Chiến
tranh lan đến Crimée : Ukraina muốn tái chiếm, Putin lâm vào thế kẹt
Thụy My - RFI
Đăng ngày: 18/08/2022 - 23:22
Crimée,
bán đảo chiến lược ở miền nam Ukraina bị Nga chiếm năm 2014 vốn không hề hấn gì
vào đầu cuộc xâm lăng, nay đang trong tầm ngắm của Kiev. Một kho đạn lớn tại
phía tây đã bị nổ tung hôm thứ Ba 16/08/2022, và trước đó vào ngày 09/08, một
phi trường quân sự đã bị tấn công. Ukraina dùng drone, cho lực lượng đặc nhiệm
xâm nhập hay sử dụng các hỏa tiễn tự sản xuất được nâng cấp bằng công nghệ của
đồng minh ?
Người đi tắm nghỉ ngơi trên bãi biển trong khi khói
lửa bốc lên đằng xa, sau các vụ nổ tại căn cứ không quân Nga ở Novofedorivka
thuộc Crimée ngày 09/08/2022. REUTERS - STRINGER
Crimée không còn yên tĩnh
Le
Monde chạy tựa
trang nhất « Ukraina : Chiến tranh đã lan đến Crimée ». Le
Figaro nói về « Sự bối rối của Matxcơva sau một loạt vụ
‘phá hoại’ tại Crimée được cho là do Kiev thực hiện ». Một bức ảnh
có thể được xếp vào những hình ảnh tiêu biểu của năm 2022 : các du khách
Nga đang nằm phơi nắng trên bãi biển Crimée trong khi đằng xa một cột khói đen
khổng lồ đang cuồn cuộn trên bầu trời.
Nhiều vụ nổ
đã phá hủy kho đạn của không quân Nga hôm 09/08. Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng
do « vi phạm quy định phòng cháy », báo Kommersant nói
do « bất cẩn khi hút thuốc lá ». Nhưng ảnh vệ tinh
chứng tỏ phi trường bị thiệt hại nặng, theo CNN có 7 chiến đấu cơ bị phá hủy
trong đó có tiêm kích Su-30 và oanh tạc cơ Su-24.
Với vụ thứ
hai, các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy kho đạn quan trọng ở làng Maiskoie
bị nổ lớn từ sáng sớm, gây thiệt hại trong khu vực rộng vài trăm mét. Thống đốc
« Cộng hòa Crimée » sau đó nhìn nhận có hai người bị thương và phải
sơ tán trên 3.000 dân, đường xe lửa nối bán đảo với Nga ở gần đó cũng bị ảnh hưởng
khiến việc vận chuyển hành khách và hàng hóa đều phải ngưng lại.
Drone, đặc nhiệm hay hỏa tiễn « nội
hóa » của Ukraina được cải tiến ?
Tuy đã lấp
liếm rằng vụ Ukraina tấn công vào căn cứ không quân Saky chỉ là tai nạn, lần
này Matxcơva đành phải thông báo vụ kho đạn Djankoi bị nổ là « hành
động phá hoại » nhưng không cho biết cụ thể. Về phía Kiev xác nhận
vụ nổ nhưng không nhận đã tấn công. Trên lý thuyết, các địa điểm ở Crimée bị nhắm
đến đều nằm ngoài tầm oanh kích của quân đội Ukraina. Căn cứ không quân Saky và
kho đạn Djankoi cách tiền tuyến hơn 200 kilomet, quá xa đối với giàn phóng rốc-kết
đa nòng Himars có tầm bắn 80 kilomet. Washington cũng tái khẳng định không viện
trợ cho Ukraina hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có thể bắn xa 300 kilomet.
Nếu giả
thiết dùng drone hay lực lượng đặc nhiệm xâm nhập không thuyết phục được các
chuyên gia quân sự, nhiều người tin rằng các hỏa tiễn do Ukraina sản xuất được
nâng cấp bằng công nghệ của đồng minh. Một số nêu ra « hai hoặc ba giàn
phóng » được công ty hàng không Ukraina Yuzhnoye State Design Office chế tạo,
có thể bắn đi những hỏa tiễn đạn đạo trang bị hệ thống dẫn đường của các nước bạn.
Điều chắc
chắn duy nhất là các vụ tấn công vào Crimée nằm trong chiến lược của Ukraina nhằm
quấy phá các tuyến đường và kho hậu cần của Nga ở hậu phương, nhờ có các giàn
phóng rốc-kết phương Tây. Yohann Michel, nhà nghiên cứu của IISS khẳng định « Crimée
là một điểm logistic rất quan trọng với Nga, đã tập trung vô số vật liệu kể từ
đầu năm 2021 để cung ứng cho toàn bộ mặt trận miền nam, từ Kherson đến
Zaporijia ».
Kiev gây áp lực lên hạm đội Hắc Hải, không từ
bỏ mục tiêu tái chiếm Crimée
Khi đánh
vào các kho đạn và đường xe lửa, quân đội Ukraina hy vọng buộc Nga phải giảm lượng
tiếp tế cho chiến trường, rút ngắn khoảng cách về hỏa lực mà họ phải chịu đựng
từ đầu cuộc xâm lăng. Các cuộc tấn công cũng gây áp lực lên hạm đội Nga ở Hắc Hải.
Đóng tại Sébastopol ở tây nam Crimée, hạm đội này phong tỏa đường biển khiến
Ukraina không thể xuất khẩu ngũ cốc. Các chiến hạm và tàu ngầm Nga cũng bắn hỏa
tiễn đạn đạo vào lãnh thổ Ukraina.
Tấn công
sâu vào Crimée có thể buộc Matxcơva phải dời các chiến hạm xa khỏi quân cảng nằm
cách tiền tuyến 250 kilomet. Bộ Quốc Phòng Anh hôm thứ Ba nhận xét, việc này sẽ
hạn chế chiến lược xâm lăng của Nga, nhất là vô hiệu hóa mối đe dọa đổ bộ vào
Odessa. Nhờ đó Ukraina có thể tập trung nguồn lực để gia tăng sức ép lên bộ
binh Nga ở những nơi khác.
Ngoài ra
các vụ tấn công còn mang tính chính trị : chứng tỏ Ukraina không từ bỏ mục
tiêu tái chiếm Crimée dù đã bị Nga chiếm đóng suốt 8 năm qua. Tetyana Ogarkova,
phụ trách về quốc tế của Ukraine Crisis Media Center ở Kiev khẳng định nhờ đó
tinh thần của người Ukraina lên y dựng rất cao. Nga đã xây dựng Crimée thành
pháo đài, coi là bất khả xâm phạm, nhưng nay người Ukraina chứng minh rằng họ
không còn sợ hãi nữa. « Khi xâm lược Ukraina, Nga đã phạm sai lầm
chiến lược. Mỗi ngày trôi qua nhân dân Ukraina càng nung nấu quyết tâm thu hồi
tất cả lãnh thổ bị chiếm, kể cả Donbass và Crimée ».
Khi tấn
công sâu như vậy vào một vùng mà nhiều người Nga đến nghỉ mát, Kiev cũng gởi
thông điệp đến công luận Nga. Sau khi căn cứ Saky bị đánh, các video trên mạng
xã hội cho thấy cảnh kẹt xe trên những con đường dẫn đến cầu Crimée nối bán đảo
với lãnh thổ Nga, được Vladimir Putin khánh thành năm 2018. Theo Tetyana
Ogarkova, những hình ảnh dân Nga đua nhau bỏ chạy chứng tỏ người Nga không sẵn
sàng chiến đấu vì Crimée, họ chỉ coi đây là địa điểm thư giãn, và sự thống trị vùng
đất này chỉ là giả tạo.
Crimée, thách thức của Zelensky
Le
Monde nhắc lại,
Matxcơva đã sáp nhập chớp nhoáng Crimée năm 2014 trong vòng hai tuần lễ, sau cuộc
cách mạng Maidan khiến tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch mất chức. Nhờ đó
Nga có được sự hiện diện quân sự chiến lược trên Hắc Hải, khiến Ukraina khó thể
gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và NATO, làm hài lòng dân Nga và gia tăng uy tín cho
Vladimir Putin. Tại Crimée, tất cả cư dân đều được cấp quốc tịch Nga, thậm chí
bắt buộc. Theo với thời gian, người dân rốt cuộc coi như bán đảo này không còn
thuộc về Ukraina.
Một bước
ngoặt đã diễn ra vào tháng 2/2021, từ sáng kiến của Volodymyr Zelensky, được bầu
làm tổng thống hai năm trước đó. Ông lập ra « nền tảng Crimée » nhằm
đưa chủ đề này ra quốc tế, phối hợp thương thảo để « đóng góp vào việc giải
tỏa tình trạng chiếm đóng » bán đảo. Hội nghị quốc tế đầu tiên hôm
23/08/2021 tập hợp 46 đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế, đã lên án vụ
sáp nhập bất hợp pháp này. Hội nghị thứ hai dự kiến đúng một năm sau, ngày
23/08/2022 trong bối cảnh căng thẳng cực độ, sáu tháng sau cuộc xâm lược, và
Crimée bắt đầu rơi vào cuộc chiến.
Trong bài
xã luận « Thách thức của Zelensky tại Crimée », Le Monde nhận
định không có gì lay chuyển được quyết tâm của tổng thống Volodymyr Zelensky,
dù bị kẻ xâm lăng hùng mạnh áp đặt một cuộc chiến tranh bất đối xứng từ nửa năm
qua. Hai vụ tấn công lần lượt mà Kiev không chính thức nhận trách nhiệm, đã viết
nên một phiên bản mới : cuộc xâm lược không phải bắt đầu từ ngày
24/02/2022 mà tận 8 năm trước, ngày 27/02/2014 khi Nga chiếm Crimée, và sau đó
hợp thức hóa bằng cuộc « trưng cầu dân ý » chưa bao giờ được Liên Hiệp
Quốc công nhận.
Khi cố gắng
đặt lại số phận Crimée trên bản đồ quân sự và lập ra « Hội đồng về giải tỏa
tình trạng chiếm đóng », Volodymyr Zelensky chứng tỏ sự táo bạo. Khi tuyên
bố hôm 09/08 « Cuộc chiến ở Ukraina bắt đầu từ Crimée và sẽ phải kết
thúc bằng việc giải phóng Crimée », ông đã đưa ra một lá bài mới.
Vladimir Putin một lần nữa phải tính đến sự bền bỉ của Kiev. Đã lỡ coi Crimée
là lằn ranh đỏ, Putin không có cách nào khác là phải lên tiếng nếu các cuộc tấn
công được cho là của Ukraina tiếp tục, và như vậy ông ta làm nổi rõ cuộc chiến
vốn muốn che giấu với dân chúng.
Tân binh Ukraina đầy nhiệt huyết trên các thao
trường Anh
Về mặt huấn
luyện quân sự, đặc phái viên Le Monde cho biết « Anh
quốc giúp đào tạo những tân binh do Kiev gởi đến ». Tờ báo mô tả
khung cảnh : những vụ nổ diễn ra bên phải một tòa nhà, những loạt đạn rền
vang. Các chiến sĩ lao vào, một người xem xét cửa vào có bị gài mìn hay không
trong lúc đồng đội bắn yểm trợ, người khác xông lên tầng trên…dưới sự giám sát
của huấn luyện viên, một thông dịch viên chạy tới lui để truyền các mệnh lệnh.
Cuộc tập luyện này diễn ra hôm 15/08 tại một căn cứ quân sự ở đông nam nước
Anh. Đây là ngày thứ tư và là ngày cuối cùng về cận chiến đô thị, trong khuôn
khổ cuộc huấn luyện quân sự vài tuần lễ.
Từ 2015,
khi bắt đầu xung đột ở Donbass, quân đội Anh đã đào tạo 22.000 quân nhân
Ukraina nhưng tại các căn cứ của Kiev. Sau khi Nga kéo quân sang hôm 24/02, những
căn cứ này trở nên nguy hiểm vì thường xuyên bị đánh bom nên Luân Đôn cho dời về
bốn căn cứ của Anh và huy động khoảng 1.000 quân nhân để trợ giúp. Các nước
khác như Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cũng gởi các huấn
luyện viên tăng cường.
Một người
phụ trách cho biết đó chỉ là những kỹ thuật căn bản để giúp tạo phản ứng theo bản
năng. Nhưng tất cả các huấn luyện viên đều rất ấn tượng trước tinh thần chiến đấu
của các tân binh Ukraina chưa từng cầm súng xuất thân từ đủ mọi giới, từ 18 đến
55 tuổi trong đó có rất nhiều phụ nữ. Họ thực sự muốn học hỏi, và buổi tối tự tập
lại những gì đã được dạy. Với lòng ái quốc mạnh mẽ, họ tin rằng Ukraina sẽ chiến
thắng, vấn đề chỉ là thời gian.
Chống đối Donald Trump, Liz Cheney thất bại nặng
nề
Bên cạnh
tình hình Crimée, sự kiện dân biểu Liz Cheney đại bại trước một ứng cử viên
thân Trump là đề tài được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay. Libération nhận
thấy « Chống lại Donald Trump, Liz Cheney thất bại ». Le
Figaro cho rằng « Bại trận nhưng Liz Cheney vẫn không
xuôi tay ». Tương tự với Le Monde « Thất cử, Liz
Cheney tiếp tục cuộc chiến chống Trump », còn Les Echos vẽ
nên chân dung con gái của cựu phó tổng thống Dick Cheney, nhân vật số 3 của đảng
Cộng Hòa.
Le
Figaro nhận định
thế là chỉ còn sót lại có 2 trong số 10 dân biểu Cộng Hòa ủng hộ truất phế
ông Donald Trump sau vụ xâm nhập vào điện Capitol hôm 06/01/2021. Libération đếm
ngược lại : đãcó 8 người hoặc bị đánh bại, hoặc rút lui khỏi chính trường,
2 người thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc nhờ cách chỉ định ứng viên của tiểu
bang họ, nhưng đều có nguy cơ thua cuộc trong kỳ bầu cử tháng 11. Donald Trump
đã trả được mối thù.
Dù đã dự
đoán trước, nhưng cái tát quả là đau điếng. Cho đến phút cuối, phe Cheney đặt
trọn hy vọng vào lá phiếu của những người Dân Chủ và độc lập, nhưng chiến dịch
gõ cửa từng nhà ở bang Wyoming vẫn không tạo được phép lạ. Đối thủ Harriet
Hageman được cựu tổng thống Trump ủng hộ đã bỏ xa Liz Cheney đến 37 điểm, ngay
tại lãnh địa mà bà đã ngự trị suốt 3 nhiệm kỳ và trước đó người cha Dick Cheney
cũng được tín nhiệm trong 10 năm. Le Monde ghi nhận, bà bị coi
là « con rối của Pelosi » do chấp nhận đề nghị của Nancy Pelosi – một
trong những khuôn mặt bị phe Cộng Hòa ghét nhất – giữ chức phó chủ tịch ủy ban
điều tra về vụ tấn công Capitol.
Liz Cheney
không cho biết sẽ ra tranh cử tổng thống năm 2024 hay không, nhưng cha bà không
giấu diếm ý định là bà sẽ « đi đến cùng để ngăn cản Donald
Trump tiến lại gần Phòng Bầu Dục ». Theo trang web Cowboy
State Daily ở Wyoming, Liz Cheney nhắm xa hơn, đến năm 2028, khi
Donald Trump chỉ còn là kỷ niệm. Tuy nhiên bà có nguy cơ khó thoát được cái
nhãn « kẻ phản bội », do sẵn sàng bầu lại cho Joe Biden thay vì ủng hộ
đảng của mình, và trở thành con số không trên chính trường như Donald Trump đã
« trù ẻo ».
Tàu « gián điệp » Trung Quốc quá cảnh
Sri Lanka : Ấn Độ không đọ nổi Bắc Kinh
Nhìn sang
châu Á, Le Monde chú ý đến việc « Quá cảnh gây
tranh cãi của một tàu ‘gián điệp’ Trung Quốc ở Sri Lanka ». Ấn Độ
và Hoa Kỳ đã gây áp lực để ngăn cản chiếc tàu « Viễn Vọng 5 » (Yuan Wang
5) và 2.000 thủy thủ của nó neo đậu ở cảng Hambantota, nhưng không thành công.
Báo chí Ấn
Độ dẫn lời các chuyên gia cho biết chiếc tàu thám sát dài 222 mét mà Bắc Kinh
nói rằng « không phải là tàu quân sự », thực ra được sử dụng để bổ
sung cho các trạm mặt đất theo dõi việc phóng vệ tinh, hỏa tiễn và hỏa tiễn đạn
đạo liên lục địa của quân đội Trung Quốc. Về địa chính trị, Hambatota nằm trên
tuyến đường nối Đông Nam Á với châu Phi và Đông Á. Cảng nước sâu này là thành
phần của Con đường tơ lụa mới, đồng thời là biểu tượng cho bẫy nợ Trung Quốc đã
làm Sri Lanka mất khả năng chi trả.
Sự kiện
trên đây là thất bại cho chính sách ngoại giao của Ấn Độ, tuy đã hào hiệp với đất
nước có tên cũ là Tích Lan từng là thuộc địa Anh, với nhiều món tín dụng. Đối với
Sri Lanka, bị kẹt giữa hai láng giềng khổng lồ, phải chiều theo Trung Quốc vì sợ
chủ nợ Bắc Kinh phá rối cuộc thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vay
món tiền mà nước này đang khẩn cấp cần đến.
No comments:
Post a Comment