Saturday, September 9, 2023

DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT CÓ NHIỀU ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VỚI VỤ KHAI THÁC BÔ-XÍT Ở ĐẮC NÔNG (Trương Nhân Tuấn)

 



Dự án hồ chứa nước Ka Pét có nhiều điểm tương đồng với vụ khai thác Bô-xít ở Đắc Nông

Trương Nhân Tuấn

09/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/09/du-an-chua-nuoc-ka-pet-co-nhieu-diem-tuong-dong-voi-vu-khai-thac-bo-xit-o-dac-nong/

 

Nếu Bô-xít Đắc Nông là “chủ trương lớn của đảng” thì dự án hồ Ka Pét “là dự án quan trọng quốc gia”. Dự án này đã được “Quốc hội quyết định và quyết định điều chỉnh…”.

 

Theo “dự kiến”, tức là khi dự án hoàn thành: Thứ nhứt, “sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam”; thứ hai “cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II với 2,63 triệu m3/năm”; thứ ba, “tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết”; thứ tư “phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của tỉnh”.

 

Cá nhân tôi hoài nghi về lợi ích của việc “cấp nước tưới” cho nông nghiệp, cũng như để phục vụ cho sinh hoạt dân chúng huyện Hàm Tân. Du lịch thì giống cái bánh vẽ…

 

Theo các khảo cứu về địa chất của các chuyên gia tài nguyên môi trường Việt Nam (mà tôi đọc được) thì địa tầng ở đây giàu quặng limenite (ốc xít sắt và titan – cát đen). Một số quặng khác giàu tính phóng xạ (radioactivité) cũng được khám phá. Đặc biệt khu vực hồ Ka Pét. Quặng bắt đầu từ 25 mét, bề dày lên đến độ sâu trên 100 mét.

 

Tức là khi đào đất làm hồ chứa nước, thì nước ở hồ này sẽ thấm vào địa tầng chứa các quặng (hàm lượng phóng xạ cao).

 

Sử dụng nước hồ Ka Pét có nghĩa là uống thuốc độc. Một phần lớn dân cư Phan thiết sẽ bị ung thư sau vài năm. Nông sản ở đây (khi bị nhiễm phóng xạ do tiêu tưới) cũng sẽ không sản xuất được đi đâu hết cả.

 

Nếu ta nhìn cả tỉnh Bình thuận với cặp mắt “logic”, không thiên vị về tiền hay về chính trị, tỉnh này không thể đặt căn bản của sự phát triển trên nền tảng nông nghiệp.

 

Khí hậu Phan thiết khô và nắng. Mặt đất khá giống sa mạc, toàn là cát đỏ, hàm lượng quặng limenite rất cao (68%). Nào giờ Phan thiết đã nổi danh với những sản phẩm về biển. Hướng phát triển của cả tỉnh Bình thuận là hướng ra biển (đánh cá, kỹ nghệ đóng tàu), là khai thác và tinh chế titan, đồng thời với việc thành lập các cơ sở giáo dục về công nghệ titan. Phan thiết cũng thuận lợi cho việc sản xuất quang điện…

 

Về vụ khai thác titan, thử nhìn các tấm hình do báo chí trong nước đăng tải từ nhiều năm trước, cả tỉnh Bình thuận, vùng ven biển, đều bị đào bới hang lổ nham nhở. Từ nhiều thập niên nay người ta khai thác quặng bừa bãi. Có rất nhiều “hồ nước” đã thành hình mà không hồ nào có thể sử dụng được (vì nước bị ô nhiễm kim loại nặng hay vì phóng xạ). Các lãnh đạo địa phương cũng như các “nhà khai thác quặng” ăn xổi ở thì, không ai có trách nhiệm “xử lý” chất thải, cũng như hoàn nguyên môi trường sau khi khai thác.

 

Vì vậy, nhà nước dừng nên vịn vào các lý do kiểu “lấy nước cho nông dân tưới tiêu” hay “phục vụ cho người dân thành phố” v.v… không thuyết phục chút nào hết cả.

 

Theo tôi, một dự án nói là làm “hồ chứa nước” mà thực chất là phá rừng, khai thác quặng mỏ, nhứt là một dự án tầm quốc gia thì quốc hội không thể quyết định khơi khơi. Phải có một ê kíp khoa học gia uy tín, “trung lập”, nghiên cứu về tính khả thi của dự án.

 

Ta thấy hiện tại, một nhà khai thác đã thấy rõ ràng là họ không có khả năng hoàn nguyên môi trường và đền bồi lợi ích của “thế hệ tương lai”. Lý do nào cho phép họ phá rừng, đào bới lấy quặng mỏ, với bình phong làm hồ Ka Pét? Ngoài ra việc khai thác này sao không thấy thông qua một quá trình gọi thầu và đấu thầu?

 

 





No comments: