Sunday, August 21, 2022

LÝ ĐỢI : "ĐA SỐ NHÀ VĂN KHÔNG ĐỦ KHẢ NĂNG ĐỂ VIẾT VỀ NHỮNG THỰC TẠI NHỨC NHỐI" (Văn Việt)

 



Thảo Luận Mùa Hè 2022 (7): Lý Đợi – “Đa số nhà văn không đủ khả năng để viết về những thực tại nhức nhối”

Văn Việt

21 Tháng Tám, 2022

http://vanviet.info/thao-luan/thao-luan-ma-h-2022-7-l-doi-da-so-nh-van-khng-du-kha-nang-de-viet-ve-nhung-thuc-tai-nhuc-nhoi/

 

Vào tháng sáu, Văn Việt đã bắt đầu thực hiện cuộc Thảo luận mùa hè 2022.

Thời điểm đó, cả nước (và nhứt là Sài Gòn), đã lựng chựng những bước đi đầu tiên, cố “bình thường trở lại” sau những tháng ngày kiệt quệ vì phong tỏa. Những nội dung chia sẻ trong thảo luận là từ trạng thái đó:

 

”Đang là thập niên thứ ba của thế kỷ 21, và nhân loại vừa ra khỏi một thảm họa cực kỳ khốc liệt khiến mỗi người phải nhìn lại mình và trả lời câu hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ sống thế nào?

 

Còn các nhà văn thì hỏi: Nếu được sống (tiếp) thì sẽ viết thế nào?

 

Phải chăng nhà văn đã “chậm chân”, đã bị “bỏ-lại” so với sự phát triển của khoa học và công nghệ, những thứ đã giúp cho một người bình thường, chỉ với bàn phím và mạng xã hội, có thể nối kết cùng cộng đồng và được đón nhận một cách hiệu quả hơn so với trang viết của nhà văn?

 

Phải chăng sự thiếu vắng những nhà văn tên tuổi mà tư tưởng đủ sức gây ảnh hưởng lên toàn nhân loại khiến những tác phẩm hư cấu giờ trở nên “nhẹ-cân-hơn” ngay cả với thể loại văn chương phi-hư-cấu?

 

Và anh/chị có thể trả lời các câu hỏi sau hoặc mở rộng vô giới hạn theo ý của anh/chị”.

 

                                                              *

 

Xin giới thiệu bài của nhà thơ Lý Đợi.

VĂN VIỆT

 

http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/08/LY-DOI_thumb.jpg

Hình : Lý Đợi

 

* Có phải cuộc sống lệ thuộc vào công nghệ đã khiến con người bớt quan tâm tới những vấn đề trước đây là “trọng điểm” của văn chương?

 

- Khác là đương nhiên, không khác mới đáng lo. Vấn đề không chỉ là “quá lệ thuộc vào công nghệ”, mà còn ở khía cạnh kỹ/nghệ của văn chương Việt Nam đang quá lạc hậu, bảo thủ. Văn chương còn quá khư giữ vào văn bản và các thể thức in truyền thống, trong khi công nghệ thì đang tiến quá nhanh.

 

Thử nhìn lại lịch sử, văn chương cũng đã từng không ít lần bắt kịp công nghệ, thậm chí góp phần giúp công nghệ cập nhật, phát triển. Ví dụ như thời Johannes Gutenberg (1400-1468) phát minh ra máy in với công nghệ in ép, văn chương đã nhanh chóng hòa cuộc, để rồi chính những kinh sách, tác phẩm văn chương giúp công nghệ in này phát triển nhanh, rộng khắp châu Âu. Mà ở Đông phương hoặc Việt Nam cũng vậy thôi, suốt thời phong kiến, văn chương giữ vai trò rất quan trọng trong công nghệ in ấn, việc khắc in các tác phẩm văn chương cũ và mới đã giúp nghề này lưu truyền, nâng cấp và phát triển mạnh theo năm tháng.

 

Về mặt tưởng tượng, không ít lần văn chương đã đi trước thời đại, để sau đó khoa học mới dần tiệm cận và hiện thực hóa nó. Ví dụ như nhiều tình tiết công nghệ và tưởng tượng, viễn tưởng trong tác phẩm của Jules Verne (1828-1905) chẳng hạn.

 

Từ hai ví dụ trên, thử hỏi văn chương Việt Nam đang làm gì, đang góp phần ra sao trong cuộc hòa nhập vào cuộc sống hiện tại. Ngoài sống với không gian và thời gian, thì cũng cần sống với thời đại. Đại đa số văn chương Việt Nam đang không sống với thời đại của mình, mà như sống trong thời chiến tranh, thời cải cách ruộng đất, thời bao cấp, thậm chí nhiều người còn đang sống thời tiền chiến, thời Sài Gòn 1954-1975… Chính sự trì trệ này cũng đã góp phần không ít làm cho văn chương Việt Nam thêm lạc điệu vì già nua, bảo thủ.

 

.

* Những vấn nạn về triết lý sống/chiến tranh-hòa bình/tình yêu nam nữ… có phải đã thay đổi?

 

- Các cái này thì càng phải khác. Về chiến tranh chẳng hạn, sau cột mốc 1975 cả 50 năm rồi, bên thắng cuộc chẳng có được mấy tác phẩm thực sự hay. Mà bên thua cuộc cũng thế thôi, chẳng có được mấy tác phẩm thực sự ra hồn. Ngay cả cuộc vượt biên và tị nạn đầy bi ai như thế, đã có được mấy tác phẩm xứng tầm với sự bi ai đó.

 

Người Việt có vẻ sống đẹp đẽ nhất, đoàn kết nhất và hay ho nhất trong thời chiến, còn thời bình thì thường tan rã, sống chết mặc bây. Cho nên, chủ đề chiến tranh mà chỉ viết được có như thế, thì hòa bình, tình yêu… sao khá hơn cho nổi. Còn triết lý sống ư? Nó bắt nguồn từ cơ sở nào mà có triết lý sống để viết. Thấp hơn triết lý viết là kỹ thuật viết, đa số văn chương Việt Nam còn khá cũ kỹ, cố chấp, bảo thủ với lối viết cũ. Đa số vẫn còn băn khoăn hoặc tự an ủi rằng viết hay quan trọng hơn viết mới. Trong khi nhìn lại hai thập niên của thế kỷ 21, có bao nhiêu thứ mới và thứ khác ra đời, Facebook hoặc YouTube là những ví dụ, trong khi văn chương vẫn khư khư bảo thủ, thì làm sao không mất độc giả, không mất vị thế cho được.

 

.

* Người đọc đang trông chờ gì ở các nhà văn?

 

- Tôi không biết, nếu biết thì đã viết rồi, ngồi đây than thở làm chi. Một số người đọc thì đang chờ đợi nhà văn ra quán nhậu, vì ít ra, nhậu với nhà văn cũng vui hơn vài ngành nghề khác.

 

.

* Nhà văn có thể làm gì để “cập nhật” mình, để không bị “bỏ lại”?

 

- Cái này tôi cũng không biết luôn. Chỉ biết nhìn lại quá khứ, thấy văn chương từng rất có tính giải trí, nên được nhiều người thời đó chọn lựa. Thậm chí trong công cuộc truyền bá chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ hồi trước 1945 – với bối cảnh trên 95% dân số mù chữ – văn chương, báo chí đã giữ vai trò rất quan trọng. Vì ham thích thông tin và sự giải trí, mà nhiều người thời đó thích học chữ, thích tìm đọc, thành ra lượng người biết chữ quốc ngữ nhanh chóng tăng lên.

 

Còn ngày nay, thử nhìn mà xem, văn chương đa số có rất ít độc giả, vì thiếu vắng tính giải trí trầm trọng. Rõ ràng, với những tác phẩm hoặc tác giả ăn khách, thì tính giải trí hoặc tính công cụ của tác phẩm luôn ưu trội hơn. Trong khi đó thì nhiều tác giả khác có thái độ “mục hạ vô nhân”, thường khinh ra mặt các sản phẩm giải trí và con người trong các giới giải trí khác. Nhiều nhà văn cả năm không đến rạp xem phim, mà cứ ngồi than thở và mơ mộng người khác sẽ tìm mua, tìm đọc tác phẩm của mình; hoặc ngồi chê giới phim ảnh không đọc sách. Không phải cứ đi xem phim, xem ca nhạc thì nhà văn sẽ có thêm độc giả, nhưng ít ra đó cũng là quan hệ qua lại tối thiểu ở đời, để biết thêm thực trạng của nền giải trí nước nhà mà viết, mà tìm cách bổ sung, nâng cao thẩm mỹ cho cộng đồng.

 

Đơn cử như trường hợp sách của Thu Giang Nguyễn Duy Cần (1907-1998), khi tái bản gần đây được khá đông độc giả thời nay chọn lựa, vì đơn giản nó có nhiều điều giải trí được, theo nghĩa rộng của từ này. Trong khi bao nhiêu người ngày nay cũng đang viết sách dạy đời giống như vậy, mà đọc vô thấy toàn thái độ “mục hạ vô nhân”, xem thường độc giả, hoặc đạo đức giả… thì giải trí sao nổi. Vậy mua đọc làm chi cho bực mình.

 

.

* Liệu nhà văn Việt Nam có đủ tài năng và bản lĩnh văn hóa/nghề nghiệp để “chuyển tải/chuyển hóa” những thực tại nhức nhối trong cuộc sống hiện tại vào tác phẩm?

 

- Đa số nhà văn không đủ khả năng để viết về những thực tại nhức nhối. Nhưng văn chương là chuyện của thiểu số và sự bất ngờ, biết đâu sẽ xuất hiện một nhân tố mới, một tác phẩm mới. Vì hy vọng, thậm chí ảo tưởng như vậy nên đa số mới tiếp tục cầm viết, chứ nếu nhìn vào thực tại chất lượng của đời sống văn chương Việt theo con mắt của một nhà đầu tư tỉnh táo, có hiểu biết, thì có lẽ nên dừng viết hay hơn.

 

.

* Anh/chị có tin rằng văn chương tiếng Việt sẽ khởi sắc, bởi cuộc sống đang đầy xáo trộn cũng đồng thời tạo ra nhiều gợi ý và cảm hứng/thách thức cho nhà văn?

 

- Ngoài lạc hậu về chủ đề, về kỹ/nghệ, về triết lý, về thời đại… như đã nói, thì văn chương Việt vẫn chưa thoát khỏi chuyện thật/giả, chứ mong gì tới chuyện mới/cũ. Đa số vẫn bị chủ đề giả, câu chuyện giả, đạo đức giả… chi phối, nên tác phẩm viết ra thường thiếu sự chân thật, thiếu sự sinh động. Sự chân thật ở đây không theo quan niệm của chủ nghĩa hiện thực, hoặc hiện thực xã hội chủ nghĩa, mà là cái thực lòng, cái thực nghĩ. Vẫn viết vòng vo, quanh co, uốn éo, nói chung vẫn “lách” nhiều hơn “viết”.

 

Tuy nhiên, như đã nói, tôi vẫn hy vọng sẽ xuất hiện một nhân tố mới, một tác phẩm mới, nên dù bất tài vô tướng và tào lao, tôi vẫn cứ viết để góp vào cuộc tìm kiếm hy vọng đó.

 

Dù vô vọng cũng phải hy vọng, dù vô vọng, cũng phải tìm kiếm, vì đây là con đường duy nhất.

 

Lý Đợi





No comments: