Thursday, September 21, 2023

SAU "ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC TOÀN DIỆN" LÀ GÌ? (Kim Ngữ / Saigon Nhỏ)

 



Sau “Đối tác chiến lược toàn diện” là gì?

Kim Ngữ  -  Saigon Nhỏ
21 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/sau-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-la-gi/

 

Khi Tổng thống Mỹ đến Hà Nội để ký “Đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam người ta bất ngờ, khi nghe ông TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phía Mỹ thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nhưng ông Biden không trả lời. Rồi sau khi Tổng thống Mỹ về nước ông Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Mỹ, cũng lặp lại lời yêu cầu này với các quan chức Mỹ, đặc biệt là bà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

 

Qua hai lần khẩn khoản Mỹ thừa nhận như vậy nhưng khi nhìn lại phía sau Việt Nam những câu chữ trên mặt trận lý luận vẫn còn sờ sờ ra đấy, các “viện” nghiên cứu và lý luận vẫn tâm niệm Việt Nam là nước kiên quyết theo “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, đơn cử như trên tờ báo Tạp Chí Cộng Sản, cơ quan chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn lưu giữ bài viết về vấn đề này, trong đó có đoạn:

 

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường. Cũng có thể nói kinh tế thị trường là “cái phổ biến”, còn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “cái đặc thù” của Việt Nam, phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

 

Nói kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nghĩa đây không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là kinh tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu; và cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, bởi vì như trên đã nói, Việt Nam đang ở trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vừa có vừa chưa có đầy đủ các yếu tố của chủ nghĩa xã hội.”

 

Vậy thì, tại sao Việt Nam “quay xe”, đòi nhìn nhận mình là nền kinh tế thị trường đặc thù kiểu tư bản, nhưng đối với người dân trong nước vẫn bảo vệ cái “lý luận” kỳ quặc, nếu không muốn nói là quái thai của thứ lý luận Cộng sản?

 

Trên nguyên tắc, Việt Nam chưa bao giờ là nền kinh tế thị trường, vì vướng phải hai điều quan trọng mà nền kinh tế thị trường không chấp nhận, thứ nhất chính sách trợ cấp phá giá của chính phủ Việt Nam đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu, thứ hai những tập đoàn kinh tế nhà nước đã và đang dẫn dầu nền kinh tế Việt Nam với ưu đãi tuyệt đối của chính phủ, vì vậy tính cách cạnh tranh bị triệt tiêu.

 

Với hai nguyên nhân trên, Hoa Kỳ từng áp đặt nhiều lần thuế chống phá giá lên nhiều mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, khiến việc xuất khẩu vào thị trường béo bở này gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới đình trệ.

 

Gỗ, thủy hải sản là hai mặt hàng mạnh nhất mà Việt Nam bị kiện chống phá giá là nguyên nhân, mà Việt Nam khẩn khoản yêu cầu Mỹ nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Tuy lảng tránh vấn đề này, nhưng muốn mua chuộc Việt Nam nằm trong vòng đai của mình, có thể Mỹ sẽ nhượng bộ phần nào trong tương lai, nhưng không phải là lúc này, khi hai nước vừa đặt chân lên phần đất của nhau.

 

Trong chuyến công du Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gây được chú ý trong cộng đồng thế giới, đặc biệt trước cuộc họp của Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã phần nào tránh được bóng ma Trung Quốc khi gặp gỡ nhiều đối tác quan trọng của Mỹ để từ đó niềm hy vọng về chính sách kinh tế vĩ mô đã phần nào ló dạng tuy vẫn còn rất nhiều điều chưa lộ diện.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/nathan-cima-dvYoQHhRlzQ-unsplash-1280x853.jpg

Hình minh hoạ: nathan-cima-unsplash

Thứ nhất, Việt Nam có thể mời các tập đoàn công nghệ Mỹ vào Việt Nam thành lập và huấn luyện nhân sự các nhà máy sản xuất chip bán dẫn loại thấp và trung bình nhưng loại cao cấp chắc khó thoát qua khỏi sự nghi ngờ của Bộ Quốc phòng Mỹ về gián điệp Trung Quốc đối với Việt Nam.

 

Thứ hai, với việc cấm vận những mặt hàng quan trọng đối với Trung Quốc, Việt Nam từng bị Mỹ tố cáo là đi đêm với những công ty Trung Quốc dán nhãn hàng sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Trước đây Mỹ có thể cảnh cáo nhưng khi đã ký “Đối tác chiến lược toàn diện” thì biện pháp sẽ khác rất xa so với trước đây.

 

Những ưu ái mà Hoa Kỳ đang tạo ra cho Việt Nam đồng nghĩa với củ cà rốt, chính sách muôn đời của Mỹ trước sau vẫn không thay đổi. Tuy nhiên để nắm được những lợi ích kinh tế đó, Việt Nam không thể tiếp tục đu dây trên lĩnh vực cấm vận mà Mỹ và Phương Tây đang theo đuổi. Trước đây Việt Nam có thể mua vũ khí của Nga nhưng bắt đầu từ bây giờ, những hợp đồng ấy có thể bị đóng băng và muốn tiếp tục không thể không dò chừng thái độ của Mỹ.

 

Cái giá phải trả không phải là nhỏ khi chơi với Mỹ, nhưng suy rộng ra cái giá ấy vẫn còn rất rẻ so với những gì mà Việt Nam sẽ đạt được từ kinh tế tới môi trường, từ giáo dục tới quốc phòng khi mà nhìn đâu cũng thấy những hình ảnh tiêu cực không thể hình dung nổi.

 

Cái quan trọng nhất là niềm tin. Không những với Mỹ mà còn với nhân dân Việt Nam, khi mọi người phấn khởi trước thành quả đạt được từ “Đối tác chiến lược toàn diện” thì Đảng và Chính phủ Việt Nam phải thận trọng từng bước một trên chiếc cầu hữu nghị có tới ba mấu chốt: Mỹ, Trung Quốc và Nga.

 

Khi nào trong thâm tâm Bộ Chính trị nhìn nhận rằng Nga đang xâm lược Ukraine, thì lúc ấy mọi thái độ của Hà Nội sẽ khác đi lúc trước. Nga sẽ không làm gì bất lợi cho Việt Nam lúc này vì không có khả năng, miễn làm sao cho Nga thấy rằng Việt Nam không còn cách nào khác là phải tuân theo nguyên tắc quốc tế, trong đó phải có cách ứng xử xứng đáng là một nước đang tiến trên con đường thay đổi để sống còn.

 

 




No comments: