Nhìn
ra thiên hạ, người Mỹ thấy gì ở chính mình?
Lương Thái Sỹ -
Saigon Nhỏ
5 tháng 9, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/nhin-ra-thien-ha-nguoi-my-thay-gi-o-chinh-minh/
Châu Âu và châu Á chưa thể so sánh với thành
công của nước Mỹ. Nhưng đó lại là nguyên nhân khiến người dân Mỹ vừa lạc quan lẫn
lo lắng.
Nhìn từ nước Ý và Đức
Năm 1777, khi Tướng John Burgoyne của quân đội
Anh đầu hàng trước quân nổi dậy Mỹ ở Saratoga, New York, một thanh niên người
Anh quẫn trí ở cách xa hàng ngàn dặm đã vội vã báo tin cho nhà kinh tế học Adam
Smith ở London với giọng điệu thảng thốt: “Đây sẽ là sự tàn phá của đất nước
chúng ta!”. Smith trả lời: “Chàng trai trẻ, còn rất nhiều sự tàn phá khác trong
quốc gia này!”…
Du lịch thế giới giúp mở rộng tầm nhìn, không
chỉ bổ sung thêm kiến thức về các quốc gia khác, mà còn giúp chúng ta nhìn lại
chính đất nước mình. Đó là, mỗi người Mỹ hãy đặt những quan tâm của mình vào
trong bối cảnh toàn cầu để hiểu rằng, tất cả những khuyết điểm và tật xấu mà nước
Mỹ có, các quốc gia khác cũng có; thậm chí còn nhiều hơn – Gerard Baker viết
trên Wall Street Journal. Thế giới ngày nay chịu rất nhiều sự tàn phá do cả
thiên nhiên và con người. Trong bài viết mới, Gerard Baker kể lại:
“Cuối tuần trước, tôi đã dự hội nghị của
European House Ambrosetti (một tổ chức nghiên cứu có trụ sở ở Ý) tại ngôi biệt
thự Villa d’Este tuyệt đẹp trên bờ Hồ Como. Sự kiện thường niên này thu hút nhiều
nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Âu-Mỹ, gồm cả các nhà lập pháp (hai Thượng
nghị sĩ Cộng hoà John Thune, Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob
Menendez). Bất chấp khung cảnh yên bình, bài phát biểu khai mạc của Valerio de
Molli, chủ tịch Ambosetti đã thổi làn khói u ám vào đám đông. Ông nhắc nhở cử
toạ về ‘Sự ảm đạm của mùa đông nhân khẩu học’ tại Ý, nơi số ca sinh mới đang ở
mức thấp kỷ lục: 400,000 ca trong năm qua.
Theo thống kê, cứ mỗi 12 ca tử vong, Ý chỉ có
7 ca sinh mới trên 1,000 dân; tức số người chết nhiều hơn số chào đời! De Molli
nhấn mạnh: Nếu tỷ lệ sinh và tử hiện nay tiếp tục, người Ý cuối cùng sẽ được
sinh ra vào năm 2225 và người Ý cuối cùng trên Trái đất sẽ biến mất vào năm
2307! Khi đám đông đang dùng bữa trưa với món tagliatelle con verdure, trứng cá
đối và nấm truffle đen, mặt hồ nhẹ nhàng vỗ về phía sau, tôi thầm cầu nguyện
‘người Ý cuối cùng’ sẽ để lại cho chúng tôi một số công thức nấu ăn và toà nhà
palazzi thời Trung cổ được bảo quản tốt”.
Nhưng những dấu hiệu không vui của nước Ý chỉ là
một trong nhiều vấn đề đáng báo động ở châu Âu. Người Đức nổi tiếng là… u ám
(gloomy), thể hiện rõ tính cách dân tộc này trong tự điển Đức bằng danh từ ghép
Schadenfreude nói về “niềm vui trên nỗi khốn cùng của người khác” và từ
Weltschmerz chỉ “nỗi u sầu sâu thẳm đến mệt mỏi”.
Những ngày này, Weltschmerz đang chiếm ưu thế.
Những người Đức có vẻ cam chịu với biệt danh “kẻ ốm của châu Âu”. Nền kinh tế
trì trệ đã đẩy nước Đức vào cuộc suy thoái trong năm nay với lạm phát ở mức cao
kéo dài. Không phải là những vấn đề tạm thời mang tính chu kỳ mà là “lỗi cấu
trúc”. Nhiều năm bị dẫn dắt bởi các chính sách môi trường tự mãn và nặng nề ý
thức hệ đến mức khó hiểu, nước Đức phải phụ thuộc vào năng lượng của Nga và xuất
khẩu sang TQ. Những thách thức về nhân khẩu học tương tự như ở Ý đang tạo ra mối
lo lắng về vấn đề nhập cư ở Đức. Những ngành công nghiệp vĩ đại một thời như sản
xuất xe hơi và thiết bị nặng đang hao mòn dần.
Anh và Trung Quốc thì sao?
Trong khi người Đức và người Ý nổi tiếng là buồn
rầu (morose), thì không dân tộc nào sánh bằng người Anh khi nói đến “sự tự ghê
tởm bản thân” (self-loathing). George Orwell viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa,
hầu như bất kỳ trí thức nào ở Anh cũng cảm thấy xấu hổ khi bị phát hiện… hát quốc
ca hơn là khi bắt gặp ăn trộm từ hộp thức ăn dành cho người nghèo”.
Vì vậy, lời kêu ca bất tận của người dân thủ
đô ở London về sự sụp đổ của nước Anh (được đổ lỗi một cách thiếu trung thực là
do Brexit dù nền kinh tế Anh không hoạt động tệ hơn kinh tế Liên minh châu Âu /
EU kể từ khi họ tách ra) đang bị xem nhẹ vì không phù hợp với tư duy của tầng lớp
tinh hoa Anh đầy kiêu hãnh. Nhưng không thể phủ nhận hiện tại Vương quốc Anh
đang có một tâm trạng ảm đạm gợi nhớ đến thời kỳ trước Thatcher vào thập niên
1970: Đình công, lạm phát, gánh nặng thuế. Tất cả đều xảy ra trong 13 năm cầm
quyền của chính phủ Bảo thủ.
Cuộc chiến ở Ukraine không chỉ phủ lên châu Âu
một đám mây u ám lớn mà còn làm lộ rõ sự phụ thuộc vẫn nặng nề của châu Âu vào
Mỹ. Nhưng nếu cho rằng tình trạng bất ổn này chỉ giới hạn ở Châu Âu (một nền
văn minh vĩ đại một thời đang trong quá trình trở thành… viện bảo tàng của
chính nó) thì hãy nhìn sang Châu Á. Những chính sách mâu thuẫn nội tại của
Trung Quốc (TQ) đang gây bất ổn cho nền kinh tế quốc gia này. Càng cố gắng che
giấu các vấn đề, đảng Cộng sản TQ càng làm lộ rõ chúng. Sự chuyển đổi thất bại
từ nền kinh tế dựa vào đầu tư sang tiêu dùng ở một quốc gia có bản đồ phân bổ
dân số còn tệ hơn cả châu Âu đang tạo ra những hậu quả xã hội tai hại.
No comments:
Post a Comment