Liệu phương Tây có bỏ rơi Ukraine?
Liana Fix và Michael Kimmage | Foreign Affairs
Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/09/21/lieu-phuong-tay-co-bo-roi-ukraine/
Kyiv phải chuẩn bị
cho sự thay đổi quan điểm có thể xảy ra ở Mỹ và châu Âu.
Khi Nga sáp nhập Crimea và xâm chiếm miền đông Ukraine năm 2014, Kyiv
có rất nhiều người ủng hộ. Pháp, Đức, Anh, và Mỹ đều tìm cách khôi phục chủ quyền
của Ukraine qua các biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc qua con đường ngoại
giao, nhưng họ từ chối can thiệp quân sự trực tiếp. Và rất lâu sau đó họ mới
cung cấp viện trợ quân sự sát thương – trong trường hợp của Washington là đến tận
năm 2019.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2022, khi Nga tập trung lực lượng ở biên giới
Ukraine, sự miễn cưỡng đó gần như đã tan biến. Tính chất tàn bạo của cuộc xâm
lược và tài lãnh đạo lôi cuốn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dẫn
đến đợt viện trợ tài chính và quân sự đầu tiên của phương Tây. Thành công đáng
kinh ngạc trên chiến trường của Ukraine vào tháng 9 và tháng 10/2022 đã mở ra
cơ hội cho những hỗ trợ tham vọng hơn.
Một liên minh gồm các quốc gia giàu có nhất và sở hữu công nghệ tiên tiến
nhất thế giới mang lại cho Ukraine lợi thế lớn về mặt hệ thống. Ngược lại, Nga
chỉ được hai quốc gia – Iran và Triều Tiên – công khai hỗ trợ trong cuộc chiến,
trong khi Trung Quốc vừa là điểm tựa kinh tế quan trọng cho nỗ lực chiến tranh
của Điện Kremlin, vừa là nhà cung cấp viện trợ quân sự phi sát thương. Tuy
nhiên, viện trợ quân sự của phương Tây cũng đi kèm với những rủi ro và thách thức
riêng. Một trong số đó là việc Ukraine phụ thuộc quá nhiều vào hỗ trợ tài chính
và quân sự của phương Tây. Quân đội Ukraine đã rời xa các cơ sở hạ tầng cũ kỹ
và các học thuyết lỗi thời đã định hình nước này kể từ thời hậu Xô-viết, để trở
nên phụ thuộc vào các thiết bị và phương pháp hoạch định chiến lược phương Tây.
Trong khi đó, người Nga đang bắt đầu chiến tranh kinh tế với Ukraine, khiến nền
kinh tế Ukraine gặp khó khăn nếu không có sự giúp đỡ từ quốc tế.
Tuy nhiên, không thể đảm bảo phương Tây sẽ duy trì cam kết đối với
Ukraine. Các cử tri ở châu Âu và Mỹ đang dần đặt câu hỏi về sự ủng hộ lâu dài
dành cho Ukraine. Cho đến nay, những tiếng nói này vẫn còn là thiểu số, nhưng
chúng đang ngày càng lan rộng và lớn mạnh. Việc thúc đẩy các quan điểm công
khai thân Nga và chống Ukraine vẫn là một điều hiếm thấy về mặt chính trị. Thay
vào đó, sự hoài nghi có xu hướng nảy sinh từ các cuộc tranh luận chính trị
trong nước. Tại Mỹ, cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành điểm nóng mới nhất trong
tranh luận về việc người Mỹ nên quan tâm (và chi tiêu) đến mức nào để hỗ trợ các
đối tác và đồng minh ở nước ngoài. Ở châu Âu, đại dịch COVID-19 và lạm phát cao
sau khi chiến tranh nổ ra đã gây áp lực kinh tế. Sự lạc quan về thành công của
Ukraine đã bắt đầu lung lay, dẫn đến lo ngại về một cuộc chiến lớn, không có hồi
kết trên đất châu Âu.
Trong khi đó, những diễn biến ở tiền tuyến – đặc biệt là tốc độ tương đối
chậm và những thành tựu khiêm tốn của cuộc phản công mà Ukraine phát động vào đầu
mùa hè này – đã làm tăng thêm những hoài nghi về sự hỗ trợ của phương Tây dành
cho Kyiv. Ngay cả khi tăng tốc phản công, chiến tranh cũng không thể sớm kết
thúc. Những người ủng hộ Ukraine không có một lý thuyết chiến thắng rõ ràng và
thống nhất, theo đó biến việc hỗ trợ chiến tranh thành gánh nặng chính trị. Bên
ngoài Ukraine, những câu chuyện khác ngoài chiến tranh hiện đang thống trị các
bản tin. Xung đột càng kéo dài, cuộc đối đầu giữa David và Goliath sẽ càng mờ
nhạt dần, thúc đẩy quan điểm rằng hỗ trợ chiến tranh là vô ích và kêu gọi tìm
kiếm chí ít là một giải pháp để cứu vãn thể diện.
Rủi ro chính đối với Ukraine không phải là sự thay đổi chính trị đột ngột
ở phương Tây, mà là tốc độ chậm chạp của một mạng lưới viện trợ nước ngoài gồm
rất nhiều thành phần. Nếu thay đổi đột ngột xảy ra, nó sẽ bắt đầu ở Mỹ, và định
hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ được quyết định sau cuộc bỏ
phiếu vào tháng 11/2024. Chưa nói đến việc đột ngột mất đi sự ủng hộ, chỉ cần
xét đến mối nguy từ việc dần mất đi sự ủng hộ, chính phủ Ukraine cũng nên đa dạng
hóa phạm vi tiếp cận của mình trong phổ chính trị, điều chỉnh lời kêu gọi giúp
đỡ sao cho phù hợp với viễn cảnh một cuộc chiến kéo dài. Trong khi đó, các nhà
lãnh đạo chính trị ở Mỹ và châu Âu nên làm những gì có thể để đảm bảo hỗ trợ
tài chính và quân sự cho Ukraine trong chu kỳ ngân sách dài hạn, khiến cho các
quan chức tương lai khó có thể đảo ngược khoản viện trợ này.
LÚC BẠN LÚC BÈ?
Đối với châu Âu, Mỹ là một nguồn gây lo lắng, là mắt xích yếu trong
liên minh xuyên Đại Tây Dương. Trớ trêu thay, các nước châu Âu lại gây ra mối
lo lắng tương tự ở Washington. Sự tận tâm không hề suy giảm đối với Ukraine là
đặc điểm của chính phủ Phần Lan, Ba Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh, và các quốc
gia vùng Baltic. Những lo ngại rằng chính phủ cực hữu sẽ đảo ngược đường lối của
Italy đối với Ukraine đã được chứng minh là vô căn cứ. Thay vào đó, Thủ tướng
Giorgia Meloni đã tái khẳng định hướng đi của phương Tây. Và vì cuộc chiến của
Putin không được lòng dân Pháp, nên ngay cả nhân vật đối lập chính ở nước này,
Marine Le Pen – một nhà dân túy cực hữu, người từng ủng hộ Putin và thậm chí
còn tán thành việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 – đã giữ nguyên quan điểm trước
đó của bà: lên án cuộc xâm lược toàn diện. Tuy nhiên, bà phản đối các biện pháp
trừng phạt và chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Hungary vẫn là một ngoại
lệ, một thành viên EU và NATO rõ ràng không nhiệt tình với chính nghĩa của
Ukraine. Để đổi lấy việc Brussels không phá vỡ sự đồng thuận trong lệnh trừng
phạt Nga, Hungary đã nhận được nhiều nhượng bộ từ EU. Cho đến nay, điều đó đã đủ
để giữ chân Thủ tướng Viktor Orban.
Sự hỗ trợ kiên trì của châu Âu có lẽ sẽ không sớm thay đổi. Theo một cuộc
khảo sát của Eurobarometer hồi tháng 6, 64% cư dân EU ủng hộ tài trợ cho việc
thu mua và cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine, từ 30% ở Bulgaria đến 93% ở Thụy
Điển. Không có đảng châu Âu nào với chương trình nghị sự công khai thân Nga có
thể xây dựng được một khối cử tri bền vững. Thật ra, công chúng châu Âu đã ủng
hộ EU và NATO nhiều hơn kể từ khi chiến tranh bắt đầu.
Tuy nhiên, một dạng mệt mỏi đang dần ảnh hưởng đến châu Âu. Ví dụ điển
hình nhất có thể được tìm thấy ở Đức, quốc gia đã vượt qua tình trạng bế tắc về
năng lượng do chiến tranh gây ra, và đã tiếp nhận một triệu người tị nạn
Ukraine trong khi tăng dần hỗ trợ cho Ukraine. Tương tự như thời kỳ đại dịch,
chính giai đoạn khủng hoảng kéo dài đã gây thất vọng: giá năng lượng cao, suy
thoái kinh tế, lo ngại về phi công nghiệp hóa, và liên minh cầm quyền hoạt động
kém hiệu quả đã dẫn đến tình trạng bất ổn, vốn có lợi cho đảng cực hữu Lựa chọn
khác cho nước Đức (AfD). Kết quả thăm dò hiện xếp AfD là đảng mạnh thứ hai ở Đức.
Đảng này muốn rút Đức khỏi NATO và ngừng hỗ trợ cho Ukraine, nhưng sự nổi tiếng
của họ không xuất phát từ quan điểm thân Nga. AfD khai thác sự bất mãn chung để
làm cho việc chỉ trích chính sách đối ngoại gắn với Mỹ và Tây Âu có vẻ chính thống
hơn.
Đối với người châu Âu, cuộc chiến càng kéo dài thì nó càng có vẻ khó giải
quyết và tốn kém, trở thành phương tiện cho quyền lực của Mỹ hơn là lợi ích cốt
lõi của châu Âu. Vì ủng hộ Ukraine kháng chiến là quan điểm hiện trạng ở châu
Âu, nên các chính trị gia mới có thể sẽ tập trung vào mặt trận quê hương và đổ
lỗi cho giới tinh hoa ở các thành phố thủ đô và ở Brussels, vì quan tâm đến
Ukraine nhiều hơn là đến người dân nước họ. Chẳng hạn, một thành viên quốc hội
cánh tả nổi tiếng ở Đức, Sahra Wagenknecht, gần đây đã so sánh viện trợ dành
cho Ukraine như một cái hố không đáy, trong khi ngân sách liên bang đang bị cắt
giảm ở tất cả các lĩnh vực khác. Những quan điểm như vậy có thể dễ dàng trở nên
phổ biến ở châu Âu, và những người ủng hộ chúng sẽ không cần đưa ra một chính
sách thay thế khả thi nào; họ thậm chí không cần phải nói sự thật. Chẳng cần đến
một nhà mị dân tài giỏi để thuyết phục những người châu Âu đang phải chịu áp lực
kinh tế, rằng có một kết thúc dễ dàng cho chiến tranh Ukraine và việc kết thúc
chiến tranh sẽ giúp họ thoát khỏi những tai ương, chẳng hạn như lạm phát cao.
Nhân tố khó lường trong cuộc chiến là Mỹ. Trong các cuộc thăm dò gần
đây, Tổng thống Joe Biden hoặc đứng sau hoặc ngang hàng với cựu Tổng thống
Donald Trump. Sự trở lại của Trump có thể sẽ là một tai họa cho Ukraine. Khi
còn là tổng thống, Trump coi Ukraine như một phần phụ trong chiến dịch tái
tranh cử của mình và đã cố gắng ép Zelensky làm tổn hại đến danh tiếng của
Biden, đối thủ chính của Trump vào thời điểm đó. Theo tờ New York Times, trong
năm 2018, một cách riêng tư, Trump đã nhiều lần đề xuất rút Mỹ khỏi NATO trước
sự chứng kiến của các quan chức chính quyền cấp cao. Ông chưa bao giờ làm theo
ý tưởng đó. Nhưng xét đến những luận điệu của ông trong quá trình tranh cử, nếu
Trump quay trở lại Nhà Trắng, ông có lẽ sẽ tiến xa hơn nữa trong việc phá vỡ
các chuẩn mực và truyền thống đã được thiết lập. Trong những tháng gần đây,
Trump thậm chí gợi ý rằng ông có thể kết thúc cuộc chiến ở Ukraine sau 24 giờ.
Những chiêu trò tranh cử như vậy cho thấy rằng Trump thích một giải pháp thương
lượng cho cuộc xung đột (nhiều khả năng là theo các điều kiện của Nga) hơn là
tiếp tục viện trợ và hỗ trợ cho Ukraine.
Trump có thể sẽ không trở thành ứng viên của Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên,
điều đáng chú ý là hai ứng viên có số phiếu bình chọn cao nhất trong số các ứng
viên còn lại – Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và doanh nhân Vivek
Ramaswamy – đều là những người kêu gọi bãi bỏ hỗ trợ cho Ukraine mạnh mẽ nhất.
Phe bảo thủ theo kiểu Reagan trong Đảng Cộng hòa – ủng hộ việc bảo vệ các nền
dân chủ đồng minh và bao gồm các nhân vật như cựu Phó Tổng thống Mike Pence và
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell của Kentucky – vẫn có ảnh hưởng lớn ở Đồi
Capitol và các viện chính sách ở Washington. Nhưng trong số các cử tri sơ bộ của
Đảng Cộng hòa, tầm nhìn đó đang dần thất thế. Phe Cộng hòa coi Trung Quốc là mối
đe dọa lớn hơn nhiều so với Nga, và nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng họ
đang đánh đổi việc viện trợ cho Ukraine với việc giải quyết các vấn đề trong nước.
Theo một cuộc thăm dò do Gallup công bố vào tháng 6, 50% đảng viên Cộng hòa tin
rằng Washington đang hỗ trợ quá mức cho Ukraine, tăng từ mức 43% vào thời điểm
bắt đầu chiến tranh. 49% đảng viên Cộng hòa muốn kết thúc xung đột một cách
nhanh chóng, ngay cả khi điều đó cho phép Nga giữ lại lãnh thổ đã chiếm được.
Tháng trước, Ramaswamy viết rằng “Chúng ta đang cố gắng sử dụng các nguồn
lực quân sự của Mỹ để chống lại một cuộc xâm lược vào biên giới của nước khác,
trong khi lại không làm gì để ngăn chặn cuộc xâm lược [của người nhập cư] do
các tổ chức tội phạm hỗ trợ ở biên giới phía nam của chúng ta, ngay tại quê
nhà,” lặp lại một điệp khúc đã trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền
thông bảo thủ của Mỹ. Dù thiếu vững chắc và có tính bài ngoại, lập luận này vẫn
có sức hấp dẫn trực quan mạnh mẽ đối với nhiều đảng viên Cộng hòa và những người
bảo thủ. Nó có thể nhận được sự đồng cảm từ nhiều ứng viên độc lập và thậm chí
cả một số đảng viên Dân chủ và những người cấp tiến.
VẤN ĐỀ CAM KẾT
Việc cắt giảm viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine sẽ không giúp kết
thúc chiến tranh. Không có quốc gia phương Tây nào đang chiến đấu trên chiến
trường Ukraine, và bất chấp vai trò then chốt của vũ khí và tiền bạc từ phương
Tây, ngay từ đầu đây đã là cuộc chiến của Ukraine. Chính người Ukraine đã thể
hiện lòng dũng cảm phi thường và có những hy sinh lớn lao. Có hay không có sự hợp
tác của phương Tây, Ukraine vẫn phải đối mặt với khó khăn: một kẻ thù không chấp
nhận sự tồn tại của quốc gia Ukraine, hoặc tính chính danh của văn hóa Ukraine
hoặc ngôn ngữ Ukraine, và kẻ thù đó đã tự cho mình quyền tấn công dân thường –
gây ra những hậu quả khủng khiếp. Ukraine phải đấu tranh với kẻ thù này bằng mọi
cách có thể. Cho đến khi có lãnh đạo mới ở Điện Kremlin, Ukraine không còn lựa
chọn nào khác ngoài việc chống lại Nga bằng vũ lực.
Nếu không có hậu thuẫn của phương Tây, Ukraine sẽ phải đối mặt với hai
tình thế lưỡng nan. Một là thách thức của việc tiến hành chiến tranh khi trang
thiết bị của phương Tây trở nên đắt hơn, hoặc ít có sẵn hơn, hoặc cả hai. Binh
lính Ukraine đã dành thời gian đáng kể để tham gia huấn luyện sử dụng thiết bị
phương Tây. Các chiến lược gia Ukraine đã được hưởng lợi rất nhiều từ những hỗ
trợ chuyên biệt và việc chia sẻ thông tin tình báo từ Mỹ và các quốc gia khác.
Truy cập Internet trên chiến trường thường là thông qua Starlink – loại công
nghệ mà doanh nhân công nghệ người Mỹ Elon Musk đã cung cấp miễn phí trong một
thời gian (với những hạn chế nhất định) và mới đây Lầu Năm Góc đã quyết định trả
tiền cho dịch vụ này. Nếu châu Âu hoặc Mỹ (hoặc cả hai) cắt đứt quan hệ với
Ukraine, điều đó sẽ gây ra tổn thất khôn lường về sức mạnh quân sự.
Tình thế lưỡng nan thứ hai sẽ vượt ra ngoài Ukraine. Sự ủng hộ của
phương Tây dành cho Ukraine và sự tự nhận thức của Nga có liên hệ sâu sắc với
nhau. Cuộc xâm lược của Putin không chỉ là một ván cược rằng Ukraine sẽ sụp đổ
và sau đó Nga có thể kiểm soát hoặc chia cắt nước này. Nó còn là một ván cược về
phương Tây và đặc biệt là về Mỹ – quốc gia mà, nhiều tháng trước chiến tranh
Ukraine, đã quyết định cắt giảm tổn thất ở Afghanistan sau một cuộc chiến kéo
dài và đầy khó khăn. Putin đang đặt cược vào sự nhạy bén chiến lược và sự kiên
nhẫn của Mỹ, và rộng hơn là của NATO. Nếu Mỹ và các thành viên NATO mất kiên nhẫn
ở Ukraine, Điện Kremlin có thể tuyên bố cuộc chiến này là một chiến thắng chiến
lược ngay cả khi lính Nga vẫn sa lầy trong xung đột ở Ukraine, và trên toàn cầu,
nó có thể được xem là một chiến thắng của Moskva.
Nếu sự ủng hộ dành cho Ukraine giảm dần ở châu Âu chứ không phải ở Mỹ,
Nga sẽ theo đuổi cách tiếp cận chia để trị. Họ có thể đề xuất một giải pháp
thương lượng giả tạo, tạm dừng giao tranh, hoặc “ngoại giao thuốc độc” như những
gì họ đã làm vào năm 2014 và 2015, khi tạo ấn tượng rằng mình sẵn sàng thỏa hiệp
nhưng thực tế lại tìm cách thống trị Ukraine. Ý tưởng là tạo ra sự chia rẽ giữa
một số chính phủ châu Âu và Washington, cũng như giữa Tây Âu và Đông Âu. Một
châu Âu xung đột với Mỹ và một châu Âu xung đột với chính mình sẽ là một sân
chơi tuyệt vời cho những nỗ lực của Nga (thông qua thao túng và gián điệp) nhằm
bình thường hóa việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine vào nước này. Tuy nhiên, nếu sự
hỗ trợ và lãnh đạo của Mỹ được giữ vững, Ukraine sẽ có một nền tảng vững chắc.
Tây Âu sẽ không thể tiếp cận với Nga hoặc đàm phán một thỏa thuận với Nga về vấn
đề Ukraine nếu Mỹ phản đối kết quả này.
Việc mất đi sự hỗ trợ từ Mỹ chứ không phải từ châu Âu sẽ có tác động mạnh
mẽ hơn. Các thành viên và tổ chức EU hiện đã cam kết gần gấp đôi tổng viện trợ
của Mỹ dành cho Ukraine (về tài chính, quân sự, và nhân đạo), thông qua các gói
viện trợ kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, các cam kết quân sự của Mỹ là tương
đương với cam kết quân sự của toàn EU dành cho Ukraine. Châu Âu không thể thay
thế viện trợ quân sự của Mỹ trên quy mô lớn như vậy, và châu Âu sẽ gặp khó khăn
trong việc lấp đầy khoảng trống lãnh đạo. Nếu Mỹ cố gắng ép buộc một giải pháp
thương lượng về Ukraine, châu Âu sẽ có rất ít khả năng kháng cự. Một giải pháp
thiển cận hoặc vội vàng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của Ukraine cũng như an
ninh của châu Âu. Trong mắt Nga, một thỏa thuận như vậy có thể thể hiện sự suy
giảm cam kết của Mỹ đối với an ninh của châu Âu.
VŨ KHÍ BÍ MẬT CỦA PUTIN
Ukraine có rất ít đòn bẩy đối với chính trị trong nước của các đối tác
thời chiến. Dù không ai có thể kêu gọi hỗ trợ cho Ukraine tốt hơn Zelensky,
nhưng dư luận và các cuộc bầu cử ở châu Âu hoặc Mỹ sẽ tuân theo logic nội bộ của
các quốc gia này. Chính phủ Ukraine nên vun đắp quan hệ với các nhân vật chính
trị và các đảng phái chưa ủng hộ Ukraine, bao gồm cả các đảng cực tả và cực hữu,
giống như cách chính phủ Ukraine đã phát triển quan hệ với Trung Quốc trong chiến
tranh, bất chấp sự gần gũi của Trung Quốc với Nga. Bằng cách này, Kyiv có thể
chống lại sự phân cực chính trị có nguy cơ làm xói mòn sự ủng hộ dành cho
Ukraine.
Khi Zelensky lên nắm quyền vào năm 2019, ông gần như ngay lập tức bị cuốn
vào những âm mưu chính trị từ Washington, nhưng vẫn sống sót để lãnh đạo đất nước
khi đất nước cần ông nhất. Ông đã thành thạo việc không liên kết quá chặt chẽ với
bất kỳ đảng phái chính trị nào. Đối với các khu vực bầu cử chính trị chưa được
thuyết phục về việc ủng hộ chiến tranh Ukraine, chẳng hạn như các đảng cánh tả ở
Đức, các đảng cực hữu ở Pháp, và các đảng dân túy đang nổi lên ở các quốc gia
như Slovakia, Zelensky nên nhấn mạnh đến cái giá kinh tế và quân sự to lớn mà
phương Tây sẽ phải trả nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này, đặc biệt
là từ làn sóng di cư ồ ạt mà Ukraine sẽ tạo ra.
Ở Washington và các thủ đô châu Âu, sự ủng hộ dành cho Ukraine không thể
là chắc chắn. Tất cả các lựa chọn chính sách đối ngoại cần được thử nghiệm
trong các cuộc bầu cử, nhưng một số ưu tiên có thể được bảo vệ. Hỗ trợ tài chính
và đảm bảo an ninh cho Ukraine có thể được đưa vào luật pháp và ngân sách dài hạn.
Ví dụ, tại EU, Ủy ban châu Âu đã đề xuất phân bổ hơn 50 tỷ USD để phục hồi, tái
thiết, và hiện đại hóa Ukraine trong giai đoạn 2024–2027. Brussels và các quốc
gia thành viên EU nên mở rộng những cam kết dài hạn này trong tương lai.
Không một cuộc bầu cử nào, ngay cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 ở Mỹ,
là một cuộc trưng cầu dân ý mang tính sinh tử về chính sách của phương Tây:
Trump đã vận động tranh cử vào năm 2016 dựa trên việc nối lại quan hệ hợp tác với
Nga, rồi cuối cùng lại gửi viện trợ sát thương cho Ukraine. Bản thân việc phân
bổ quyền lực và tổ chức bầu cử theo chu kỳ là những biện pháp bảo vệ nền dân chủ
trước những tình huống xấu nhất. Bất kể hiện trạng ở phương Tây có được giữ
nguyên hay không, các quan chức phải tìm kiến những lý do giúp đỡ Ukraine một
cách liên tục và sáng tạo.
Khi xung đột kéo dài, Ukraine sẽ phải điều chỉnh câu chuyện về cuộc chiến
của mình cho công chúng phương Tây. Thay vì một chiến thắng nhanh chóng và quyết
định, như nhiều người đã hy vọng khi cuộc phản công mùa hè bắt đầu, Kyiv sẽ phải
giải thích kết cục của một cuộc chiến kéo dài, nhưng vẫn là cuộc chiến sống còn
của Ukraine. Nếu không, cảm giác muốn ngừng ủng hộ có thể xuất hiện, đặc biệt nếu
chiến tranh ngày càng chuyển sang lãnh thổ Nga, thông qua các cuộc tấn công bằng
máy bay không người lái hoặc các loại tấn công khác. Dù chúng có thể cần thiết
để tự vệ và nâng cao tinh thần cho người Ukraine, nhưng những cuộc tấn công như
vậy có thể sẽ phải trả giá về mặt chính trị nếu chúng góp phần tạo nên “chủ
nghĩa hai bên” trong các cuộc tranh luận ở phương Tây.
Năm 2015, sau khi cuộc giao tranh tồi tệ nhất ở miền đông Ukraine kết
thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn với nhiều thiếu sót, lỗi lớn nhất của phương
Tây là không còn sự quan tâm. Bằng cách nào đó, cuộc khủng hoảng sẽ tự giải quyết.
Chính từ sự kiện này, Putin đã học được điều mà ông cho là sự thật nền tảng về
tính hay thay đổi của các nhà lãnh đạo phương Tây. Trong tương lai, châu Âu và
Mỹ phải tiếp tục chứng minh rằng Putin đã đi đến kết luận sai lầm. Ngăn chặn
Nga và bảo vệ chủ quyền của Ukraine là lợi ích hàng đầu của phương Tây. Họ
không nên phụ thuộc vào những hình ảnh bạo lực khủng khiếp, vào sự chú ý liên tục
của giới truyền thông, hoặc vào sức hút của bất kỳ chính trị gia Ukraine nào. Sự
thờ ơ và thiếu kiên nhẫn của phương Tây là vũ khí tối thượng của Putin trong cuộc
chiến này. Không có chúng, Putin sẽ phải đối mặt với một ngõ cụt chiến lược.
-----------------
Liana Fix là
Nghiên cứu viên Châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.
Michael Kimmage là
Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên cấp cao thuộc
Chương trình Châu Âu, Nga, và Âu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc
tế (CSIS). Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Ban Hoạch định Chính
sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên về Nga-Ukraine.
No comments:
Post a Comment