CẦN
XÓA BỎ TÊN GỌI “DÂN TỘC KINH”, KHÔI PHỤC TÊN GỌI “DÂN TỘC VIỆT” (Tác giả : Linh Lang)
CẦN XÓA BỎ TÊN GỌI “DÂN TỘC
KINH”, KHÔI PHỤC TÊN GỌI “DÂN TỘC VIỆT”
(Baì của Linh Lang)
NGUỒN GỐC TÊN DÂN TỘC “KINH” THỜI HIỆN ĐẠI VÀ Ý THỨC VIỆT
Chắc hẳn không ít người Việt khi nghe tới cái
tên “dân tộc Kinh” đã tự đặt cho mình những câu hỏi tại sao mình là người Việt,
dân tộc Việt, tự gọi nhau là người Việt, mà trong giấy tờ mang tầm quốc gia và
quốc tế lại phải khai tên dân tộc là dân tộc Kinh?
Ngày nay, trong các giấy tờ và thủ tục hành
chính, người Việt thường phải tự khai tên dân tộc mình là “dân tộc Kinh”. Vậy
dân tộc Kinh là dân tộc gì, có nguồn gốc từ đâu, tại sao chúng ta lại phải sử dụng
tên đó để chỉ dân tộc Việt? Ít người thực sự hiểu được nguyên nhân đằng sau hiện
tượng này.
Trong các thống kê dân tộc của Tổng cục Thống
kê, tên gọi Kinh được xem như là tên chính thức của người Việt, tên Việt chỉ được
liệt kê như một “tên gọi khác”, đây là một hiện trạng rất nghịch lý, và phần
nào đó là đau lòng, khi tên gọi thể hiện ý thức nguồn cội của dân tộc trong suốt
hàng nghìn năm lịch sử, lại chỉ được liệt kê như một “tên gọi khác”, trong khi
các dân tộc khác như Thái, Hoa, Khmer, Tày, Mường… đều được sử dụng tên gọi
chính danh của chính dân tộc mình.
- Tên gọi
“dân tộc Kinh” có gì đó thiếu tính chính danh?
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã
được tiếp cận nhiều nghiên cứu di truyền quốc tế, có thể dễ dàng nhận thấy
trong hầu hết các nghiên cứu, thì người Việt được ghi là người Kinh, các mẫu di
truyền tại người Việt các vùng đều được ghi là Kinh. Việc tên gọi dân tộc là Kinh
được sử dụng trong các nghiên cứu tầm quốc tế như vậy, tiềm tàng những mối nguy
hại rất lớn, nó giống như một sự xóa bỏ sự tồn tại của một dân tộc có tên Việt
trên bản đồ dân tộc quốc tế, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng không hề nhỏ tới
các vấn đề có tính vĩ mô đối với dân tộc Việt như ngoại giao, chính trị, văn
hóa, xã hội, lịch sử, những ảnh hưởng sẽ xuất hiện cả trong nước và cả trên
bình diện quốc tế.
Nhìn nhận một cách tổng quan, trong suốt quá
trình hình thành và tồn tại, người Việt luôn luôn tự nhận mình là Việt, đó là ý
thức dân tộc được người Việt trân quý, giữ gìn, hầu như là tất cả những gì người
Việt cần giữ để có thể trường tồn. Tên gọi này đã được người Việt duy trì qua
thời Bắc thuộc, vượt qua những chính sách đồng hóa, áp bức hà khắc của người
Hoa Hạ, danh xưng này được nhanh chóng khôi phục khi người Việt giành lại được
độc lập, xây dựng nên triều đại tự chủ đầu tiên bởi Đinh Tiên Hoàng, ở các triều
đại sau, quốc hiệu của đất nước được đặt với tên Việt là cốt lõi, điều đó cho
chúng ta thấy, ý thức dân tộc Việt có sức sống mạnh mẽ như thế nào.
Để làm rõ tầm quan trọng của danh xưng với ý
thức dân tộc, chúng tôi sẽ tiến hành tìm hiểu về nguồn gốc của tên gọi Việt và
ý thức Việt, sự kế thừa của tên gọi này trong suốt tiến trình hình thành phát
triển của người Việt, tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của khái niệm “kinh” trong
lịch sử, cũng như mở rộng phân tích vai trò của ý thức Việt đối với sự trường tồn
của dân tộc Việt, xác định những tác động tiêu cực mà tên gọi “Kinh” tạo nên đối
với ý thức dân tộc của người Việt, từ đó đề xuất việc cần cấp thiết đưa tên gọi
Việt trở lại thành tên chính thức của dân tộc Việt, như một sự chấm dứt, và phần
nào đó là khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực mà việc đặt tên “Kinh” đã tạo nên
với ý thức dân tộc của người Việt trong suốt những năm vừa qua, bắt đầu xây dựng
lại tinh thần, lòng tự tôn dân tộc một cách căn cơ và có nền tảng nhất.
- Sự hình
thành tên gọi Việt và ý thức Việt
Tên gọi Việt, ý thức dân tộc và quốc gia của
người Việt đã bắt đầu hình thành vào khoảng hơn 5.000 năm trước trong vùng
Dương Tử, với văn hóa Lương Chử, đây là văn hóa đầu tiên hình thành nên cộng đồng
tộc Việt, mà trong đó, người Việt thuộc ngữ hệ Nam Á ngày nay đóng một vai trò
rất quan trọng. Tên Việt được hình thành từ hình chiếc rìu, sau đó dần dần phát
triển thành thủ lĩnh cầm rìu, về mặt ý nghĩa, tên Việt có nguồn gốc đại diện
cho tộc người sử dụng rìu lễ khí, và nghĩa bóng là vượt qua như nghĩa mà chúng
ta ngày nay vẫn sử dụng.
Hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu biểu trưng cho tên gọi
Việt trong văn hóa Thạch Gia Hà tiếp tục được người Việt kế thừa trong văn hóa
Đông Sơn, với hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu xuất hiện rất phổ biến trên các trống đồng
Đông Sơn.
Tên “Việt” đã có một lịch sử rất lâu đời như vậy,
là một ý thức quan trọng đối với người Việt, ý thức này được người Việt tiếp tục
giữ gìn sau khi nền văn hóa Đông Sơn sụp đổ, người Việt rơi vào vòng lệ thuộc,
phải sống dưới ách cai trị và đồng hóa của người Hán. Tên Việt sau đó đã được
khôi phục trong thời Bắc thuộc, khi Triệu Quang Phục (554 – 571) lên làm vua nước
Vạn Xuân, ông đã lấy hiệu là Triệu Việt Vương, đây là một biểu trưng quan trọng
cho ý thức Việt được lưu truyền âm thầm trong tâm thức của người Việt, vượt qua
những giông tố bởi những chính sách đồng hóa, để tới khi giành lại được độc lập,
Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chính thức đưa tên gọi, ý thức
dân tộc Việt trở lại trong dòng lịch sử dân tộc, với vị thế một quốc gia độc lập,
thoát khỏi sự đô hộ trong suốt gần nghìn năm có lẻ của người Hán.
Ý THỨC DÂN TỘC VIỆT TRONG LỊCH SỬ THỜI TRUNG ĐẠI
- Quốc hiệu
của người Việt trong thời trung đại
Trong thời kỳ trung đại, ngoại trừ một triều đại
độc lập nhà Hồ đặt tên nước Đại Ngu, và giai đoạn người Việt chìm trong bóng tối
dưới sự xâm lược và đô hộ của nhà Minh, thì các triều đại đều tự nhận đất nước
có chữ Việt, triều Đinh là Đại Cồ Việt, triều Lý - Trần là Đại Việt, gián đoạn
20 năm thời thuộc Minh, sau đó tiếp tục được sử dụng bởi các triều đại cho tới
thời Tây Sơn.
Gia Long đã có ý định đổi tên nước thành Nam
Việt, khi ấy người Việt đang phụ thuộc vào các triều đại Hoa Hạ về mặt chính trị,
nên phải có sự đồng ý của nhà Thanh mới có chính danh, nhưng nhà Thanh không chấp
thuận đề nghị của Gia Long, yêu cầu Gia Long phải đổi thành Việt Nam thì mới chấp
thuận. Tên Việt Nam có từ thời này, nhưng trong thực tế, thì trong các ghi chép
cổ của Việt Nam đã nhiều lần nhắc tới tên “Việt Nam” như quốc danh, có thể kể tới
như tên sách Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (thế kỷ XIV), trong tác phẩm Dư
Địa Chí vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi cũng nhiều lần nhắc tới tên “Việt Nam” để chỉ
đất Việt, cuối cùng là Trình tiên sinh quốc ngữ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”.
Minh Mạng sau đó đã xin nhà Thanh đổi sang tên
Đại Nam, nhưng không được nhà Thanh chấp thuận, Minh Mạng đơn phương công bố quốc
hiệu Đại Nam khi nhà Thanh suy yếu, trong thực tế, thì Đại Nam cũng chính là Đại
Việt Nam. Khi này, nước Việt có song song hai cái tên chính thức: Việt Nam và Đại
Nam hay Đại Việt Nam, đều có yếu tố Việt.
Các ghi chép lịch sử cũng cho thấy về ý thức
dân tộc, người Việt cũng tự nhận mình là “người Việt”, giống như tên quốc gia,
thì cả về ý thức dân tộc và ý thức quốc gia, người Việt đều sử dụng tên gọi Việt,
cho thấy được vai trò rất quan trọng của ý thức này đối với người Việt.
- Vậy tại
sao gọi là người Kinh?
Nguồn gốc khái niệm “Kinh” trong các ghi chép
lịch sử: Trong các ghi chép từ sách Đại Việt sử ký toàn thư, thì khái niệm
“Kinh” được sử dụng nhiều lần.
Ban đầu, nó được sử dụng để chỉ kinh đô, tức
là vùng tập trung quyền lực các triều đại của người Việt như kinh đô, kinh
thành, kinh sư, kinh phủ, kinh ấp, đại để đều có ý nghĩa là trung tâm.
Sau đó, khái niệm “Kinh” mới được mở rộng ra
thành sự phân biệt các vùng miền, bắt nguồn từ thời nhà Trần, sự phân biệt được
chép trong Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy, có thể nằm trong vấn đề phân chia
trạng nguyên, chứ không phải phân chia trực tiếp chỉ người Việt tại các vùng.
Kinh chỉ vùng đất và dân ở vùng quy thuận Kinh
đô (nơi có nhà vua trị vì).
Không phải Kinh thì là TRẠI, tức vùng đất sơn
địa xa xôi, phía nam từ Thanh Nghệ, phía bắc từ Tuyên Quang…
Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V chép sự phân
biệt diễn ra vào khoảng năm 1256:
“Hồi quốc sơ, cử người làm quan chưa phân
kinh, trại, người đỗ đầu ban cho [danh hiệu] trạng nguyên. Đến nay, chia Thanh
Hóa, Nghệ An làm trại, cho nên có phân biệt kinh trại”.
Sau đó, vào năm 1275, thì
sự phân biệt kinh - trại đã được xóa bỏ. Đoạn trích này cũng cho thấy đây là một
từ được sử dụng để chỉ sự phân chia trạng nguyên, không phải là sự phân chia về
toàn bộ vùng miền.
Đại Việt sử ký toàn thư, quyển V, chép:
“Hai Khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có
chia kinh trạng nguyên và trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất”.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng có chép về
“người kinh”, câu này khá dễ gây hiểu nhầm, nhưng đọc kỹ hơn câu trước đó “chuyển
về Đông Kinh”, thì “người kinh” ở đây tức chỉ người ở kinh đô, chứ không phải
“người kinh” là dân tộc có tên là “Kinh”.
Qua các ghi chép được chúng tôi dẫn ra, thì sự
phân biệt kinh - trại không có ý nghĩa sử dụng để chỉ trực tiếp các vùng miền của
người Việt, mà nó nhiều khả năng là một sự phân biệt về trạng nguyên tại hai miền
đất nước. Vì vậy, đây không thể là chi tiết có thể chứng minh về sự phân biệt
giữa người Việt các vùng, hay chứng minh về nguồn gốc dân tộc. Thông qua khảo cổ
và di truyền học, thì người Việt đã có sự thống nhất cao từ văn hóa Phùng
Nguyên cho tới cho tới Đông Sơn, các di chỉ của các văn hóa này phân bố trong
khắp vùng Thanh Nghệ, mẫu gen của văn hóa Đông Sơn được sử dụng hiện tại là Núi
Nấp cũng là ở vùng Thanh Hóa, cho thấy sự tương đồng với gen chung của người Việt,
các mẫu di truyền của người Việt tại các vùng có sự đồng nhất cao. Việc một số
tác giả như K. W. Taylor sử dụng chi tiết này để suy diễn về nguồn gốc của người
Việt, cho rằng người Kinh là gốc Hán, người Trại là gốc Việt, là hoàn toàn
không có cơ sở.
Nghiên cứu của Wang et al. (2021) cho thấy di
truyền người Việt các vùng có sự thống nhất cao, sự khác biệt thực sự không đáng
kể, trực tiếp phủ nhận quan điểm cho rằng người Việt các vùng có nguồn gốc khác
nhau.
Từ “kinh lộ” được sử dụng nhiều trong tác phẩm
Đại Việt sử ký toàn thư, chúng tôi cho rằng từ “kinh lộ” là phát triển từ
“kinh”, với ý nghĩa kinh thành, kinh đô, mở rộng ý nghĩa hơn là vùng trung tâm
của đất Việt, tức vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, đây cũng là một từ được sử
dụng để chỉ vùng miền, không thể hiện gì về nguồn gốc dân tộc.
Trong một không gian rộng hơn, thì từ “Kinh”
được sử dụng để chỉ toàn bộ người Việt, đối lập với người “Thổ” được sử dụng để
chỉ người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh.
Khâm định Việt sử thông cương giám mục chép:
“Cấm thổ tù ở các phiên trấn không được giao
thiệp riêng với người quyền quý trong triều đình. Lúc ấy, phụ đạo các phiên trấn
phần nhiều vào kinh sư chơi, giao thiệp liên kết với người có quyền lực hoặc
người giữ địa vị trọng yếu, vì thế mới hạ lệnh cấm. Nếu triều đình có tiết lễ lớn,
các phụ đạo vào kinh, không được đem quá 4 người đi theo, khi lưu ở kinh sư,
không được quá 20 ngày. Từ đấy, sự phân biệt người Kinh, người Thổ mới nghiêm
ngặt”.
Như vậy, tất cả những cách sử dụng từ “kinh”
trong các tài liệu lịch sử đều thể hiện sự phân biệt về vùng miền, không hề được
sử dụng để chỉ tên gọi của một dân tộc. Vì vậy, tên gọi dân tộc Kinh được sử dụng
để chỉ người Việt là không có cơ sở về lịch sử.
TÊN GỌI DÂN TỘC KINH VÀ NHỮNG HỆ LỤY CỦA NÓ
Tên gọi dân tộc Kinh đã tạo nên những ảnh hưởng,
thậm chí là những hệ lụy rất lớn trong việc nhìn nhận nguồn gốc dân tộc. Ý thức
Việt vốn là cốt lõi về nguồn gốc dân tộc của người Việt, người Việt trong lịch
sử luôn luôn tự nhận mình là Việt, nó giống như một niềm tự hào, lòng tự tôn
dân tộc, kết nối người Việt với cội nguồn xa xưa của dân tộc mình, nhưng sự kết
nối cội nguồn ấy dường như bị đứt quãng khi tên gọi Kinh được sử dụng để chỉ
người Việt, được sử dụng làm tên gọi chính thức.
Người Việt đã sử dụng tên gọi Việt trong suốt
hơn 5.000 năm lịch sử, bắt nguồn từ văn hóa Lương Chử, thì ý thức Việt đã bắt đầu
hình thành, tới khoảng 200 TCN, thì người Việt dần chìm trong sự đô hộ của các
triều đại Hoa Hạ, quãng thời gian bị đô hộ lên tới gần 1.000 năm lịch sử. 1.000
năm, đó là quãng thời gian quá đủ để bất cứ dân tộc nào trên thế giới bị đồng
hóa bởi dân tộc cai trị, đặc biệt là một dân tộc có sức đồng hóa mạnh mẽ như
người Hán. Nhưng người Việt đã không bị đồng hóa, tinh thần độc lập, quật cường,
không chấp nhận sự cai trị, sự giữ gìn tiếng nói, văn hóa dân tộc, hay quan trọng
nhất, là sự lưu truyền ý thức Việt, sau đó họ vượt qua giông bão, giành lại được
độc lập cho vùng miền Bắc Việt Nam, khôi phục ý thức Việt trong tên gọi của đất
nước ngay từ triều đại quân chủ đầu tiên, nhà Đinh, với quốc gia Đại Cồ Việt.
Ý thức dân tộc là mãnh liệt như vậy, người Việt
đã cố gắng giữ gìn nó trong một thời gian rất dài, gần như sự tồn tại của nó có
thể nói là vĩnh cửu, nhưng, bỗng nhiên, ngày nay chúng ta lại phải tự nhận mình
là người Kinh, khai tên dân tộc là Kinh, nó như một hành động trực tiếp cắt đứt
sự liên hệ của người Việt hiện tại với quá khứ của dân tộc, không còn những ý
thức về lòng tự tôn dân tộc, mà cái tên Việt đã thể hiện.
Tên gọi Kinh được sử dụng để chỉ người Việt,
đã gián tiếp góp phần tạo nên những nhận định cho rằng người Việt là một dân tộc
non trẻ, xuất hiện muộn trong lịch sử, có nguồn gốc lai tạp từ các dân tộc khác
nhau. Nó cũng gián tiếp thúc đẩy những giả thuyết bịa đặt, xuyên tạc về nguồn gốc
của người Việt hình thành, từ đó, càng làm vấn đề nguồn gốc của người Việt trở
nên bất định, rắc rối hơn, người Việt dễ dàng bị những tà thuyết cố ý xuyên tạc
về nguồn gốc dân tộc nhằm mục đích bôi nhọ, hạ nhục người Việt ảnh hưởng, khiến
họ trở nên tự ti, mặc cảm về nguồn gốc dân tộc, không tin tưởng vào chính bản
thân mình, không có lòng tự tôn dân tộc, cũng trực tiếp dẫn tới những tư tưởng
vọng ngoại, bài trừ văn hóa dân tộc.
Những ảnh hưởng của tên gọi Kinh đối với toàn
thể dân tộc Việt là không thể xem thường, nó gây ra rất nhiều vấn đề trong xã hội
của người Việt ngày nay, nếu phân tích chi tiết hơn, chúng ta sẽ còn thấy những
ảnh hưởng sâu và rộng hơn nữa. Ý thức dân tộc, ý thức về nguồn gốc, ý thức văn
hóa dân tộc, ý thức về ngôn ngữ là những yếu tố quan trọng nhất để một dân tộc
có thể tồn tại, người Việt với ý thức Việt đã vượt qua những thử thách gian nan
nhất trong lịch sử, mà hiếm dân tộc nào trên thế giới phải trải qua. Ý thức Việt
quan trọng như vậy, có thể nói là cốt lõi văn hóa của người Việt, nên việc khôi
phục lại tên gọi Việt trong tên dân tộc của người Việt là cấp thiết và rất quan
trọng đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt.
KẾT LUẬN
Người Việt luôn luôn ý thức mình là dân tộc Việt,
đó không chỉ là danh xưng, mà còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc đầy kiêu hãnh
được người Việt duy trì trong suốt hơn 5.000 năm. Trong tất cả truyền thuyết,
chuyện dân gian của dân tộc Việt Nam (Âu Cơ Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Bánh
chưng bánh dày, Sơn Tinh Thủy Tinh, Lĩnh nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục…),
trong tất cả các cuốn sách sử của người Việt từ xưa để lại (Đại Việt sử ký toàn
thư, Đại Nam thực lục…), trong tất cả các sách sử của Tàu và các nước láng giềng,
trong tất cả các truyền thuyết của các dân tộc khác (Đẻ đất đẻ nước của người
Mường…) mà có liên quan đến người Việt Nam ta chưa bao giờ xuất hiện từ “người
Kinh” với nghĩa là 1 dân tộc. Đùng một cái từ “dân tộc Kinh” được xuất hiện
trong danh mục các dân tộc Việt Nam, được sử dụng chính thức trong các giao dịch
cấp nhà nước và được đưa vào toàn bộ hệ thống giáo dục từ cấp 1.
Thông qua việc khảo cứu về nguồn gốc dân tộc,
chúng ta đã biết rằng ý thức Việt khởi nguồn từ hơn 5.000 năm trước ở văn hóa
Lương Chử, sau đó, người Việt tiếp tục kế thừa xuyên suốt lịch sử, qua thời Bắc
thuộc và tiếp tục giữ gìn cho tới hiện tại. Trong các tài liệu lịch sử, thì
khái niệm “kinh” không được sử dụng để chỉ dân tộc, mà vốn có nguồn gốc từ sự
phân biệt vùng miền, nó cũng không có nguồn gốc từ tên Kinh Dương Vương hay
châu Kinh tại vùng Dương Tử. Việc sử dụng tên gọi Kinh để chỉ dân tộc Việt
không có đủ cơ sở về lịch sử, khảo cổ.
Vì vậy, chúng tôi rất khẩn thiết đề nghị chính
phủ, bộ chính trị xem xét đưa tên gọi Việt trở lại làm tên gọi chính thức của
dân tộc Việt, nó sẽ có vai trò rất lớn trong xây dựng lại ý thức, lòng tự tôn
dân tộc đã bị mai một bởi những ảnh hưởng từ quá khứ, góp phần thay đổi nhận thức
về nguồn gốc, từ đó tạo nên nội lực và sức bật giúp dân tộc có thêm tinh thần
và sự vững vàng để hướng tới tương lai, vươn tới những nấc thang mới trong dòng
lịch sử đầy hào hùng của người Việt.
Tác giả: Lang Linh
https://scontent-iad3-1.xx.fbcdn.net/v/t39.30808-6/380766398_5974176869352078_3595990878520008708_n.jpg?_nc_cat=109&ccb=1-7&_nc_sid=49d041&_nc_ohc=mX2YNU0LVhMAX8XhW7j&_nc_ht=scontent-iad3-1.xx&oh=00_AfDtxp_E110gCudgBKqKHEAOuGvWHZAfg2fk02WCCsF_lw&oe=6516A7CA
Bản
so sánh
gen người Việt các vùng theo nghiên cứu của He et al. (2021)
.
No comments:
Post a Comment