ngoái.

 

Sự vắng mặt của những nhân vật này có thể đã tạo ra một tình huống có lợi cho Tập. Nhưng sự việc không đơn giản như vậy.

 

Trung Quốc ngày nay không ở trong tình trạng tốt nhất. Nền kinh tế nước này đang suy thoái theo những cách chưa từng thấy kể từ khi quá trình “cải cách và mở cửa” bắt đầu vào cuối những năm 1970. Lĩnh vực bất động sản sa sút nghiêm trọng, với ví dụ tiêu biểu là những khó khăn mà Tập đoàn Evergrande phải đối mặt. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao đến mức chính quyền Trung Quốc phải ngừng công bố số liệu trong mùa hè này.

 

Quân đội cũng chìm trong hỗn loạn sau khi hai tướng lĩnh hàng đầu của Quân chủng Tên lửa bị thanh trừng. Vụ sa thải được đưa ra ánh sáng hồi tháng 7.

 

Ngoại trưởng Tần Cương đã bị cách chức mà không rõ lý do, với những nghi ngờ tiếp tục lan rộng trong Bộ.

 

Tình trạng hỗn loạn đã khiến nhiều đảng viên lão thành từng điều hành đảng trong thời kỳ kinh tế Trung Quốc đi lên lo lắng.

 

Các nguồn tin cho biết, trước Bắc Đới Hà, các đảng viên lão thành đã triệu tập một cuộc họp riêng để tóm tắt ý kiến của mình trước khi chuyển đến các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Cuộc họp đó có thể đã được tổ chức ở ngoại ô Bắc Kinh.

 

Sau đó, chỉ một vài người trong nhóm đảng viên lão thành đến Bắc Đới Hà để truyền đạt thông điệp mà họ đã đồng thuận cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Các nguồn tin cho biết, cuộc gặp mặt trực tiếp với các nhà lãnh đạo đương nhiệm, gồm cả Tập, diễn ra chỉ trong một ngày.

 

Nội dung chính của thông điệp là nếu tình trạng hỗn loạn chính trị, kinh tế, và xã hội tiếp tục diễn ra mà không có biện pháp đối phó hiệu quả nào được thực hiện, đảng có thể mất đi sự ủng hộ của công chúng, gây ra mối đe dọa cho sự cai trị của đảng.

 

“Chúng ta không thể có thêm hỗn loạn nữa,” những người này chỉ ra.

 

Nhân vật trung tâm trong nhóm đảng viên lão thành là Tăng Khánh Hồng, nguyên phó chủ tịch nước và là một trong những phụ tá thân cận nhất của cố chủ tịch Giang.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F1%252F2%252F4%252F3%252F46473421-4-eng-GB%252FCropped-16938666772002-10-22T000000Z_1646344089_RP3DRHXOYPAA_RTRMADP_3_CHINA-CONGRESS.JPG?source=nar-cms

Cố Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (trái) bắt tay Tăng Khánh Hồng trong một buổi tiễn ở Bắc Kinh vào ngày 22/10/2002. © Reuters

 

Tăng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc mở đường cho Tập, một nhân vật ít được biết đến, nhanh chóng thăng tiến vào vị trí lãnh đạo đảng.

 

Năm nay đã 84 tuổi, Tăng vẫn có ảnh hưởng trong đảng và có mạng lưới quan hệ cá nhân rộng khắp. Một số người nói rằng sau cái chết của Giang, Tăng thậm chí còn có vai trò lớn hơn.

 

Thế là mùa hè khó khăn của Tập đã bắt đầu. Sau khi bị các đảng viên lão thành bất ngờ chỉ trích gay gắt, Tập đã hội ý với các trợ lý thân cận mà ông đã bố trí vào các chức vụ chủ chốt. Theo thông tin bị rò rỉ, Tập đã thể hiện sự thất vọng của mình, chỉ trích ba người tiền nhiệm – Đặng Tiểu Bình, Giang và Hồ.

 

Ông được cho là đã nói rằng, “Tất cả những vấn đề mà ba nhà lãnh đạo tiền nhiệm để lại đều đè lên vai tôi. Tôi đã dành cả 10 năm qua để giải quyết chúng, nhưng chúng vẫn chưa được giải quyết. Vậy tôi có phải là người đáng trách không?”

 

Ông cũng được cho là đã nói với các trợ lý của mình rằng nhiệm vụ của họ bây giờ là giải quyết những vấn đề còn sót lại này.

 

Hành động trút giận khiến các trợ lý của ông lo sợ, đặc biệt là Thủ tướng Lý Cường, người đứng thứ 2 trong hệ thống cấp bậc của đảng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F4%252F0%252F4%252F3%252F46473404-3-eng-GB%252FCropped-16938662872023-07-07T091731Z_1566498848_RC28Y1A1H16J_RTRMADP_3_CHINA-USA-YELLEN.JPG?source=nar-cms

Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi vào ngày 9-10/9.

 

Lý đang phụ trách một nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió lớn.

 

Một trong những cơn gió đó là mối quan hệ ngày càng xấu đi của Trung Quốc với phần lớn thế giới bên ngoài. Thương mại trì trệ và đầu tư nước ngoài vào nước này đang giảm mạnh.

Quyết định từ bỏ thượng đỉnh G20 sắp tới ở Ấn Độ của Tập có thể là một nỗ lực nhằm tránh bị mất mặt.

 

Nhiều khả năng, nền kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ được thảo luận tại thượng đỉnh. Do đó, nội bộ đảng có lẽ đã đi đến kết luận rằng Thủ tướng Lý, người phụ trách nền kinh tế Trung Quốc, nên tới Ấn Độ để giải đáp những lo ngại này.

 

Tuy nhiên, việc bỏ qua G20 kéo theo một sự vắng mặt khác. Cuối tháng 8, ngay sau khi mật nghị Bắc Đới Hà kết thúc, Tập đã không xuất hiện tại một diễn đàn kinh doanh được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS với sự tham gia của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi, được tổ chức tại Nam Phi. Bài phát biểu của ông đã được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đọc.

 

Một giả thuyết cho rằng Tập đã không tham dự diễn đàn vì người ta lo ngại ông có thể bị hỏi những câu hỏi trực tiếp về tình hình hoạt động kém cỏi của nền kinh tế Trung Quốc.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F5%252F5%252F4%252F3%252F46473455-5-eng-GB%252FCropped-1693867135-11-14T195352Z_1185340475_RC2MLX9B0VZI_RTRMADP_3_G20-SUMMIT-BIDEN-XI-DEMOCRACY.JPG?source=nar-cms

Việc hai bên không chấp nhận những nhượng bộ lớn đang khiến Chủ tịch Tập Cận Bình gặp khó khăn với chuyến thăm người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại San Francisco vào tháng 11. © Reuters

 

Một yếu tố chính khác đằng sau sự vắng mặt của Tập tại G20 là không có đột phá nào trong quan hệ đang bị đình trệ với Mỹ. Dù Washington hy vọng rằng chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Gina Raimondo, vào cuối tháng trước, sẽ là một bước đi hướng tới quan hệ ổn định hơn, nhưng phía Trung Quốc lại không nhìn nhận theo hướng đó.

 

Theo quan điểm của Bắc Kinh, Raimondo không mang theo “quà tặng” nào có lợi cho họ.

Với việc cả Mỹ và Trung Quốc đều không chấp nhận những nhượng bộ lớn trong các vấn đề kinh tế quan trọng, Tập khó có thể biện minh cho một cuộc gặp thân thiện với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trong hoàn cảnh hiện tại, không rõ liệu Tập có thể tới Mỹ vào tháng 11 để tham dự diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở San Francisco hay không. Sự vắng mặt của ông trong hội nghị đó có thể sẽ là “báo động đỏ.”

 

Hiệu ứng cánh bướm của nền chính trị Trung Quốc chưa bao giờ khiến người ta hết ngạc nhiên. Hôm thứ Năm (31/08/2023), vài ngày sau khi mật nghị Bắc Đới Hà kết thúc, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường đã xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên kể từ khi bị buộc phải nghỉ hưu hồi tháng Ba.

 

Người từng là nhân vật số 2 của Trung Quốc đã nở nụ cười rạng rỡ khi xuất hiện tại Di sản Thế giới Hang Mạc Cao, còn được gọi là Hang Nghìn Phật, dọc theo Con đường Tơ lụa cổ ở tỉnh Cam Túc.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fcms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F7%252F4%252F3%252F46473472-6-eng-GB%252FCropped-1693867480photo_SXM2023090300004105.png?source=nar-cms

Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt vòng hoa trước tượng Đặng Tiểu Bình ở Thâm Quyến, Trung Quốc, vào tháng 8/2022. (Ảnh chụp màn hình từ CCTV)

 

Ông được chào đón bởi một nhóm người hâm mộ hô vang “Ni hao [xin chào], thủ tướng!”

Dù Lý Cường đã lên đảm nhận vị trí thủ tướng và sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ thay cho Tập, nhưng đối với những người ở Hang Mạc Cao, Lý Khắc Cường vẫn là thủ tướng của họ.

 

Đoạn video về sự xuất hiện của Lý Khắc Cường đã được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc trước khi bị chính quyền xóa bỏ.

 

Đó là một sự kiện mang tính biểu tượng. Lý Khắc Cường vẫn là một chính trị gia được lòng dân, những lời cổ vũ dành cho ông ở Di sản Thế giới là không hề giả tạo.

 

Hiện đã nghỉ hưu, Lý Khắc Cường chắc chắn đã có mặt tại buổi họp mặt các đảng viên lão thành trước thềm mật nghị Bắc Đới Hà.

 

Tập, người đã buộc Lý phải nghỉ hưu, đã vắng mặt trước công chúng nhiều ngày trong mùa hè này, bận đối phó với những lời khiển trách gay gắt từ các đảng viên lão thành.

 

-------------------------------

Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.

 

 




No comments: