Đại
Hội Đồng Liên Hiệp Quốc : Một diễn đàn không còn hấp dẫn ?
Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 19/09/2023 - 15:19
Ngày 19/09/2023, Liên Hiệp Quốc khai mạc khóa họp Đại
Hội Đồng thường niên lần thứ 78, với sự tham dự của 145 nguyên thủ, lãnh đạo
chính phủ và khoảng 50 bộ trưởng các nước thành viên. Lãnh đạo cấp cao bốn nước
Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc – bốn thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An –
không đến dự. Theo giới quan sát, lãnh đạo các cường quốc ngày càng có xu hướng
chọn một số thượng đỉnh, diễn đàn để xúc tiến các lợi ích quốc gia.
Một phiên họp của Đại
Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 29/03/2023. REUTERS -
EDUARDO MUNOZ
Tuần báo Pháp Courrier International mỉa mai nhận định : « Nếu
như tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, sẽ hiện diện tại Đại Hội Đồng Liên
Hiệp Quốc ngày 19/9 ở New York, thì nhiều lãnh đạo khác của thế giới sẽ "tỏa
sáng" bằng sự vắng mặt. »
Tổng thống Mỹ Joe Biden, nước chủ nhà tiếp đón trụ sở của Liên Hiệp Quốc
là nguyên thủ duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An
sẽ hiện diện và có bài phát biểu. Tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc, tổng thống
Pháp, thủ tướng Anh không đến dự, hoặc vì không còn thiết tha với diễn đàn Liên
Hiệp Quốc, hoặc vì tình hình chính trị, đối ngoại…
Cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới
có nhiều biến động, từ nguy cơ chiến tranh Ukraina kéo dài, những rủi ro mất an
ninh ở Biển Đông, các cuộc đảo chính và tình hình bất ổn ở châu Phi hay vùng
Kavkaz…
Những bất ổn trên có nguy cơ tác động tiêu cực đến gần như toàn bộ các
mục tiêu phát triển bền vững được đề ra. Theo một báo cáo gần đây từ Quỹ Nhi Đồng
Liên Hiệp Quốc (Unicef), trên thế giới có khoảng 330 triệu trẻ em sống trong
tình cảnh cực nghèo, trong số này, 40% là ở châu Phi vùng hạ Sahara. Chương
trình Lương thực Thế giới vừa thông báo rằng 24 triệu người có nguy cơ rơi vào
cảnh bất an lương thực nghiêm trọng.
Do vậy, báo Pháp Les Echos nhận định, sự vắng mặt của lãnh đạo hai
trong số ba nền dân chủ (Anh, Pháp) trong phiên họp năm nay đang làm xói mòn uy
tín của định chế, ngày càng tỏ ra bất lực trong việc giải quyết các cuộc khủng
hoảng trên toàn cầu.
Trả lời nhật báo kinh tế Pháp, cựu đại sứ Pháp Michel Duclos, cố vấn đặc
biệt cho Viện Montaigne, nhận định, việc cải tổ và mở rộng Hội Đồng Bảo An giờ
phải là một ưu tiên. Theo ông, định chế này đã « bị Nga và Trung Quốc
phá hoại từ nhiều năm qua và vai trò của Hội Đồng Bảo An ngày càng bị gạt sang
bên lề, trong khi Anh và Pháp lại tỏ ra nhẫn nhịn cam chịu ».
Mỗi nước một diễn đàn
Một quan điểm cũng được bà Chloé Maurel, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc đồng
chia sẻ trên trang mạng La Nouvelle République. Việc Nga và Trung Quốc thường
xuyên sử dụng quyền phủ quyết đã « gây cản trở cho việc thực hiện các
nhiệm vụ gìn hòa bình, bất kể là ở Syria, Ukraina hay như trong nhiều cuộc xung
đột dữ dội khác tại châu Phi ».
Tuy nhiên, theo giới quan sát, nguyên thủ và lãnh đạo các nước lớn hiện
có xu hướng chọn diễn đàn tùy thuộc vào các ưu tiên chiến lược đã được vạch định.
Những cuộc họp cấp cao quốc tế gia tăng nhiều những tháng gần đây là một ví dụ
điển hình.
Trung Quốc của Tập Cận Bình đã thành công trong việc mở rộng nhóm BRICS
nhưng lại vắng mặt ở thượng đỉnh G20 kết thúc ở New Delhi. Một diễn đàn mà Ấn Độ
của thủ tướng Narendra Modi tự cho là đã gặt hái nhiều thắng lợi với việc đón
thêm thành viên mới là khối Liên Hiệp Châu Phi ; và vấn đề Ukraina gây
chia rẽ cũng như là năng lượng hóa thạch đã bị giảm thiểu trong thông cáo
chung.
Về phần Pháp, tổng thống Macron hài lòng với hai cuộc họp thượng đỉnh
quốc tế : Diễn đàn Paris vì Hòa bình (tháng 11/2022) và Thượng đỉnh Paris
cho một Hiệp ước mới về Tài chính Quốc tế (6/2023), hậu thuẫn cho cuộc
chiến chống biến đổi khí hậu và chống nghèo khổ.
Tóm lại, mỗi cường quốc một diễn đàn. Dù vậy, một nguyên thủ vẫn tỏ rõ
quyết tâm không muốn bỏ lỡ cuộc hẹn với các đồng nhiệm khác ở New York tuần
này : Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraina, Les Echos chua chát kết luận !
--------------------------
Các nội dung liên quan
Lũ
lụt Libya: Liên Hiệp Quốc kêu gọi trợ giúp khẩn cấp 250.000 nạn nhân
Liên
Hiệp Quốc họp ba bên với Liên Hiệp Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu
Đảo
chính Niger: Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đối thoại với phe đảo chính tại Niamey
No comments:
Post a Comment