Tại sao 2 Tháng Chín không phải là Quốc khánh Việt Nam?
Đặng Đình Mạnh
1 tháng 9, 2023
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/tai-sao-2-thang-chin-khong-phai-la-quoc-khanh-viet-nam/
Những ngày này, người dân trong nước đang chuẩn bị
nghỉ “Lễ Quốc khánh” 2 Tháng Chín. Quốc khánh là dịp kỷ niệm tuyên bố sự khai
sinh nền độc lập của một quốc gia. Vậy Quốc khánh 2 Tháng Chín hàng năm căn cứ
vào dữ kiện lịch sử gì và tại sao ngày này thật ra không phải là Quốc khánh?
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-542260178.jpg
Vua Bảo Đại, người khai sinh khái niệm
“Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, chứ không phải Hồ Chí Minh (ảnh: Reuter
Raymond/Sygma/Getty Images)
Việt Nam bước vào thế kỷ XX với tư cách là một xứ thuộc địa của Pháp.
Điều ấy kéo dài cho đến giữa thập niên 1940, khi tư cách thuộc địa chấm dứt và
Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 11 Tháng Ba 1945, thời điểm mà
Vua Bảo Đại ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước
Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất đất nước.
Trong tuyên cáo có đoạn: “Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này, Hòa ước Bảo
hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập”.
Tuy nhiên, ngày 2 Tháng Chín 1945, sau chưa đầy sáu tháng, Hồ Chí Minh
lại công bố bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình. Bảo Đại trước đó
đã tuyên bố độc lập để khẳng định xứ sở thoát khỏi thân phận thuộc địa; vậy Hồ
Chí Minh lại tuyên bố độc lập để đưa xứ sở thoát khỏi điều gì? Chẳng nhẽ thoát
khỏi “ách” độc lập mà Cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên bố từ chưa đầy sáu tháng trước?
Hãy điểm lại vài cột mốc quan trọng:
– Ngày 9 Tháng Ba 1945, chính quyền “mẫu quốc” Pháp tại Việt Nam bị Nhật
đảo chính;
– Ngày 11 Tháng Ba 1945, Vua Bảo Đại ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt
Nam độc lập”;
– Ngày 15 Tháng Tám 1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân đồng minh;
– Ngày 25 Tháng Tám 1945, Bảo Đại tuyên đọc Chiếu thoái vị tại cổng Ngọ
Môn, Kinh thành Huế trước quốc dân đồng bào. Trong Chiếu, có câu nói bất hủ “Trẫm
thà làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”;
– Ngày 28 Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Lâm thời Việt
Nam Dân chủ Cộng Hòa sau sự kiện “Cướp chính quyền”, không thông qua bầu cử tự
do;
– Ngày 2 Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng
trường Ba Đình;
– Ngày 6 Tháng Giêng 1946, Quốc hội khóa 1 được thành lập;
Bảy cột mốc lịch sử vừa nêu cho thấy có ba lần quyền lực chính trị của
quốc gia “đổi chủ”, từ người Pháp sang chính thể quân chủ và cuối cùng là chính
thể cộng hòa.
Theo đó, về phương diện quốc tế công pháp, mỗi lần quyền lực quốc gia đổi
chủ đều đặt ra vấn đề pháp lý kế thừa nhà nước. Trên cơ sở đó, chính quyền sau
thừa kế trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước đó, sự kế thừa
không ít hơn và cũng không nhiều hơn. Thế nên, nếu chính quyền của Bảo Đại đã
xác lập pháp lý về nền độc lập cho nước nhà thì chính quyền Hồ Chí Minh sau đó
phải mặc nhiên kế thừa tính pháp lý của nền độc lập đó mà không cần phải “tái
tuyên bố” độc lập.
Việc một quốc gia hai lần tuyên bố độc lập trong chưa đầy sáu tháng là
tiền lệ chưa từng có trên thế giới, nhất là khi nền độc lập được tuyên bố lần đầu
vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và chưa từng bị xâm phạm hay được phục hồi sau
khi bị xâm phạm! Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh
thực tế đất nước đang độc lập và đã được chính quyền quân chủ hợp pháp tuyên bố
khẳng định nền độc lập đó bằng một văn bản pháp lý trước đó chưa đầy sáu tháng.
Điều thú vị là vào trước thời điểm ngày 28 Tháng Tám 1945, khi nước nhà
chưa từng có một nền cộng hòa nào được thiết lập thì trong nội dung Chiếu thoái
vị của cựu hoàng Bảo Đại tuyên đọc năm ngày trước đó đã có đoạn:
– “Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp
xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều
kiện cho CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ CỘNG HÒA, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.
– “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA muôn năm”
Chi tiết này cho thấy, từ văn kiện pháp lý cuối cùng của nền quân chủ,
chính cựu hoàng Bảo Đại mới là người đầu tiên khai sinh các khái niệm “CHÍNH PHỦ
DÂN CHỦ CỘNG HÒA” hoặc “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA” một cách công khai và chính
thức trên lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải từ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
Hòa của Hồ Chí Minh thành lập ngày 28 Tháng Tám 1945 hay Quốc hội khóa I thành
lập ngày 6 Tháng Giêng 1946.
Thế nên, từ sự thật lịch sử cho thấy:
– Nền độc lập hợp pháp của Việt Nam phải được tính từ ngày 11 Tháng Ba
1945, theo Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” do vua Bảo Đại tuyên bố dưới
chính thể quân chủ;
– Ngày 2 Tháng Chín 1945 chỉ là ngày công bố ý định thiết lập chính thể
dân chủ cộng hòa tại Việt Nam; và là sự kiện kỷ niệm ngày ra mắt quốc dân đồng
bào của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (chỉ bao gồm
thành viên Việt Minh).
Thế nên, đặt Quốc khánh Việt Nam vào ngày 2 Tháng Chín hoàn toàn là một
sự mạo danh, thậm xưng không hơn không kém. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Cái gì
của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”, cũng như thế, chúng ta phải trả lại sự thật
vốn có của lịch sử. Không nhất thiết rằng sau khi “cướp chính quyền” thì tất cả
đều có thể là thành quả của vụ “cướp”, kể cả sự thật lịch sử cũng bị “cướp” bằng
sự đánh tráo, mạo nhận.
No comments:
Post a Comment