Giáo
hoàng Phanxicô mở chuyến tông du đầu tiên tại Mông Cổ
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 01/09/2023 - 13:44
Giáo hoàng Phanxicô hôm nay, 01/09/2023, đã đặt
chân đến Mông Cổ, mở chuyến tông du đầu tiên tại quốc gia rộng lớn ở châu Á, và
nhân dịp này đã gởi một thông điệp “hòa bình” đến Trung Quốc,
quốc gia mà ngài muốn cải thiện quan hệ.
Ngoại trưởng Mông Cổ
Batmunkh Battsetseg (P) tiếp đón giáo hoàng Phanxicô tại sân bay quốc tế Thành
Cát Tư Hãn (Chinggis Khaan) ở Ulan-Bator, ngày 01/09/2023. AP - Andrew
Medichini
Chuyến thăm của vị giáo hoàng 86 tuổi, kéo dài đến ngày 04/09, tại quốc
gia có đại đa số dân theo Phật Giáo, chính là nhằm yểm trợ cộng đồng Công Giáo
nhỏ bé, chỉ có khoảng 1.400 giáo dân trên tổng dân số hơn 3 triệu người.
Ngay sau khi đáp xuống sân bay Ulan-Bator, giáo hoàng Phanxicô đã đến
nhà riêng của giám mục Giorgio Marengo, 49 tuổi, hiện là hồng y trẻ nhất của
Giáo hội Công Giáo. Ngày mai 02/09, giáo hoàng sẽ hội kiến tổng thống Mông Cổ
Ukhnaa Khurelsukh và thủ tướng Luvsannamsrai Oyun-Erdene, đồng thời sẽ có một
bài phát biểu với chính phủ, các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức xã hội
dân sự. Cũng trong ngày mai, giáo hoàng Phanxicô sẽ tiếp xúc với cộng đồng Công
Giáo Mông Cổ.
Theo Vatican, nhân chuyến tông du của giáo hoàng, khách hành hương từ
nhiều nước cũng sẽ đến Mông Cổ, trong đó có những người đến từ Việt Nam.
Ngoài ý nghĩa về tôn giáo, theo các chuyên gia, chuyến tông du này còn
mang ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Trả lời hãng tin
AFP, ông Michel Chambon, chuyên gia về các cộng đồng Công Giáo ở châu Á, phân
tích : “Đây rõ ràng là một nỗ lực của Tòa Thánh nhằm mở rộng ảnh hưởng ở
Trung Á, không để cho Nga hay Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn vùng này.”
Đúng vào lúc phi cơ của ngài bay ngang qua Trung Quốc, giáo hoàng
Phanxicô đã gởi một bức điện với “những lời chúc tốt đẹp” đến
chủ tịch Tập Cận Bình, kèm theo thông điệp “đoàn kết và hòa bình”.
Lãnh đạo Giáo hội Công Giáo thế giới vẫn có truyền thống gởi lời chào đến lãnh
đạo các quốc gia mà máy bay của ngày bay ngang qua.
Đáp lại thông điệp của giáo hoàng Phanxicô, Bắc Kinh tuyên bố muốn “tăng
cường sự tin cậy lẫn nhau” với Vatican và “thúc đẩy tiến trình
cải thiện quan hệ song phương”.
Cho tới nay, Trung Quốc và Tòa Thánh vẫn chưa thiết lập bang giao,
nhưng vào năm ngoái đã đạt được thỏa thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, một vấn
đề gai góc, vẫn gây cản trở quan hệ giữa hai bên.
Chuyến tông du thứ 43 của giáo hoàng Phanxicô được đánh giá là rất quan
trọng đối với quan hệ giữa Vatican với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia mà ngài
vẫn chưa được mời đến thăm.
Với chủ trương giữ thế trung lập, Mông Cổ giữ bang giao tốt với cả hai
láng giềng Nga và Trung Quốc, nhưng cũng đang tăng cường quan hệ với các nước
khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do vậy, Mông Cổ có thể đóng vai trò hữu
ích cho Vatican trong việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc cũng như với Nga,
vào lúc mà giáo hoàng đang cố thương lượng về một giải pháp nhằm chấm dứt chiến
tranh Ukraina.
----------------------------
Các nội dung liên quan
Mông
Cổ và chiến lược giữ cân bằng giữa Nga và Trung Quốc
No comments:
Post a Comment