Nâng
"vượt cấp" quan hệ với Mỹ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam thế
nào?
PGS,TS Phạm Quý Thọ
18-09-2023
Bài bình luận của ông
Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách
& Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phát biểu
tại Hà Nội ngày 11/9/2023 (AFP)
Ngày 10/9/2023, hai nhà lãnh đạo của hai chế độ
chính trị khác biệt Việt Nam và Mỹ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn
Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joseph R. Biden Jr. đã gặp và hội đàm tại Hà Nội, Việt
Nam. Họ đã ký “Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến
lược Toàn diện (Tiếng Anh: Joint Leaders’ Statement: Elevating United
States-Vietnam Relations To A Comprehensive Strategic Partnership).” Có nhiều
bình luận xoay quanh chủ đề này, nhấn mạnh “điều đặc biệt” rằng ông Trọng là
người đứng đầu chế độ Đảng CS toàn trị và ông Biden là Tổng thống Mỹ đương nhiệm
của chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Điều đặc biệt này gây sự chú ý và sẽ vẫn cần
giải mã. Một trong những mối quan tâm của giới nghiên cứu chính sách công là liệu
việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ Việt - Mỹ sẽ thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam
thế nào?
Tích cực là một cách nhìn lạc quan nên được ủng
hộ. Giả sử ‘cực đoan’ rằng không có mối quan hệ này thì cải cách thể chế ở Việt
Nam không dễ gì đảo ngược. Đường lối Đổi mới ở Việt Nam do Đảng CS độc tôn lãnh
đạo, đã đề xướng và thực hiện, trong quá trình này có lúc thăng lúc trầm, phải
điều chỉnh, dù nhanh chậm, tiến lùi nhưng vẫn trong xu hướng tích cực: tăng trưởng
kinh tế, hội nhập với khu vực và thế giới, trong đó nhấn mạnh những vấn đề
chung: tăng trưởng xanh, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu… Và, cải cách
thể chế được xác định trong các văn kiện chính thức của Đảng CS là một trong ba
đột phá chiến lược phát triển đất nước.
Mặc dù Việt Nam còn nghèo, khó khăn về kinh tế…
nhưng đã ‘dám’ cam kết mạnh mẽ trong những vấn đề trên, tất nhiên, mong muốn được
quốc tế ủng hộ, các nhà đầu tư quan tâm. Nghĩa là vấn đề tăng trưởng kinh tế
luôn được ưu tiên đồng thời với duy trì chế độ khiến giới đấu tranh cho dân chủ,
nhân quyền ‘không hài lòng’. Hơn thế, ở Mỹ ông Biden còn bị chỉ trích là đã
“nhượng bộ” Hà Nội cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, kiềm toả sự trỗi dậy
hung hăng của Trung Quốc và kinh tế. Có lẽ ông ấy không chia sẻ quan điểm của
Việt Nam về nhân quyền như kinh tế trước nhân quyền sau hay kiểu “dân chủ xã hội
chủ nghĩa”, nhân quyền theo pháp luật chủ quyền. Và, thực tế, trong cuộc hội
đàm nêu trên ông Biden đã có đề cập về khía cạnh nhân quyền phổ quát (dù không
nhiều), nhưng truyền thông Nhà nước Việt Nam đã “lược bỏ”. Vô tình, các nhà
tuyên huấn của chế độ đã bộc lộ sự yếu kém trong ngoại giao và sự ‘tôn trọng’ đối
với người dân.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng ngày
11/9/2023. AFP
Sự khác biệt chế độ chính trị được lãnh đạo cả
hai nước Việt Mỹ cam kết tôn trọng lẫn nhau nhưng trong thực tế quan hệ sự ảnh
hưởng qua lại là không tránh khỏi. Và, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ Việt - Mỹ sẽ
thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, trước hết theo hướng thị trường và, về
lâu dài, theo hướng dân chủ hoá đất nước. Một số luận cứ cho nhận xét này là:
Một, mặc dù khác biệt về thể chế dân chủ
phương Tây, chế độ Đảng CS toàn trị ở Việt Nam sau hơn 30 thực hiện đường lối Đổi
mới, đã phải dựa vào tăng trưởng kinh tế nhờ thị trường để đảm bảo tính chính
danh của nó. Cần tiếp tục hoàn thiện kinh tế thị trường để phát triển, trong đó
cải cách thể chế kinh tế còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng không thể đảo
ngược xu hướng. Và, nếu quay lại, thì có thể sẽ là mô hình Kim Jong Un, cô lập
với thế giới. Phía Việt Nam đề nghị Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường nhưng
rõ ràng còn nhiều việc cần cải cách theo các nguyên tắc thị trường.
Hai, việc nâng vượt cấp quan hệ với Mỹ lên ‘hết
cỡ’ sẽ mở ra cơ hội tăng cường buôn bán và đầu tư song phương, chẳng hạn Hàng
không Việt Nam sẽ mua máy bay của hãng Boing với tổng trị giá gần 8 tỷ đô la,
Apple, Intel… mở một số cơ sở ở Việt Nam…, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều
sâu chất lượng và hiệu quả, như các ngành kỹ thuật số, chất bán dẫn, năng lượng
sạch, đón dịch chuyển vốn tư bản từ Trung Quốc… Từ đó, từng bước có thể thay đổi
mô hình kinh tế hiện thời, dựa chủ yếu vào hai trụ cột là bất động sản (lợi dụng
về sở hữu công đất đai) và đầu tư nước ngoài (chủ yếu là gia công, lắp ráp)
đang trong cơn khủng hoảng. Thời kỳ hoàng kim của mô hình Trung Quốc đang trong
hồi kết đang hàm ý về sự thay đổi ‘đột phá’ chính sách cải cách thể chế ở Việt
Nam, liệu có cần thiết cuộc “Đổi mới” lần 2 và như thế nào?!
Ba, để hiện thực hoá hai điểm trên, thể chế
kinh tế cần được thiết lập tương ứng. Sự biện minh rằng thị trường là sản phẩm
chung của nhân loại, không thuộc về chủ nghĩa tư bản, đang là rào cản từ ý thức
hệ xã hội chủ nghĩa. Các nguyên tắc chủ yếu để thị trường vận hành như sở hữu
tư nhân, tự do kinh doanh, động cơ lợi nhuận, tự do cạnh tranh bình đẳng và chủ
quyền của người tiêu dùng không được xác lập chắc chắn, minh bạch và khả thi.
Các điều luật có liên quan hoặc có “tuổi thọ ngắn, hay phải sửa đổi, tính khả
thi thấp” hoặc ‘bế tắc’ trong thể chế hoá chẳng hạn Luật Đất đai sửa đổi 2023
mâu thuẫn giữa “sỡ hữu toàn dân, nhà nước quản lý” và thị trường…
Bốn, sự tách rời thể chế kinh tế và thể chế
chính trị là không thể về lý luận và thực tiễn. Một trong hậu quả nặng nề là sự
tha hoá quyền lực công mang tính hệ thống, mà biểu hiện rõ ràng trong nghịch lý
tăng trưởng tương đối cao đồng thời với vấn nạn tham nhũng tràn lan, nghiêm trọng.
Quốc nạn tham nhũng đã huỷ hoại niềm tin về sự trong sạch của Đảng CS, đòi hỏi
công khai minh bạch về nguồn gốc tài sản quan chức nói riêng và tăng cường dân
chủ hoá nói chung, thức tỉnh đòi hỏi về quyền con người được hiến định… Thử hỏi
nghịch lý trên sẽ có thể kéo dài bao lâu? Liệu có thể phòng chống tham nhũng nếu
thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, bền vững? Dân chủ hoá đất nước liệu
có là giải pháp và như thế nào? Cải cách là không thể đảo ngược nhưng có liệu
hướng đến chế độ dân chủ với nền tảng kinh tế thị trường hay sẽ là mô hình gì?
Tổng thống
Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 11/9/2023. AFP
Việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ sẽ thúc đẩy
cải cách thể chế, nhưng ‘quả bóng đang ở phần sân’ Việt Nam, giới lãnh đạo và
người dân. Sau sự kết thúc ‘vội vã’ sự ủng hộ chính quyền Ashraf Ghani ở
Afganistan năm 2021, nước Mỹ dường như ‘mệt mỏi’ với việc ‘xuất khẩu’ mô hình
dân chủ kiểu phương Tây, và chiến lược quan hệ quốc tế đang thay đổi để thích ứng
với trật tự thế giới mới đang định hình. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh thể chế,
trong đó có cả cạnh tranh về ý thức hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn căng thẳng.
Và, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ, theo góc nhìn của Tập Cận Bình, liệu
có là “sự tự diễn biến, tự chuyển hoá” của giới lãnh đạo Việt Nam?
Dẫu biết rằng không dễ gì để thoát khỏi chế độ
Đảng CS toàn trị, khi giới lãnh đạo phải là một phần ‘cơ hữu’ của tháp quyền lực
tập trung, nghĩa là chế độ “còn đảng còn mình” được duy trì bởi gieo rắc nỗi sợ
hãi và tuyên truyền một chiều, sai lệch về chủ nghĩa xã hội, biện minh cho những
sai lầm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay việc phát triển kinh tế thị trường ở
Việt Nam, sự đảm bảo tính chính danh cho chế độ, đang cần sự đột phá cải cách.
Vì vậy, việc nâng ‘vượt’ cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện
nên chăng được coi như sự thay đổi ‘khôn khéo’, một cú huých cho cải cách thể
chế.
Phạm
Quý Thọ
--------------------------------------------------------------------
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu
Tự Do
No comments:
Post a Comment