Monday, November 15, 2021

VÌ SAO GIÁO DỤC VIỆT NAM LẠI CÓ NHỮNG HIỆU TRƯỞNG LỘNG QUYỀN NHƯ VẬY? (RFA)

 


Vì sao giáo dục Việt Nam lại có những hiệu trưởng lộng quyền như vậy?

RFA
2021-11-15

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-vietnamese-education-have-such-abusive-principals-11152021130319.html

 

Một hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông tại TPHCM mới đây bị tố cáo lộng quyền, làm danh sách hiệu trưởng bị tố cáo tiêu cực tại Việt Nam thêm dài. Vì sao giáo dục Việt Nam lại có những hiệu trưởng lộng quyền như vậy?

 

Bà Nguyễn Thị Nha Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Lộc ở phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TPHCM bị giáo viên tố cáo có nhiều hành vi sai phạm trong công tác quản lý nhà trường.

 

Cụ thể, bà Trang tự ý đưa vào tiêu chí đánh giá để trừ điểm nếu giáo viên không “thả tim” trên nhóm Zalo của trường mỗi khi nhà trường đăng thông báo. Có giáo viên bị trừ 25 điểm thi đua do không “thả tim” 25 lần khi nhà trường đăng văn bản vào nhóm Zalo.

 

Ban giám hiệu nhà trường quy kết vào lỗi không thả tim là lỗi đọc văn bản. Theo các giáo viên, tiêu chí vô lý này không thông qua Hội đồng sư phạm trường và trong bảng tiêu chí đánh giá cũng không có mục nào quy định.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, một chuyên gia về ngôn ngữ học, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 11 năm 2021, nhận định:

 

“Cái đó nó xảy ra ở các trường phổ thông, còn trường đại học thì hiệu trưởng không thể đến mức làm như vậy, vì cơ chế trường đại học khác. Nhưng mà trường phổ thông quả nhiên xảy ra chuyện đó, cơ chế bây giờ ban cho hiệu trưởng có quá nhiều quyền lực, mà nó không có cơ chế để mà cân bằng quyền lực của hiệu trưởng. Những cái bề ngoài có thể cân bằng được thì thật ra nó chỉ là hình thức thôi, nó không đủ mạnh. Ví dụ như trường nào cũng có công đoàn, nhưng ai cũng biết ở phương Tây thì công đoàn là tổ chức đủ mạnh để người ta phải sợ, nếu công đoàn thật sự đứng về phía người lao động. Thì không có cách gì một ông hiệu trưởng có thể làm một chuyện bậy bạ như thế mà không chịu hậu quả cả?”

 

Tuy nhiên theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, ở Việt Nam thì công đoàn hầu như không có một tiếng nói gì có thể đối trọng với quyền lực của hiệu trưởng. Ông nói tiếp:

 

“Công đoàn chỉ là một ví dụ thôi, nói như thế để thấy rằng hiệu trưởng có quá nhiều quyền lực... Và một khi không có sự khống chế, thì cuối cùng chỉ là cầu trời khấn phật, cho ông hiệu trưởng là người tử tế. Còn nếu ông không tử tế trong một cái ngưỡng nào đó, thì giáo viên phải chịu đựng. Còn quá ngưỡng, ổng làm gì quá đáng lắm, mới có khả năng bị thay thế, cái đó là cái dở của cách tổ chức hiện nay.”

 

Thời gian gần đây, nhiều hiệu trưởng tại các trường ở Việt Nam bị phát hiện có tiêu cực, lộng quyền... Đơn cử như vụ Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Cần Thơ cùng 2 đồng phạm đã bị bắt hồi tháng 11/2020 vì đã cấu kết cấp khống chứng chỉ của trường này cho nhiều người.

 

Hay vụ Công an tỉnh Tuyên Quang ngày 19/2/2021 quyết định khởi tố và bắt tạm giam trong thời gian ba tháng một hiệu trưởng trường tiểu học và trung học vì chiếm đoạt tiền bảo hiểm của học sinh và giáo viên.

 

Mới nhất là vụ Cơ quan Điều tra thuộc Công an tỉnh Kiên Giang ngày 25/5/2021 đã quyết định khởi tố và bắt tạm giam bốn tháng bà Trần Thị Liên -Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để điều tra về tội “Tham ô tài sản”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-vietnamese-education-have-such-abusive-principals-11152021130319.html/000_1pi555.jpg/@@images/471813cc-97f5-4d8f-8796-2d6d0aedb014.jpeg

Ảnh minh họa chụp tại một trường học ở Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

 

Thầy Đỗ Việt Khoa, người từng nhiều lần lên tiếng chống tiêu cực trong ngành giáo dục, hiện đang giảng dạy tại Trường Trung học Phổ thông Thường Tín, Hà Nội, khi trả lời RFA hôm 15/11, nhận định:

 

“Chuyện như vậy xảy ra rất nhiều, ở nhiều trường chứ không riêng gì một trường đâu. Hiệu trưởng giống như một vua con trong một cơ quan, chính quyền cho hiệu trưởng quyền vừa làm hiệu trưởng vừa làm bí thư, quyền sinh sát trong trường. Và thông thường, nếu hiệu trưởng làm sai thì các cấp chính quyền bao che luôn, rất khó xử lý. Cho nên trong trường hiệu trưởng còn vẻ ra nhiều luật lệ, nhiều nơi đẻ ra luật rừng rất phản giáo dục, như trường THPT Vĩnh Lộc ở TPHCM, bắt giáo viên ‘thả tim’... giáo viên không nghe thì trù dập. Hay là những trường khác còn bắt giáo viên làm nhiều trò ngoài quy định, vẽ ra đủ loại sổ sách, trong khi Bộ giáo dục cấm... Hay trường Vân Tảo tôi dạy trước đây còn không cho chúng tôi chụp ảnh ngày 20/11... rất là nhiều luật rừng.”

 

Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo dục Việt Nam hiện nay phát hiện nhiều cái xấu, khi mà hiệu trưởng chuyên quyền, làm vua một xứ...

 

Không chỉ cấp lãnh đạo nhà trường lộng quyền, sai phạm, tham ô... Lãnh đạo ngành giáo dục ở cấp tỉnh thành phố cũng có nhiều sai phạm. Vào ngày 15/11/2021, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã ban hành kết luận đối với Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - Nguyễn Văn Kiên vì nhiều vi phạm liên quan đến công tác điều hành ngân sách giáo dục trên địa bàn tỉnh. Với số tiền sai phạm trong hai năm 2019 -2020 lên đến nhiều tỷ đồng.

 

Hay mới đây là những dấu hiệu ‘bất thường’ gây bất bình, khiến dư luận yêu cầu tiến hành một cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện đối với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. Liên quan việc Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này ký văn bản gửi các trường học giới thiệu ba doanh nghiệp tư vấn sửa chữa trường học, được cho là ‘đối tác tin cậy của Sở’.

 

Thầy Đỗ Việt Khoa cho biết thêm:

 

“Không riêng gì ngành giáo dục, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước đều như vua một xứ. Hàng chục năm nay người ta gần như tiêu diệt bất kỳ ai, bất kỳ văn bản nào có chữ dân chủ, không còn ai dám đả động đến nửa câu dân chủ. Nếu như trước đây 20 năm có những chỉ thị phải thực hiện dân chủ cơ sở thì hiện nay bị tiêu diệt sạch. Đó là tình trạng chung, nhưng theo quan điểm của tôi thì ngành giáo dục phải khác. Ngành giáo dục ‘dạy người’ thì trước hết phải ‘dạy mình’... đó là giáo dục phải mang tính nhân bản, vì con người, phải trung thực thẳng thắng...”

 

Nhưng rất tiếc, theo Thầy Đỗ Việt Khoa, những điều như Thầy vừa nêu thì giáo dục Việt Nam không có, khi mà có nhiều trường, hiệu trưởng nói dối là cả trường nói dối. Rồi lãnh đạo sở giáo dục cũng nói dối, thanh tra đến thanh tra thì 10 việc đúng cả 10 nhưng thanh tra lật lọng trắng đen.

 

Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, đồng thời là sáng lập viên và điều phối viên chương trình cao học Bỉ & Việt, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng:

 

“Nền giáo dục Việt Nam không phải chỉ lạc hậu mà còn lạc đường. Vì lạc đường nên nó loay hoay mãi không có lối ra. Mình sai thì còn có thể sửa chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.”

 

Giáo Sư, Tiến Sĩ Nguyễn Đăng Hưng cho rằng, cái lạc đường của Việt Nam là do không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo ý nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo.

 

 

---------------------------------------------

 

Tin, bài liên quan

·         Có nên đưa ‘dạy thêm’ vào mục kinh doanh có điều kiện?

·         Thấy gì qua việc thầy giáo xin thôi việc vì môi trường 'phi giáo dục, dối trá'?

·         Hàng triệu học sinh cần hỗ trợ để học trực tuyến

·         Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Điện Biên và 5 người liên quan bị bắt

·         Sách Giáo khoa mới và đường hướng dạy người khi nào tương thích?

·         Có nên dạy khởi nghiệp cho học sinh tiểu học?

·         Sở Giáo dục & Đào tạo Thanh Hóa lên tiếng về hai sai phạm trong ngành

·         Nữ sinh cấp hai đánh nhau: sự ‘tan rã’ về đạo đức!

·         Quảng Ninh: Bắt giam cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng hàng chục người liên quan vi phạm đấu thầu

·         Hô hào ‘học thật, thi thật, nhân tài thật’ khi không thể nói thật?





No comments: