Giáo
dục đang bị biến thành chợ đen?
Một phụ huynh ở TP Vinh (Nghệ An) chia sẻ với tôi rằng, vài năm nay các
con anh đang phải đóng mỗi tháng từ 500k đến 700k cho học “tiếng Anh tăng cường”,
số lượng là 2 tiết/tuần. Chương trình “tiếng Anh tăng cường” do một trung tâm
Anh ngữ hợp tác với nhà trường để triển khai.
Vị phụ huynh cũng cho biết, hiện tại trung tâm này đang hợp tác với 86
trường học. Tôi kinh ngạc hỏi lại rằng: 86 trường nghĩa là cả ngàn lớp học, cả
vạn học sinh, sao họ dạy nổi. Anh nói, chủ yếu là trường nào thì giáo viên trường
ấy dạy, chứ cái trung tâm ấy chỉ có khoảng hơn 20 giáo viên thôi, dạy làm sao
được.
86 trường, khoảng 80 nghìn học trò, nhân với 500k/em sẽ ra một số tiền
khổng lồ là 40 tỉ đồng mỗi tháng. Nhưng mỗi tiết dạy, giáo viên nhà trường chỉ
được trả từ 50 đến 80 nghìn.
Tay không bắt giặc, không cần xây dựng trường lớp, không cần tuyển dụng
giáo viên, chỉ cần lập ra một cái “trung tâm” rồi đến bắt tay với hiệu trưởng một
cái thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân liền
biến thành “của nhà” và dọn tới tận miệng. Quá sướng.
Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, khi trước, còn làm công tác quản lý
trong trường học nhà nước, anh cũng đã từng được những trung tâm kiểu này đề
nghị hợp tác với hoa hồng lợi nhuận là 40%, nhưng anh từ chối, vì biết rõ ràng
rằng nó không mang lại lợi ích gì cho học trò cả, thậm chí còn làm khổ các em
vì bị tước thêm thời gian và học hành láo nháo chỉ cho qua chuyện nhằm thu tiền.
Lần theo tên của Trung tâm Anh ngữ này, tìm kiếm mã số thuế nhưng không
thấy, website cũng không có, chỉ có một trang Facebook với lèo tèo mấy lượt
like mỗi bài đăng. Tôi không khẳng định được mức độ chính xác của những thông
tin do vị phụ huynh này chia sẻ, cần các ngành chức năng vào cuộc điều tra thì
mới kết luận được.
Tuy nhiên, bản chất của việc này thì không xa lạ với tôi, vì năm ngoái
chính tôi đã phản đối 2 chương trình tương tự (kỹ năng sống và tiếng Anh) tại
trường con tôi học, sau đó nhà trường đã phải hủy bỏ, không thực hiện nữa. Tôi
chất vấn rằng, học cái gì, học vào lúc nào, ai dạy, dạy như thế nào, kế hoạch
đâu, ai duyệt, trình tự thủ tục được tiến hành ra sao, v.v.. Không ai giải
trình được, và đành phải bỏ.
Hiện nay, những chương trình “liên kết”, “hợp tác”, “tăng cường” kiểu
này do sự bắt tay giữa hiệu trưởng và các trung tâm ma bên ngoài đang đổ bộ vào
các trường học ở khắp nơi trên cả nước, tạo ra một thị trường chợ đen phá nát
giáo dục từ bên trong.
Hình thức của kiểu làm ăn này rất đa dạng, phức tạp, có nơi thô bạo, có
chỗ tinh vi bằng nhiều chiêu trò. Có trường chỉ cần thông báo một cách mập mờ
khiến tất cả học sinh phải tham gia; có trường thì cho đăng ký, nhưng lại dạy
vào buổi học chính khóa, em nào không đăng ký sẽ bị đưa ra khỏi lớp. Cha mẹ nào
nỡ để con bơ vơ một mình trên sân trường, thế là chẳng biết có lợi lộc gì không
nhưng cũng cắn răng mà đóng tiền cho con được ngồi trong lớp.
Bên cạnh phong trào “trăm hoa đua nở” của việc lạm thu, tận thu đã
thành một thứ dịch bùng phát trên khắp cả nước trong hàng chục năm nay, thì những
chương trình như Stem, Kỹ năng sống, Tiếng Anh… đang tràn vào các nhà trường
như một cơn lũ giữa thanh thiên bạch nhật, biến những nơi thiêng liêng ấy thành
chợ trời, chợ đen.
Phá hỏng môi trường giáo dục, vắt kiệt sức lực của phụ huynh, đày ải
hàng triệu học trò chỉ vì mối lợi quá lớn và quá dễ kiếm này, đó là tình trạng
đang công nhiên diễn ra mà rất hiếm khi thấy bóng dáng của các “cơ quan chức
năng”, “cơ quan quản lý”, cứ như chốn không người vậy.
Tôi nghĩ, nếu không có một cuộc “tổng vệ sinh” bằng cách mở cuộc điều
tra trên toàn quốc, quét sạch để lập lại kỷ cương trong các nhà trường, thì
giáo dục sẽ bị băng hoại hoàn toàn, rồi Chương trình Đổi mới “căn bản toàn diện”
cũng sẽ bị đám cỏ dại và sâu trùng này phá nát khi chưa kịp bén rễ…
Thái Hạo
No comments:
Post a Comment