Liên
kết dạy thêm và những chỉ đạo phòng lạnh
Trong tình hình “liên kết” giữa các công ty/ trung tâm bên ngoài với
các nhà trường/ đơn vị trên cả nước đang gây ra tình trạng bát nháo và nỗi khổ
trăm bề cho học sinh-phụ huynh như hiện nay, lần theo đầu mối là công văn số
2456/SGDĐT-GDPT do Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế ký ngày 31 tháng 8 năm
2023, “đề nghị các Phòng giáo dục và đào tạo và đơn vị trực thuộc Sở nghiên
cứu Chương trình học bổng để tổ chức triển khai và đăng ký tham gia”, tôi
tìm thấy cái tên “Công ty TNHH Học viện Trực Tuyến kiến thức, kỹ năng và
công nghệ Việt Nam”.
Lần mãi, thì ra công văn này xuất phát từ một văn bản “giới thiệu” của
Công ty TNHH Học viện Trực Tuyến kiến thức, kỹ năng và công nghệ Việt Nam, gửi
“đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế”, do giám đốc Hoàng Ngọc Trung ký,
đề ngày 18 tháng 7 năm 2023. Trong văn bản này, công ty TNHH Học viện Trực Tuyến
kiến thức, kỹ năng và công nghệ Việt Nam giới thiệu rằng “Trong 3 năm 2020,
2021, 2022 Học viện Trực tuyến Việt Nam đã triển khai các chương trình cho
10.000 trường học, 20.000 lãnh đạo và quản lý giáo dục, 100.000 giáo viên và
trên một triệu học sinh tham gia”.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=702630425077313&set=a.225469346126759
Ảnh chụp màn hình
Quá khủng! Thật đáng khâm phục!
Vốn tò mò, tôi tra cứu thông tin về doanh nghiệp này trên trang Mã Số
Thuế thì thấy ngày hoạt động của nó này là “2023-01-31”. Vậy không biết bằng
cách nào mà một công ty mới ra đời từ ngày 31-01-2023 lại có thể “triển khai
các chương trình” từ năm 2020 và đào tạo cho hàng vạn trường học, cán bộ, hàng
trăm nghìn giáo viên và cả triệu học sinh?
Không rõ công ty này có bao nhiêu lao động, nhưng cũng trong văn bản
“giới thiệu” gửi Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ghi “Phụ trách giảng dạy trực
tiếp bởi thầy Hoàng Ngọc Trung, giải nhất Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực Công
nghệ thông tin”, tức là giám đốc tự đứng ra giảng dạy.
Văn bản “giới thiệu” này còn ghi “Thời gian: 3 tháng 9-12/2023; Học
online qua Zoom 19h30 thứ 7”. Tôi dịch mãi mà không hiểu “Thời gian: 3 tháng
9-12/2023” có nghĩa là gì, không biết đây là cái tiếng Việt của nước nào!
Tiếp tục ngó qua vài trang khác một cách ngẫu nhiên, lại gặp “Công ty TNHH Học viện Trực Tuyến kiến thức, kỹ năng và
công nghệ Việt Nam” gửi văn bản “giới thiệu” tương tự cho những địa phương và
đơn vị khác. Ví dụ, gửi cho Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn, đề ngày 15 tháng 2 năm 2023.
Tuy nhiên, lần này là “Trong ba năm qua chúng tôi đã đào tạo thành công trên
5000 đơn vị với trên 500.000 học viên”, chứ khônphải là “cho 10.000 trường
học, 20.000 lãnh đạo và quản lý giáo dục, 100.000 giáo viên và trên 1 triệu học
sinh” như trong văn bản gửi Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế nữa!
Quay lại với hai chữ “Học Bổng” do công ty này tự gọi và được các cá
nhân/ cơ quan quản lý cấp trên sử dụng để “truyền chỉ” xuống cấp dưới. Trong
văn bản gửi Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty TNHH Học viện Trực Tuyến kiến
thức, kỹ năng và công nghệ Việt Nam ghi: “Kinh phí: 1.000.000/ khóa/ học viên.
Học viện trao học bổng hỗ trợ 90% còn phải đóng 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng)!”.
Tuy nhiên, trong văn bản tương tự gửi cho Trường Cao đẳng Cộng nghệ Thông tin TP. Hồ Chí Minh lại
ghi: “Học phí khóa học 5.000.000/ khóa/ học viên (Học viện trao học bổng
100%). Phí in ấn chứng nhận + chuyển phát về tận nơi cho Học viên: 100.000 vnđ
(một trăm nghìn đồng)/ học viên (Học viên đóng trước khi đăng ký tham gia
chương trình)”. Nghĩa là cấp học bổng 100%, chỉ thu tiền in ấn, in văn bằng
và chuyển phát về cho học viên, số tiền là 100.000đ.
Còn trong văn bản gửi Chủ tịch Bắc Kạn lại chỉ ghi: “Kinh phí
100.000đ/ học viên (bao gồm kinh phí đào đạo + chứng nhận + chuyển phát) nộp
đăng ký” (Tôi cũng không hiểu nghĩa của cái câu này, nhất là “nộp đăng ký”
nằm ở cuối câu có nghĩa là gì).
Đáng lưu ý nữa: Không phải chỉ có sự bất nhất về thời gian hoạt động, về
số lượng học viên đã đào tạo, về học phí/ kinh phí mà cả 3 văn bản tôi tình cờ
ngó qua đều chỉ thấy người giảng dạy là “thầy Hoàng Ngọc Trung”. Một công ty hoạt
động mới khoảng hơn 7 tháng nay, nếu chỉ có một giám đốc kiêm luôn giảng viên
duy nhất (?) mà có thể đào tào được hàng vạn đơn vị, cán bộ, lãnh đạo và hàng
triệu học sinh thì phải nói là quá phi thường!
***
Trên đây chỉ là một trường hợp mang tính ví dụ minh họa. Trong những
thông tin mà tôi đang có, hiện còn nhiều nữa các trung tâm/công ty và các “văn
bản chỉ đạo” như cách mà Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đã ban xuống cho cấp
dưới mà tôi đã dẫn ở đầu bài viết này.
Tôi không biết các vị chủ tịch tỉnh, các vị giám đốc sở, trưởng phòng,
v.v… họ có kiểm tra thông tin về các trung tâm/ công ty đến mời chào mình hay
không, hay chỉ vừa nghe người bán hàng tự quảng cáo là liền ra lệnh cho cấp dưới
“nghiên cứu để tổ chức triển khai và đăng ký tham gia”?
Thưa quý vị, một cái lệnh như thế, bên dưới nó là hàng trăm nhà trường,
hàng nghìn giáo viên, hàng vạn học sinh. Dứt khoát không thể quan liêu.
Giáo dục thì thiếu thốn đủ bề, nhà trường vừa thiếu tiền, vừa thiếu người,
dân thì rỗng túi; trách nhiệm của nhà nước nói chung và các vị lãnh đạo đầu tỉnh,
đầu ngành phải lo xây dựng, đầu tư và tìm nguồn đầu tư, chứ không phải cứ ngồi
trong phòng lạnh và gật đầu, khiến con dân bên dưới chạy thục mạng, nháo nhào,
điêu đứng.
Nạn dạy thêm, học thêm tràn lan và nhất là hình thức “liên kết” này
đang phá hủy môi trường giáo dục một cách nghiêm trọng. Không thể tiếp tục tùy
tiện gật đầu và cấp phép được nữa. Nhà trường là nơi thiêng liêng có ý nghĩa
quyết định đối với tương lai đất nước, nếu còn để tình trạng này hoành hành,
tương lai vẫn chỉ là một màu xám mờ mịt.
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment