Có vẻ như “Đất nước” và “Nhân dân” là hai phạm
trù rất gần gũi, rất thân thiết, có quan hệ máu thịt với nhau, thậm chí không
thể tách rời nhau.
Từ hàng ngàn năm rồi, nhiều người đã hiểu như
vậy, đã cảm nhận như vậy.
Tôi sẽ không viết được những dòng chữ có vẻ
nghịch lý sau đây nếu không sống dưới chế độ “cộng sản”. Sự kỳ quái của chế độ
đó đã đánh thức mọi phản kháng trong tư duy, làm chúng ta vỡ mộng và vỡ luôn những
nếp nghĩ khác.
Và một trong những phát hiện bàng hoàng nhất
là: Đất nước và Nhân dân là hai thực thể có khả năng trở thành thù địch.
*
Từ thuở bé, con người đã gắn liền với đất nước
mình qua lũy tre làng, dòng sông, bến đò, những bờ biển thơ mộng, những núi non
hùng vĩ, những danh lam thắng cảnh…Tất cả, góp phần tạo ra tâm hồn, tính cách
và tình yêu của mỗi người, từ đó hình thành những mối dây ràng buộc, nhờ thế mà
khi có ngoại xâm thì cả dân tộc cùng đứng lên, đồng lòng đánh đuổi chúng, giành
lại từng tấc đất, từng ngọn rau…
Đó là những điều có thật. Đã từng xảy ra. Những
tấm lòng yêu nước, những hy sinh vì tổ quốc, những anh hùng dân tộc… tất cả đều
có thật.
Duy chỉ một điều nghịch
lý, đó là: trong lịch sử nhân loại CHƯA BAO GIỜ ĐẤT NƯỚC LÀ CỦA NHÂN DÂN.
*
Ngày xưa, khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên
nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù. Chỉ có Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa,
không thèm ăn thóc nhà Chu, cùng nhau lên núi Thú Dương, hái rau độ nhật.
Sau, có người đến bảo: “Nhà Chu đã trị thiên hạ,
thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, ăn rau núi này chẳng phải ăn rau nhà
Chu ư?” Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết.
Rõ ràng thời ấy người ta quan niệm sông núi, kể
cả rau rừng đều “của nhà Chu” nào phải của nhân dân. Ngay cả hạt thóc là do mồ
hôi nước mắt của nông dân làm nên mà cũng được gọi là “thóc nhà Chu” thì nhân
dân còn lại gì?
Trong bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, Lý Thường Kiệt
cũng xem đất nước Việt Nam là của vua chúa nhà Lý khi ông viết: “Nam quốc sơn
hà Nam đế cư” thì thật sự cũng đã “xí phần” cho triều đình hết rồi, còn gì cho
đám dân đen nữa?!
Thời phong kiến, đất nước là của nhà vua nên mới
có cha truyền con nối, nên trung quân và ái quốc mới gộp làm một.
*
Ngày nay người ta nói nhiều đến dân chủ. Có vẻ
như đất nước không còn là của “nhà Chu” nữa, có vẻ như “Nam quốc sơn hà” không
còn của “Nam đế” nữa. Vậy chắc là của nhân dân rồi!
Thử xem có phải vậy không?
Nếu cái đất nước giàu tài nguyên này, cái quê
hương “rừng vàng biển bạc” này là của nhân dân, sao nhân dân nghèo khổ đến vậy?
Sao những chàng trai nông thôn chân lấm tay bùn vẫn ở nhà tranh vách đất? Sao
những cô gái quê phải lên thành phố bán thân? Sao bác phu xích lô vẫn còng lưng
đạp mỗi ngày, sao lớp trẻ con nhà lao động phải nhễ nhại mồ hôi trong các khu
chế xuất, các mỏ than, các nhà máy chế biến hải sản, lâm sản, nông sản…chỉ để
kiếm chừng một trăm đô la mỗi tháng? Sao nhân dân lao động vẫn phải chui rúc
trong những căn nhà tồi tàn chật hẹp?
Nếu rừng là vàng, biển là bạc thì vàng ở đâu,
bạc đi đâu, mà mỗi lần làm đường, xây cầu lại phải vay vốn ODA, vay vốn Ngân
hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ Thế giới… để xảy ra những vụ tham nhũng nhục nhã như
PMU18, như vụ cầu Văn Thánh, như vụ PCI Nhật Bản…và hàng ngàn vụ khác?
Nếu đất nước này là của nhân dân thì sao dầu mỏ
khai thác nhiều như vậy mà dân không giàu? mà Nhà Nước lại giàu?
Nếu đất nước là của nhân dân sao lại chỉ có một
nhúm các tập đoản tài phiệt phất lên nhờ kinh doanh rừng, biển, đất đai và lúa
gạo… trong khi nhân dân thì bị cướp đất, rừng thì bị phá, thóc lúa thì bị
thương lái ép giá, đẩy nông dân vào kiếp sống bần cùng?
*
Có quá nhiều bằng chứng để nói rằng trong lịch
sử chưa bao giờ đất nước là của nhân dân. Đất nước chỉ là của nhân dân trong
các học thuyết, trong văn thơ, trong âm nhạc. Đất nước chỉ là của nhân dân
trong hoài niệm tuổi thơ, trong tâm tình chôn nhau cắt rún.
Trên thực tế đất nước bao
giờ cũng là tài sản riêng của giai cấp cầm quyền. Ngày xưa thì đất nước là của
vua chúa, ngày nay đất nước là của các chính quyền.
Còn nhân dân?
Ngoại trừ số ít giàu có ở các đô thị lớn, đại
đa số nhân dân lao động, công nhân, nông dân, công chức, tư chức ăn lương…chỉ
có được một căn nhà nhỏ, một mái tranh nghèo, một cái ổ chuột tối tăm trong xóm
lao động hay dưới gầm cầu.
Những nhà hàng, những khách sạn sang trọng, những
vũ trường xa hoa, những cửa hàng lộng lẫy kia không phải của nhân dân.
Những khu đô thị mới, những resorts, những sân
golf, những câu lạc bộ quần vợt, những cuộc thi hoa hậu liên miên kia… không
bao giờ là của nhân dân.
Những mỏ bô-xit, mỏ than, mỏ dầu trị giá hàng
ngàn tỉ đô-la kia, những lâm sản, hải sản vô tận kia…chưa bao giờ là của nhân
dân.
Nhân dân chỉ có cái tổ chim bé nhỏ của mình,
nhân dân chỉ có vại cà, con mắm, củ khoai, rẫy bắp, chiếc xích lô đạp, chiếc xe
máy để chạy xe ôm, để đi làm mỗi ngày.
Nhân dân không biết nghe nhạc giao hưởng,
không biết hát Opera, nhân dân chỉ biết rao: “Cháo huyết đây!” “Bánh mì nóng
giòn đây!” “Báo mới đây!” “Mài dao mài kéo đây!”…
Nhân dân không có vé vào xem thi hoa hậu hoàn
vũ hay xem trình diễn thời trang, nhân dân chỉ có năm ngàn đồng đủ trả một cuốc
xe ra đứng đầu đường Huyền Trân Công Chúa và gọi: “Đi chơi không anh?”. Nhân
dân không có ai bảo vệ, chỉ biết chạy trối chết khi bị công an đem xe tới xúc về
đồn để “làm sạch thành phố.”
Trong thời chiến, bao giờ nhân dân cũng bị xem
như một thứ “tài nguyên”, một “nguồn cơ bắp dồi dào” sẵng sàng cung cấp cho chiến
trường để giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh mang danh nghĩa “giải
phóng” “chống ngoại xâm” “thánh chiến” “vệ quốc”….
Tội nghiệp cho hàng trăm thế hệ những người
lính đã ngã xuống trong các cuộc “chiến tranh thần thánh” ấy để rồi cuối cùng đất
nước lại lọt vào tay một nhúm người chuyên nghề vơ vét.
Từ hàng ngàn năm nay, đất
nước đã bị cưỡng đoạt.
Giờ đây, đối với nhân dân Việt Nam, nếu đất nước
có còn được chút ý nghĩa, chính là vì nó đang ôm giữ trong lòng nó xương cốt của
những người thân đã chết vì một lý tưởng hoang đường và một ước mơ không bao giờ
có thật.
*
Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa, rồi Trường Sa.
Vài trăm người biểu tình bị đàn áp, bị bắt, bị đe dọa. Nhiều người hỏi tôi:
“Sao không thấy ông viết về Hoàng Sa, Trường Sa mà chỉ viết về nhân quyền, về
dân chủ?”
Chẳng lẽ tôi lại phải trả lời như thế này:
“Vì hai hòn đảo ấy đã lọt vào tay bọn Tàu rồi.
Ai đòi lại được? Mà nếu như có đòi được thì cái lãnh thổ giàu tài nguyên ấy
cũng đâu phải của nhân dân. Hai hòn đảo ấy cũng sẽ là tài sản của những kẻ cầm
quyền và bọn tài phiệt, cũng sẽ bị chúng chia chác nhau mà ăn thôi.”
(Trích tác phẩm CUỘC CÁCH MẠNG BỊ THẤT LẠC)
Đ.H
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=6778457945572512&set=a.472128596205510
.
No comments:
Post a Comment