Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 19/09/2023 - 12:16
Hôm nay, 19/09/2023, nguyên thủ và lãnh đạo chính
phủ từ 145 nước cùng với khoảng 50 bộ trưởng trên thế giới tề tựu về trụ sở của
Liên Hiệp Quốc, tại New York, Hoa Kỳ, tham dự khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hiệp
Quốc thường niên.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio
Guterres phát biểu tại một diễn đàn về phát triển bền vững tại trụ sở của LHQ,
New York, Hoa Kỳ, ngày 18/09/2023. AP - Richard Drew
Khóa họp năm nay, dù lấy lại được nhịp độ thông thường
sau ba năm họp trực tuyến do đại dịch Covid-19, diễn ra trong bầu không khí
căng thẳng, thế giới bị chia rẽ sâu sắc do cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt và Nga
xâm lược Ukraina.
Theo lịch trình, Đại Hội Đồng sẽ dành phần lớn thời gian thảo luận về
những chủ đề mà các nước phương Nam đòi hỏi, tìm cách thúc đẩy giải quyết các
cuộc khủng hoảng tại Haiti, Sudan, nối lại đối thoại ở Cận Đông cũng như là cuộc
chiến ở Ukraina.
Chương trình nghị sự năm nay cũng sẽ bao gồm các chủ đề tái thúc đẩy
các mục tiêu phát triển bền vững ODD đã được thông qua năm 2015 hướng đến việc
xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn từ đây đến năm 2030.
Điều đáng chú ý là khóa họp Đại Hội Đồng năm nay lại
vắng mặt lãnh đạo cao cấp 4 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An : chủ tịch
Trung Quốc Tập Cận Bình,
tổng thống Nga Vladimir
Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Anh Rishi Sunak, vì nhiều lý do chính trị, đối nội hay
đối ngoại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên Carrie Nooten, từ New York,
mọi sự chú ý sẽ dồn vào bài phát biểu của tổng thống Ukraina lần đầu tiên tham
dự khóa họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc :
« Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraina đến New York và có mặt
ở Liên Hiệp Quốc. Volodymyr Zelensky sẽ phải thực hiện một thế cân bằng ngoại
giao thực sự : Nếu ông có một giọng điệu quá hung hăng chống lại Matxcơva,
điều đó sẽ làm chuyển hướng sự ủng hộ của một số nước. Ngược lại, nếu ông tập
trung bài phát biểu của mình vào việc bảo vệ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nền
hòa bình, điều mà nhiều nước đang phát triển yêu cầu, ông có thể thu hút nhiều
đồng minh mới.
Theo
truyền thống, bài diễn văn của tổng thống Mỹ rất được lắng nghe. Là vị tổng thống
duy nhất trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An hiện diện ở
Liên Hiệp Quốc tuần này, Joe Biden sẽ tự do hành động và không có đối đầu trực
diện Mỹ - Trung.
Nguyên
thủ Mỹ cũng có thể đề cập đến cải cách Hội Đồng Bảo An, mà ông đã từng hé mở dự
án này hồi năm 2022. Và ông cũng sẽ phải chìa tay thân thiện với các nước
phương Nam.
Tuy
nhiên, theo truyền thống, ngay trước nguyên thủ Mỹ, người phát biểu mở màn khóa
họp là tổng thống Brazil. Ông Lula sẽ bắt nhịp cho tiếng nói của các nước đang
phát triển. Cuối cùng, bài phát biểu của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip
Erdogan cũng được trông đợi, do Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm lĩnh không gian địa chính
trị thời gian gần đây. »
Lula và Zelensky có cuộc gặp đầu tiên ở New York
Hãng tin Pháp AFP dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí phủ tổng thống
Brazil hôm qua, 18/09/2023, cho biết, tổng thống Lula Da Silva sẽ có cuộc gặp với
đồng nhiệm Ukraina vào thứ Tư 20/9 tại New York. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa
hai nguyên thủ sau lần « lỡ hẹn » tại thượng đỉnh G7 tổ chức ở
Hiroshima Nhật Bản hồi tháng 5/2023. Cuộc gặp lần này giữa hai lãnh đạo Brazil
và Ukraina sẽ diễn ra ngay sau cuộc gặp song phương giữa tổng thống Lula và đồng
nhiệm Mỹ Joe Biden, bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
--------------------------------
Các nội dung liên quan
Đại
Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraina ngay lập tức
Hàng
ngàn người biểu tình vì Khí hậu trước ngày khai mạc Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc
No comments:
Post a Comment