Sunday, September 10, 2023

HOA KỲ MUỐN HỢP TÁC 'CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VỚI VIỆT NAM' NHƯNG HÀ NỘI CÓ THẬT LÒNG? (BBC News Tiếng Việt)

 



Mỹ muốn hợp tác 'chống biến đổi khí hậu với VN' nhưng Hà Nội có thật lòng?

BBC News Tiếng Việt

10 tháng 9 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66751582

 

Khi Tổng thống Biden tới Việt Nam vào 10/9, một trong những mục tiêu chiến lược khi hai nước nâng tầm quan hệ là cùng 'chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu', theo thông cáo của Nhà Trắng.

 

Hồi tháng 12/2022, Việt Nam đã đặt một chân vào cam kết này khi ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng gọi tắt là JETP trị giá hơn 15,5 tỷ USD để chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch.

 

Báo Chính phủ Việt Nam hôm 21/6 dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nói "với Chương trình JETP, Việt Nam sẽ chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế không song hành với tiêu thụ năng lượng nhiên liệu hóa thạch."

 

Nhưng trong những năm 2021 - 2022, Việt Nam cho bỏ tù các nhà hoạt động môi trường tiêu biểu, trong đó có các bà Hoàng Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương. Đến nay mới chỉ có bà Khanh được trả tự do sau khi thụ án 16 tháng tù.

 

Tất cả những người này đều từng tích cực vận động để Việt Nam loại bỏ dần sử dụng than. Tất cả đều bị kết tội 'trốn thuế'.

 

Mới đây, gia đình ông Đặng Đình Bách cho BBC hay ông bị đánh đập trong tù, cơ thể có nhiều vết thương, sức khỏe sụt giảm nghiêm trọng.

 

'VN cần giúp người dân hiểu 15,5 tỷ USD tài trợ cho năng lượng sạch được tiêu vào đâu'

VN có nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ cũng không để 'thoát Trung'?

Năng lượng VN 2023: Điện than đang thoái trào hay bùng nổ?

 

Vậy mục tiêu hợp tác chống biến đổi khí hậu của Việt Nam và Mỹ sẽ trông như thế nào khi những người lẽ ra có thể đóng vai trò chủ đạo trong giám sát độc lập quá trình này đang ngồi tù trong những hoàn cảnh như vậy?

 

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm chiến lược có giúp ích gì cho hai bên trong cam kết chống biến đổi khí hậu và cải thiện môi trường dân chủ ở Việt Nam?

 

 

'Hà Nội chỉ cần tiền'?

 

Ngay trước chuyến thăm của ông Biden, một số tổ chức quốc tế đã thành lập nhóm mang tên gọi Liên minh 5 Việt Nam nhằm kêu gọi sự chú ý của quốc tế về cái mà họ gọi là 'chuyển đổi năng lượng không công bằng' ở Việt Nam.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/00E0/production/_129742200_artwork-08.png

Việt Nam cam kết chuyển đổi từ than sang năng lượng sạch nhưng ai sẽ giám sát việc sử dụng số tiền 15,5 tỷ USD mà các nước giàu tài trợ cho VN để thực hiện cam kết này vẫn còn là một câu hỏi

 

Ông Phil Roberton, Phó giám đốc châu Á của Human Rights Watch (HRW), thành viên của Liên minh 5 Việt Nam, nói với BBC rằng với việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường, Hà Nội dường như chỉ 'lợi dụng Mỹ' để được rót thêm tiền chứ không thực sự quan tâm tới các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

 

Số liệu thống kê của các tổ chức nhân quyền chỉ ra rằng Việt Nam hiện giam giữ gần 200 tù nhân chính trị, trong đó chưa tính tới những người bị chính quyền 'bịt miệng' hoặc bị bắt phải sống lưu vong.

 

"Việt Nam chưa bao giờ là một ngọn hải đăng về nhân quyền, nhưng tình hình còn tệ hơn kể từ năm 2016 khi phe theo đường lối cứng rắn của ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền. Việc đàn áp này càng được tăng cường khi ông Trọng củng cố quyền lực của mình bằng cách viết lại các quy định của Đảng để tự cho mình thêm nhiệm kỳ vốn chưa từng có tiền lệ," ông Ben Swanton, đồng giám đốc Project 88 nói với BBC.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/6031/production/_129752642_artwork-03.png

Bốn nhà hoạt động môi trường (từ trái qua): Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh cùng chịu án tù vì tội trốn thuế. Trong số này, chỉ có bà Khanh mới được trả tự do hôm 13/5/2023

 

Trong hoàn cảnh đó, ông Phil Robertson cho rằng Mỹ đơn giản là chưa làm đủ mạnh để yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền một cách có hệ thống.

 

"Phản ứng thích hợp của Hoa Kỳ sẽ là tạo ra một loạt các tiêu chuẩn nhân quyền mà Việt Nam phải đáp ứng để nâng cấp mối quan hệ, nhưng cách tiếp cận đó đã bị ném ra ngoài cửa sổ vì nỗi ám ảnh của Nhà Trắng về việc tìm kiếm đồng minh trong cuộc ganh đua của mình với Trung Quốc," ông Robertson nói với BBC.

 

Trong khi đó, ông Josh Klemm, đồng giám đốc Tổ chức Sông ngòi Quốc tế, đồng thời là thành viên Liên minh 5 Việt Nam, chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu.

"Chính vì thế, Việt Nam cần các nhà hoạt động môi trường, các lãnh đạo khí hậu nếu chính phủ thực sự nghiêm túc trong việc tìm ra các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu. Những người hiện đang bị tù là những người đã giúp nâng cao nhận thức về các tác động nguy hiểm của than tại Việt Nam và đã cống hiến nhiều năm để đưa ra các giải pháp thay thế cho nhu cầu năng lượng sạch của đất nước," ông Josh Klemm đưa ra nhận định với BBC.

 

 

'Lạc quan một cách thận trọng'

 

Bàn về vai trò của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của cả hai bên, đặc biệt là cam kết chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam, ba nhà quan sát quốc tế mà BBC trao đổi đưa ra cái nhìn không mấy lạc quan.

 

Ông Josh Klemm, trong khi thừa nhận rằng việc dự kiến nâng cấp mối quan hệ lên thành đối tác chiến lược là một thời khắc quan trọng để chỉ ra rằng cam kết chống biến đổi khí hậu của cả hai nước, bao gồm Thỏa thuận JETP, là vô cùng ý nghĩa, thì việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường khiến các cam kết này có vẻ chẳng có ý nghĩa gì, cũng không 'công bằng' hay 'chiến lược' như tên gọi của nó.

 

Ông Josh Klemm nói rằng ông 'lạc quan một cách thận trọng' vào việc chính quyền Biden sẽ nhận ra vai trò to lớn của các nhà hoạt động khí hậu Việt Nam để tìm mọi cách để họ được trả tự do.

 

Quan hệ Mỹ-Việt nâng cấp và vị thế của TBT Nguyễn Phú Trọng

Điện gió VN: Nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - Bài 1

Hai mỏ khí đốt trên Biển Đông của VN góp phần phá vỡ thỏa thuận khí hậu Paris?

 

Còn theo ông Robertson, Hoa Kỳ có thể soạn thảo một thỏa thuận cho gói tài trợ JETP nhằm giải quyết các vấn đề về tính minh bạch và cụ thể hóa mục đích sử dụng số tiền đó.

 

Nhưng ông Robertson đặt câu hỏi là vấn đề nằm ở chỗ, sau khi 15,5 tỷ USD được chuyển cho Việt Nam, ai sẽ là cơ quan giám sát để đảm bảo số tiền đó không không bị lạm dụng?

"Đó là lý do tại sao cần phải có chỗ trong bàn đàm phán cho các nhóm xã hội dân sự Việt Nam. Các chương trình JETP không thể được thực hiện sau cánh cửa đóng kín, đó sẽ là công thức dẫn đến thảm họa," ông Robertson nói.

 

 

Ai sẽ là 'quân bài mặc cả'?

 

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp có chính khách nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, tới Việt Nam, một câu hỏi lại được đặt ra là tù chính trị nào sẽ được trả tự do để đổi lấy một vài điều kiện trong hợp tác giữa hai bên.

 

Theo ông Robertson, Việt Nam có thể trả tự do cho một hoặc hai nhà bất đồng chính kiến hoặc buộc họ đi lưu vong trước khi Tổng thống Biden tới Hà Nội vào Chủ Nhật 8/9, nhưng ông "chưa nhận được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu nằm trong số những người được xem xét trả tự do như vậy."

 

"Hơn nữa, nếu bất kỳ nhà hoạt động biến đổi khí hậu nào được thả thì họ sẽ coi việc rời khỏi đất nước là cái giá của tự do.

 

"Việt Nam sử dụng các tù nhân chính trị nổi tiếng của mình như một quân bài mặc cả với Mỹ, hoạt động theo cách đổi chác thay vì đồng ý với một khuôn khổ về nhân quyền có thể dẫn đến thay đổi có hệ thống. Và một khi họ để một nhà hoạt động ra đi, những người mới sẽ bị bắt để thay thế những người đã ra đi," ông Robertson nói.

 

Cả ba nhà quan sát quốc tế mà BBC phỏng vấn đều đồng tình rằng điều ông Biden cần làm trong chuyến thăm Việt Nam lần này là yêu cầu Việt Nam trả tự do cho các nhà hoạt động "ngay lập tức và vô điều kiện".

 

Bên cạnh đó, họ cần được bảo vệ khỏi sự giám sát, quấy rối và lạm dụng, đồng thời được đảm bảo giành một vai trò quan trọng trong việc giám sát chương trình JETP.

 

"Những việc này như vậy phải được thể hiện bằng văn bản chứ không chỉ là thỏa thuận bằng lời nói giữa ông Biden và Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng," ông Phil Robertson nói.

 

Bình luận về vấn đề này với BBC, ông Ben Swanton của Project 88 nói:

"Khi Tổng thống Biden chuẩn bị đến Việt Nam, ông có thể làm nhiều điều hơn là chỉ nói suông về nhân quyền. Ông ta nên đặt nhân quyền làm trọng tâm trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao bằng cách yêu cầu:

 

"Trả tự do cho các tù nhân chính trị, đảm bảo tạm ngưng các vụ bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền, ân xá cho tất cả tù nhân chính trị trước khi bán vũ khí cho Việt Nam."

 

Ông Swanton nói rằng ông cảm thấy 'phẫn nộ' khi Tổng thống Biden đã chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào thời điểm mà nước này "đang tiến hành đàn áp tàn bạo đối với các nhà hoạt động, bất đồng chính kiến và xã hội dân sự."

 

"Năm 2021, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu tại một buổi đề cử ứng viên tại Ủy ban Thượng viện về Quan hệ đối ngoại của Mỹ rằng nếu được đề cử, 'Tôi sẽ gây sức ép lên chính phủ Việt Nam về việc tôn trọng tự do biểu đạt, lập hội, nhóm họp ôn hòa, và tự do tôn giáo.... Chỉ khi chúng ta thấy những tiến bộ đáng kể về nhân quyền thì mối quan hệ đối tác của chúng ta mới đạt được tiềm năng tối đa. Tuy nhiên, dù không có tiến bộ nào, Tổng thống Biden vẫn chọn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam."

 

Cũng theo ông Swanton, trong khi nhân quyền bị xếp sang một bên thì hợp tác quân sự hai nước ngày càng được mở rộng.

 

Năm 2015, hai nước đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng, bao gồm danh sách 12 lĩnh vực hợp tác.

 

Kể từ đó, ba tàu sân bay Mỹ đã đến thăm Việt Nam. Sau đó vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đăng cai tổ chức một hội chợ vũ khí quốc tế lớn. Các quan chức quân sự Việt Nam đã nói công khai về sự cần thiết phải đa dạng hóa việc mua sắm quân sự của Việt Nam.

 

Sau triển lãm, các hãng quốc phòng Mỹ Lockheed Martin, Boeing, Raytheon và Textron đã có cuộc hội đàm với các quan chức này về việc bán trực thăng và máy bay không người lái cho Việt Nam.

 





No comments: