Sunday, August 7, 2022

'THÂN LÚA' ĐÀO HỒNG LAN, TRẦN SỸ THANH CÓ LÀM NÊN MÙA VÀNG CHO NGÀNH Y TẾ và HÀ NỘI?' (Trần Hiếu Chân)

 



‘Thân lúa’ Đào Hồng Lan, Trần Sỹ Thanh có làm nên mùa vàng cho ngành Y tế và Hà Nội?‘

Trần Hiếu Chân

Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ TP.HCM

28 tháng 7 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz9ln2gm87zo

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/559/cpsprodpb/f9f3/live/76f087b0-0e54-11ed-8cd0-09def84f34b2.jpg.webp

Quyền Bộ trưởng Y tế VN, bà Đào Hồng Lan

 

Về dư luận quanh vụ Đảng CSVN chỉ định hai vị quyền Bộ trưởng Y tế và Chủ tịch HN, tôi nghĩ Ban Bí thư, Bộ Y tế và TP. Hà Nội nên có thư cám ơn các Nhà nghiên cứu, nhất là giáo sư tâm lý Mạc Văn Trang, giảng viên ĐH Y Huỳnh Tuấn, tiến sĩ Phạm Quý Ngọ, Bác sĩ Quan Thế Dân…và nhiều người khác. Nếu không trả lời nổi từng cá nhân thì cũng nên có một bức thư chung.

 

Có thể các vị đã biết, thậm chí biết nhiều hơn những điều các chuyên gia và dư luận phản ánh trong các bài viết.

 

Nhưng các vị phải hiểu rằng, những tiếng nói của lương tri qua những bài viết ấy không chỉ thay mặt cho những người đang sống, những bệnh nhân hiện phải nằm chung hai, ba người trên một giường bệnh. Những tiếng nói ấy còn thay mặt cho hơn bốn vạn “những linh hồn chết” (ý của nhà văn Nga Nicolai Gogol) mà trong đấy rất nhiều trường hợp đã phải giã từ cõi đời oan uổng trong đại dịch Covid vừa qua.

 

Một Gogol của Việt Nam rồi đây chắc chắn sẽ lột tả Phan Quốc Việt (Công ty Việt Á) như “bóng bóng xà phòng do ác quỷ thổi”.

 

Tại đấy, bong bóng xà phòng cũng phập phồng, cũng là một con số không về nhân dạng, các âm mưu và hành động tội ác cũng bị/được điều phối bởi những lực lượng ma quỷ, ai biết từ đâu…. Hắn ta và những kẻ đồng lõa là người hay quỷ, là những tên đại bịp hay là một bọn gian ác?, theo lời một tờ báo VN.

 

 Giáo sư Mạc Văn Trang không sáng tác văn học. Ông “giải phẫu” năm khối u trong ngành Y. Ông nhấn mạnh, phải thay đổi triết lý: Bệnh nhân là khách hàng, thầy thuốc là người phục vụ và phương châm phục vụ là: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, thì mọi chuyện sẽ khác.

 

Từ đó ngành y sẽ cố gắng phát huy mọi nguồn lực, mọi sáng kiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Và bệnh nhân cũng với tư thế người được phục vụ, chứ không phải những người quỵ lụy được ban ơn.

 

Để ngành Y hưởng đúng giá trị công sức của mình, cần một chiến lược nội địa hóa ngành dược, ngành trang thiết bị y tế, ngành vật tư y tế. Các công cụ đấu thầu, xét thầu tập trung hay không tập trung chỉ là trò chơi của trẻ con… Bày ra để hành hạ người muốn làm tốt, không thể đối phó nổi sự trục lợi từ gốc rễ.

 

Một ý kiến khác nói ngành y là ngành xài ngoại tệ nhiều nhất quốc gia, vì đầu vào cái gì cũng phải nhập. Với một quốc gia gần 100 triệu dân và với 40 năm phát triển, cái gì cũng phải đi nhập, thật đau xót. Không rõ Đoạn trường tân thanh này có lên đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư? (Xem thêm trang của Tuan Huynh)

 

Ngành y tế hay việc quản trị Thủ đô đang khó khăn chồng chất, vì khủng hoảng nhân sự do điều kiện làm việc, do đãi ngộ. Y tế công yếu kém, dịch bệnh chồng lên nhau, cơ chế điều hành quản lý thiếu khoa học, hệ thống quy định pháp luật trong y khoa chưa hoàn thiện. Quản lý đô thị của Hà Nội vừa qua hỗn loạn, đòi hỏi những cách giải quyết mới…

 

Chính VnExpress cũng đã viết: Nhưng nếu không phát hiện ra khó khăn cốt lõi thì giải pháp nghe hấp dẫn đến mấy cũng chỉ là lý thuyết và sẽ nhanh chóng thất bại. Khủng hoảng toàn diện hiện tại không thể được vá víu bằng một vài giải pháp nghe hay ho mà phải được tháo gỡ từ gốc.

 

Đừng đánh đồng Ta với Tây

 

Việc Quyền Bộ trưởng hay Thị trưởng một thành phố không có chuyên môn về lĩnh vực mình phụ trách là vấn đề không hiếm ở các nước trên thế giới. Đúng thế.

 

Khi lấy dẫn chứng từ các Bộ trưởng của Chính quyền Joe Biden hiện nay, hay lấy ngay các Bộ trưởng của Singapore hay Malaysia cũng là những nhà chuyên nghiệp không có bằng Bác sĩ hay Dược sĩ. Đấy là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên và của một cựu Vụ trưởng từ BCHTW của ĐCSVN Nguyễn Đức Hà, như BBC đã đăng.

 

Nhưng thưa ông Hà và bà Yên, các vị quên mất sự khác nhau một trời một vực giữa các hiện tượng chỉ giống nhau về bề ngoài ấy.

 

Ở Việt Nam, ai cũng biết, chưa bao giờ tồn tại cái gọi là “những chính khách” hay “các nhà hoạt động chuyên nghiệp” cả.

 

Tất cả những người có chức có quyền trong các bộ máy Đảng/Nhà nước hầu hết đều là đảng viên ĐCSVN. Họ đâu phải do người dân bầu lên thông qua lá phiếu của cử tri.

 

Mà đừng nói gì người dân “thấp cổ bé họng” mà tội nghiệp. Ngay cả các vị “mũ cao áo dài” ngồi trong Quốc hội sắp tới đây sẽ ấn nút bỏ chữ “Quyền” để bà Lan thành Bộ trưởng, thì chính các vị ấy cũng chỉ là những “robot” bấm nút mà thôi.

 

Về các cuộc bỏ phiếu luôn nhất trí 'trăm phần trăm', mới đây trên mạng xuất hiện bài thơ tuyệt vời, được cho là của thầy giáo – nhà thơ Thái Bá Tân.

 

Bài thơ năm chữ ấy đã lột tả được cái thực chất các cuộc bầu cử mà bao giờ kết quả thông báo qua truyền thông cũng đều đạt 100%.

 

Xin trích dẫn: “Ở Đông Lào sợ nhất/ Là cái trăm phần trăm/ Lúc lên voi, biểu quyết/ Nhất trí trăm phần trăm/ Rồi cũng phần trăm ấy/ Lúc hạ đồng chí mình/ Thấy họ hả hê lắm/ Trăm phần trăm đồng tình”…

 

Còn ở Phương Tây, quản trị xã hội bằng “tam quyền phân lập”, hành pháp, lập pháp và tư pháp là những nhánh quyền lực khác nhau, đối trọng và kiểm soát lẫn nhau (check and balance).

 

Họ đâu có cơ chế “đảng cử dân bầu” như bên ta. Đây là cơ chế mà người đi bầu chưa bao giờ tiếp xúc với người mình bỏ phiếu. Bỏ vào “hòm” xong, người được bầu chọn và “cử tri”, ai đi đường nấy. Người đi bầu không bao giờ được biết chương trình hành động của người mình vừa bầu?

 

Cũng không hề hình dung người mình vừa chọn có chương trình hành động cụ thể nào không? Nếu trúng cử, những dân biểu ấy sẽ có tác động thế nào đối với đời sống cử tri?

 

 Vì sao phải làm 'trái thông lệ'?

 

Việc chỉ định hai vị lãnh đạo nói trên trên là “trái thông lệ” vì thiếu chuyên môn, nhưng truyền thông trong nước vẫn hy vọng, “nếu” thành công thì sẽ hình thành nên một thông lệ mới.

 

Tuy nhiên, đảng coi đây là việc thực hiện công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo theo Kết luận 24 ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị. Liệu chủ trương này có “xoay chuyển” công tác cán bộ đảng?

 

Ông Trần Sỹ Thanh từng được Đảng “luân chuyển” 11 vị trí khác nhau trong 16 năm là Uỷ viên BCHTW, từ Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí quốc gia và từng trải qua “làm lãnh đạo” ở ba tỉnh: Đắk Lắk, Bắc Giang, Lạng Sơn với thời gian từ một năm đến ba năm.

 

Giới quan sát băn khoăn về quy trình lựa chọn, năng lực cán bộ và, hơn thế coi sự kiện như cái cớ để phản ánh những bất cập, yếu kém của công tác này và sự cần thiết cải cách bằng một cơ chế mở với sự tham gia thực sự của người dân trong bối cảnh chống tham nhũng khó khăn và khủng hoảng nhân sự Đảng.

 

Cuối cùng, tôi nhận thấy chỉ một 'thân lúa' Đào Hồng Lan, mộ́tTrần Sỹ Thanh hàm ý cá thể không bao giờ có thể gây dựng lên một kết cục tốt đẹp, cũng như một cây lúa chín vàng không tài nào tạo nên một vụ mùa bội thu như mong ước.

 

Không gì thay thế được kiến thức chuyên môn, được nỗ lực tối đa của cả một tập thể để đối phó với tình huống khẩn cấp hiện nay.

 

Để làm được thế, Việt Nam phải tạo được cơ chế mở, sao cho người dân thoát cảnh đứng ngoài cuộc và chịu hậu quả và phải cải cách công tác cán bộ của Đảng, công khai minh bạch và làm rõ trách nhiệm giải trình đối với quan chức.

 

-----------------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Trần Hiếu Chân từ TP.HCM.

 

*

TIN LIÊN QUAN

 

Việt Nam: Quy định của Đảng và việc 'chỉ định' bà Đào Hồng Lan dẫn dắt Bộ Y tế

16 tháng 7 năm 2022

.

Xử án Tịnh thất Bồng Lai: Mạng xã hội VN còn nhiều 'bất bình'?

26 tháng 7 năm 2022

.

Ông Trần Sỹ Thanh chính thức trở thành Chủ tịch Hà Nội

22 tháng 7 năm 2022





No comments: