Chiến
tranh Ukraina : Hồi kết sẽ do cử tri Mỹ quyết định?
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày: 21/09/2023 - 14:21
Làm thế nào để Nhà Trắng không sao nhãng thời sự
Ukraina trước cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2024 ? Làm thế
nào để thuyết phục phe đa số Cộng Hòa ở Hạ Viện Mỹ thông qua gói viện
trợ 24 tỷ đô la cho Kiev vào lúc một phần công luận xem chiến tranh Ukraina
« không là một ưu tiên » ? Đó là mục tiêu của hai cuộc họp hôm
nay, 21/09/2023, tại Washington giữa tổng thống Volodymyr Zelensky với
đồng cấp Joe Biden và với lãnh đạo Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.
Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden
nói chuyện với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng (Washington
- Hoa Kỳ) ngày 21/12/2022. AP - Patrick Semansky
Từ tháng 2/2022, khi Nga đưa quân xâm chiếm
Ukraina, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vẫn đồng lòng bỏ phiếu thông
qua các gói viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev. Nhưng theo thăm dò của
Trung Tâm Nghiên Cứu Pew Research Center, trong vỏn vẹn một năm, số người
cho rằng Mỹ « giúp Ukraina quá đáng » đã tăng lên gấp
ba lần. Một cuộc thăm dò khác trên đài truyền hình CNN cho thấy phe ủng hộ Mỹ
tiếp tục « rót thêm tiền cho một quốc gia châu Âu » nay
chỉ còn có 45%.
Có hai lý do giải thích cho sự mệt mỏi đó của công luận Mỹ về hồ
sơ Ukraina : Một là, trong mắt người dân bình thường, chiến dịch phản công của
Kiev vẫn chưa đủ sức « thuyết phục ». Hai là, theo quan
điểm của một số chuyên gia tại Washington, Ukraina đã sai lầm khi mở hai mặt
trận cùng lúc, thay vì chỉ tập trung lực lượng vào chiến trường miền
Nam để dứt điểm, giành lấy những thắng lợi. Ngay cả những tiếng nói ủng hộ
Kiev mạnh mẽ nhất như dân biểu Cộng Hòa Andy Harris, một người có mang dòng máu
Ukraina, hồi tháng 8/2023 cũng đã thốt lên rằng ông « không
còn tin chắc vào chiến thắng của Kiev » trong cuộc chiến chống Nga.
Giới quan sát ghi nhận, từ khi phải đối mặt với quân xâm lược Nga,
đây là lần thứ nhì tổng thống Volodymyr Zelensky đến Hoa Kỳ, nhưng lần
này khác với chuyến viếng thăm hồi cuối tháng 12/2022, khi ông được Hạ
Viện Mỹ nhiệt liệt chào mừng. Cuộc hội đàm chiều nay giữa tổng thống
Ukraina với chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy được báo trước là sẽ « gay
go ». Cách nay hai hôm ông McCarthy cho biết nguyên thủ
Ukraina « sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi, chẳng hạn như Kiev
đã làm gì với số tiền được Mỹ viện trợ và theo đuổi chiến thuật nào để giành lấy
chiến thắng ? ». Washington trở nên « chặt chẽ
hơn hẳn » trong các chương trình viện trợ cho
Ukraina là bởi vì bản thân Hoa Kỳ đang phải rà soát lại
ngân sách của nhà nước liên bang trước các cuộc thảo luận gay gắt ở Hạ Viện về
ngân sách cho năm tới.
Trong cuộc họp ở Phòng Bầu Dục tại Nhà Trắng tối nay với tổng
thống Mỹ Biden, sứ mệnh của ông Volodymyr Zelensky cũng không dễ. Đến
nay, Joe Biden một mực khẳng định Hoa Kỳ sát cánh với Ukraina « cho
đến khi nào còn cần ». Phát biểu hôm 19/09/2023 trước Đại Hội Đồng
Liên Hiệp Quốc, ông Biden đã nhắc lại Nga « tưởng rằng thế giới sẽ
mệt mỏi và bỏ rơi Ukraina », nhưng đó là một « sai lầm ».
Tuy nhiên, chỉ còn khoảng hơn một năm trước bầu cử, tổng thống
Joe Biden đang bước vào cuộc đua với nhiều bất lợi. Trở ngại đầu tiên là tuổi
tác của chính ông bắt đầu khiến ngay cả trong hàng ngũ đảng Dân Chủ cũng cho
rằng « Joe » không là ứng cử viên « có
sức thuyết phục nhất », « lợi hại nhất » trước
bất kỳ một đối thủ nào bên đảng Cộng Hòa.
Bất lợi thứ nhì đối với ông Biden để giữ chìa khóa Nhà Trắng thêm một
nhiệm kỳ thứ hai là những thành tựu kinh tế của ông từ khi lên cầm quyền không
nhiều và một phần cử tri từng ủng hộ ông đã thất vọng. Khó khăn thứ ba
là, tương tự như bên đảng Cộng Hòa, đảng cầm quyền cũng phải chiều theo ý
dân vào lúc mà nhiều kết quả thăm dò khác nhau đều cho thấy đa số những người
được hỏi chủ trương Hoa Kỳ nên ngừng viện trợ thêm cho Ukraina sau khi đã cam kết
73 tỷ đô la viện trợ cho Kiev từ đầu cuộc chiến đến nay.
Trước mỗi mùa bầu cử, các vấn đề an ninh, địa chính trị, hay những
đề tài như bảo vệ dân chủ tại một quốc gia xa xôi nào đó không mấy khi là ưu
tiên của các cử tri Hoa Kỳ. Là một chính trị gia với hơn 50 năm kinh nghiệm, tổng
thống Joe Biden biết rõ điều đó. Hơn nữa, có lẽ bản thân ông Biden cũng bắt đầu
mệt mỏi trước thái độ « được đằng chân lân đằng đầu » của
Kiev : Trong hơn 1 năm rưỡi qua, Ukraina luôn « đòi
được cấp thêm vũ khí » mà đó là những loại vũ khí càng lúc càng lợi
hại, kể cả tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ hiện đại nhất của Hoa Kỳ.
Nguy cơ vũ khí Mỹ bắn vào lãnh thổ Nga khiến Washington bị cuốn vào
vòng xoáy chiến tranh là kịch bản mà không một ứng cử viên tổng thống
Hoa Kỳ nào muốn xảy ra.
Chính vì vậy mà trước cuộc họp với chủ tịch Thượng và Hạ Viện Mỹ, với
các giới chức Lầu Năm Góc và với tổng thống Joe Biden, ông Volodymyr Zelensky
đã tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ CNN rằng những nỗ lực của cộng đồng quốc tế
giúp Ukraina đang « tiến gần đến đích ». Sau chuyến công
du Hoa Kỳ cuối năm 2022, lần này tổng thống Zelensky đối mặt với một
thực tế phũ phàng, đó là sự hào phóng của Mỹ chỉ có hạn và quyền lực thực
sự ở Washington được đặt trong tay các cử tri Hoa Kỳ, chứ không
chỉ ở Nhà Trắng hay điện Capitol.
----------------------------
Các nội dung liên quan
Bầu
cử giữa kỳ tại Mỹ : Nguồn viện trợ cho Ukraina bị đe dọa ?
Bầu
cử Mỹ 2024: Cử tri gốc Ukraina có thể khiến đảng Cộng Hòa thất bại?
CHIẾN
TRANH UKRAINA - VIỆN TRỢ VŨ KHÍ
Ukraina
hối thúc đồng minh viện trợ tên lửa tầm xa và chiến đấu cơ F-16
No comments:
Post a Comment