Monday, September 25, 2023

210 NGHÌN TỶ ĐỒNG, LỚN HAY KHÔNG LỚN (Thái Hạo)

 




210 nghìn tỉ đồng, lớn hay không lớn?

Thái Hạo

25/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/25/210-nghin-ti-dong-lon-hay-khong-lon/

 

Hơn 210 nghìn tỉ đồng đổi mới trương trình sách giáo khoa“, chắc có nhiều người sẽ giật mình, thậm chí còn xót xa, giận giữ.

 

Nhưng khoan, tám năm, 210 nghìn tỉ đồng, tức mỗi năm hơn 26 ngàn tỉ đồng. Nó lớn đến mức nào?

 

Trước khi trả lời câu hỏi trên thì bây giờ hãy trở lại với chuyện học thêm trong nhà trường và học thêm với giáo viên của nhà trường. Tiền học thêm hiện nay của mỗi em trong một nền giáo dục 22 triệu học sinh (thành phố có thể vài triệu đồng/em/tháng, nông thôn vài trăn nghìn/em/tháng); tôi ước tính với mức có thể là ở mức thấp so với thực tế: trung bình cả nước 300k/em/tháng nhân với 22 triệu học sinh nhân 12 tháng, bằng hơn 79 nghìn tỉ đồng/năm. 79 nghìn tỉ đồng học thêm/năm! Nghĩa là gấp hơn 3 lần tiền đổi mới giáo dục, cũng có nghĩa là trong 8 năm đổi mới giáo dục thì đồng thời học sinh đã phải bỏ ra 632 nghìn tỉ đồng! Đấy là chưa tính tiền lạm thu mỗi năm.

 

Riêng tiền học thêm, nếu trung bình cả nước là 300k/em/tháng thì chỉ cần 3 năm, học sinh đã phải bỏ ra số tiền vượt qua con số 210 nghìn tỉ đồng!

 

Tiền ngân sách (210 nghìn tỉ đồng) hay tiền phụ huynh bỏ ra hàng tháng cho con học thêm thì cũng đều là tiền… chúng mình cả. Nói cách khác, nếu người dân bỏ ra một đồng cho đổi mới giáo dục thì đồng thời họ phải bỏ ra ba đồng cho học thêm.

 

Tôi muốn đặt một câu hỏi rằng, tại sao đã bỏ ra 26 nghìn tỉ đồng mỗi năm để đổi mới giáo dục mà học sinh lại phải chi một khoản gấp hơn 3 lần như thế nữa để đi học thêm? Lưu ý, đây là học thêm để phục vụ, hay ít nhất cũng là dính liền với chính cái chương trình đổi mới kia, và do chính các nhà trường cùng giáo viên trong hệ thống đang thực hiện chương trình đổi mới tiến hành.

 

Bộ Giáo dục và các bên liên quan có thấy sự vô lý này không? Đổi mới là để khi học cái chương trình đổi mới ấy, học sinh được “phát triển toàn diện” như đúng mục tiêu mà nó đã đề ra. Nhưng hỡi ôi, “chưa đủ, chưa đạt, chưa được”, các em phải bỏ ra 3 lần tiền như thế nữa để đi học thêm mới mong “phát triển toàn diện được”.

 

Có thể nói rằng Chương trình giáo dục đã hỏng hay đổi mới đã thất bại không? Tôi không, hay ít nhất là chưa nghĩ thế.

 

Vậy vấn đề ở đâu? Ở quản lý. Quản lý nhà nước về giáo dục đang rất có vấn đề. Vì thế mà Chương trình đang bị ăn bớt và bóp méo nghiêm trọng.

 

Nhà nước và Bộ Giáo dục nói riêng xây dựng một chương trình mới, gọi là “đề án đổi mới căn bản toàn diện” với một mục tiêu lớn lao tương ứng với số tiền phải chi ra, nhưng như quan sát của tôi, dù chương trình đã có nhiều điểm tiến bộ nhưng khâu quản lý giáo dục lại dường như bị thả nổi.

 

Chúng ta không thể cấy một hạt giống mới vào mảnh đất cũ đang đầy cỏ dại, gai góc và sâu trùng mà chưa dọn dẹp và làm đất cho đến nơi đến chốn. Đơn cử, cái “mảnh đất cũ” ấy đang hùng hục dạy thêm và biến tướng dạy thêm bằng trăm phương nghìn kế với đủ thứ tên gọi như phụ đạo, bồi bưỡng, tăng cường, kỹ năng sống, trải nghiệm, stem, steam, v.v.; giờ mang một chương trình mới cấy vào, thế là họ liền xé nó ra luôn, chèn cả tiết dạy thêm vào giữa buổi học để cốt sao bắt đủ 100% học sinh phải học thêm cho họ. Không phải chỉ có thế, họ còn mang cả tiết chính khóa lên buổi học thêm chiều, xếp lẫn vào những giờ dạy thêm để nếu em nào không đi học thêm thì hoặc phải buộc đến trường học một tiết rồi về hoặc phải học nguyên buổi. Tất nhiên, rất hiếm học sinh chọn cách thứ nhất vì rất mất công, đi về cũng hết một buổi mà không học thêm thì phiền toái đủ đường, thế là “ý trường chẳng phải lòng dân”, nhưng vẫn phải đi học.

 

Còn nhiều trò lắm, kể ra thì dài. Nhưng tóm lại, chương trình “đổi mới căn bản toàn diện” 210 nghìn tỉ đồng kia đang có nguy cơ bị phá nát vì bị lợi dụng để dần biến thành một vế phụ cho dạy thêm đang lên, soán ngôi để trở thành dạy chính.

 

Dưới áp lực của phụ huynh và dư luận, lác đác đã có một số địa phương ra văn bản “chấn chỉnh” nhưng có vẻ cũng chỉ đủ gãi ngứa mà kết quả thì không có gì đảm bảo cả.

 

Tôi lấy làm ngạc nhiêm, vì mãi không thể hiểu được tại sao một tình trạng bê bết đang có nguy cơ làm phá sản Đề án đổi mới một cách nghiêm trọng đến thế mà Chính phủ, Bộ Giáo dục và các ban ngành hữu quan lại không có một hành động nào rõ ràng, mạnh mẽ, quyết liệt để dẹp nó đi.

 

GS Bùi Mạnh Hùng, điều phối viên chính Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông 2018 khẳng định trên báo Thanh Niên ngày 23/9 rằng: “Mục tiêu của việc thiết kế học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chắc chắn không phải tạo điều kiện để nhà trường hợp đồng với các đơn vị liên kết đưa các môn học, hoạt động giáo dục ngoài chương trình vào, buộc HS và PH phải đăng ký học thêm trong giờ học chính khóa”.

Vậy nó dùng để làm gì? Thầy Hùng cho biết: “Tăng thời gian học ở trường chính là nhằm đảm bảo quyền lợi của trẻ, để các em có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể chất, phát triển năng khiếu về nghệ thuật; được vui chơi, giải trí,… trong không gian, môi trường an toàn”. Xin nhớ cho, chính vì lý do này mà trong chương trình 2018 mới có những môn học và hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học, hoạt động trải nghiệm… Bây giờ, mặc dù chính thức có rồi nhưng các nhà trường vẫn nhiệt tình dạy thêm, là vì sao?!

 

Nay, các nhà trường mà đứng đầu là hiệu trưởng, bên trên họ là Phòng, là Sở lại dùng thời gian vốn là của Chương trình chính khóa để dùng vào việc dạy thêm kiếm tiền bằng đủ mọi cách. Vậy phải coi đây là hành động tham ô và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng (ở đây là phá hoại Đề án đổi mới).

 

Đến mức khủng khiếp như thế mà vẫn chưa đủ để Chính phủ và Bộ Giáo dục có một hành động quyết liệt với các hoạt động có tính phạm pháp này ư?

 

Có không ít lần tôi đã nghĩ “cùn” rằng, đằng nào dân cũng mất tiền, nếu vì lý do khó khăn về ngân sách cho trang bị cơ sở vật chất và xây dựng đội ngũ giáo viên nhằm thực hiện chương trình đổi mới 2018, chẳng thà cứ thẳng thắn, minh bạch mà thu tiền người học trong ít năm và có sự quản lý, đầu tư hiệu quả, còn hơn là để tiền dân thất thoát một cách ghê gớm như hiện nay vào những chuyện lạm thu và học thêm có tính phá hoại như đang diễn ra. Mỗi ngày trôi qua, tiền của học sinh cứ chảy vào tay những cá nhân, những công ty và trung tâm liên kết bên ngoài một cách oan uổng mà trường nghèo vẫn cứ nghèo, học sinh lại vẫn è cổ ra đi học thêm vô ích để cống nạp. Tất nhiên, cái ý nghĩ trên kia chỉ là một cách dằn dỗi vì quá thất vọng và cả kỳ vọng.

 

Nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng với số tiền 210 nghìn tỉ đồng kia, nhưng phải so sánh với học thêm để thấy nó là nhỏ! Nhưng vấn đề không chỉ là tiền, mà nghiêm trọng hơn, từ tiền (dạy thêm) nó có thể phá hỏng chương trình giáo dục quốc dân, tức cũng là phá luôn 210 nghìn tỉ kia. Cho nên cái cần quan tâm không phải chỉ là tiền, càng không phải chỉ là tiền ngân sách (21 nghìn tỉ). Vấn đề hệ trọng hơn gấp ngàn lần, và không thể thờ ơ được nữa.

 

Với tôi, bỏ ra 210 nghìn tỉ trong 8 năm để đổi mới giáo dục mà học sinh không phải đi học thêm (tức học lại chính cái chương trình ấy!) và các em được hạnh phúc, phụ huynh an tâm và đủ yên tâm để “giao con cho nhà trường” thì con số ấy quá xứng đáng. Nhưng bởi khâu quản lý nhà nước quá tệ, để cho các nhà trường và giáo viên ăn bớt thời gian, cắt xén chương trình, bóp méo nội dung, từ đó mà dẫn đến Chương trình mới không những đã chưa thực hiện được nhiệm vụ phải có của nó mà còn có nguy cơ bị đánh bại.

 

Chốt lại, điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là, Chương trình mới không tệ, nếu triển khai tốt, song song với việc dẹp loạn nạn dạy thêm tràn lan bát nháo hiện nay thì cái giá 210 nghìn tỉ đồng là không hề đắt đỏ!

 

 Thái Hạo

 

.

260 BÌNH LUẬN   







No comments: