Friday, September 1, 2023

CUỘC CHIẾN KINH TẾ MỸ - TRUNG (Jeffrey D. Sachs)

 



Cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung

Jeffrey D. Sachs

Đỗ Kim Thêm dịch

01/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/01/cuoc-chien-kinh-te-my-trung/

 

Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Jeffrey D. Sachs đưa ra ba luận điểm thiếu thuyết phục. Một là, nền kinh tế Trung Quốc đình đốn, phần lớn là do Mỹ gây ra nhằm làm chậm mức tăng trưởng của Trung Quốc. Làm như vậy, Mỹ đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trên toàn cầu. Do đó, Mỹ nên dừng lại.

 

Cuộc thương chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ Hoa Kỳ đơn phương gây ra và còn tiếp diễn. Cả hai đang tận dụng mọi ưu thế để cải thiện vị thế của mình. Ai sẽ có khả năng làm cho đối phương suy yếu kinh tế, còn cần nhiều thời gian và nỗ lực. Các chính sách ngăn chận của Trump và Biden đã có kết quả tốt đẹp. Ai sẽ thắng cử trong năm 2024 cũng phải tiếp tục phát huy thành quả này. Nếu Hoa Kỳ đơn phương dừng lại các thành tựu này, hiển nhiên sẽ không khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, mà ngược lại, Trung Quốc sẽ nâng cao vị thế siêu cường, nhất là hiện nay, Trung Quốc có nhiều đối tác thương mại hơn là Hoa Kỳ và các nước này được hưởng lợi từ đầu tư và thương mại của Trung Quốc.

 

Hai là, trong quá khứ, Mỹ đã cố tình làm chậm lại tình trạng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Hiện nay, lịch sử tái diễn, Mỹ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. So sánh Trung Quốc hiện nay với Nhật Bản trước đây, Jeffrey D. Sachs chẩn đoán thiếu cơ sở. Mức sống của dân Nhật vào năm 1990 tương đương 60% của Hoa Kỳ; của dân Trung Quốc ngày nay là dưới 20%.

 

Không giống như Nhật Bản, Trung Quốc đang phải chịu đựng nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn ngoài yếu tố cung cầu không cân bằng và nợ nần chồng chất, thí dụ như lão hoá dân số, những thất bại trong hoạch định chính sách kinh tế sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung quyền lực. Do đó, tình trạng tăng trưởng chậm ở Trung Quốc sẽ còn tồi tệ hơn và lâu dài hơn, có nghĩa là, người dân Trung Quốc trở nên nghèo hơn dân Nhật.

 

Ba là, để giải quyết vấn đề đình trệ, Trung Quốc sẽ tìm kiếm các đối tác khắp thế giới để hỗ trợ tiếp tục cho việc mở rộng thương mại và tiến bộ công nghệ.

 

Thuận lợi nhất hiện nay cho Trung Quốc là đang thống trị nhóm BRICS khi nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi cộng lại. Trung Quốc cũng đang là một đối tác kinh tế và thương mại quan trọng đối với tất cả các nước khác. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg, Nam Phi tháng 8/2023, BRICS đã quyết định kết nạp thêm sáu thành viên mới gồm Saudi Arabia, Iran, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Argentina, Ai Cập và Ethiopia sẽ gia nhập vào ngày 1/1/2024. Với sự kết nạp này, BRICS sẽ tăng gấp đôi quy mô và vị thế địa chính trị và kinh tế. Có khoảng 40 quốc gia loan báo, sẽ quan tâm đến tư cách thành viên, đặc biệt trong số đó có Algeria, Kuwait, Bangladesh, Venezuela và Thái Lan.

 

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, BRICS là dấu hiệu của sự tự tin mới, không còn chấp nhận mô hình trật tự phương Tây, quan tâm đến việc thiết lập các quy tắc mới trong chính sách tài chính, thương mại và kinh tế quốc tế. Nhưng BRICS là một cơ chế còn lỏng lẻo, không có sự hiểu biết chung về chính sách an ninh, nhất là chưa có sự đồng thuận cho Trung Quốc lãnh đạo trong hai lĩnh vực chính trị và tiền tệ. Sau đây lả bản dịch:

 

                                                         ***

 

Nền kinh tế Trung Quốc đang đình trệ. Các dự báo hiện tại cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 ở mức dưới 5%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi năm ngoái và thấp hơn nhiều so với các tốc độ tăng trưởng cao mà Trung Quốc có được cho đến cuối thập niên 2010. Báo chí phương Tây loan tin tràn ngập về những hành vi được cho là sai trái của Trung Quốc: Một cuộc khủng hoảng tài chính trên thị trường bất động sản, nợ nần chồng chất và các căn bệnh khác. Tuy nhiên, phần lớn sự đình đốn là kết quả của các biện pháp của Mỹ nhằm làm chậm tăng trưởng của Trung Quốc. Các chính sách như vậy của Mỹ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là mối nguy hiểm cho sự thịnh vượng trong toàn cầu. Họ nên dừng lại.

 

Các chính sách chống Trung Quốc xuất phát từ một kịch bản quen thuộc trong việc hoạch định chính sách của Mỹ. Mục đích là để ngăn chặn sự cạnh tranh kinh tế và công nghệ từ một đối thủ quan trọng. Ứng dụng đầu tiên và rõ ràng nhất của vở kịch này là sự phong tỏa công nghệ mà Mỹ áp đặt lên Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ tuyên bố, Liên Xô là kẻ thù của Mỹ và chính sách của Mỹ nhằm ngăn chặn Liên Xô tiếp cận các công nghệ tiên tiến.

Ứng dụng thứ hai của vở kịch ít rõ ràng hơn, và trên thực tế, thường bị ngay cả giới quan sát am tường thông qua. Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, Mỹ đã cố tình tìm cách làm chậm lại tình trạng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên, vì Nhật Bản đã đang là đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản trở nên “quá thành công”, khi các doanh nghiệp Nhật Bản cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ trong các lĩnh vực then chốt, bao gồm chất bán dẫn, điện tử tiêu dùng và ô tô. Thành công của Nhật đã được ca ngợi rộng rãi trong những cuốn sách bán chạy nhất, như Japan as Number One của Giáo sư Harvard Ezra Vogel, một đồng nghiệp tuyệt vời của tôi đã qua đời.

 

Từ giữa đến thập niên 1980, các chính trị gia Mỹ hạn chế hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Mỹ (thông qua cái gọi là các giới hạn “tự nguyện” đã thỏa thuận với Nhật Bản) và thúc đẩy Nhật Bản định giá quá cao đồng tiền của mình. Đồng Yên Nhật tăng giá từ khoảng 240 Yên mỗi đô la trong năm 1985 lên 128 Yên một đô la năm 1988 và 94 Yên so với đô la năm 1995, định giá hàng hóa Nhật Bản nhằm nhăn chận ra khỏi thị trường Mỹ. Nhật Bản rơi vào suy thoái khi tăng trưởng xuất khẩu sụp đổ. Từ năm 1980 đến năm 1985, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 7,9% hàng năm. Từ năm 1985 đến năm 1990, tăng trưởng xuất khẩu giảm xuống còn 3,5% hàng năm; và từ năm 1990 đến năm 1995, xuống còn 3,3% mỗi năm. Khi tăng trưởng chậm lại rõ rệt, nhiều doanh nghiệp Nhật rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, dẫn đến phá sản tài chính vào đầu thập niên 1990.

 

Vào giữa thập niên 1990, tôi đã hỏi một trong những quan chức có quyền lực nhất trong chính phủ Nhật Bản rằng tại sao Nhật không phá giá đồng tiền để thiết lập tình trạng tăng trưởng. Câu trả lời của ông ta là, Mỹ sẽ không cho phép làm điều đó.

 

Hiện nay, Mỹ đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. Bắt đầu từ khoảng năm 2015, giới hoạch định chính sách của Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa hơn là đối tác thương mại. Sự thay đổi quan điểm này là do thành công kinh tế của Trung Quốc. Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc thật sự bắt đầu báo động các chiến lược gia Mỹ khi Trung Quốc công bố năm 2015, chính sách “Made in China 2025” để thúc đẩy sự tiến bộ của Trung Quốc lên đỉnh cao của các người máy, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo và các công nghệ tiên tiến khác. Cùng thời gian đó, Trung Quốc công bố Sáng kiến Vành đai và Con đường để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại trên khắp châu Á, châu Phi và các khu vực khác, chủ yếu sử dụng tài chính, các doanh nghiệp và công nghệ của Trung Quốc.

 

Mỹ đã phủi bụi khỏi vở kịch cũ để làm chậm lại sự tăng trưởng đang tăng vọt của Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama lần đầu tiên đề xuất thành lập một nhóm thương mại mới với các nước châu Á, sẽ loại trừ Trung Quốc, nhưng ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã đi xa hơn, hứa hẹn chủ nghĩa bảo hộ hoàn toàn chống lại Trung Quốc. Sau khi thắng cử năm 2016 trên nền tảng chống Trung Quốc, Trump đã áp đặt thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc, vi phạm rõ ràng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Để bảo đảm WTO không ra phán quyết chống lại các biện pháp của Mỹ, Mỹ đã vô hiệu hóa cơ chế tòa hoà giải WTO bằng cách chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới. Chính quyền Trump cũng chặn các sản phẩm từ các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như ZTE và Huawei và kêu gọi các đồng minh của Mỹ làm điều tương tự.

 

Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, nhiều người (gồm cả tôi) kỳ vọng Biden sẽ đảo ngược hoặc nới lỏng các chính sách chống Trung Quốc của Trump. Điều ngược lại đã xảy ra. Biden đã tăng gấp đôi, không chỉ duy trì thuế quan của Trump đối với Trung Quốc, mà còn ký các sắc lệnh hành pháp mới nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và đầu tư của Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ được khuyên một cách không chính thức nên chuyển chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang các nước khác, một quá trình được dán nhãn “friend-shoring” thay vì thuê ngoài. Khi thực hiện các biện pháp này, Mỹ hoàn toàn xem thường các nguyên tắc và thủ tục của WTO.

 

Hoa Kỳ phủ nhận mạnh mẽ rằng, họ đang trong một cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc, nhưng như câu ngạn ngữ cũ, nếu nó trông giống như một con vịt, bơi như một con vịt và kêu như một con vịt, nó có thể là một con vịt (ám chỉ một người thiếu lương thiện khi thể hiện các kỹ năng vụng về: ND). Hoa Kỳ đang sử dụng một chiến thuật quen thuộc, và các chính trị gia ở Washington đang viện dẫn những lời hùng biện quân sự, gọi Trung Quốc là kẻ thù phải được kiềm chế hoặc đánh bại.

 

Kết quả được nhìn thấy trong sự đảo ngược xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trong tháng 1/2017 khi Trump nhậm chức, Trung Quốc chiếm 22% lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Vào thời điểm Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, thị phần nhập khẩu của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm xuống còn 19%. Tính đến tháng 6/2023, thị phần nhập khẩu của Trung Quốc tại Mỹ đã giảm mạnh xuống còn 13%. Từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm tới 29%.

 

Tất nhiên, các động lực của nền kinh tế Trung Quốc rất phức tạp và hầu như không được thúc đẩy bởi thương mại Trung Quốc-Mỹ. Có lẽ xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ phần nào phục hồi. Tuy nhiên, Biden dường như không thể giảm bớt các rào cản thương mại với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử năm 2024.

 

Không giống như Nhật Bản trong thập niên 1990, vốn phụ thuộc vào Mỹ về an ninh, và do đó tuân theo các yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc có nhiều không gian hơn để điều động khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Quan trọng nhất, tôi tin rằng, Trung Quốc có thể tăng đáng kể xuất khẩu sang phần còn lại của châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, thông qua các chính sách như mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đánh giá của tôi là nỗ lực của Mỹ nhằm kềm chế Trung Quốc, không chỉ sai lầm về nguyên tắc, mà còn thất bại trong thực tế. Trung Quốc sẽ tìm kiếm các đối tác trong toàn bộ nền kinh tế thế giới để hỗ trợ tiếp tục mở rộng thương mại và tiến bộ công nghệ.

 

 

-----------------------------------------------------

The US economic war on China

By Jeffrey D. Sachs

August 30, 2023

The Manila Times  

 

 

 




No comments: