Biden thăm Hà Nội :
Quan hệ Mỹ-Việt, vị thế của TBT Nguyễn Phú Trọng và tương quan Việt-Trung
BBC News Tiếng Việt
1 tháng 9 2023, 17:07 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66682427
Những tiếp xúc, trao đổi gần đây về mặt ngoại giao
giữa Washington và Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN
dường như đã trở thành nhân vật đóng vai trò trọng tâm.
Nhà Trắng đã chính thức thông báo Tổng thống
Joe Biden sẽ tới thăm Việt Nam ngày 10/9 để "gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
và các quan chức cấp cao khác".
Theo đó, ông Biden sẽ tới Hà Nội sau khi thăm
dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 để "bàn các cách làm sâu sắc hơn quan hệ giữa
Hoa Kỳ và Việt Nam".
Trước đó vào tháng 3, ông Biden cũng có cuộc
điện đàm với người đứng đầu Đảng Cộng sản, thay vì nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch
nước Võ Văn Thưởng. Đây là một động thái được cho là hiếm thấy khi đó.
Chính vì vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng, việc
Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ, dù là lên một bậc - thành đối tác chiến lược;
hay là hai bậc - thành đối tác chiến lược toàn diện thì đều giúp củng cố vai
trò lãnh đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng cũng như Đảng Cộng sản trong một quốc gia
độc đảng như Việt Nam.
Nâng cao uy tín của vị Tổng bí thư
Vào tháng 7/2015, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú
Trọng đã có "chuyến thăm lịch sử" đến Washington và nó đã đặt ra những
địa hạt mới mẻ trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Việc ông Trọng được Tổng thống Mỹ Barack Obama
tiếp đón ở phòng Bầu Dục - nơi vốn chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia cho thấy
Mỹ đã điều chỉnh thông lệ về mặt lễ tân và tạo tiền lệ cũng như sự dịch chuyển
về cách tiếp cận của chính quyền Mỹ đối với Việt Nam.
Theo đó, cả hai chính quyền Dân chủ và Cộng
hòa đều công nhận vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á và vai trò trung
tâm của Tổng bí thư đảng trong một nhà nước độc đảng như Việt Nam.
Cuộc điện đàm của Tổng thống Joe Biden với Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 3 vừa rồi, cũng như việc Nhà Trắng vừa công
khai thông báo ông Biden sẽ đến Việt Nam để gặp ông Trọng (cùng các lãnh đạo chủ
chốt khác nhưng không nêu đích danh) là minh chứng cho sự chuyển dịch trong
cách người Mỹ nhìn nhận vai trò của vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam..
Theo nghĩa nào đó, Hoa Kỳ xem người đứng đầu
ĐCSVN là nhân vật quan trọng và có quyền lực lớn nhất trong việc định đoạt các
chính sách đối ngoại của Việt Nam, mặc dù TBT Trọng không phải là nguyên thủ
quốc gia.
Hoa Kỳ nói Tổng thống
Joe Biden sẽ thăm Việt Nam ngày 10/9
Biden 'sắp ký thỏa thuận
đối tác chiến lược với Việt Nam trong nỗ lực chống lại Trung Quốc'
Quan hệ Việt-Mỹ có cơ hội
vượt cấp lên ngang tầm Trung Quốc?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà quan sát chính trị
Việt Nam đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore nói với BBC
News Tiếng Việt rằng, Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao giúp phần nào
công nhận tính chính danh của ĐCSVN:
"Mỹ sẽ chỉ hợp tác với những quốc gia mà
họ có sự thừa nhận về mặt ngoại giao và chính trị. Giữa Việt Nam và Mỹ vẫn còn
một số khác biệt về mặt ý thức hệ, nhưng khi người Mỹ chấp nhận ngồi cùng bàn với
Việt Nam và xem Việt Nam như một đối tác chiến lược toàn diện thì nó có hàm ý Mỹ
thừa nhận vai trò lãnh đạo của ĐCSVN ở Việt Nam."
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng lưu ý rằng, trong những
tiếp xúc gần đây giữa hai nước, cũng như là chuyến thăm sắp tới của ông Biden đến
Việt Nam, Mỹ có xu hướng muốn làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
và có khả năng tuyên bố chung giữa hai nước cũng sẽ do ông Biden và ông Trọng
ký, chứ không phải giữa ông Biden và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Điều này, theo Tiến sĩ Hiệp, thể hiện Mỹ hiểu
cơ cấu, cách vận hành hệ thống chính trị Việt Nam và họ thừa nhận, coi trọng
vai trò lãnh đạo của cá nhân ông Trọng và bản thân ĐCSVN và nó mang ý nghĩa
tích cực đối với ĐCSVN cũng như nâng cao uy tín của vị Tổng Bí thư.
Chính sách đối ngoại của VN do Đảng CS quyết định- Hình minh họa TBT Đảng,
Nguyễn Phú Trọng trên nền cờ ba nước Hoa Kỳ, VN và TQ
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu là
khách mời (visiting fellow) thuộc Viện ISEAS Singapore cũng nhấn mạnh với BBC về
tầm quan trọng của chuyến đi năm 2015:
"Mỹ từ trước tới giờ vẫn muốn tiếp cận một
cách chính thống: tập trung vào mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước hơn là với
đảng. Có lẽ từ năm 2015, khi ông Trọng được mời sang Nhà Trắng thì Mỹ đã vận dụng
nhiều hơn mối quan hệ với ĐCSVN và tạo ra những nấc thang mới cho quan hệ song
phương.
"Nếu Mỹ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
toàn diện với Việt Nam thì cho thấy Mỹ thực sự tôn trọng thể chế chính trị Việt
Nam và muốn cho Việt Nam thấy điều đó. Thứ hai, Mỹ nhận ra vai trò quyết định của
ĐCSVN trong sách lược của Việt Nam từ kinh tế, ngoại giao cho đến quan hệ quốc
tế và đặt ưu tiên giữ vững quan hệ đó," theo TS Nguyễn Khắc Giang.
Quay lại năm 2015, trước thềm Đại hội đảng 12
là giai đoạn mà sức ảnh hưởng và quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn rất
mạnh mẽ và rộng khắp, nhất là đối với Ban chấp hành Trung ương.
Thậm chí, dưới thời ông Dũng, Văn phòng Thủ tướng,
bao gồm cả cố vấn cho Thủ tướng, đã trở nên quyền lực hơn phe đảng. Trên trường
quốc tế, danh tiếng của ông Dũng cũng phủ sóng và được xem là chính trị gia
"quyền lực nhất" của Việt Nam.
Còn vị Tổng Bí thư khi ấy được cho là người mềm
mỏng với Trung Quốc. Nhưng việc ông Nguyễn Phú Trọng nhận lời và khôn khéo đến
thăm Mỹ lần đầu tiên và được tiếp đón tại Phòng Bầu dục đã giúp xây dựng hình ảnh
người đứng đầu ĐCSVN thể nói chuyện được với phương Tây và cùng lúc duy trì mối
giao hảo với Trung Quốc.
Nước đi này của ông Trọng phần nào xoa dịu được
tâm lý chung của Ban chấp hành Trung ương và làm tăng sự hiện diện của người đứng
đầu ĐCSVN trên trường quốc tế, theo một nhà quan sát từ Việt Nam.
Nâng cấp quan hệ song phương tới đâu?
Hôm hôm 28/7, Tổng thống Biden nói tại một buổi
gây quỹ ở Maine rằng Hà Nội muốn nâng cao mối quan hệ với Washington và trở
thành một đối tác quan trọng.
"Ông ấy muốn nâng tầm để Mỹ thành đối tác
lớn, cùng với Nga và Trung Quốc," ông Biden vào ngày 28/7 trong phát biểu
mà các nhà phân tích cho là ông Biden hàm ý nhắc tới vị Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng.
Câu nói này của Tổng thống Joe Biden gây ra những
đồn đoán Việt Nam có thể đẩy vượt cấp quan hệ với Mỹ từ đối tác toàn diện lên
thành đối tác chiến lược toàn diện.
Các quốc
gia Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho rằng, xét đến những
nước mà Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho tới nay như
Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và sắp tới là Úc và Singapore thì việc Hà Nội
"nhảy cóc" quan hệ với Mỹ sẽ là bước đi khá bất ngờ đối với cách làm
của Việt Nam về ngoại giao từ sau Đổi Mới.
Bởi lẽ, Việt Nam vốn thận trọng và hạn chế những
chuyển biến quá đột ngột có khả năng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của Việt Nam
với các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhưng nếu việc này xảy ra thì tiến sĩ Khắc
Giang lập luận rằng, một là quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã ở nấc thang mới mà mức
đối tác toàn diện hiện tại đã không còn phù hợp nữa, buộc Việt Nam và Mỹ phải nới
tầm quan hệ lên mức cao hơn để mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như an ninh quốc
phòng, đặc biệt là an ninh hàng hải.
"Hai là cho thấy mối quan ngại của Việt
Nam trong sự cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt là từ đầu năm tới nay,
Trung Quốc có những hành động gây hấn và hung hãn trên Biển Đông, đặc biệt là
những khu khai thác dầu khí mà Việt Nam kiểm soát và gần đây, Trung Quốc cũng
cơi nới đảo Tri Tôn," ông Giang nhìn nhận.
Tuy thế, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với BBC rằng
phải chờ đến ngày ông Biden sang thăm Việt Nam và đưa ra tuyên bố chính xác,
nhưng "khả năng cao đôi bên sẽ nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện".
Đối tác chiến lược toàn diện, theo TS Hiệp, sẽ
tạo nền tảng chính trị và pháp lý cho hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ
trên các lĩnh vực khác nhau. Pháp lý ở đây có nghĩa là nếu trong tương lai, hai
bên tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực mà phải thông qua các cơ quan của Mỹ
hay Việt Nam thì sẽ thuận lợi hơn.
Ông Lê Hồng Hiệp lấy ví dụ như chính phủ Hoa Kỳ
muốn bán cho Việt Nam một số vũ khí, trang thiết bị quân sự thì sẽ phải được Quốc
hội thông qua. Nếu hai nước ở tầm quan hệ chiến lược toàn diện thì sẽ dễ thuyết
phục các nghị sĩ Mỹ đồng ý hơn.
Dù nhiều người nói mối quan hệ này chỉ mang
tính hình thức nhưng ở một số mặt, nó có giá trị thực tế trong việc thúc đẩy
quan hệ song phương trong tương lai và giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam - vốn
phù hợp với lợi ích của ĐCSVN.
Ngoài ra, về kinh tế, Việt Nam cũng là đối tác
thương mại lớn của Mỹ, xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng khác nhau và là mắt
xích càng ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng hóa chuỗi
cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì Việt Nam càng đóng vai trò quan trọng trong
tính toán về mặt chiến lược cũng như kinh tế của Mỹ," dẫn lời TS Lê Hồng
Hiệp.
Ông David Hutt, nhà báo làm việc tại Á châu
thì nói với BBC News Tiếng Việt về chuyến thăm của TT Biden sang Việt Nam rằng
điều thực sự quan trọng là liệu ông Biden đến Hà Nội với hàng loạt khoản đầu tư
mới đáng kể hay không:
"Hà Nội muốn Bắc Kinh ngừng gây hấn nhưng
bằng lòng với hiện trạng hiện có; Việt Nam được hưởng lợi từ một nền kinh tế
Trung Quốc lành mạnh (mặc dù hiện tại điều đó có vẻ không ổn) và từ việc Hoa Kỳ
không ngừng tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn," theo ông Hutt.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang bình luận thêm, Hà Nội
nâng cấp quan hệ với Mỹ-vốn là đối thủ của Trung Quốc thì sẽ gây những lo ngại
nhất định cho Bắc Kinh nhưng cũng đưa ra tín hiệu cho nước này biết rằng, nếu
Việt Nam bị dồn vào bước đường cùng thì sẽ có những có bước tiến về ngoại giao
để đảm bảo quyền lợi.
Phản ứng khả dĩ của Trung Quốc
Một luồng ý kiến nhắc đến việc Trung Quốc coi
sự nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ là hành động chống lại Bắc Kinh nhất
là vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp phân tích rằng,
Trung Quốc không phải là yếu tố chi phối lên mối quan hệ Việt-Mỹ:
"Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ đối tác
toàn diện năm 2013 và năm nay kỷ niệm 10 năm nên hai bên có nhu cầu nâng cấp
quan hệ song phương, và sẽ phải có chuyến thăm lẫn nhau giữa các lãnh đạo cấp
cao. Chính vì vậy, kể cả không có yếu tố Trung Quốc thì Mỹ và Việt Nam sẽ tiến
hành theo lộ trình này, chuyện nâng cấp là bình thường."
Đồng thời, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhấn mạnh, Việt
Nam dù có vượt cấp quan hệ đối tác với Mỹ thì vẫn chỉ xấp xỉ, chứ chưa ngang bằng
với Trung Quốc vì đúng danh xưng thì Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ Đối tác hợp
tác chiến lược toàn diện. Chưa kể, Việt Nam vẫn luôn theo đuổi chính sách quốc
phòng "Bốn không" của mình:
"Bản thân Việt Nam cũng luôn coi trọng mối
quan hệ với Trung Quốc, hai nước đã là đối tác chiến lược toàn diện từ năm
2008. Cách đây không lâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu
tiên tới Bắc Kinh sau khi Đại hội đảng 20 của Trung Quốc kết thúc. Không loại
trừ khả năng thời gian tới, Việt Nam sẽ đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Hà Nội.
Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn coi trọng và duy trì mối quan hệ cân bằng với
Trung Quốc và Mỹ," theo TS Hiệp.
Về phản ứng khả dĩ từ Trung Quốc, TS Hiệp dự
đoán Bắc Kinh sẽ không quá gay gắt vì đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ mang
tính chất tuyên bố chính trị chứ không phải liên minh quân sự nên sẽ không gây
ra bất kì mối đe dọa trực tiếp nào với Trung Quốc.
Quan sát những diễn biến gần đây của chính phủ
Việt Nam như đồng ý nâng cấp quan hệ với Úc, Singapore lên "đối tác chiến
lược toàn diện", nhà báo David Hutt phân tích với BBC rằng, nếu Hà Nội thực
hiện việc nâng cấp này cùng khoảng thời gian với Mỹ thì có thể làm Bắc Kinh hài
lòng.
"Hà Nội đang cố gắng hết sức để việc nâng
cấp quan hệ với Mỹ trở nên bình thường. Quả thực, nếu Hà Nội liên tục nâng cấp
quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia khác sẽ giúp phân tán sự
chú ý đến việc nâng cấp với Mỹ, điều mà tôi đoán là Washington không mấy hài
lòng".
Trung Quốc gây hấn trên
Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính
Trung Quốc sẽ phản ứng
ra sao nếu Việt - Mỹ nâng cấp đối tác chiến lược?
Ông Hutt cho rằng phía Washington đang nỗ lực
hết sức thể hiện rằng việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam là dấu hiệu cho thấy Mỹ
đang thắng thế về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình - một chiến
lược vốn xác định Việt Nam là quốc gia đối tác 'hàng đầu' trong khu vực của Mỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang dự đoán rằng, phản ứng
của Trung Quốc nếu có phần nhiều chỉ mang tính diễn ngôn. Tuy nhiên, về mặt chiến
lược lâu dài, Trung Quốc có thể đưa ra những tín hiệu nhất định:
"Bắc Kinh có thể gia tăng hành động gây hấn
trên Biển Đông để chứng tỏ rằng dù Việt Nam có những đối tác mạnh, có nhiều đối
tác chiến lược toàn diện hơn nữa thì Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia đơn độc khi đối
phó với các hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông chứ không nằm trong
vòng bảo vệ hay thuộc một liên minh nào," theo TS Giang.
.
Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66682427
---------------------------------
TIN LIÊN
QUAN
·
Liệu Việt Nam có đón Tổng
thống Joe Biden để tạo niềm tin chiến lược với Hoa Kỳ?
25 tháng 8 năm 2023
·
Quan hệ Mỹ-Việt: Tổng thống
Joe Biden sẽ tới Việt Nam ngày 10/9
29 tháng 8 năm 2023
·
Biden 'sắp ký thỏa thuận
đối tác chiến lược với Việt Nam trong nỗ lực chống lại Trung Quốc'
20 tháng 8 năm 2023
·
Quan hệ Việt-Mỹ có cơ hội
vượt cấp lên ngang tầm Trung Quốc?
18 tháng 8 năm 2023
·
Trung Quốc gây hấn trên
Biển Đông và động thái của Thủ tướng Chính
31 tháng 5 năm 2023
·
Việt-Mỹ: Hai nước cựu
thù có khả năng thành đối tác chiến lược trong năm nay?
31 tháng 3 năm 2023
No comments:
Post a Comment