Cách định danh và đưa ra hình phạt cho đến nay
thường được tiêu chuẩn hóa dựa trên tính nguy hiểm được nhìn nhận (perceived
seriousness). Pháp luật hình sự Việt Nam có rất nhiều chương để thể hiện điều
này, như chương về xâm phạm thân thể, chương về tài sản, chương về trật tự quản
lý nhà nước, chương về hôn nhân gia đình…
Tuy nhiên, hai nhóm bao quát nhất vẫn thường
được giới nghiên cứu ghi nhận là nhóm tội phạm cổ cồn xanh và tội phạm cổ cồn
trắng (blue-collar crimes/ white-collar crimes).
Tội phạm cổ cồn trắng thường gắn với quyền lực,
tài chính và khả năng can thiệp các thiết chế xã hội cấp cao. Những ví dụ điển
hình của nhánh tội phạm này bao gồm hối lộ, tham nhũng (các tội danh liên quan
đến chức vụ), hay thao túng thị trường chứng khoán…
Tội phạm cổ cồn xanh thường không cần quyền lực
và khả năng can thiệp vào thượng tầng kiến trúc để thực hiện. Vì vậy, đa số là
các hành vi xâm phạm thân thể, tài sản cá nhân, hôn nhân gia đình… thường sẽ xếp
vào nhóm này.
Về mức độ nguy hiểm, nhóm tội phạm cổ cồn xanh
luôn được giả định là nguy hiểm hơn nhóm tội phạm cổ cồn trắng.
Nền tảng của giả định này thường dựa vào khái
niệm “Tội phạm không nạn nhân” (Victimless crime).
Trong đó, đối với nhóm tội phạm cổ cồn xanh,
thường sẽ luôn có một nạn nhân cụ thể, đau thương cụ thể, tức giận cụ thể và những
lời yêu cầu công lý cụ thể. Sự bất an về an toàn xã hội hiện hữu và dễ nhận biết
hơn.
Đối với nhóm tội danh cổ cồn trắng, vì không
có một nạn nhân cụ thể mà thiệt hại xã hội chỉ thể hiện bằng những con số vô
cùng… trừu tượng với đời sống của đại đa số quần chúng (“trăm tỉ”, “ngàn tỉ”),
sự bất an rõ ràng không dễ nhận biết bằng.
***
Tuy nhiên, nhìn vào một vài bản án gây xôn xao
dư luận ở Việt Nam trước nay, không khó để nhận ra các tiêu chuẩn hóa này có vấn
đề.
Đúng là việc “trộm cắp” gà, vịt, là có lỗi cố
ý, nhắm tới quyền tài sản cụ thể của công dân, và là một hành vi có bản chất nguy
hiểm rõ ràng, dễ nhận biết.
Đúng là hành vi “thiếu trách nhiệm trong quản
lý” thường sẽ có lỗi vô ý và không nhắm tới tư lợi, và về bản chất là một hành
vi ít nguy hiểm hơn.
Tuy nhiên, việc trộm cắp vài chục con vịt, con
gà (và thậm chí là có tái phạm hay có tiền án tiền sự đi chăng nữa) cũng không
thể so sánh về độ nguy hiểm cho toàn xã hội với hành vi thiếu trách nhiệm trong
quản lý thuốc chữa bệnh cho quốc dân mà chúng ta đang nhận thấy gần đây.
Vậy tại sao người trộm gà, vịt lại phải chịu
án bảy năm tù, trong khi các sai phạm về quản lý thuốc, quản lý an toàn dịch, lại
cũng là bấy nhiêu năm tù?
***
Về hình phạt tử hình, cần nói rõ rằng, cho đến
hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn còn duy trì án tử hình danh nghĩa đối với các
tội danh và tình huống nghiêm trọng thuộc nhóm tham ô tài sản hay nhận hối lộ.
Song đến năm 2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án
Nhân dân Tối cao Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị quyết 03/2020, pháp điển
hóa các quy định cần thiết để việc “né” án tử hình cho các quan chức rõ ràng
hơn, ví dụ như giải thích rõ hoàn cảnh và ý nghĩa của câu chữ trong “nộp lại ít
nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ”, “hợp tác tích cực”, hay “lập công
lớn”.
Như đã nói, tội phạm cổ cồn trắng cần quyền lực
– dù là quyền lực chính trị hay quyền lực kinh tế – để có thể bắt đầu có cơ hội
thực hiện hành vi của mình. Họ là những nhóm chóp bu, có đặc quyền đặc lợi nhiều
nhất trong một xã hội.
Ngược lại, những tội phạm liên quan đến hành
vi vũ lực hay xâm phạm thân thể/ tài sản một cách trực tiếp thường tập trung xảy
ra và thực hiện bởi những nhóm yếu thế nhất, nghèo nhất và có ít quyền lực nhất
trong một xã hội.
Tiếp tục cho rằng tội phạm tham nhũng hay các
tội danh cổ cồn trắng đáng được bãi bỏ thực hành án tử hình, trong khi các tội
danh khác thì không, sẽ tiếp tục ủng hộ cách mà hệ thống tư pháp chỉ nhìn vào
“những con số” vô cùng tùy tiện như “trăm tỷ” hay “nghìn tỷ” để định tội.
Trong bối cảnh đó, công lý quốc gia gần như
hoàn toàn mù lòa trước tác hại vĩ mô lẫn vi mô của các tội phạm cổ cồn trắng
nói chung, và của tội phạm có yếu tố chức vụ nói riêng, vốn hoàn toàn có thể là
tính mạng, nhân phẩm của con người, quy chuẩn xã hội hay tương lai của nhiều
gia đình…
No comments:
Post a Comment