CHÁY
CHUNG CƯ MINI Ở HÀ NỘI bộc lộ một vấn đề đã có từ rất lâu: VỠ TRẬN QUY HOẠCH
CHÁY CHUNG CƯ MINI Ở HÀ NỘI bộc lộ một vấn đề đã có từ rất lâu: VỠ TRẬN
QUY HOẠCH cả trên bình diện các thành phố lớn – đặc biệt
nghiêm trọng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; và dần dần sẽ trên bình diện cả
nước.
MỘT.
Một vụ cháy như vậy sẽ dẫn đến những phân tích về nguyên nhân, nào là ở
các địa phương thể loại chung cư mini bằng cách “phạt cho tồn tại” hoặc “nhắm mắt
làm ngơ” dù sai phạm rành rành… Những người chỉ bằng một cái nhìn đã xông ngay
vào những khía cạnh thối nát và tham nhũng thì nhận ngay ra là chỗ nào cũng có
mùi tiền, chỗ nào cũng có mùi ăn bẩn. Cái đó cũng chẳng sai. Như trong bài viết
dưới đây, chút nữa các bác có thời gian sẽ đọc, vì đăng báo nên nó ngắn thôi,
tôi có kể về một cậu bạn kinh doanh chính lĩnh vực đó: thuê chung cư mini, đầu
tư trang thiết bị rồi cho thuê lại.
Cậu này kể về “đủ thứ khổ” khi xông vào cái lĩnh vực đó, nào là cơ quan
công an yêu cầu các điều kiện về an ninh trật tự, thuế vụ và đương nhiên có
PCCC. Hầu hết những nhà không đủ điều kiện đó thì đều có yếu tố bôi trơn để cho
qua cả.
HAI.
Đi vào cái mà tôi đã đề cập ở trên đây: vỡ trận quy hoạch – chính xác
là Việt Nam ta đã không thể quy hoạch nổi bất cứ cái gì… mà nguyên nhân của nó
thì có thể chỉ mặt đặt tên ra mấy thủ phạm chính. Về nhà cửa, giao thông, các vấn
đề về hạ tầng nói chung… thằng nguy hiểm nhất là CHẾ ĐỘ SỞ HỮU TOÀN DÂN VỀ ĐẤT
ĐAI. Khi chọn đề tài Nghiên cứu sinh Luật tôi đã chọn đúng đề tài này: những vấn
đề nghiêm trọng mà nó gây ra với đời sống pháp lý Việt Nam nói riêng, với toàn
đời sống xã hội Việt Nam nói chung và cho rằng, đây là một khái niệm quái thai
nhất mà người ta có thể nghĩ ra được. Chẳng hạn, khi một công dân đi thuê đất của
Nhà nước, thì gọi là thuê đất mặc dù từ cái chế độ trứ danh trên đây, thì ai
cũng có quyền sở hữu đối với bất cứ mảnh đất nào và Nhà nước chỉ là người quản
lý, chẳng có quyền gì mà cho thuê đất cả. Tiếp theo, nếu được thuê đất rồi muốn
cho thuê lại, thì gọi là “cho thuê lại quyền sử dụng đất” mặc dù cùng một đối
tượng là MIẾNG ĐẤT, việc trà trộn hai khái niệm cho cùng một đối tượng dẫn đến tình
trạng hỗn loạn kinh khủng trong đời sống xã hội.
Cũng chính “nhờ” có chế độ sở hữu toàn dân về đất đai mà việc quản lý đất
đai buộc phải đẻ ra rất nhiều thủ tục, nhiều phương pháp, nhiều động tác… hết sức
rườm rà và nguy hại nhất là nó dựa trên sự thủ tiêu chế độ sở hữu cá nhân về đất,
công dân chỉ còn quyền sử dụng đất; nhưng nó đem lại đặc quyền trước hết là cho
Nhà nước, sau đó là cho các cá nhân thao túng được chính sách. Hệ quả này đã dẫn
đến tình hình nghiêm trọng là các cá nhân nhóm lợi ích đó bằng chi phí bèo bọt,
gần như cướp không đất của các cá nhân khác rồi xây nhà lên trên, bán với giá
trên trời – giá cả khi này không còn quyết định bởi thị trường tự do nữa mà quyết
định bởi mức độ dễ dàng của việc xin cấp phép dự án đầu tư. Nhiều người phản biện
xã hội cho rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai sẽ dẫn đến nhiều “dân oan mất
đất” và đó là một trong những tử huyệt của chế độ.
BA.
Vẫn chính câu chuyện vỡ trận quy hoạch, nó còn được thể hiện trong quy
hoạch chính sách giáo dục và y tế. Có những người chép miệng: khổ thân, cũng vì
công việc, miếng cơm manh áo và cơ hội phát triển mà phải lên thủ đô sinh sống
chui rúc chứ sung sướng cái gì, thậm chí chúng ta cảm thấy có ý trách móc trong
đó. Nhưng mưu cầu hạnh phúc là quyền của bất cứ cá nhân nào, vậy tại sao chúng
ta lại yêu cầu người ta phải cố thủ ở làng quê, trong khi lên Hà Nội có điều kiện
công việc tốt hơn, con cái được đi học “trường tốt hơn” và y tế cũng tốt hơn,
nôm na là lên Hà Nội để được hưởng phúc lợi xã hội tốt hơn?
Vậy tại sao đến nay y tế và giáo dục ở các tỉnh vẫn không bằng ở thủ
đô? Cái gì cũng có hai mặt, thậm chí có những cái phi lý. Chẳng hạn về y tế, bệnh
viện khang trang vẫn được xây ở khắp nơi và chính sách luân chuyển bác sĩ từ
tuyến trung ương về địa phương vẫn được thi hành… nhưng dịch chuyển của người bệnh
vẫn cứ diễn ra… bình thường, chẳng ai trách được cả. Hay ở Hải Dương có ông
thày luyện thi đại học còn giỏi hơn rất nhiều thày trên Hà Nội thể hiện ở tỉ lệ
học trò đỗ đạt rất cao, vậy tại sao vẫn cứ phải kéo lên thủ đô? Hay bây giờ có
cơn sốt “luyện IELTS” thì ngoài các cháu nhà có điều kiện được chuyển lên thủ
đô học, vẫn có những cháu cứ cuối tuần là lên Hà Nội ở trọ để đi… luyện tiếng
Anh? Thực sự có rất nhiều chuyện kỳ lạ đến khó lý giải. Không thể đem tiêu chuẩn
của người này áp đặt lên cho người khác được. Chẳng hạn như tôi sau quá trình
mò mẫm thì tìm ra cách cho ông con trai không cần phải học thêm và hóa ra là học
ở đâu cũng được; còn ốm thì nếu nhẹ, phòng khám giải quyết tốt còn nặng chắc là
nằm chờ chết chứ không cố chữa… nhưng người khác không nghĩ vậy.
Vỡ trận vẫn cứ là vỡ trận. Ngày ngày ra đường sểnh ra cái là kẹt xe, là
vỡ trận quy hoạch giao thông. Người ta bảo, ở Hà Nội tắc đường là do xe máy, nó
có thể ken vào bất cứ cái khe nào nhưng nguyên nhân gây ra “nạn xe máy làm tắc
đường” là do ô tô cá nhân đã quá nhiều, ý thức của lái xe quá kém chen lấn,
giành hết đường của xe máy. Thế cuối cùng tàu điện ngầm đâu, tàu trên cao đâu?
Năm 2000 đã có tầm nhìn xây dựng xong hệ thống này hoàn chỉnh vào 2025 kia mà?
Nguyên nhân vẫn do chế độ sở hữu toàn dân về đất đai các bác nhé.
Hôm trước có ông nào theo chủ nghĩa bài Trung, tức là ghét Trung Quốc lại
lôi cái đường tàu ra nói – tôi bảo: cái đường sắt Nhổn của Pháp làm còn chưa
xong đó. Trong Sài Gòn thì của Nhật làm. Cái vướng chính là do vấn đề đền bù giải
phóng mặt bằng, cứ chậm tiến độ không bàn giao được mặt bằng cho nhà thầu, là
khỏi làm. Để lâu không thi công được thì nhiều cái hỏng, cái nọ đội cái kia là
TỐN KÉM KHỦNG. Cần chỉ mặt rõ chính là cái thằng sở hữu toàn dân kia kìa.
BỐN
Người Việt Nam nhìn chung là hời hợt và nông cạn. Tôi có thằng nhân
viên cũ, sau khi “ra riêng” nó đi lên từ ông chủ nhỏ bán cám chăn nuôi. Một
ngày nó đầu tư dây chuyền giết mổ lợn và sản xuất một số loại thực phẩm như xúc
xích, giăm bông gì đó. Nó hỏi tôi: “Có người bảo em là đầu tư kinh doanh cái đó
không tốt cho phúc đức, có phải không?” Tôi trả lời “Anh không nói dối em được,
nên nếu nói thật em có nghe được không?” “Vâng anh cứ nói, em xin nghe.” “Người
ta nói đúng đấy, nhưng đó là từ góc độ của một số hệ thống tâm linh – tín ngưỡng
trong đó có Đạo Phật, cho rằng những nghề liên quan đến sát sinh, là không tốt
cho phúc đức, âm đức của em. Tuy nhiên anh nhìn thì có vẻ em bị thôi thúc do
nhu cầu phát triển kinh doanh, nên việc đó không dừng lại được. Mỗi người ở cuộc
đời này, chính xác là kiếp sống này có sự thôi thúc khác nhau. Có người thì có
sự thôi thúc muốn ăn chay, không muốn sát sinh và đó là sự thôi thúc của tâm từ
bi. Có người thì phải nhiều kiếp sống sau mới có sự thôi thúc đó.”
Cậu ta sau đó không liên lạc gì nữa, làm ăn phát đạt. Tôi nói hời hợt,
nông cạn là ở chỗ, cái tôi nói cho cậu ta với sự thôi thúc mong cậu ta hiểu vấn
đề từ góc độ Đạo, nhưng lựa chọn của mỗi người ở mỗi kiếp sống là khác nhau,
không có ai đáng trách cả. Nếu sâu sắc, thì cậu ta vẫn giữ quan hệ vì tôi luôn
mong điều tốt đẹp đến cho cậu ấy.
Có nhiều loại luật sư hoặc chuyên gia pháp lý, có những người sẵn sàng
xui người ta lách luật thậm chí vi phạm pháp luật với một sự hiểu biết nhất định,
sao cho có lợi nhất. Như tôi thì thường bị ghét, thậm chí nhiều người ghét vì
“người Việt hời hợt và nông cạn” không thích nghe phân tích cái hại, nghe khả
năng xấu nhất. Câu chuyện chung cư mini “cứ cháy là toi” tôi nói không chỉ với
cái cậu trong bài báo dưới đây, mà với nhiều người trong cùng lĩnh vực. Hầu hết
số họ không nghe và chửi sau lưng: đồ dở hơi, người ta đang kinh doanh ngon
lành! – Nhất là khi tôi nói: chỉ một vụ cháy có nhiều nạn nhân, thì việc kinh
doanh chung cư mini kiểu lách luật như thế này toi hết, còn làm đúng luật thì
chẳng còn miếng mà ăn.
Nói thật thì đúng là hay bị chửi là DỞ HƠI…
NĂM
Hôm trước có cậu thanh niên kể với tôi là cũng đi thuê biệt thự, đầu tư
nâng cấp rồi cho thuê lại. Tôi nói thẳng thắn, có lẽ hơi phũ phàng và cũng thấy
ân hận: “Nếu con tôi mà làm cái việc buôn đầu chợ bán cuối chợ như thế thì tôi
thất vọng lắm.”
Là thanh niên tuổi trẻ phải có hoài bão.
“Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”
Tôi bảo con: bài “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão đấy con ạ. Con khỏe mạnh
có tri thức, có khả năng học hành cứ đi thật xa, cống hiến cho mọi người, cho cộng
đồng cái đã. Khi đó cuộc đời tự khắc ghi nhận con. Đừng bao giờ làm gà què ăn
quẩn cối xay…
__________
ĐÃ ĐẾN LÚC CÓ CHÍNH SÁCH PHÁP LÝ RÕ RÀNG!
Bài trên Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tại đây:
https://plo.vn/co-hoi-sua-sai-tu-vu-chay-chung-cu-mini-ha...
Bài trên Fanpage tại đây:
Bài trên Blog tại đây:
https://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../chay-chung-cu...
__________
ĐÃ ĐẾN LÚC CÓ CHÍNH SÁCH PHÁP LÝ RÕ RÀNG!
Bài trên Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh tại đây:
https://plo.vn/co-hoi-sua-sai-tu-vu-chay-chung-cu-mini-ha...
Bài trên Fanpage tại đây:
Bài trên Blog tại đây:
https://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../chay-chung-cu...
.
No comments:
Post a Comment