Thursday, November 25, 2021

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH ĐẾN NHẬT : VIỆT NAM KÝ THỎA THUẬN HÀNG TỶ ĐÔ LA và NHẬN THÊM 1,5 TRIỆU LIỀU VACCINE (VOA Tiếng Việt)

 


Thủ tướng Chính đến Nhật : VN ký thỏa thuận hàng tỷ đô la và nhận thêm 1,5 triệu liều vaccine

VOA Tiếng Việt

25/11/2021

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ch%C3%ADnh-%C4%91%E1%BA%BFn-nh%E1%BA%ADt-vn-k%C3%BD-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-h%C3%A0ng-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-la-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADn-th%C3%AAm-1-5-tri%E1%BB%87u-li%E1%BB%81u-vaccine/6327757.html

 

 

https://gdb.voanews.com/62326C88-CD68-436D-BD75-88CE7FE8E099_w650_r1_s.jpg

Ông Chính là vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tiếp từ khi ông đắc cử thủ tướng

 

Việt Nam đã ký kết các văn bản hợp tác trị giá hàng tỷ đô la với Nhật Bản và được Tokyo viện trợ thêm 1,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong khuôn khổ chuyến công du Nhật bốn ngày của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

 

Tại Tokyo, ông Chính đã được người đồng cấp Nhật Kishida Fumio gọi là ‘người bạn thân thiết lâu năm’, truyền thông trong nước đưa tin. Thủ tướng Việt Nam là vị khách quốc tế đầu tiên mà ông Fumio tiếp sau khi đắc cử thủ tướng và thành lập nội các mới sau kỳ bầu cử vừa qua.

 

Nhật hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức, tức ODA, lớn nhất của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác thương mại lớn thứ tư và là nước có số lượng du khách đến Việt Nam nhiều thứ ba. Tokyo cũng là nước ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ trong các tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc.

 

Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, Nhật là nước viện trợ vaccine cho Việt Nam nhiều thứ hai sau Mỹ với tổng cộng 5,6 triệu liều cho đến nay.

 

Cho vaccine ngay

 

Phát biểu trước báo giới tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Nhật Bản quyết định hỗ trợ thêm 1.540.000 liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam và số vaccine này sẽ đi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trên chuyên cơ về nước.

 

Ông Kishida cũng cam kết mở rộng đầu tư của Nhật tại Việt Nam và ‘muốn Việt Nam trở thành trung tâm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch’, theo tường thuật của Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

 

Hai nước cũng nhất trí thúc đẩy thực hiện hai hiệp định thương mại tự do mà hai nước cùng là thành viên như hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

 

Sau hội đàm giữa hai vị thủ tướng, hai nước đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có việc Nhật tiếp tục cho Việt Nam vay để thực hiện dự án cải thiện môi trường nước các kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch hợp tác để giúp Việt Nam tiến tới nền kinh tế trung hòa carbon như ông Chính đã hứa ở hội nghị COP26, hợp tác an ninh mạng giữa Bộ Quốc phòng hai nước…

 

Ông Chính cho biết ông và Thủ tướng Fumio thống nhất về việc mở lại đường bay thẳng giữa hai nước. Dự kiến sang tháng 12, Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa lại các đường bay quốc tế, trong đó có đường bay đến Nhật.

 

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản vào sáng 25/11, ông Chính đã chứng kiến các văn văn kiện hợp tác trị giá hàng tỷ đô la được trao đổi, cũng theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Trong đó có thỏa thuận hợp tác đầu tư nhà máy điện Long Sơn 1,75 tỷ đô la, dự án chăn nuôi, chế biến, phân phối bò thịt tại Vĩnh Phúc 500 triệu đô la, thỏa thuận hợp tác phát triển khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) 250 triệu đô la, tập đoàn siêu thị AEON Mall mở siêu thị trị giá 170 triệu đô la tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

 

Quan ngại về Biển Đông

 

Phía Nhật nói Việt Nam có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi Việt Nam hoan nghênh Nhật đóng vai trò lớn hơn nữa trên các vấn đề trong khu vực.

 

Về Biển Đông, hai thủ tướng khẳng định phải ‘duy trì tự do và rộng mở trên biển, tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)’. Hai ông cũng bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông cũng như những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng’ nhưng không đề cập cụ thể nước nào và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho ra đời một Bộ Quy tắc ứng xử (tức COC) cho các vấn đề trên Biển Đông.

 

Ông Kishida giải thích với ông Chính về lập trường của Nhật Bản về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do. Ông nhấn mạnh trật tự quốc tế phải dựa trên luật pháp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật, ông Chính cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Suga Yoshihide. Mối quan hệ Việt-Nhật hiện được đặt trong khuôn khổ ‘Đối tác chiến lược sâu rộng’.

.

============================

.

.

Lãnh đạo Nhật Bản Việt Nam quan ngại « sâu sắc » về tình hình Biển Đông

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 25/11/2021 - 10:45

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20211125-nh%E1%BA%ADt-vi%E1%BB%87t-quan-ng%E1%BA%A1i-s%C3%A2u-s%E1%BA%AFc-v%E1%BB%81-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

 

Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản, hôm qua, 24/11/2021, lãnh đạo Nhật Bản và Việt Nam đã đồng thuận gia tăng hợp tác an ninh giữa hai nước, đồng thời cùng bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc tại các vùng biển khu vực, trong đó có Biển Đông.

 

https://s.rfi.fr/media/display/33fa6412-4dcf-11ec-a1c6-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP21328421982422.webp

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida (P) và thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước khi hội đàm tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24/11/2021. © AP Photo/Koji Sasahara

 

Theo hãng tin Kyodo, theo tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida « đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông, về những nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng ».

 

Hai vị lãnh đạo chủ trương « giải quyết hòa bình  các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế ». Thủ tướng của hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của « một trật tự tự do và rộng mở dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế ».

 

Thủ tướng Kishida Fumio thông báo Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, bao gồm việc cử chuyên gia, chủ yếu từ Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản, tới hỗ trợ Việt Nam trong công tác chuẩn bị tham gia các hoạt động giữ gìn hòa bình.

 

Tuyên bố chung cũng cho biết Hà Nội và Tokyo sẽ « đẩy mạnh tham vấn » về việc chuyển giao các trang thiết bị cụ thể, bao gồm tàu hải quân và các trang thiết bị liên quan theo « Thoả thuận hợp tác chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng giữa hai nước », được ký vào tháng 9 vừa qua.

 

Về mặt y tế, thủ tướng Kishida Fumio thông báo chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ bổ sung 1,5 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 Việt Nam.

 

Trong khi đó, theo tờ Nikkei Asia, hôm nay, ngày cuối cùng của chuyến công du Nhật Bản, thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ nhân quyền nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Ông Phạm Minh Chính đưa ra cam kết nói trên tại một sự kiện do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tổ chức tại Tokyo.

 

Nikkei Asia nhắc lại nhân quyền và các vấn đề xã hội ngày càng được xem là những yếu tố quan trọng đối với các tập đoàn quốc tế đang tìm cách thiết lập các chuỗi cung ứng. Chẳng hạn như nhiều nhà sản xuất hàng dệt may đã ngưng nhập sợi từ vùng Tân Cương của Trung Quốc do những cáo buộc về vi phạm nhân quyền tại đây.

 

Phát biểu với giới doanh nghiệp Nhật Bản, thủ tướng Việt Nam còn cam kết sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và chống tham nhũng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Theo báo chí Việt Nam, trong chuyến thăm 4 ngày, ông Phạm Minh Chính cũng đã kêu gọi các công ty Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng sạch và vào việc xây dựng một nền kinh tế số ở Việt Nam.

 

----------------------------

 

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Tại Việt Nam, thủ tướng Nhật lên án « các hoạt động bất hợp pháp » ở Biển Đông

 

VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Việt Nam, Nhật Bản đạt thỏa thuận về chuyển giao công nghệ quốc phòng

 

TẠP CHÍ VIỆT NAM

Vac-xin và chiến lược duy trì ảnh hưởng của Nhật Bản với Việt Nam

 





No comments: