Công
khai minh bạch tài sản quan chức - "Nút thắt" của chính sách chống
tham nhũng
04-09-2023
Bài bình luận của ông
Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách
& Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam
Lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Việt
Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/1/2021 (minh hoạ) - AFP
Trong
chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, Chính phủ kiểm
soát tài sản quan chức, công chức là nội dung quan trọng; thế nhưng thực
thi còn mang tính hình thức, thậm chí lãnh đạo cao cấp cũng không ‘gương mẫu’.
Việc thực hiện không nghiêm đã tạo ra ‘nút thắt’ khiến hiệu quả chính sách
“không như mong muốn”.
Hôm 17/8/2023 các báo nhà Nước đưa tin về kết luận của Ủy Ban Kiểm Tra
Trung Ương về ông Lê Đức Thọ, bí thư tỉnh uỷ Bến Tre, “vi phạm nghiêm trọng về
kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc và biến động tài sản
không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.” Theo đó, hành vi của ông
này “làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và cá nhân” và bị đề nghị Bộ Chính
Trị xem xét kỷ luật trong thời gian tới.
Tin đồn trên mạng xã hội đã lan truyền rằng ông bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre
có ‘cả nghìn tỷ gửi ở ngân hàng’, đó là chưa kể nhiều bất động sản ở nhiều nơi
trong cả nước, rằng ông có bà vợ làm ở hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã bị kỷ
luật vì lý do này…
Lâu nay, việc kê khai tài sản của đảng viên chủ yếu mang tính hình thức
và chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp trong bộ máy nhà nước. Như vụ ‘lùm xùm’ lên
tận Quốc hội hồi tháng 9/2017 liên quan đến khối tài sản ‘nhờ buôn chổi đót’ của
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Yên Bái rồi lại ‘chìm
xuồng’ hay, gần đây nhất, hôm 10/8/2023, là ông phó chánh Thanh tra tỉnh Hậu
Giang bị kỷ luật đảng vì “kê khai tài sản không trung thực”, bị cách chức phó
bí thư chi bộ Thanh tra, nhưng biện pháp kỷ luật hành chính liệu sẽ có và như
thế nào?
“Kê khai tài sản” là bắt buộc đối với cán bộ đảng viên lãnh đạo. Trong
đó Đảng CS nhấn mạnh rằng nếu không trung thực kê khai với tổ chức sẽ là “vi phạm
nghiêm trọng”. Và, trường hợp đảng kỷ luật ông bí thư tỉnh Bến Tre phơi bày
‘nút thắt’ trong chính sách. Ông này là một trong số gần 200 Uỷ viên Ban Chấp
hành Trung ương (UVBCHTW) của Tháp tập quyền của chế độ đảng CS toàn trị, trong
đó ở đỉnh tháp là ông Tổng bí thư, phía dưới là các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban
Bí thư, UVBCHTW. Cấu trúc quyền lực như vậy có từ thời Stalin trong mô hình
toàn trị Xô-viết. Đặc điểm cơ bản của nó là quyết định tất cả, kiểm soát mọi
khía cạnh cuộc sống xã hội, từ vận mệnh của quốc gia cho đến mỗi người dân. Tuy
nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế sang thị trường vấn đề tham nhũng khiến
Đảng ‘bị động đối phó’.
Sách về chống tham nhũng của ông TBT
Nguyễn Phú Trọng.
Ông bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre, sinh năm 1970, là một trong số “cán bộ lãnh
đạo chiến lược” của Đảng CS, nghĩa là họ là chỗ dựa không chỉ hiện tại mà cả
tương lai của chế độ. Trong chủ trương củng cố “Đảng – Nhà nước trong sạch vững
mạnh” đây là sự nỗ lực về công tác nhân sự đảng trong việc luân chuyển cán bộ,
chuẩn bị cán bộ ‘nguồn’, không chỉ “còn tuổi” cho các nhiệm kỳ đại hội Đảng 14,
15… mà còn thể hiện năng lực lãnh đạo chuyên môn. Ông này từng có kinh nghiệm
nhiều năm là lãnh đạo trong ngành ngân hàng. Đảng kỳ vọng các lãnh đạo chiến lược
này sẽ lấp chỗ trống khi giới kỹ trị hiện thời bị coi là có nguy cơ thoái hoá
cao khi “có quyền và gần tiền” và không chịu sự kiểm soát của Đảng. Tuy nhiên,
như đã biết, trong tháng 7/2021 khi quyết định bổ nhiệm vị trí bí thư tỉnh, Đảng
đã đánh giá ông này “có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh chính trị vững vàng”
và sẽ “phát huy năng lực, dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh Bến
Tre.” (Báo chí đã đưa tin công khai phát biểu của bà Trưởng Ban Tổ chức
Trung ương và hiện nay kiêm cả chức thường trực Ban Bí Thư). Bởi vậy, khi ông
này “không trung thực” trước tổ chức về tài sản thực sự là cú sốc!
Theo ‘truyền thống cách mạng’, ‘lãnh trách nhiệm’ chống tham nhũng, coi
đó là vấn đề ‘nội bộ’, Đảng phát động chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt với
cam kết “không vùng cấm”, thậm chí ông Chủ tịch Nước đã buộc phải từ chức vì
“trách nhiệm chính trị” để cho lãnh đạo cấp dưới tham nhũng nghiêm trọng, nhưng
kết quả vẫn không đạt như ‘mong muốn’, các biểu hiện tham nhũng vẫn “phức tạp
và tinh vi”, trong đó nguồn gốc tài sản quan chức lãnh đạo cấp cao là ‘hộp đen’
không thể giải mã, là ‘nút thắt’ trong chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng
và Nhà nước.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại
giao Tô Anh Dũng bị cảnh sát dẫn vào tòa án để xét xử vụ chuyến bay giải
cứu tại Hà Nội vào ngày 11/7/2023. AFP
Phần lớn giới lãnh đạo đảng đã hội tụ thành tầng lớp cai trị giàu có
‘không thể giải trình nguồn gốc chính đáng’ tài sản của họ. Mức độ giàu có tuỳ
thuộc vào vị trí quyền lực, lĩnh vực họ quản lý và những thủ đoạn tham nhũng trắng
trợn. Vụ đại án tham nhũng “chuyến bay giải cứu” được xét xử tương đối công
khai đã cho thấy nhiều điều. Dù mới chỉ là ‘bề nổi’ qua khai nhận của các bị
cáo quan chức đã cho thấy tài sản họ chiếm đoạt từ các nạn nhân từ đại dịch
covid-19. Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – 21,5 tỷ VNĐ; Cựu Cục trưởng Cục lãnh sự
- hơn 25 tỷ; cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - hơn 12,2 tỷ đồng; Cựu trợ lý Phó
Thủ tướng Thường trực – 2,5 tỷ; Cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế - Văn phòng
Chính phủ -2,3 tỷ; Cựu thư ký Bộ trưởng Y tế - 42,6 tỷ… Ngoài ra, còn có
nhiều bị cáo trong các lĩnh vực và vị trí quyền lực khác nhau đã nhận hối lộ khủng
như cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cựu
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản), cựu Phó trưởng phòng Vận tải Hàng
không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT), cựu chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ
và Môi trường (Bộ GD-ĐT), cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, cựu Trưởng phòng 5
(Cục An ninh điều tra, Bộ Công an); cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh tật
truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cựu cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí
Thanh tra Chính phủ… Tổng số bị cáo là quan chức, công chức trong vụ án này là
21 đã nhận hối lộ hơn 500 lần với số tiền hơn 165 tỉ đồng…
Tài sản của quan chức được ví như ‘hộp đen’ không thể giải mã! Tuy
nhiên, nhờ xét xử công khai đại án mà công chúng biết mức độ ‘giàu có’ (do bị lộ)
của các quan tham và khối tài sản do tham nhũng trắng trợn và mang tính hệ thống!
Đây mới chỉ là một vụ và, tất nhiên, nếu ‘thoát’ thì số tiền tham nhũng sẽ khiến
tài sản của họ tăng thêm! Và, không ai có thể biết rằng rằng với chế độ quan chức
suốt đời, họ bằng các thủ đoạn nhận hối lộ tinh vi, trắng trợn trong khi thi
hành công vụ các quan tham sẽ giàu cỡ nào!
Trong bối cảnh kinh tế chuyển đổi thị trường Đảng cần thay đổi cách tiếp
cận với kiểm soát tài sản quan chức nếu muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả.
Rõ ràng việc công khai, minh bạch tài sản quan chức đang là đòi hỏi cấp bách từ
thực tế cần thực hiện thay vì trừng phạt, coi số quan tham, tổ chức đảng suy
thoái bị kỷ luật hay bị truy tố là ‘thành tích’ hoặc ‘kêu gọi’ họ tự giác
rèn luyện, nêu gương đạo đức cách mạng. Cán bộ lãnh đạo chức vụ càng cao thì
càng phải gương mẫu đó cũng là nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp
luật.
Công luận đang dõi theo sự nghiêm minh, trong sạch của Đảng không chỉ đối
với trường hợp của ông bí thư tỉnh Bến Tre, mà hơn thế, coi đây là cơ hội để
thiết kế và thực hiện một cơ chế công khai, minh bạch giải trình thực chất và
hiệu quả sao cho xứng với niềm tin và sự ủng hộ của người dân!
Phạm
Quý Thọ
(còn
tiếp)
*Bài viết không
phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
***
Công
khai minh bạch tài sản quan chức- "Nút thắt" của chính sách phòng chống
tham nhũng (Phần hai)
PGS,TS Phạm Quý Thọ
06-09-2023
Bài bình luận của ông
Phạm Quý Thọ- PGS,TS nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách
& Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam
Nguyên Tổng giám đốc
Ocean Bank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình vì tội tham ô hồi năm 2017. AFP
Dưới đây là sự khái quát ‘quan niệm’ về tham nhũng và chống tham nhũng
của nhiều người, trong đó bao gồm những ai quan tâm đến vấn đề này. Họ hiểu rằng,
tham nhũng có tác hại ghê gớm, không phải chỉ đơn thuần là việc mất mát một số
tiền, mà nghiêm trọng hơn thế, nó phá nát mọi nền tảng xã hội, từ sự công
chính, đạo đức con người đến pháp luật quốc gia. Công chức suy thoái, người dân
hư hỏng, họ mất hết niềm tin và ý thức làm ăn chân chính…’ Họ cũng cho rằng,
‘tham nhũng ở đâu, nước nào chẳng có và bản chất của con người là tham lam,
‘đói lại càng tham’… Từ đó, một đề xuất cách chống tham nhũng được gợi ý như:
Phải tăng lương. ‘Tăng lương phải đủ sống chứ không phải như hiện nay, không đủ
bù trượt giá. Muốn tăng được lương thì phải tinh gọn bộ máy hành chính… Tiết kiệm
nguồn lực – cấm lãng phí vào chuyện xây tượng đài, cổng chào, hội nghị hình thức...,
dồn ngân sách để trả lương cho đội ngũ công chức - viên chức có chất lượng để họ
toàn tâm toàn ý với công việc…’ Hai là, phải tuyển dụng minh bạch, công bằng dựa
trên năng lực và phẩm chất, bất kể người đó có phải ‘đảng viên hay không’, miễn
làm được việc… Ba là, nghiêm trị những kẻ vi phạm, rằng ông Hồ Chí Minh, vị Chủ
tịch đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, năm 1950 đã ký lệnh
tử hình một quan tham, cố Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu...
Tin tức về các vụ án tham nhũng chiếm lượng lớn và thu hút đông đảo dư
luận quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước và mạng xã
hội. Cách luận giải về tham nhũng như trên dù không phải dễ ‘chia sẻ’ cho mọi
người nhưng cũng góp phần nâng cao đáng kể ‘nhận thức’ về vấn nạn tham nhũng.
Ngoài ra, dường như, một số ý còn ‘biện minh’ cho chính sách phòng chống tham
nhũng hiện hành đang thay đổi hướng đến. Tuy nhiên, nếu chúng ta đặt câu hỏi tại
sao giới lãnh đạo lại ‘lo ngại’ về một chế độ công khai minh bạch và trách nhiệm
giải trình nguồn gốc tài sản quan chức, đặc biệt của các lãnh đạo ở cấp cao,
trước người dân? Dưới đây là những lý do chủ yếu.
Trước hết, chế độ “XHCN” ra đời với xứ mệnh của giới lãnh đạo của giai
cấp “vô sản”, đấu tranh vì một xã hội “công bằng bác ái”, nhưng họ dần biến đổi
thành “hữu sản” và hơn thế, trong quá trình “Đổi mới” họ đã trở nên tầng lớp
lãnh đạo giàu có. Tuy nhiên, nguồn gốc tài sản phần lớn do tham nhũng mà có vì vậy
không thể giải trình công khai trước người dân.
Phiên tòa tại Hà Nội
xét xử các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" vào tháng 7/2023.
Hình báo CAND.
Tâm lý đố kỵ (tiếng Pháp là ressentiment) được mô tả là cảm xúc quan trọng
nhất trong cuộc sống cá nhân và tập thể. Thuật ngữ này nhấn mạnh vào sự sỉ nhục
mà con người trải qua đối mặt với những gì mà họ mong muốn nhưng không thể có.
Trong cuốn “Tư bản” ông Mác (1818 -1883) đã giải thích sự giàu có của giai cấp
tư sản là do sự bóc lột lao động mà có và, đó là nguyên nhân của tình cảnh “bần
hàn” của giai cấp công nhân, bởi vậy họ cần phải đấu tranh giai cấp để giành lấy
sự công bằng. Tâm lý đố kỵ tập thể được kích động đến cao độ dẫn đến các cuộc
cách mạng vô sản. Học thuyết Mác phác thảo về “thiên đường” xã hội cộng sản
nhưng đã không chỉ ra con đường đi tới đó. Sau cách mạng Nga năm 1917 các cuộc
thử nghiệm liên miên và bạo lực khốc liệt, trên diện rộng cũng như ở mỗi quốc
gia, như đã biết, đều đã không mang lại kết quả như mong muốn cho đến khi mô
hình Xô - Viết sụp đổ.
Dù phải trả giá đắt bằng hàng triệu sinh mệnh, nhưng dường như sự tìm
kiếm đường đi tới “thiên đường” vẫn tiếp tục. Mô hình Trung Quốc từng được coi
là ‘lý tưởng’ cho các nước đang phát triển khi tăng trưởng kinh tế cao được duy
trì trong hơn một phần ba thế kỷ, nhưng nay nó không còn hiệu quả nữa, mặc dù
giới nghiên cứu cũng như chính trị ‘chưa ai biết’ mô hình kinh tế nào có thể
thay thế. Hơn thế, mô hình này đang bị lung lay bởi những bất cập thể chế trong
đó có vấn nạn tham nhũng. Sau một thời gian dài “cải cách và mở cửa” nghịch lý
dựa vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh để đảm bảo tính chính danh khiến Đảng
‘buộc phải chấp nhận’ vấn nạn tham nhũng tràn lan đang tàn phá chế độ Đảng CS
toàn trị. Người dân và doanh nghiệp muốn làm ăn, kinh doanh thì phải chia sẻ ‘lợi
nhuận’ với quan chức tuỳ theo cấp quản lý và ‘phi vụ.’
Tham nhũng như một thứ dầu mỡ bôi trơn cho guồng máy tham quan. Tham
nhũng đã trở thành nguồn gốc chủ yếu khối tài sản, “sự giàu có” của tham nhũng.
Khi được coi như một thứ vũ khí tăng trưởng đồng thời là cách làm giàu của hệ
thống quan chức trong thời gian dài, quốc nạn tham nhũng là ‘khối u ác’ đang di
căn. Mô hình toàn trị TQ đang phơi bày những điểm yếu vốn có và nguy cơ tồn
vong đang lớn dần. Giới lãnh đạo đang tìm mọi cách để duy trì chế độ, từ tuyên
truyền hướng người dân đến một thứ niềm tin tôn giáo về tương lai đến sự cai trị
bằng gieo rắc nỗi sợ hãi dưới nhiều hình thức… Tuy nhiên, họ đã không thể từ bỏ
được phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, từng bị coi là “bóc lột”, “bất
công” theo hệ tư tưởng Mác – Lênin mà họ tôn thờ, nhưng nó lại là ‘nguồn nuôi
dưỡng’ sự trung thành của hệ thống quan lại hiện hành mà chế độ phải dựa vào để
tồn tại. ‘Phản bội’ lời thề đấu tranh xoá bỏ sự bất công, “bóc lột lao động”,
chiếm đoạt “giá trị thặng dư” cái Đảng – Nhà nước XHCN, trên thực tế đã biến đổi
thành “tư bản thân hữu”, đang cướp đoạt tài sản công, tham nhũng, làm giàu bằng
quyền lực!
Quan chức Thành phố Hồ Chí Minh ra tòa
vì tham nhũng. Hình báo CAND.
Chính sách phòng chống tham nhũng của Đảng CS với quan niệm như “ta
đánh ta” và “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình” trong suốt hơn một thập kỷ qua
đang tỏ ra không thể ‘tận gốc’ khi nguồn gốc tài sản của quan chức không thể
công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, thậm chí chỉ với Đảng như trường
hợp ông bí thư Tỉnh uỷ Bến tre được minh hoạ trong bài viết. Các quý vị liệu có
thể hình dung được liệu khi nào cơ chế này trở thành nguyên tắc đối với toàn
dân, toàn xã hội?!
Rõ ràng vấn nạn, tới mức quốc nạn, tham nhũng đang mang tính cấu trúc,
chính trị và ngày càng nghiêm trọng. Không chuyển đổi thành chế độ dân chủ,
nhưng không thể phá huỷ phương thức sản xuất sinh ra nó, chế độ Đảng CS toàn trị
đang vận hành nền kinh tế với những mâu thuẫn đối kháng khiến cho cải cách với
‘phí tổn cao’ và thậm chí đang rơi vào bế tắc. Dù có thể ‘cố ý hiểu sai’ và biện
minh rằng thị trường ‘không thuộc’ chủ nghĩa tư bản, nhưng giới lãnh đạo cũng
không thể bác bỏ nó. Như vậy, tham nhũng dù “ở đâu cũng có” nhưng một chính
sách phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn chỉ khi ở đâu quyền lực được kiểm soát
tốt hơn, trong đó công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình là một công cụ
không thể thiếu. Nghĩa là:
TN = QL – MB
Trong đó: TN là mức độ tham nhũng; QL là quyền lực của chế độ; và MB mức
độ công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, trong đó có tài sản quan chức
trong trường hợp nghiên cứu. Mối quan hệ định tính này cho biết mức độ tham
nhũng ‘đồng biến’ với quyền lực và ‘nghịch biến’ với mức độ công khai minh bạch
và giải trình trách nhiệm.
Rõ ràng, càng công khai minh bạch hoạt động của Đảng trước người dân
thì tham nhũng sẽ càng giảm. Trường hợp kỷ luật ông bí thư tỉnh Bến Tre liệu có
là cơ hội cải thiện chính sách phòng chống tham nhũng?
Phạm
Quý Thọ
-------------------
*Bài viết không
phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment