Thursday, August 4, 2022

02 & 03/08/2022, NHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 160 và 161 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE (Phúc Lai GB)

 



02 & 03/08/2022, NHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 160 và 161 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE   

Phúc Lai GB

4-8-2022  07:22  

https://www.facebook.com/phuc.lai.07/posts/pfbid08jC1suo33VUeoKMN5hML2BZkXHqLQU3UAYgo1m9KnJTg72YqTtHQF8Eg7C7VRDwel

 

1. Ngày hôm qua chính ra Nga “đánh ác” – ý là tổ chức tấn công ở rất nhiều mũi khác nhau trên mặt trận Donbas. Chúng ta có thể liệt kê theo thông tin của BTTM Ukraine như sau:

 

• Hướng Kharkiv, chúng thực hiện một nỗ lực tấn công theo hướng Bayrak – Husarivka, lúc này các hành động thù địch vẫn tiếp diễn.

 

• Theo hướng Slovyansk, quân xâm lược cố gắng tiến theo hướng Dovgenke – Bogorodichne, nhưng đã bị đẩy lùi và phải rút lui.

 

• Trên hướng Kramatorsk, kẻ thù tổ chức một trận tấn công theo hướng Yaremivka – Dolyna nhưng không thành công và phải rút lui.

 

• Trên hướng Bakhmut, địch cố gắng cải thiện vị trí chiến thuật trên các hướng Streapivka – Soledar, Dolomite – Travneve, Vidrodzhenye – Vershina, Pokrovske – Bakhmut, Vasylivka – Yakovlivka, Semihir'ya – Vershina. Đối phương đã không thành công trong tất cả các hướng đã chỉ định và rút lui. Tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Novoluhanske - Kodem, các cuộc chiến tiếp tục.

 

• Trên hướng Avdiivska, địch tiến hành các đợt tấn công trên các hướng Lozove – Pisky và Vesele – Pisky nhưng không thành công, phải rút lui.

 

#Bình_loạn_của_Phúc_Lai: bản tin của BTTM Ukraine thì đưa tin quân Nga và li khai tấn công gần như đồng loạt trên nhiều hướng nhưng không hiểu sao các nguồn phương Tây vẫn nhận định là quân Nga gần như “nghỉ giải lao.” Nếu như ghép vào câu chuyện là những trận thắng rất lớn với thiệt hại vô cùng thê thảm cho quân Nga ở “phase 1” của cuộc chiến nay mới bị lộ ra, thì các bác sẽ thấy ngờ vực của tui là đúng.

 

Từ đầu cuộc chiến tranh, vì tiếp cận với một số nguồn thông tin không công khai khác mà tui luôn viết: thiệt hại của Nga mà Ukraine công bố, là có giảm bớt cả về số vụ lẫn con số, thậm chí có trận còn được đưa vào bí mật một thời gian.

 

Lý do của việc này có thể có những ý như: bảo vệ nguồn tin tình báo, ví dụ như trận thắng ở sân bay Hostomel, để cửa sau còn nói chuyện với Putin… Đồng thời từ hồi đó tui cũng luôn khẳng định rằng việc “tố” thiệt hại của đối phương lên nhiều hơn, chỉ có tay mơ về chính trị với quân sự mới làm, mà điển hình là xứ Tây Phi thời những năm 1960.

 

Quay lại với chiến trường, quân Nga đã cố gắng phản kích vào Husarivka vùng Kharkiv, vì nó có vị trí uy hiếp Izyum (đường chim bay 36km) và chắc chắn Bộ chỉ huy Nga nghi ngờ rằng ở đây có thể bố trí pháo binh tầm xa 777 hoặc HIMARS gì đó và đang “phang” vào hậu phương của cánh quân Nga ở nam Izyum.

 

Trên chiến trường Donbas, một lần nữa các nguồn tin khẳng định cái làng chỉ cách thành phố Donetsk có 2km, làng Pisky vẫn nằm trong tay quân Ukraine. Quân Nga và li khai đã nhiều lần tổ chức tấn công vào nó, hôm qua tay khủng bố Igor Girkin “Strelkov” còn bảo là chiếm được rồi, thế mà cuối cùng vẫn chưa. Hôm nay thì “cậu ta” tịt ngòi.

 

Trên hướng mặt trận phía Nam, quân Nga không tấn công mà chỉ bắn pháo, và mật độ cường độ cũng đã rất kém. Cái đầu cầu hôm trước quân Nga vẫn cố bắn pháo để thủ tiêu nó, nay đã được mở rộng và củng cố ra ít nhất là hai làng Andriivka và Lozovoye. Còn theo nguồn tin của tui thì đến hôm nay ở chỗ này quân Ukraine còn lấn ra được đến làng Blahodativka ở phía tây nam Andriivka (cần xác minh thêm).

 

Hôm qua thì ai cũng biết vì phương Tây đã xác nhận tin quân Ukraine chiếm được đến 46 làng phía bắc tỉnh Kherson, ép mạnh lực lượng Nga đóng ở đây về phía sông Dnipro.

 

2. TẠI SAO NGA ĐÃ THUA VÀ CHẮC CHẮN LÀ SẼ THUA – PHẦN BẢY: LỰC LƯỢNG THIẾT GIÁP NGA – TUY ĐÔNG ĐẢO NHƯNG DẦN TỤT HẬU – HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI

Hôm nào đó từ rất lâu rồi, tui đã viết một đoạn ngắn về vấn đề của xe tăng Nga là để bớt 1 người trong kíp lái, từ rất lâu họ đã thiết kế hệ thống nạp đạn tự động. Hồi đầu mù tịt không biết gì cứ nghĩ đó là một thứ công nghệ tân kỳ lắm, hơn hẳn bọn Tây, đặc biệt là nó đảm bảo tốc độ bắn bao nhiêu phát / phút đó.

 

Thực tiễn lại đang chứng minh điều ngược lại: ngay cả trong những trận đấu xe tăng cũng không cần đến tốc độ bắn quá nhanh, mà điều cần hơn là việc nhận biết sớm mục tiêu, ngắm bắn, bắn trúng mục tiêu và dẫn đạn đến mục tiêu một cách chính xác. Tư duy này đã được nhà quân sự, chỉ huy lỗi lạc của quân đội Xô-viết là Nguyên soái Liên Xô G.K.Zhukov xác định rõ và đề nghị công nghiệp quốc phòng đất nước theo hướng đó: nâng cao hiệu quả hỏa lực, giảm tốc độ bắn.

 

Về vũ khí cá nhân, ông đã khẳng định là việc giảm tốc độ bắn của các loại súng liên thanh giúp tăng hiệu quả xạ kích. Với các loại pháo, ông nhận xét là các loại pháo có cơ cấu giảm giật tốt sẽ ít phải hiệu chỉnh liên tục trong quá trình bắn và không phải lúc nào cũng phải bắn cấp tập, việc giảm tốc độ bắn cũng sẽ tăng sác xuất trúng đích của pháo binh. Cả hai trường hợp đều “giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống hậu cần.”

 

Những chuyện này chỉ để mở đầu cho một chuyện khác về công nghệ. Nạp đạn tự động không phải Tây họ không làm được, mà họ không làm, mà họ quan tâm đến cái khác. Trong khi đó, có cái Nga có thể làm được nhưng không làm, hoặc làm nhưng không hiệu quả…

 

Nếu bác nào lên mạng tìm các video về cái xe tăng Nga được khen ngợi xưng tụng nhiều nhất, là cái T-90 thì kể cả với đời mới nhất khi nó chạy và vào cua, vẫn “giật” đi một góc, rồi giật tiếp phát nữa, cứ thế nó chia cái vòng cua thành nhiều đường chém thẳng. Lý do của câu chuyện này là nó vẫn lái theo kiểu khi cua, dừng một bên xích. Người lái phải sử dụng cần lái cho hãm băng xích bên này lại trong khi bên kia vẫn quay. Kiểu này trong kỹ thuật người ta gọi là kiểu lái “phanh li hợp” (clutch breaking) mà những mẫu cuối cùng của nó được áp dụng trên các xe: T-34 của Liên Xô và Panzer III, Panzer IV của Đức. Công nghệ kiểu này làm cho xe tăng nếu vừa leo dốc vừa rẽ, nó sẽ hoàn toàn bị mất lực kéo một bên băng xích.

 

Đến kiểu xe tăng Tiger, người Đức áp dụng công nghệ “vi sai kép” cho phép xe tăng được lái bằng tay lái như ô tô, không phải bằng hai cái cần nữa. Các bác có thể xem video “Inside the Tiger Tank” này và cả ảnh đính kèm theo status này:

https://www.youtube.com/watch?v=Vmgd3KBIE0U

 

Mấu chốt của câu chuyện là hệ thống lái xe tăng kiểu “neutral steering” – tui không biết sang tiếng Việt là gì, có thể hiểu là “hệ thống lái trung tính” được chăng. Liên Xô đã cố gắng thiết kế các mẫu xe tăng có hệ thống lái “neutral steering” như các xe tăng IS-3, IS-4 đến IS-6… nhưng sau đó vì nhiều lý do, nên người ta không đi theo hướng đó nữa. Vậy những lý do đó là gì?

 

Thứ nhất, nó làm thay đổi toàn bộ hệ thống thiết kế và sản xuất, không chỉ khung gầm mà còn cả động cơ của xe.

 

Thứ hai, copy của nước ngoài thì có thể được, nhưng nó lại dẫn đến yêu cầu của độ bền. Công nghệ vật liệu của Nga vẫn còn là một ẩn số lớn… Các mẫu xe tăng được thiết kế theo công nghệ khác đi đó, có độ bền thử nghiệm hết sức tệ hại. Nga chỉ có thể làm được những công nghệ to hơn, thô hơn và đơn giản hơn để có thể đạt được độ bền “chấp nhận được.”

 

Thứ ba, yếu tố con người. Nga quen đánh nhau bằng sức người nên sẽ chấp nhận những công nghệ thấp, dẫn đến yêu cầu người lính phải có kỹ năng cao hơn. Trong trường hợp này, hoặc là người lính sẽ rất giỏi, hoặc chết ngay khi vừa ra đến chiến trường.

 

Tui chưa chui vào cái T-72 bao giờ, nhưng đã chui vào cả T-34 lẫn T-55, thì chúng vẫn là… cần lái như máy ủi đất, chẳng khác gì. Khi lên mạng thì thấy Tây nó xác nhận ngờ vực của tui với T-72 và T-90: hai cái này không sẵn sàng cho “neutral steering.” Đó cũng là lý do mà trong các cuộc duyệt binh xe tăng Nga nó cày đường nhựa lên, ngoài việc xích không bọc cao su, thì còn lý do nữa rất đơn giản vì nó không thể vẽ ra được một bán kính cua êm mượt như ô tô.

 

Và đó cũng là lý do tại sao, mà trong các cuộc thi “Tank games” hàng năm do Nga tổ chức (các đội tham gia toàn những nước phụ thuộc vũ khí của ông í cả) thì đội Trung Quốc lại dùng Type-96 – là để nó tương đương với các xe tăng T-72 của các đội khác. Xin lưu ý là Type-99 đã thiết kế tay lái kiểu vô lăng ô tô rồi, đâu như transmission của nó là hệ thống C-1000 gì đó. Thông tin Type-96 lấy bên nhà cụ Kim Van Chinh, mà cụ ấy gọi đây là một trò hề.

 

Chuyện không hề dông dài: trừ những mẫu không thành công như mấy cái Iossif Stalin trên đây, thì Nga mãi trung thành với “cặp cần lái,” tất nhiên là trên các xe tăng đời mới thì có trợ lực bằng điện. Sự “trung thành” này được đáp ứng bằng một sự trung thành vô bờ bến của DLV Tây Phi: khen nức nở là hệ thống nó đơn giản, dễ sửa chữa “có thể sửa chữa ngay ở chiến trường” “Đồ Mỹ chính xác quá nên khó tính dễ hỏng hóc…” Không hiểu tại sao người ta có thể tin vào những huyền thoại đến mức phi lý như thế.

 

Đến nay khi đã có tuổi, tui chưa thấy thiết bị nào với độ chính xác cao lại dễ lăn quay, dễ hóc, dễ chờn… mà chỉ có những thứ rơ tành ngoạch thì mới dễ hỏng. Tui còn nhớ cái bộ demareur đạp chân của xe GaZ ngày xưa, nó có cái bánh răng ở trên cổ rô to, cứ đạp pê đan là vừa tiếp điện cho động cơ quay, vừa đẩy bánh răng vừa quay, vừa tịnh tiến lên trên để tiếp vào bánh răng nhận động lực của động cơ. Cái của nợ này, không bao giờ được làm khít vì khít vớ vẩn khi ăn khớp vào nhau nó va vỡ tan ra ngay, nhưng rơ thì cũng chẳng ra hồn gì vì độ rơ của chúng quá lớn, khi ăn vào nhau vẫn tiềm tàng khả năng lệch và vừa chóng mòn, vừa dễ vỡ. Hồi nhà buôn phụ tùng, tui có nghề tháo cái của nợ này ra thay bánh răng, nhắm mắt cũng tháo được, vừa làm vừa nghĩ mới phát hiện ra: do công nghệ luyện kim và vật liệu của Nga quá kém, trình độ cơ khí chính xác cũng hết sức lộ cộ, nên cứ phải cố vừa đơn giản, vừa rơ tành ngoạch như vậy.

 

Xe tăng Nga cũng thế thôi. Bây giờ thì đảm bảo cả Type-96 của Trung Quốc nó cũng vượt xa T-90 của Nga. Hôm nọ nghe tin Ba Lan mua của Hàn Quốc 1000 cái K2 mà choáng. Lên mạng xem thử cái sản phẩm của Hyundai này, thì quả là một bước tiến đáng gờm của công nghiệp xứ Kim Chi. Người ta mệnh danh nó với Type-99 tranh nhau ngôi vị nhất – nhì Châu Á và Đông Á, cũng phải. Tui thì cho rằng K2 trội hơn Type-99 về công nghệ, vì một lý do.

Vì xuất phát điểm của nó khác với của Type-99, sản phẩm Trung Quốc dù sao vẫn là phát triển lên từ Type-98 và các đời trước mà mô đi phê đi, cần thì làm to lên chỗ này chỗ kia cho đủ chỗ. Trong khi đó K2 thì xuất phát điểm có cơ sở là xe tăng phương Tây. Vậy, lại liên quan gì đến câu chuyện của chúng ta?

 

Vì lái xe bằng vô lăng thì đảm bảo tính cơ động của xe cao hơn nhiều. Còn về độ êm mượt thì nó đỡ tàn phá đường sá hơn, đỡ gây gánh nặng cho hạ tầng hơn.

 

Sau rất nhiều cố gắng, Nga cũng cho ra một cái xe tăng mới, mà lại cái bọn báo chí thổ tả và DLV Tây Phi cố hùa theo để khen rằng đó là một cuộc cách mạng trong thiết kế xe tăng. Thú thực ngoài cái tháp pháo không có người ở trong, tui chẳng thấy nó có cái gì là cách mạng cả, nhất là về công nghệ. Sao tui nói thế? – vì bây giờ nó mới có hệ thống lái dùng vô-lăng, trong khi Leopard từ thập niên 1960, còn Abrams cũng chỉ sau đó một chút. Điều quan trọng là ngay cả những thứ như “neutral steering” thì Tây người ta cũng dần bỏ, mà dùng một hệ thống khác…

 

Bác nào là dân kỹ thuật chắc chắn thạo hơn tui về cái này: hộp số biến mô – hay “torque converter” trên ô tô, có từ 80 đời. Để hình dung ta cứ tưởng tượng có hai cái quạt đối diện nhau, một cái thổi còn cái kia nhận gió và quay theo. Trên xe tăng, hệ thống truyền động (transmission) của nó là một đống mấy cái biến mô như thế, lại thêm bao nhiêu là động cơ sẹc-vô sẹc-viếc rất ghê, và nó được tác động điều khiển bằng hệ thống computer, cái vô lăng để lái chỉ là một phần rất nhỏ thôi. Chẳng cần thứ này, chỉ cần xem cái Leopard đời 196-mấy có lần tui xem ở Singapore thấy cần số nó bé tí như đồ chơi trẻ con, đã đủ thấy tư duy của người ta khác hẳn rồi. Tui không cho rằng đồ của Tây phải hơn của Nga, thực ra cái xe tăng vũ khí giết người nào cũng không xứng đáng được ca ngợi, điều tui muốn nói rằng công nghệ của thế giới nó đã tiến rất xa, trong khi cái anh “cây xăng của khu vực” thì chỉ tài bốc phét với đem những thổ tả cỗ lỗ ra dọa.

 

Dưới đây là ví dụ một bộ truyền động của hãng RENK (Đức) “HSWL-295” dùng cho xe tăng có động cơ công suất cỡ 1.000kW, được ứng dụng trên các mẫu:

 

+ Xe tăng chiến đấu chủ lực “Leclerc Tropicalisé” (56t, UAE)

+ Xe tăng chiến đấu chủ lực “Leclerc Tropicalisé” (56t, Qatar)

+ Xe cứu kéo sửa chữa bọc thép “Leclerc REC” (59t, Pháp)

+ Xe tăng chiến đấu chủ lực “Challenger 2E (63t, sản phẩm thử nghiệm)

+ Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 “Abrams” (63t, sản phẩm thử nghiệm)

+ Xe tăng chiến đấu chủ lực “Leopard 2” (63t, sản phẩm thử nghiệm)

 

Câu chuyện ở đây là cái thứ hệ thống truyền động này, chính là chìa khóa của việc làm ra một cái xe tăng như Abrams và cả… Armata T-14 của Nga, và Nga thì… không làm được nó. Thực tế, nếu phát triển một hệ thống của riêng mình, Nga có thể làm được… 1 bộ mẫu và chấm hết. Còn nếu để xây dựng một trung đoàn, một lữ đoàn, một sư đoàn xe tăng, thì tội gì mà đi sản xuất chế tạo cho nó mệt, sao không đến Cadivi mà mua?

 

Thế là, thông qua một công ty có trụ sở ở Mátxcơva, một số hệ thống truyền động đã được chuyển từ Đức về đủ để trang bị cho khoảng vài chục chiếc T-14. Với vụ nổ ra chiến tranh và liên tiếp các lệnh cấm vận, trừng phạt… thì khả năng mua được tiếp những bộ truyền động này, là bất khả thi. Vì thế nếu các lệnh trừng phạt đối với Nga nhất là về công nghệ liên quan đến công nghiệp quốc phòng không được dỡ bỏ, thì Nga cũng sẽ còn kẹt lâu với T-90.

 

Quay lại với cuộc chiến: ngay cả với T-90, Nga không còn đủ sức để sản xuất mới ra nó nữa, mà chỉ có thể sửa chữa những chiếc bị hư hỏng trên chiến trường với những trang thiết bị tối thiểu theo tiêu chuẩn của những năm 1980 của thế kỷ trước. Đó cũng là lý do mà nếu cuộc chiến này còn kéo dài, thì họ sẽ còn phải lôi trong kho ra những loại xe tăng cũ hơn nữa để cho ra đánh nhau.

 

Quân đội thứ hai thế giới đấy các bác ạ.

 

#Tại_sao_Nga_đã_thua_và_chắc_chắn_là_sẽ_thua

 

3. #Đoán_mò:

 

Theo các nguồn tin bạn bè Facebook viết thì Nga đã kéo về Kherson khoảng 30 BTG. Chưa có thời gian để xác minh thông tin này, nhưng tui tin là điều đó có cơ sở. Tuy nhiên chúng ta cần hình dung một số ý như thế này:

 

• Do cầu đường bộ và cầu đường sắt vào thành phố Kherson đã bị phá và tương lai nếu có sửa còn bị phá nữa, mà Nga không có biện pháp khả dĩ nào để bảo vệ chúng, nên việc tiếp tế cho khu vực xung quanh thành phố Kherson, chắc chắn sẽ phụ thuộc cầu phao và phà dài dài.

 

• Toàn bộ vùng hữu ngạn sông Dnipro xung quanh thành phố Kherson lên phía bắc đang bị Nga chiếm giữ, chỉ còn được “nuôi” bằng tuyến đường P47 qua đập thủy điện Kakhovka, từ Nova Kakhovka là “tổng kho” của Nga đến thành phố Kherson là 77km.

 

• Cũng vì lý do này, mà quân Nga ở vùng hữu ngạn còn rút bớt về bên tả ngạn. Như vậy là nếu họ có kéo quân về (mà thông tin là từ nam Izyum và cả vùng Zaporozhzhia) về thì cũng sẽ tập trung ở vùng tả ngạn sông nối liền với Crimea.

 

Như vậy chúng ta lại có căn cứ để nhận thấy rằng, Bộ chỉ huy Nga có ý đồ cố thủ ở bờ trái sông Dnipro, cố gắng giữ vững hành lang trên bộ nối Donbas và Crimea. Khả năng cao là chính họ cũng xác định rằng phần hữu ngạn Dnipro xung quanh thành phố Kherson, sẽ không giữ được. Nếu quân Ukraine tiếp tục bức rút, đánh lấn và triệt phá hậu cần như những ngày qua, thì việc họ (quân Nga) buộc phải rút về bờ trái sông không có gì là phi logic. Đập thủy điện sẽ được để lại cho quân Nga rút, nhưng dần dần tính bức rút sẽ phải cao hơn.

 

Một câu hỏi được đặt ra là liệu Nga có tổ chức phản công để lấy lại vùng mấy chục làng đã mất ở bắc tỉnh Kherson hay không? Làm như vậy thì quá liều lĩnh, vì sẽ phải tập trung quân kéo qua đập thủy điện trong tầm pháo của Ukraine. Chưa cần đánh nhau, chỉ cần nện HIMARS vào cái “Ngã ba Đồng Lộc” giao hai con đường P47 với T2210 chỗ mấy thị trấn giao nhau Nova Kakhovka, Tarivsk và Plodove, là quá đủ rồi. Một kế hoạch tấn công như vậy trong khi không đảm bảo hậu phương, thì quả thực không ai dám tưởng tượng ra hậu quả. Ấy mà có khi vào tay người Nga thì họ vẫn cứ làm.

 

Trong quá trình chuẩn bị này, chúng ta biết được quân Nga vẫn tiếp tục dồn tiền đặt cửa, bằng cách kéo thêm nhiều vũ khí khí tài, đặc biệt là vẫn còn pháo binh để đưa đến mặt trận. Theo tui thì họ càng kéo đến lại càng tốt vì lúc này thế trận đã rõ: trọng tâm của trận đánh nằm trong vấn đề hậu cần. Nhiều pháo, nhiều quân mà không cấp được đủ đạn và gạo thì cũng chẳng nghĩa lý gì. Trong một diễn biến khác vào thời gian cách đây khoảng hơn 1 tuần, Nga vẫn cố tổ chức 1 cuộc tập trận ở Viễn Đông, nhưng giới quan sát cho biết là lực lượng đã rất lèo tèo.

 

Tui thì nghĩ rằng, quân Ukraine cũng sẽ chỉ đủ sức đến cỡ lấy lại vùng hữu ngạn sông khu vực xung quanh thành phố Kherson, rồi biến con sông thành giới tuyến tự nhiên. Trong quá trình đó, họ vẫn phải tiếp tục hối thúc để có thêm vũ khí mới, trong đó có cả các loại tên lửa tầm xa hơn – loại 300km. Khi đó, họ sẽ kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea, trong đó có cả cái cầu Kerch.

 

Ý tưởng trước đây của tui trong việc tiến ra bờ biển Azov, tạm thời chưa dám nghĩ đến, nó sẽ chỉ có thể thành hiện thực ở giai đoạn sau này nữa, chứ hiện nay thì chưa. Căn cứ tình trạng cả hai bên, thì kể cả từ nay đến cuối năm, Ukraine cũng vẫn sẽ thi hành chiến thuật đánh lấn dần kết hợp với triệt phá hậu cần. Trong tình trạng đó, quân Nga cũng sẽ không tiến được mấy ở Donbas, thậm chì còn phải lùi ở nam Izyum, bắc Kharkiv và mặt trận phía Nam. Hai bên sẽ ở thế giằng co.

 

Ukraine thì đương nhiên sẽ có thêm các loại vũ khí mới, dần dần làm chủ bầu trời và thậm chí có cả máy bay chiến đấu mới để tiến tới hoàn toàn chiếm lĩnh không phận. Tui không cho rằng với tình hình của xe tăng như trên đây, Nga có thể phục hồi được khả năng của không lực, mà cứ giữ được như hiện nay cũng là tốt lắm rồi. Khi mà phải “bàn giao” lại bầu trời cho đối phương, cũng là lúc chính thức thua.

 

Phụ thuộc vào tiến độ phát triển chất lượng lực lượng vũ trang với những trang bị vũ khí mới, mà tình hình chiến trường sẽ tiếp tục thay đổi giống như tháng vừa qua chúng ta đã chứng kiến rất nhiều thay đổi có lợi hẳn cho Ukraine. Một số chuyên gia phương Tây đánh giá là những vũ khí đó không đủ để Ukraine thắng trận – không hẳn thế. Hiện nay chúng đã làm thay đổi hẳn tính chất của cuộc chiến, bằng cách đem lại một sự thay đổi về CHẤT, vào tay quân Ukraine đem lại một cách đánh mới hết sức sáng tạo và hiệu quả. Bên kia, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của quân đội Nga, và cuối cùng họ đành phải chiến thắng bằng những copy hết sức… sáng tạo: Ukraine công bố diệt cái gì, thì ta cũng công bố diệt cái tương tự. Mình mất đoàn tàu hỏa thì mình cũng cho nó mất theo một đoàn.

 

Đến khi bị Ukraine tiếp tục phá cho đến khi tinh thần quân sĩ xuống đến mức cùng cực, có bao nhiêu hậu cần mang ra bị đốt phá gần hết, thì không muốn rút cũng phải rút. Lúc đó để rút yên ổn mà người ta không đánh và quấy, chỉ có thể là “xin người ta cho rút mới rút được.” Lúc đó hai bên mới ngồi vào bàn đàm phán với nhau. Ở Donbas, Nga phải rút về sau giới tuyến trước ngày 24/2, ở Crimea giữ nguyên tình trạng đó và để 15 năm nữa nói chuyện tiếp. Toàn bộ tỉnh Kharkiv phải rút hết, trả lại đất cho Ukraine. Putox không được gì, chỉ âm mấy chục nghìn lính, mấy nghìn xe tăng, mấy trăm máy bay và lãi mấy nghìn cái lệnh trừng phạt. Tất cả trong tính toán của Putox hết.

 

Những động thái của Putox với ông Gerhard Schröder cho thấy “người hùng” cũng mót đàm phán lắm rồi, khổ cái Ukraine họ cứ căng lên không cho đàm. Ý là “chưa đủ ngấu.”

 

Tin của BTTM Ukraine viết:

 

• Quân xâm lược Nga đang chịu thương vong, mất tinh thần và tìm mọi cơ hội để bị thương nhẹ. Để quay trở lại lãnh thổ Liên bang Nga, họ phải dùng đến phương pháp tự cắt xẻo và các biện pháp khác mong có thể chứng minh tình trạng sức khỏe kém.

 

• Máy bay chiến đấu của chúng ta tiếp tục tuần tra không phận Ukraine, và máy bay tấn công của ta đã hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị trong các khu vực hoạt động được chỉ định mà không bị tổn thất.

 

Tháng Tám này lại có nhiều biến chuyển nữa, và tháng Chín thì chắc là mọi thứ sẽ rõ lắm.

 

Bản tin chiến sự của BTTM các lực lượng vũ trang Ukraine tại đây:

https://www.facebook.com/thelastvagabond/posts/pfbid0AM7PeyE7bwwMKX3pu66Y2294ptajTPAZmcMfZuEm9fHy3bkprrGnUkccGX1p3zUVl

#Nga_xâm_lược_Ukraine

 

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=727510155003711&set=pcb.727510345003692

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=727510168337043&set=pcb.727510345003692

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=727510161670377&set=pcb.727510345003692

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=727510208337039&set=pcb.727510345003692

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=727510235003703&set=pcb.727510345003692

 

.

237 BÌNH LUẬN   

 





No comments: