350.000
tỷ có chấn hưng được văn hóa?
RFA
2023.09.11
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-350000-billion-revive-culture-09112023124416.html
Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch Việt Nam đề xuất Chính phủ Hà Nội chi 350.000 tỷ đồng cho mục
tiêu gọi là "chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam
trong giai đoạn 2025-2035."
Phố thư pháp bên ngoài Văn Miếu, thành
phố Hà Nội vào ngày 8 tháng 2 năm 2013. (AFP)
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ ba loại hình thiết chế
văn hóa như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư
viện. Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc
biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Có ít nhất 75% người dân ở
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền
núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa.
Đến năm 2035, 100% thư viện bảo đảm điều kiện
hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ
thuộc đơn vị công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn,
có năm trường đại học trọng điểm và hai viện nghiên cứu được tập trung đầu tư
trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực âm
nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến
trong khu vực.
Những năm qua, để đảm bảo tiêu chí quốc gia về
xã nông thôn mới, các địa phương trên cả nước đề xuất ngân sách xây dựng nhà
văn hóa tại các làng xã. Nhiều nơi xây xong bỏ hoang vì không có nhân sự cũng
như không có kinh phí hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ xây nhà
văn hóa, xây trung tâm văn hóa là chấn hưng được văn hóa.
Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên
cứu Văn hóa Minh Triết nêu quan điểm của ông về chấn hưng văn hóa:
“Điều kiện cơ bản để chấn hưng văn hóa là dân
trí nhưng tiền là một điều kiện rất quan trọng. Khoản tiền ấy nhiều hay ít còn
phụ thuộc vào khối lượng công việc mình định làm. Phải trên cơ sở một kế hoạch
thật nghiêm túc. Vì thế cho nên nó đòi hỏi đội ngũ những người làm phải là những
người rất tử tế, rất có năng lực, rất có chuyên môn. Phải kết hợp cả trong và
ngoài nước. Đặc biệt là giới trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài. Nhiều người họ
có tài và có chuyên môn. Chấn hưng văn hóa là một vấn đề lớn của quốc gia,
nhưng tôi rất ngại cách làm ăn lâu nay của hệ thống chính quyền của mình.
Chấn hưng văn hóa phải nằm trong chương trình
đổi mới nền giáo dục hiện nay. Chưa kể muốn chấn hưng thì phải đề cao con người
cầm chèo cầm lái, tức là những người lãnh đạo. Lãnh đạo từ anh tổng bí thư, anh
thủ tướng, anh chủ tịch quốc hội… xuống đến cấp dưới mà ở các nước là xương sống
của xã hội. Nhưng ở Việt Nam, cái xương sống này nó không có xương, không có cốt,
không có vôi mà nò èo uột.
Có những anh lãnh đạo viết một câu không thành
câu. Nói năng bỗ bã như vẹt, kiểu nhai lại chứ không phải những con người có tư
duy độc lập, biết suy nghĩ độc lập. Cho nên vấn đề chấn hưng văn hóa hiện nay
nhà nước chủ trương rồi tạo điều kiện cho dân làm, chứ chỉ có mình nhà nước đứng
ra làm thì không thể nào làm được.”
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào
tháng 11 năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng, “phát triển văn
hoá là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại
hội 13 của đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập
một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hoá, từ chủ đề Đại hội đến các
quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.”
Ông Trọng đưa ra một loạt đường hướng để xây dựng,
giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó “cần tập
trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Trước hết là tiếp tục
nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên
lĩnh vực văn hoá để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt
Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy
mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.”
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận định:
“Văn hóa thường được coi là cái đẹp và phải
lưu truyền lại cho thế hệ mai sau. Theo tôi, văn hóa có tám tính chất căn bản
sau: tính vận động; tính tác động lẫn nhau và tác động đa chiều; tính đa
nguyên; tính kế thừa hoặc mai một; tính chính trị; tính chi phối; tính đại diện
và tính trách nhiệm.
Tôi muốn nhấn mạnh vào tính chính trị. Cụ thể ở
đây, chế độ chính trị nó tác động mãnh liệt vào văn hóa. Tôi chỉ tình từ nửa thế
kỷ qua, chế độ chính trị ở Việt Nam là một chế độ chính trị phản tiết học. Vì vậy
nó sinh ra một nền văn hóa phi nguồn cội. Trong các văn kiện đại hội đảng gần
nhất, ĐCSVN vẫn xác định xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản
sắc dân tộc. Một câu chữ rất mông lung và mơ hồ.
Văn hóa là một phạm trù rất lớn, rất phức tạp
và rất khó khăn. Cho nên việc họ đầu tư số tiền 350.000 tỷ đồng để chấn hưng
văn hóa thì tôi cho rằng họ chỉ đầu tư cho phần xác, mà văn hóa là cái phần hồn.
Mà trong phần hồn của văn hóa thì quan trọng nhất là tiếng nói và chữ viết. Tóm
lại, việc chi ra 350.000 tỷ đồng để chấn hưng văn hóa thì tôi cho là vô nghĩa,
phí phạm và không mang lại chút gì để chấn hưng văn hóa của người Việt Nam
đâu.”
Tháng 2 năm 2023, tại lễ kỷ niệm 80 năm “Đề
cương về văn hóa Việt Nam”, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Văn
hóa luôn là một dòng chảy liên tục, không ngừng nghỉ qua những thăng trầm lịch
sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia và của cả nhân loại. Văn hóa là hồn cốt của mỗi
dân tộc, là những giá trị vật chất, tinh thần mà dân tộc đó sáng tạo ra trong lịch
sử. Ông Chính nhắc nhở mọi người phải có nghĩa vụ, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn
và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, vì độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội.
Văn hóa, đạo đức xã hội ngày càng mai một, xuống
cấp đáng báo động là một thực tế ở Việt Nam hiện nay được báo chí thừa nhận. Để
chấn hưng văn hóa cần sự chung tay của các cấp lãnh đạo chứ không chỉ của Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguyễn Văn Hùng, do văn hóa là lĩnh vực tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp nên
Bộ đã ký kết với Bộ Giao thông Vận tải về xây dựng văn hóa giao thông; ký kết với
Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến xây dựng văn hóa học đường; với Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam về xây dựng văn hóa trong công nhân, người lao động...
No comments:
Post a Comment