Mỹ –
Việt xích lại gần nhau hơn
David
Brown - Asia
Sentinel
Song Phan, chuyển ngữ
10/09/2023
https://baotiengdan.com/2023/09/10/my-viet-xich-lai-gan-nhau-hon/
Tóm
tắt: Sự
vụng về của Bắc Kinh mở ra cơ hội cho hai cựu thù kết hợp sức mạnh
Đại sứ Marc Knapper và một số quan chức đại sứ quán khác mà tôi có dịp
nói chuyện gần một năm trước, đã bày tỏ sự tin tưởng rằng, quan hệ Mỹ-Việt sẽ
phát triển gần gũi hơn một cách thực chất. Tôi thấy dự đoán đó khó có thể
tin được, vì bất kỳ sự nâng cấp nào trong mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ chắc
chắn sẽ chọc tức Bắc Kinh. Nếu chủ đề này xuất hiện, những người bạn Việt Nam
thường lưu ý rằng, Mỹ là một đối tác chập chờn, dễ thay đổi lập trường. Họ có
thể giữ lời, cũng có thể không. Quả vậy, cựu Tổng thống Donald Trump đã từ bỏ
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được đàm phán gian khổ – khiến Việt Nam
và 9 bên ký kết khác bị hụt hẫng – và Tổng thống Joe Biden cảm nhận được mối ác
cảm của các công đoàn đối với hiệp định này, đã không làm gì thêm.
Trong khi đó, những người bạn Việt Nam này rõ ràng lưu ý rằng, Trung Quốc
thường trực ở đó, hiện diện dày đặc ở biên giới phía bắc Việt Nam, và ở một mức
độ đáng lo ngại, dọc theo bờ biển dài của Việt Nam và ở cả Lào và Campuchia lân
cận. Nếu Bắc Kinh nhận thấy Hà Nội đang đi chệch khỏi quỹ đạo của mình thì họ
có đủ phương tiện – kinh tế và quân sự – để bóp nghẹt Việt Nam. Và họ hỏi, liệu
Washington có vượt qua được thách thức như vậy không.
Có lẽ chúng ta sẽ sớm biết. Bí mật được giấu kín yếu nhất ở Washington
là hôm nay, ngày 10/9, Joe Biden và các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam sẽ
công bố thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mang tính biểu
tượng, tương đương với mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Nga.
Tôi đánh cuộc rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đồng ý với một
bước đi cực đoan như vậy. Với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam,
ông là người đối thoại chính với Tập Cận Bình. Và với tư cách là người đứng đầu
trong cơ cấu quyền lực ở Hà Nội, ông là người điều khiển màn loại bỏ các lãnh đạo
được coi là nghiêng về phía Mỹ, mới chín tháng trước: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân
Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lúc đó.
Nói chung, và đặc biệt kể từ năm 2016, khi ông Trọng đè bẹp thách thức
của thủ tướng đương nhiệm, cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Việt Nam được
điều chỉnh cẩn thận để tránh chọc giận Bắc Kinh. Với việc Trung Quốc kiên quyết
thực thi các yêu sách chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng ở
Lào và Campuchia, và rơi vào suy thoái kinh tế, những gì mà Chính quyền Biden
đưa ra cho Việt Nam có thể ngày càng nghe có vẻ tốt hơn đối với các lãnh đạo Hà
Nội – đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh hoàn toàn bịt tai có chủ ý, chỉ vài
ngày trước cuộc họp của Nhóm G20 ở New Delhi, đã tìm cách làm toàn bộ khu vực bất
bình với việc công bố bản “bản đồ 10 đoạn” sửa đổi, mở rộng yêu sách của mình
không chỉ đối với các khu vực lớn hơn ở Biển Đông, mà còn đến các vùng đất ở
bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin.
Như Giáo sư Jonathan London viết trên blog ngày 8 tháng 9, “về cả
kinh tế và an ninh, lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam có mối liên kết hết
sức chặt chẽ. Tái cấu trúc kinh tế ở Việt Nam đòi hỏi phải nâng cấp nhanh chóng
năng lực của các nhà sản xuất trong nước, cũng như các khoản đầu tư dài hạn, hiệu
quả, vào nền kinh tế và con người, có lẽ đặc biệt từ Mỹ. Để bảo vệ toàn vẹn
lãnh thổ, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ khả năng phòng thủ độc đáo của Mỹ”.
Khi đàm phán hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, cách Mỹ nhìn nhận
Việt Nam dường như rất giống cách họ nhìn nhận Trung Quốc cách đây một thế hệ –
một nguồn đối tác cấp dưới cho các công ty Mỹ trong mối quan hệ sản xuất công
nghệ cao đôi bên cùng có lợi. Thông báo của Nhà Trắng về chuyến thăm của Biden
đề cập đến việc “thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế, tập trung vào công nghệ
và định hướng đổi mới của Việt Nam (và) mở rộng… chương trình phát triển lực lượng
lao động”. Nếu Hà Nội quản lý mọi việc một cách hợp lý, thành phố này sẽ
ngày càng được ưa chuộng như một điểm đến của tư nhân Hoa Kỳ đầu tư và đặc biệt
sẽ nâng cao nhanh chóng tay nghề của lực lượng lao động.
Với hiệp định đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt, cùng với các hiệp định
tương tự gần đây được ký kết với Australia và Singapore, sẽ không ai ngạc nhiên
khi thấy sự mở rộng nhanh chóng việc hợp tác an ninh. Mục đích chính của Đối
thoại An ninh bốn bên, hiệp ước ngày càng hiện thực giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và
Hoa Kỳ, là an ninh các tuyến đường biển; Hà Nội đang ngăn chặn yêu sách giả trá
của Trung Quốc đối với nguồn tài nguyên biển và năng lượng ngoài khơi bờ biển
Việt Nam. Các mục tiêu này được củng cố lẫn nhau. Không còn có thể phụ thuộc
vào Nga về hệ thống vũ khí tiên tiến, Việt Nam sẽ tìm kiếm các đối tác mới để
được trợ giúp mua sắm với giá khuyến mại. Đổi lại, Việt Nam có thể chấp nhận
cho tàu bè các đối tác vào các bến cảng tuyệt vời, dọc theo bờ biển dài của
mình.
Về mặt chiến lược, khi thể hiện quyết tâm mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và
các quốc gia có cùng chí hướng, Hà Nội chấp nhận rủi ro và có tính toán kỹ
lưỡng. Trung Quốc sẽ không ngoan ngoãn chấp nhận việc Việt Nam từ bỏ thế cân bằng
giữa Bắc Kinh và Washington. Có thể Bắc Kinh cần khá nhiều thời gian, và có lẽ
cần tới ban lãnh đạo mới, trước khi họ nhận ra rằng chính những nỗ lực bịt tai
có chủ ý của họ nhằm thực thi ý chí của mình ở các vùng biển trong khu vực, đã
đẩy ngay cả Việt Nam vào liên minh trên thực tế với những bên ủng hộ một Ấn Độ
– Thái Bình Dương tự do và độc lập.
_______
Tác giả: David Brown là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, có nhiều kinh
nghiệm về Đông Nam Á. Ông là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel
No comments:
Post a Comment