Friday, August 5, 2022

VẤN ĐỀ LÀ "TÍNH HỆ THỐNG" (Nguyễn Phương Mai)

 



Vấn đề là “tính hệ thống”

Nguyễn Phương Mai

4-8-2022   20:22  

https://www.facebook.com/CultureMove/posts/pfbid02fJ77RZd4vTRuKu7g7xmGEGfhXoT4hsuGqSvqe7dHKLviKcjfGJDXt8kMHNMzwhGRl

 

Nếu cả phòng thi chỉ có DUY NHẤT một em học sinh gục mặt xuống bàn mà cán bộ coi thi không hỏi han và tìm hiểu nguyên nhân thì vấn đề là TÍNH CÁ NHÂN.

 

Người giáo viên đó có lẽ hơi thiếu nhân đức, khác gì thấy người nằm giữa đường mà không tìm hiểu xem họ nằm đó vì say, vì ngủ, hay vì ngất đi hoặc đột quỵ. Em học sinh đó có thể có vấn đề sức khỏe. Nguyên tắc trông thi không cấm việc tìm hiểu, thậm chí có thể báo cáo giám thị hành lang để cùng tìm hiểu, tránh việc đáng tiếc xảy ra.

 

Tuy nhiên, trong thực tế không hiếm trường hợp nhiều em học sinh trong một lớp cùng gục mặt xuống bàn. Điều này đã từng xảy ra trong nhiều kỳ thi trước đó. Như vậy, vấn đề là TÍNH HỆ THỐNG.

 

Nếu vấn đề là "tính hệ thống" thì chúng ta có thể cân nhắc các giải pháp có tính toàn diện và khoa học hơn. Ví dụ:

 

1. THỰC HIỆN MỘT NGHIÊN CỨU CHỈN CHU VỚI CÁC THÔNG SỐ ĐIỀU TRA CỤ THỂ:

 

- Tỷ lệ bao nhiêu em gục mặt xuống bàn?

 

- Kỳ thi nào có nhiều em gục mặt xuống bàn nhất?

 

- Lý do các em gục mặt xuống bàn? Vì bài quá dễ làm xong thì ngủ? Vì bài quá khó bỏ luôn để ngủ? Vì không quan tâm nên ngủ? Vì quá mệt nên ngủ gục? Vì các lý do bệnh lý? ...

 

- Với các em không gục mặt xuống bàn thì sao? Những lý do trên hoàn toàn có thể xảy ra với nhiều em học sinh khác. Và các em tuy không ngủ nhưng thể hiện bằng các hành động như thừa giấy vẽ voi. Chính bản thân tôi khi thi tốt nghiệp môn tiếng Anh xong còn thừa thời gian đã làm hẳn...một bài thơ, thậm chí tìm cách tuồn câu trả lời cho một cậu bạn mà tôi thầm thương mến

---

 

2. XA VÀ RỘNG HƠN, BỘ GIÁO DỤC CÓ THỂ THỰC HIỆN THƯỜNG XUYÊN HƠN CÁC ĐIỀU TRA LẤY Ý KIẾN CỦA HỌC SINH VỚI CÁC KỲ THI VÀ CHƯƠNG TRÌNH HỌC

 

Đây là một khâu quan trọng của bất kỳ chu trình thi cử trong bất kỳ hệ thống giáo dục nào nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo. Tiêu chuẩn giáo dục không bao giờ được xây dựng mà thiếu tiếng nói dân chủ của học sinh - sinh viên.

 

Con người không phải là một dụng cụ. Một bạn học sinh- sinh viên tốt nghiệp ra trường không phải là kết quả của một quá trình sản xuất. Quá trình đó là sự tương tác chứ không phải là con đường một chiều như khi ta làm ra một cái điện thoại một cái xe vô tri.

 

Người học là những đối tượng có lý trí và nhận thức. Chính vì thế, học sinh sinh viên không bao giờ chỉ là "sản phẩm" của một nền giáo dục. Họ còn là những "chủ thể" có khả năng cũng như quyền năng kiến tạo và đổi thay.

---

 

3. DỰA VÀO CÁC THÔNG SỐ CỤ THỂ, BỘ CÓ THỂ ĐỀ RA CÁC GIẢI PHÁP MANG TÍNH HỆ THỐNG, VÍ DỤ:

 

- Nếu nhiều em học sinh mệt mỏi thì phải cân nhắc chú ý các giải pháp về sức khoẻ tâm lý, cân bằng thời lượng ôn thi, cân đối số lượng kiến thức, trao đổi nhắc nhở với phụ huynh, tư vấn cho các em về mục tiêu học và thái độ với cuộc sống...vv.

 

- Nếu đề thi quá dễ hoặc quá khó thì phải thay đổi. Thật là vô lý khi chúng ta có những kỳ thi mà hầu hết học sinh đều đậu điểm cao, hay những tổng kết mà gần như 100% học sinh là giỏi và xuất sắc. Những kỳ thi mang tính hình thức như vậy không những tốn thời gian, tiền bạc và công sức của xã hội mà còn khiến ta nghi ngờ chính chất lượng của giáo dục. Ai cũng giỏi tức là chả ai giỏi cả.

 

- Nếu quy tắc phòng thi không đủ bao quát hết tất cả các vấn đề được nêu ra trong số liệu điều tra thì phải thay đổi. Ví dụ, quy tắc cần cho phép tránh các biến cố về sức khoẻ nhưng vẫn đảm bảo tính khách quan của giám thị.

 

Ở trường nơi tôi dạy chẳng hạn, các giám thị và giảng viên được thông báo trước nếu có sinh viên mắc chứng rối loạn làm ảnh hưởng tới bài thi. Em nào mắc chứng dyslexia (khó đọc) thì được tăng thời gian làm bài. Em nào mắc chứng dễ hoang mang (panic attack) thì có thời gian để bình tâm lại. Tôi từng ngồi bên một em sinh viên và nắm tay em suốt 10 phút để em khóc cho thoả khi em đang thi vấn đáp thì bị cơn sợ hãi tấn công. Em là sinh viên giỏi, bài thi đó được 7.5 điểm.

 

- Cuối cùng, một giải pháp mang tính hệ thống hơn là cải tiến chế độ thi cử. Ví dụ, tôi luôn cảm thấy băn khoăn khi ngày càng nhiều kỳ thi ở Việt Nam dùng phương pháp trắc nghiệm. Một đồng nghiệp của tôi nói rằng đây là phương pháp của Tây nên mình nên học theo.

 

Tuy nhiên, đó là Tây cách đây mấy chục năm rồi. Thật không nên lấy hoàng hôn của kẻ khác làm bình mình cho mình. Trắc nghiệm là một cách đánh giá khá máy móc, kiểm tra kiến thức một cách đơn giản, phụ thuộc quá nhiều (25%) vào may rủi. Ở một số trường, nguyên tắc xây dựng đề thi thậm chí yêu cầu giảng viên HẠN CHẾ tối đa các hình thức thi trắc nghiệm, chỉ được dùng trong một số môn nhất định, với liều lượng nhất định, ở một năm học nhất định (thường là năm nhất).

 

Ngành giáo dục Việt Nam có lẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực mọi thứ phải ĐỒNG BỘ, DỄ KIỂM SOÁT, từ sách giáo khoa cho đến các kỳ thi.

 

Ví dụ, thật vô lý khi môn văn đáng lẽ phải là mảnh đất trù phú của sức sáng tạo thì lại là mồ chôn của những ý tưởng. Bản thân tôi hồi trung học năm nào cũng đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn, nhưng khi thi đại học thì bị 4 điểm vì bài viết không đúng ý người soạn đề.

 

Chính vì vậy, một giải pháp mang tính hệ thống hơn là dần dần cải tiến hình thức thi cử bằng các bài luận, các nghiên cứu, các dự án... Cách kiểm tra kiến thức đề cao tính phê bình, sáng tạo, khả năng nghiên cứu, bám sát cuộc sống thực tế và làm việc nhóm... cần trở thành một phần chủ đạo hơn trong phương pháp giáo dục.

---

 

Các bạn trẻ sẽ ngủ, sẽ ngáp, sẽ làm việc riêng trong một giờ học không thú vị. Họ cũng sẽ ngủ, ngáp, vẽ voi và làm thơ trong một một kỳ thi xa rời thực tế.

 

Người giám thị không nhắc thí sinh gục mặt xuống bàn hay em học sinh lớn rồi mà kỳ thi quan trọng thế lại ngủ quên chỉ là một tiểu tiết trong bức tranh bộn bề của giáo dục Việt Nam.

 

Người giám thị bị chửi sẽ chỉ là con dê tế thần để dân chúng qua cơn thịnh nộ. Những giải pháp dân tuý mang tính xoa dịu dư luận như bắt giám thị giải trình sẽ chỉ là cái băng dán trên vết xước da của một cơ thể mà bản chất có lẽ là đang ốm yếu.

---

 

https://www.facebook.com/CultureMove/photos/a.531877134399541/916105955976655/

Nguồn ảnh: Không rõ tác giả, không phản ánh thực tế, chỉ có tính minh hoạ

 

.

81 BÌNH LUẬN   





No comments: