Saturday, September 9, 2023

ASEAN CÓ HỮU DANH VÔ THỰC? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



ASEAN có hữu danh vô thực?   

Hiếu Chân/Người Việt

September 5, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/asean-co-huu-danh-vo-thuc/

 

Ngay trước giờ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Đông Á, gọi tắt là ASEAN, tại Jakarta, thủ đô Indonesia, vào sáng Thứ Ba, 5 Tháng Chín, nhiều nhà lãnh đạo của tổ chức này đã than phiền công khai về sự vắng mặt của ông Joe Biden, tổng thống Mỹ. Nhưng lẽ ra, trước khi lên tiếng chê trách Mỹ, ASEAN cần xem lại mình để hiểu tại sao lại có chuyện như vậy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/09/BL-Thuong-Dinh-ASEAN-1536x1024.jpg

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN tham dự lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Jakarta, Indonesia, hôm 5 Tháng Chín. (Hình: Dita Alangkhara/PooL/AFP via Getty Images)

 

Đại diện chính phủ Hoa Kỳ tham dự hội nghị là Phó Tổng Thống Kamala Harris. Bà Harris là nhà đàm phán chính của chính phủ Mỹ trong việc củng cố một mạng lưới đối tác khu vực nhằm cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Trong hơn hai năm qua, bà có bốn chuyến thăm Châu Á, trong đó ba lần đến các nước ASEAN để thúc đẩy các chương trình hợp tác. Bà cũng chủ trì hội nghị cấp cao giữa tổng thống Mỹ và các nguyên thủ quốc gia ASEAN lần đầu tiên tại thủ đô Washington, DC hồi Tháng Năm, 2022. Việc bà Harris dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta và chủ trì đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ ở đây tuần này, do vậy, là hợp lý.

 

Ấy thế mà một số lãnh đạo ASEAN coi chuyện ông Joe Biden đi Ấn Độ dự hội nghị G20 vào ngày 9 và 10 Tháng Chín, sau đó ghé thăm Việt Nam mà không đến Jakarta, là một hành động “khinh rẻ,” “làm mất mặt” tổ chức này. Ông Marty Natalegawa, cựu ngoại trưởng Indonesia, không giấu nỗi thất vọng khi cho rằng sự vắng mặt của ông Biden là “đáng tiếc.”

 

“Chúng ta có thể than phiền chuyện các nước khác không tôn trọng chúng ta, không đến dự các hội nghị cấp cao của chúng ta,” ông Natalegawa nói với hãng tin AP. Nhưng ông cho rằng, dù sao thì ASEAN cũng đang cố thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới rằng tổ chức này xứng đáng giữ vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực, và đây cũng là lúc mà ASEAN “cần suy nghĩ lại.”

 

ASEAN gần đây nỗ lực đóng vai trò trung tâm giải quyết các vấn đề của khu vực và hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài. Với 10 nước thành viên chiếm diện tích 4.5 triệu kilômét vuông, dân số 600 triệu người và tổng sản lượng (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP) năm 2022 lên tới $10.2 ngàn tỷ, bằng khoảng 6.5% tổng GDP toàn thế giới (số liệu của Wikipedia) ASEAN quả là một thế lực đáng nể.

 

Từ năm 2003, ASEAN còn đặt ra tham vọng xây dựng ở Châu Á một cộng đồng theo kiểu Liên Âu (EU), với ba cột trụ chính: Cộng đồng an ninh, cộng đồng kinh tế, và cộng đồng văn hóa – xã hội. Đã có ý kiến đề nghị ASEAN lập một đồng tiền chung theo kiểu đồng euro ở Châu Âu để tạo thuận lợi cho việc kết nối kinh tế thương mại của khu vực, giảm lệ thuộc vào các đồng tiền mạnh từ bên ngoài như đồng đô la của Mỹ, đồng yen của Nhật hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

 

Thế nhưng, nói dễ làm khó.

 

Cho đến nay, mô hình EU vẫn chỉ là một giấc mơ, một dự án trên giấy của ASEAN. Vấn đề là ở chỗ, ASEAN không chỉ quy tụ những nước có thể chế chính trị khác nhau, trình độ phát triển không đồng đều – EU cũng vậy – mà còn do các thành viên ASEAN luôn đặt quyền lợi riêng của quốc gia mình lên trên lợi ích chung của tập thể, của khu vực. Quy chế hoạt động của ASEAN đặt căn bản trên sự đồng thuận, bất cứ quyết định lớn nào về chính sách đều cần có sự đồng ý của toàn bộ 10 thành viên, chỉ cần một nước phản đối thì sẽ bế tắc. Và ASEAN với tư cách một tổ chức không can thiệp vào công việc của các quốc gia thành viên. Những yếu tố đó đã làm cho ASEAN biến thành một thế lực hữu danh vô thực, nói nhiều mà chẳng làm được bao nhiêu để giải quyết được những vấn đề cấp bách của khu vực.

 

Ba vấn đề như vậy đang đặt ra trên bàn của hội nghị ASEAN lần này và không hy vọng có được giải pháp là (1) cuộc đối đầu giữa nhà cầm quyền quân sự Miến Điện với sự phản kháng của người dân dẫn tới một cuộc nội chiến đẫm máu,  (2) những xung đột càng ngày càng căng thẳng trên Biển Đông giữa tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc với một số thành viên chủ chốt của ASEAN, và (3) cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington trong đó ASEAN là một trong những “chiến trường” chính.

 

Thế giới cực lực lên án cuộc đảo chính quân sự của các tướng lĩnh quân đội Miến Điện, lật đổ chính quyền dân cử của bà Aung San Suu Kyi hồi Tháng Hai, 2021, đàn áp dã man phong trào phản kháng của người dân làm cho hàng chục ngàn người chết và bị tù tội. ASEAN đã đưa ra kế hoạch năm điểm để vãn hồi hòa bình, tái lập nền dân chủ ở Miến Điện, nhưng đến nay kế hoạch không thực hiện được do tập đoàn quân sự cầm quyền ở đó cản trở. Hành động đáng kể duy nhất của ASEAN là cấm các thủ lãnh quân sự nước này tham dự các hội nghị của ASEAN và tước quyền đảm nhiệm chức chủ tịch ASEAN luân phiên của Miến Điện vào năm 2026, đưa Philippines thay thế.

 

Trước hội nghị Jakarta, Malaysia cùng một số nước khác đã kêu gọi trừng phạt nặng nề các tướng lĩnh Miến Điện. Hãng tin Reuters trích lời Ngoại Trưởng Zambry Abdul Kadir cho biết: “Malaysia và các nước thành viên khác nêu lên quan điểm rằng chúng tôi không thể cho phép tình trạng này tiếp diễn nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả đối với chính quyền quân sự.” Nhưng đề nghị cứng rắn của Kuala Lumpur nhanh chóng bị Thái Lan phản đối vì ở Thái Lan quân đội cũng đã nhiều lần làm đảo chính giành quyền lực một cách bất hợp pháp và giới doanh thương Thái Lan đang có cơ hội làm ăn tốt ở đất nước Miến Điện đang bị quốc tế cấm vận.

 

Trong vấn đề Biển Đông, một số thành viên ASEAN như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và cả Indonesia liên tục bị Trung Quốc chèn ép, quấy nhiễu các dự án thăm dò và khai thác dầu khí, cướp bóc và hành hạ ngư dân, chiếm đảo và lấn vào vùng đặc quyền kinh tế. Mới đây Trung Quốc đưa ra “bản đồ tiêu chuẩn 2023” với “đường lưỡi bò 10 đoạn” chiếm trọn Biển Đông khiến các nước này đồng loạt lên tiếng phản đối. Thế nhưng ASEAN gần như chưa có một hành động có hiệu quả nào trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên trước thế lực của Trung Quốc. Điều đó một phần vì hầu hết các nước ASEAN có quan hệ kinh tế-thương mại mật thiết với Bắc Kinh, một phần vì các nước “Đông Nam Á lục địa” như Miến Điện, Lào, Cambodia, và Thái Lan không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông nên không chia sẻ mối lo gan ruột của các nước “Đông Nam Á hải đảo” và cũng không muốn va chạm với Trung Quốc. Thậm chí, đã có lần hội nghị thượng đỉnh ASEAN không ra được tuyên bố chung chỉ vì nước thành viên Cambodia không đồng ý để ASEAN phát biểu về Biển Đông với lời lẽ đụng chạm tới Trung Quốc.

 

Xét như một tổ chức, ASEAN đang cố gắng giữ vai trò trung lập, không ngả về phe nào trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc hiện nay. Thủ Tướng Lý Hiển Long của Singapore nhiều lần nhấn mạnh ASEAN không muốn và sẽ không chọn đứng về một phía. Nhưng chỉ cần nhìn cách ứng xử của các nước thành viên, ai cũng thấy nội bộ ASEAN chia thành hai nhóm đối lập: Các nước Cambodia, Lào, Miến Điện, và Thái Lan dưới chính quyền quân sự trước đây có xu hướng đi theo Bắc Kinh rất rõ. Ngược lại, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore có thiện cảm nhiều hơn với Hoa Kỳ dù vẫn cố duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Việt Nam từ trước đến nay vẫn đi dưới bóng của Trung Quốc, nhưng những hành động lấn lướt quá đáng của Bắc Kinh gần đây đang khiến Hà Nội phải tính toán lại.

 

Còn nhiều vấn đề nhức nhối khác ở khu vực như tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở một số nước thành viên, nạn buôn người tràn lan, tự do dân chủ bị xói mòn ở hầu hết các nước… đều không được ASEAN để mắt tới.

 

Bất đồng trong nội bộ, không có cơ chế ra quyết định dựa theo đa số và thực hiện quyết định một cách hiệu quả, ASEAN đã không đạt được mục tiêu đặt ra, không trở thành “trung tâm” quyền lực mà càng ngày càng biến thành một thứ salon nơi các ông bà quyền quý tán gẫu những chuyện viển vông rồi ai về nhà nấy và mọi sự vẫn như cũ.

 

Tất nhiên trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ không bỏ qua ASEAN. Dưới thời Tổng Thống Donald Trump, chính phủ Mỹ khá lạnh nhạt với ASEAN khiến các nhà lãnh đạo ở đây thất vọng giữa lúc Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao và viện trợ, nhất là trong đại dịch COVID-19. Chính quyền của Tổng Thống Joe Biden đã cố thay đổi, ưu tiên cho khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và đề cao một cơ chế hợp tác khu vực trong đó ASEAN giữ vai trò trung tâm.

 

Ngoài việc mời 10 nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự hội nghị Mỹ-ASEAN đầu tiên tại thủ đô Washington, DC hồi Tháng Năm, 2022, ông Biden đã đến Phnom Penh, thủ đô Cambodia, dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 vào cuối năm ngoái. Ở đây ông công bố kế hoạch nâng cấp quan hệ Mỹ-ASEAN lên hàng “đối tác chiến lược toàn diện,” thúc đẩy các chương trình dự án hợp tác đôi bên về hàng hải, kết nối mạng viễn thông, hợp tác kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

 

Nỗ lực của Mỹ chỉ có thể đem lại kết quả nếu ASEAN cũng hưởng ứng tích cực, điều mà cho đến nay chưa thấy ở các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. [đ.d.]









No comments: