Tuesday, September 12, 2023

ĐẤT NƯỚC SAU SONG SẮT (RFA)

 




ĐẤT NƯỚC SAU SONG SẮT   

RFA

10.05.2023

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/index.html

 

Tình hình nhân quyền Việt Nam trong ba năm trở lại đây bị các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là đang xấu đi nghiêm trọng với việc hàng loạt các nhà hoạt động xã hội, Facebookers bị bắt giam. Đài Á Châu Tự Do tổng hợp những dữ liệu về những tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2020 đến cuối năm 2022.

 

SƠ ĐỒ THỐNG KÊ TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM CÁC NĂM 2020-2022

 

Số người bị bắt                                        Số người bị xét xử

2020  :  76                                               2020   :   59

2021  :  45                                               2021   :   42

2022  :  32                                                2022   :  38

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) ước tính, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất khoảng 150 tù chính trị. Ước tính về số tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam khác nhau tùy theo nguồn số liệu. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật.

 

 

Quyền đất đai bị tước đoạt

 

Năm 2020 là năm có nhiều người bị bắt nhất so với hai năm 2021 và 2022 với tổng số người bị bắt là 76 người. Con số này trong các năm 2021 và 2022 là 45 và 32 người. Khoảng một nửa số người bị bắt trong năm 2020 liên quan đến vấn đề đất đai.

 

Năm 2020 là năm xảy ra vụ cưỡng chế đất gây chết người ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Khoảng 3.000 công an được điều động đến địa phương để cưỡng chế một khu đất nông nghiệp đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền vào ngày 9/1/2020.

 

Hậu quả của vụ cưỡng chế đã khiến bốn người chết bao gồm ba công an và một người dân là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, người được cho là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất này. Vụ việc đã dẫn đến việc bắt giữ 29 người dân Đồng Tâm với những cáo buộc tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”. Hai người trong số này bị kết án tử hình về tội “giết người”. Toà phúc thẩm vào ngày 9/3/2021 đã tuyên y án “tử hình" đối với hai người dân Đồng Tâm.

 

VIDEO : Toàn cảnh khủng hoảng Đồng Tâm

              https://www.youtube.com/watch?v=E4XsMdlBrBs

 

Vụ Đồng Tâm đã khiến dư luận quốc tế quan tâm, yêu cầu chính quyền phải có điều tra minh bạch và khách quan. Những người hoạt động về quyền đất đai góp phần đưa sự việc ra ánh sáng đã lần lượt bị bắt trong cùng năm bao gồm cả ba người trong một gia đình là bà Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương. Một nhà hoạt động về quyền đất đai khác thường xuyên đưa tin về vụ việc cũng bị bắt cùng năm là bà Nguyễn Thị Tâm.

 

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người tham gia viết Báo cáo Đồng Tâm, đưa sự việc ra quốc tế, cũng bị chính quyền bắt giam cùng năm.

 

 

Đàn áp nhà báo

 

Trong giai đoạn ba năm qua, một loạt các nhà báo cũng là các đối tượng bị chính quyền đàn áp mạnh tay.

 

Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hồi cuối năm 2022 cho thấy Việt Nam vẫn đang giam giữ ít nhất 39 nhà báo, và là một trong năm quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất thế giới.

 

Thống kê của RFA trong giai đoạn 2020 – 2022 cho thấy, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 16 nhà báo. Mười bốn người trong số này bị cáo buộc vi phạm các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự.

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/assets/img/hoi-bao-sach.jpg

Hội Báo Sạch

 

Đáng chú ý, trong ba năm này, chính quyền Việt Nam đã bắt và kết án một blogger của Đài Á Châu Tự Do là Nguyễn Tường Thụy với án tù 11 năm theo Điều 331. Một blogger khác của RFA là Nguyễn Lân Thắng bị chính quyền bắt giữ hôm 5/7/2022 với cáo buộc vi phạm Điều 117.

 

Hiện, chính quyền Việt Nam đang giam giữ bốn blogger/cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do bao gồm: blogger Nguyễn Tường Thụy, blogger Nguyễn Lân Thắng, blogger Trương Duy Nhất, cộng tác viên Nguyễn Văn Hóa.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/assets/img/hoi-nha-bao-doc-lap.jpg

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam

 

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/assets/img/cac-nha-bao-khac.jpg

Các nhà báo khác

 

 

Các nhà hoạt động môi trường thành đối tượng đàn áp

 

Một loạt các nhà hoạt động môi trường cũng trở thành đối tượng bị chính quyền bắt giam dồn dập trong ba năm qua với cáo buộc tội “Trốn thuế”.

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/assets/img/cac-nha-hoat-dong-moi-truong.jpg

 

Những nhà hoạt động môi trường này là những người tích cực tham gia vào các hoạt động kêu gọi Việt Nam chuyển đổi việc sử dụng than sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đây cũng là giai đoạn mà Chính phủ Việt Nam đang thảo luận với các quốc gia công nghiệp phát triển về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la giúp Việt Nam chuyển đổi. Điều này đã khiến quốc tế đặt câu hỏi về cam kết thực lòng của Việt Nam với quốc tế.

 

 

Điều 117 và Điều 331

 

Trong giai đoạn 2020 – 2022, các tòa án ở Việt Nam đã kết án hơn 130 người là những nhà báo, Facebookers, và các nhà hoạt động xã hội.

 

Các Điều luật được sử dụng nhiều nhất là Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự. Đây là các điều luật đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.

 

Theo thống kê của RFA, trong giai đoạn này, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331, 34 người bị kết án theo Điều 117, với các án tù từ dưới năm năm đến trên 10 năm tù.

 

 

Số TNLT theo năm bắt

https://www.rfa.org/vietnamese/special/country-behind-bars/index.html

Nguồn: RFA, Project 88

 

Tù nhân lương tâm bị đối xử tàn tệ

Các tù nhân lương tâm và người thân họ thường xuyên phản ánh tình trạng tù chính trị bị đối xử tàn tệ bao gồm: không được chăm sóc y tế kịp thời, bị chuyển đi xa gia đình, bị đánh đập và biệt giam, điều kiện giam giữ tồi tệ.

 

Trong giai đoạn này, RFA ghi nhận ít nhất ba trường hợp tù nhân lương tâm chết trong tù do bệnh tật hiểm nghèo và không được chăm sóc y tế kịp thời.

 

 

 

CÁC VI PHẠM NHÂN QUYỀN TRONG TÙ TỪ ĐẦU NĂM 2020 ĐẾN NAY

Nhiều tù nhân lương tâm tại các trại giam Việt Nam đã và đang bị ngược đãi. Sau đây là những trường hợp đáng chú ý kể từ đầu năm 2020.

 

BỊ LẶNG LẼ CHUYỂN DỜI

JANUARY 21, 2020

Nhà hoạt động môi trường và blogger Nguyễn Ngọc Ánh bị chính quyền Việt Nam chuyển từ trại giam gần nhà tại tỉnh Bến Tre sang trại giam mới tại tỉnh Đồng Nai mà không cho gia đình biết.

 

BỊ KỶ LUẬT BIỆT GIAM VÌ “NỔI LOẠN”

JANUARY 27, 2020

Hai tù chính trị trẻ Nguyễn Viết Dũng và Phan Kim Khánh phải chịu kỷ luật biệt giam khi đang thụ án ở trại Nam Hà vì lý do không nhận tội và “nổi loạn” trong tù. Ngoài ra, Dũng còn bị bỏ đói và bị lấy mất tiền gia đình gửi.

 

 

SỨC KHỎE SUY GIẢM SAU KHI RA TÙ

FEBRUARY 28, 2020

Sau khi mãn án 18 năm tù giam, tù nhân tôn giáo Y Ngũn Knul bị suy thận nặng , viêm dạ dày và huyết áp cao, nên hay đau đầu và mệt. Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu TNLT và bạn tù ông Knul, ông Knul từng bị biệt giam cùm chân 10 ngày, bị đánh đập, bỏ đói và bỏ khát tại trại giam số 6.

 

BỊ TỪ CHỐI ĐIỀU TRỊ Y TẾ

MARCH 17, 2020

Tù nhân tôn giáo Phan Văn Thu bị trại giam Gia Trung từ chối điều trị y tế mặc dù mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, tăng huyết áp và bị suy tim.

 

BỊ CẮT LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI THÂN

APRIL 27, 2020

Hai người vợ của hai tù chính trị Lưu Văn Vịnh (trại Gia Trung) và Nguyễn Văn Túc (trại Thanh Chương) chia sẻ với RFA rằng chính quyền Việt Nam đã cắt ngang cuộc gọi giữa họ và chồng khi nhắc đến điều kiện sinh sống tại trại giam. Họ cố gọi lại nhưng trại giam không bắt máy, và họ cho rằng các cuộc gọi giữa họ và chồng đều bị ghi âm lại.

 

BỊ ĐÁNH ĐẬP VÀ BIỆT GIAM VÌ ĐÒI LÀM VIỆC NGOÀI TRỜI

MAY 13, 2020

Sáu TNLT tại trại Xuân Lộc, trong đó có Huỳnh Đức Thanh Bình, bị đánh đập và biệt giam vì xin thêm giờ làm việc ngoài trời vào cuối tuần.

 

HAI THÀNH VIÊN NHÓM HIẾN PHÁP BỊ CÔNG AN ĐÁNH

MAY 14, 2020

Người nhà hai tù chính trị Lê Quý Lộc và Ngô Văn Dũng cho RFA hay rằng hai ông trong thời gian qua bị công an đánh đập tại Cơ quan an ninh điều tra, thuộc Bộ Công an.

 

PHÒNG GIAM NÓNG NHƯ LỬA ĐỐT

MAY 22, 2020

Vợ tù chính trị Lê Thanh Tùng cho RFA hay rằng phòng giam ông tại trại Nam Hà nóng trên 35 độ C. Mặc dù mắc chứng đau đầu, ù tai khi đang thụ án nhưng ông không được nhận thuốc người nhà gửi vào.

 

BỊ MẤT LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH VÀ LÃNH SỰ QUÁN ÚC

JUNE 8, 2020

Tù chính trị người Úc gốc Việt Châu Văn Khảm đã không được gặp hay nhận điện thoại từ gia đình và đại diện lãnh sự quán Úc hơn 4 tháng tính tới thời điểm này

 

BỊ CƯỠNG BỨC ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN

JULY 16, 2020

Blogger Lê Anh Hùng, thành viên hội Anh em Dân chủ, bị đánh đập, trói vào giường và cưỡng bức tiêm thuốc an thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

 

TUYỆT THỰC PHẢN ĐỐI TRẠI GIAM

OCTOBER 10, 2020

Nhà hoạt động môi trường Lê Đình Lượng bắt đầu tuyệt thực trong trại giam Ba Sao-Nam Hà tỉnh Hà Nam để phản đối việc trại giam hạn chế và thậm chí không cho ông sử dụng kinh Thánh và Lịch phụng vụ, trong khi đây là cách ông dùng để tuyên xưng niềm tin tôn giáo khi bị giam giữ trong tù.

 

LẠI BỊ CƯỠNG BỨC ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN

NOVEMBER 24, 2020

Nhà văn Phạm Chí Thành bị chuyển từ trại số 1 Hỏa Lò thuộc Công an thành phố Hà Nội đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương ở huyện Thường Tín. Người nhà nói với RFA rằng tinh thần, sức khỏe của nhà văn từ trước đến nay đều bình thường.

 

BỊ XUẤT HUYẾT NÃO TRƯỚC KHI RA TÙ

DECEMBER 10, 2020

TNLT Huỳnh Đức Thịnh bị đột quỵ xuất huyết và lâm vào tình trạng nguy kịch chỉ vài tuần trước khi mãn án, sau khi bị điều trị một cách không hiệu quả trong một trại giam tỉnh Đồng Nai. Hiện ông Thịnh đang được điều trị tại Bệnh viện 115 ở TP HCM.

 

BỊ TỪ CHỐI THĂM NUÔI

JANUARY 29, 2021

Nhà hoạt động môi trường Hoàng Đức Bình, hiện đang bị giam cầm tại trại An Điềm, bị từ chối cho gặp gia đình lần thứ hai nhưng không rõ nguyên nhân vì sao. Anh bị từ chối cho gặp gia đình lần đầu vào ngày 24/11/2020 do không chịu mặc đồng phục tù. Ngoài ra, anh còn bị từ chối được nhận thuốc men gia đình gửi

 

BỆNH TÌNH TRỞ NẶNG

FEBRUARY 4, 2021

Facebooker Đinh Thị Thu Thủy phải nhập viện trong tình trạng rối loạn tiền đình và hở van tim. Cô cũng bị thiếu canxi và mất ngủ do điều kiện sinh sống khắc nghiệt ở trại tạm giam Hậu Giang.

 

BỊ CHÓ SĂN CẮN

MARCH 15, 2021

TNLT Nguyễn Văn Đức Độ bị quản giáo trại giam Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai thả chó cho cắn khi anh hét lên: "Tù nhân lương tâm cũng cần được sống!" từ nơi biệt giam.

 

LẠI BỊ CƯỠNG BỨC "CHỮA BỆNH"

MARCH 22, 2021

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị chuyển sang bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 để "xác minh, điều tra” do ông giữ quyền im lặng.

 

BỊ TỪ CHỐI GỌI ĐIỆN NGƯỜI THÂN "VÌ QUAN NGẠI DỊCH BỆNH"

MARCH 26, 2021

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy vẫn chưa được phép gặp gia đình dù đã bị chuyển từ trại tạm giam của cơ quan An ninh điều tra công an TP HCM sang trại tạm giam Bố Lá. Theo bà Nguyễn Thị Lân, vợ ông Thụy, Công an TP HCM nói dừng thăm gặp do dịch COVID-19 từ tháng 2, nhưng lại không cho bà nhận điện thoại từ chồng.

 

PHÒNG GIAM CHẬT NHƯ NÊM CỐI

MARCH 29, 2021

Tù nhân chính trị Trần Thanh Phương, thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị chuyển từ buồng giam tù chính trị trại giam An Phước sang phòng toàn tù hình sự chật kín người. Theo bà Lê Thị Khanh, vợ ông Phương, phòng bề ngang 5m, dài 20m mà có tận 60 người ở.

 

BỊ ÉP TĂNG "ĐÔ" THUỐC

APRIL 4, 2021

Blogger Lê Anh Hùng bị bệnh viện tâm thần tại Hà Nội ép ông phải uống thuốc tâm thần với liều lượng nặng hơn, nếu không sẽ tiêm.

 

BỊ TỪ CHỐI THĂM NUÔI 5 LẦN

APRIL 24, 2021

Người nhà của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình nói bị từ chối cho gặp anh đến lần thứ năm.

 

BỊ ĐÁNH ĐẬP VÌ ĐÒI CHƠI THỂ THAO

MAY 15, 2021

Lê Quý Lộc, thành viên nhóm Hiến Pháp, bị chính quyền trại giam An Phước đánh bầm tím mặt vì đòi được chơi thể thao và vận động cơ thể. Để phản đối sự bất công này, ông Lộc tuyệt thực tám ngày.

 

BỊ TỪ CHỐI XÉT NGHIỆM

MAY 17, 2021

Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu bị giam cầm trong một phòng giam diện tích 7m vuông tại tỉnh Hòa Bình, chung với các tù nhân nhiễm HIV. Trong lúc can ngăn một cuộc ẩu đả, bà Thêu bị đánh chảy máu, nhưng bị chính quyền từ chối cho xét nghiệm HIV.

 

CHỜ LUẬT SƯ MÒN MỎI

MAY 28, 2021

Kể từ khi bị bắt và cầm tù tại trạm tạm giam số 1 hồi tháng 5/2020, nhà văn Phạm Chí Thành đến nay mới được cho gặp luật sư.

 

BỊ ÉP LAO ĐỘNG KHỔ SAI

SEPTEMBER 19, 2021

Nhà báo Trương Duy Nhất đến nay mới được gặp gia đình sau khi bị giam cầm tại trại giam số 3 từ tháng 12/2020. Mặc dù bị thoát vị đĩa đệm, ông phải làm việc hơn 45 tiếng mỗi tuần.

 

NGƯỜI NHÀ BỊ ĐE DỌA

OCTOBER 18, 2021

Vợ nhà báo Lê Trọng Hùng nói rằng con trai 10 tuổi đang bị an ninh theo dõi vì có bạn cùng lớp loan tin đồn về ba mình. Bà cũng kể rằng những đòn tấn công tâm lý này đã khiến cháu bé trở nên rụt rè.

 

SỨC KHỎE SUY GIẢM, CHẬM TRỄ GẶP LUẬT SƯ

OCTOBER 19, 2021

Luật sư Lê Văn Luân, luật sư bào chữa cho nhà báo Phạm Đoan Trang, thông báo ông mới được gặp bà lần đầu từ khi bà bị bắt hơn một năm trước. Theo luật sư, thời tiết chuyển lạnh khiến hai chân bà đau trong thời gian gần đây, và cũng là di chứng của việc bà Trang bị tấn công dẫn đến vỡ xương đầu gối hồi năm 2015.

 

BỊ TRA TẤN DÃ MAN

OCTOBER 29, 2021

Cựu công an viên Lê Chí Thành tố cáo rằng anh bị những đòn thù tra tấn dã man ở Trại tạm giam Công an Thành phố Thủ Đức. Bà Lê Thị Phú, mẹ anh, cũng xuất hiện trên một video cá nhân đọc thư đòi công bằng cho con trai bà, trong đó nhấn mạnh rằng anh “bị trói treo hai tay, hai chân suốt bảy ngày trong một hầm cứt”.

 

TUYỆT THỰC VÌ KHÔNG ĐƯỢC CHO RA NGOÀI

NOVEMBER 26, 2021

Ít nhất tám tù chính trị tại trại giam Xuân Lộc đã tuyệt thực được 60 ngày để phản đối việc bị nhốt trong buồng giam 24/7 từ tháng 6.

 

CHẾT VÌ KHÔNG ĐƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE

DECEMBER 14, 2021

TNLT Huỳnh Hữu Đạt mất tại tuổi 52 tại trại giam Xuân Lộc vì ung thư đại tràng và xơ gan do thức ăn trại phát thường bị ôi thiu.

 

TUYỆT THỰC KÊU OAN

JANUARY 10, 2022

Ông Đặng Đình Bách, giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận, bắt đầu tuyệt thực trước phiên tòa sơ thẩm để kêu oan, yêu cầu được tại ngoại chờ xét xử và phải có một phiên toà công bằng. Ngoài ra, ôm 24/1, gia đình đến từ sớm để tham dự “phiên toà công khai” nhưng không ai được vào.

 

BỊ GHẺ, NẤM VÀ GIUN ĐŨA

MARCH 11, 2022

TNLT Huỳnh Đức Thanh Bình và các bạn tù, trong đó có Nguyễn Ngọc Ánh và Hồ Đình Cương, bị ghẻ, nấm và giun đũa vì nguồn nước trong trại giam vừa phèn vừa bẩn. Tù nhân trại giam Xuân Lộc đã nhiều lần phản ánh nhưng không có gì thay đổi.

 

"TỰ DO TÔN GIÁO"

APRIL 4, 2022

Bộ Công an kết hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ xuất bản 17 đầu sách tôn giáo "hợp pháp", với hơn 4.400 cuốn đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam. Một số đầu sách cụ thể được phép lưu hành trong trại giam bao gồm: Kinh thánh; Quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác vận động tín đồ tôn giáo; Tìm hiểu về tín ngưỡng tôn giáo của tác giả Đỗ Lan Hiền — Viện trưởng Viện Tôn giáo-Tín ngưỡng, thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Việt Nam.

 

GẶP ÁP LỰC QUỐC TẾ MỚI NỚI LỎNG

MAY 11, 2022

Nhà báo Hồ Đức Hòa được thả tự do và đưa lên máy bay đi Hoa Kỳ lưu đày, đúng vào lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính chuẩn đi Washington dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ

 

BỊ TỪ CHỐI CHO NHẬP VIỆN

MAY 14, 2022

Vợ nhà báo Nguyễn Tường Thụy cho biết ông đang bị đau lưng, huyết áp cao, ghẻ và bệnh viêm ruột. Theo bà, chính quyền trại giam đã từ chối yêu cầu gửi ông Thủy đến một trung tâm y tế ngoài trại để được điều trị tốt hơn, và đã phủ nhận mức độ nghiêm trọng của bệnh tình ông.

 

BỆNH TẬT ĐẦY MÌNH VÌ ĐIỀU KIỆN KHẮC NGHIỆT

MAY 26, 2022

Sau hai năm giam cầm, nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn, thành viên hội Nhà báo Độc lập, mới được cho gặp gia đình lần đầu. Gia đình cho biết anh Tuấn nhìn hốc hác đến mức không nhận ra, bị suy dinh dưỡng, bệnh ghẻ và lãng tai do điều kiện giam cầm khắc nghiệt.

 

TỌA KHÁNG ĐÒI ĐIỀU KIỆN GIAM CẦM TỐT HƠN

JULY 25, 2022

Nguyễn Ngọc Ánh tọa kháng một ngày để phản đối điều kiện khắc nghiệt tại trại giam Xuân Lộc. Theo ông Ánh, đa phần các tù chính trị tại trại giam Xuân Lộc đều bị giam cầm trong các phòng giam nhỏ và ẩm ướt, gây nên nhiều vấn đề về sức khỏe, mặc dù có nhiều phòng giam tốt hơn ở cánh mới của nhà tù.

 

CHẾT DO BỊ TỪ CHỐI ĐIỀU TRỊ

AUGUST 22, 2022

Nhà báo Đỗ Công Đương qua đời tại bệnh viện ở Nghệ An trong thời gian đang thụ án tù tại trại giam số 6. Ông Đương trước khi bị bắt năm 2018 vẫn còn mạnh khỏe, tuy nhiên sau đó phát sinh nhiều căn bệnh trong thời gian thụ án như bệnh tim, viêm phổi, và suy hô hấp. Gia đình nhiều lần kiến nghị cho ông đi chữa bệnh, nhưng phía giám thị trại giam vẫn từ chối, đến khi bệnh tình trở nặng thì ông mới được đưa vào bệnh viện để điều trị, nhưng không qua khỏi.

 

NGHI VẤN VIỆC TỪ CHỐI LUẬT SƯ

SEPTEMBER 14, 2022

Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đưa cho gia đình thầy giáo Đặng Đăng Phước một văn bản thông báo rằng ông Phước từ chối luật sư. Tuy nhiên, gia đình ông không tin rằng ông đã từ chối sự trợ giúp pháp lý vì trước khi bị bắt, ông có dặn họ mời luật sư.

 

TUYỆT THỰC CHỐNG NGƯỢC ĐÃI

SEPTEMBER 20, 2022

Nhà hoạt động Trịnh Bá Tư tuyệt thực, đến khi gặp người thân ngày 20 đã được 14 ngày, để phản đối và các hành vi ngược đãi của chính quyền trại giam số 6. Theo người nhà cho biết, anh Tư đã bị đánh đập, tra tấn và cùm chân 10 ngày liền.

 

BỊ TỪ CHỐI THUỐC MEN GIA ĐÌNH GỬI

OCTOBER 4, 2022

Mặc dù bệnh hen suyễn của ông Đặng Đình Bách đang trở nặng, chính quyền trại giam số 1 không cho ông nhận các thang thuốc gia truyền người nhà gửi, mặc dù ông đã uống loại thuốc này từ trước khi bị bắt.

 

BỊ QUẢN GIÁO ĐÁNH ĐẬP VÌ CỐ GIÚP BẠN TÙ

OCTOBER 9, 2022

TNLT Huỳnh Thục Vy nói với gia đình rằng bà bị đánh bởi quản giáo trong Trại giam Gia Trung. Gia đình nghi ngờ rằng bà Vy bị đánh vì trợ giúp một số tù nhân khác bằng cách chia sẻ thức ăn hay cung cấp số điện thoại của người thân của họ cho gia đình để gia đình bà liên lạc và đưa thông tin về tình trạng của họ trong tù.

 

CHẾT VÌ KHÔNG ĐƯỢC CHĂM SÓC Y TẾ KỊP THỜI

NOVEMBER 21, 2022

Ông Phan Văn Thu, lãnh đạo nhóm tôn giáo độc lập Ân Đàn Đại Đạo, mất sau một thời gian bệnh nặng mà không được chữa trị đầy đủ và kịp thời.

 

TNLT THỨ 3 QUA ĐỜI TẠI TRẠI GIAM SỐ 6

JANUARY 5, 2023

Mục sư Tin Lành Đinh Diêm đang thụ án ở trại giam số 6, tỉnh Nghệ An, đột ngột qua đời nhưng cán bộ trại không cho biết nguyên nhân vì sao. Ông Đinh Diêm là TNLT thứ ba qua đời tại trại giam này trong các năm gần đây. Trước đó, cựu giáo chức Đào Quang Thực cũng mất tại trại giam này năm 2019, và nhà báo công dân Đỗ Công Đương cũng mất tại trại giam này tháng 8/2022.

 

RA TÙ VỚI ĐÔI MẮT NHƯ MÙ LÒA

FEBRUARY 9, 2023

TNLT Đỗ Thế Hóa ra tù trước thời hạn bảy tháng nhưng đôi mắt gần như không thấy gì cả. Ông Hoá cho biết sau khi phát hiện mắt bị đau, ông có báo với trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) và đề nghị được đi chữa ở bệnh viện chuyên khoa, tuy vậy thời gian chờ đợi để được giải quyết quá dài nên dù được phép đi chữa nhưng thị lực của ông vẫn không được phục hồi.






No comments: