Tuesday, November 16, 2021

NHỮNG GÌ ĐÃ XẢY RA Ở GLASGOW TẠI COP26? (Robert N. Stavins)

 


Những gì đã xảy ra ở Glasgow tại COP26?   

Robert Stavins 

Trà Mi chuyển ngữ

POSTED ON NOVEMBER 15, 2021

https://dcvonline.net/2021/11/15/nhung-gi-da-xay-ra-o-glasgow-tai-cop26/

 

Tôi đã về cách đây vài ngày sau Hội nghị những bên lần thứ 26 (Conference of the Parties COP26) về Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC) tại Glasgow, Scotland.

 

https://assets.bwbx.io/images/users/iqjWHBFdfxIU/iIBBchTXG7CI/v0/1000x-1.jpg

 Biểu ngữ quảng cáo Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Anh Quốc. Nhiếp ảnh gia: Ian Forsyth/Bloomberg

 

Trong bài viết hôm nay, tôi cố nhấn mạnh – càng gọn càng tốt – những ấn tượng chính của tôi về những gì đã diễn ra trong hai tuần tại COP26 và những suy nghĩ về những yếu tố chính của kết quả của Hội nghị. Vì sự quan tâm của bạn đọc – và sự thuận tiện của tôi – tôi sắp xếp phần bình luận sau đây như một phần tiếp theo cho bài đã đăng trên blog của tôi từ vài tuần trước, “Việc gì sẽ xảy ra tại COP–26 ở Glasgow.”

 

Nhưng trước tiên, tôi muốn bạn đọc thấy cái nhìn của tôi về bản chất tổng thể và sự phát triển của những sự kiện hàng năm này, dựa trên sự tham dự của cá nhân tôi trong hơn một chục năm. Kể từ lần đầu tôi tham dự COP  – COP13 ở Bali, Indonesia, vào năm 2007 – tôi đã mô tả những buổi gặp mặt hàng năm này tương tự như một hội nghị ngành ống nước, trong đó nhiệm vụ cốt lõi là thương lượng một thỏa thuận giữa những  người thợ ống nước (những bên tham gia thỏa thuận) về những tiêu chuẩn cho những thứ như chuyển từ ống kim loại kiểu cũ sang ống PVC mới hơn. Đó là sinh hoạt động rõ ràng chính của hội nghị thợ ống nước hàng năm, nhưng ngoài những cuộc đàm phán đó, hội nghị còn thu hút nhiều người và tổ chức quan tâm khác (Quan sát viên) – gồm những doanh nghiệp cung cấp và hỗ trợ những loại ống mới hơn, và những người cung cấp và hỗ trợ những phong cách cũ hơn. Ngoài ra, có nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác nhau ủng hộ những đường ống mới và một số lo lắng về ảnh hưởng của việc loại bỏ dần những đường ống cũ. Ngoài ra, một số tổ chức phi lợi nhuận là những trường đại học và những tổ chức tư vấn thực hiện những nghiên cứu liên quan đến những cuộc đàm phán hoặc những vấn đề rộng hơn xung quanh hội nghị. Thiển nghĩ, tôi không cần phải nêu lên những điểm này tương tự với những gì chúng ta đã trải qua trong nhiều năm tại COP hàng năm liên quan đến biến đổi khí hậu.

 

Điều gây ấn tượng nhất đối với tôi là trong khi mười năm trước đây, tôi thấy rằng tỷ lệ chú ý (và sự tham dự) tại những hội nghị COP hàng năm liên quan trực tiếp đến các cuộc đàm phán, theo thời gian, điều này đã dần phát triển đến mức những chương trình bên lề đôi khi trở thành điểm thu hút nổi bật. Như tôi giải thích bên dưới với các ví dụ cụ thể, nhiều sự kiện nổi bật nhất tại COP và nhiều sự kiện có thể là kết quả quan trọng nhất không liên quan đến chính những cuộc đàm phán (về Thỏa thuận Paris), mà căn bản nằm ngoài Thỏa thuận đó, và thường xuyên nằm ngoài thẩm quyền của COP và rộng hơn là UNFCCC .

 

Những vấn đề lớn ở Glasgow

 

Như trong bài đã đăng trên blog trước hội nghị COP, tôi sẽ xét đến những điểm mà tôi cho là vấn đề lớn trong bốn loại: (1) những câu chuyện lớn đối với báo chí phổ thông; (2) những vấn đề lớn đối với nhiều đại biểu; (3) một số vấn đề đối với người đam mê chính sách (như bản thân tôi); và (4) những gì tôi mong đợi sẽ là “con voi trong phòng.”

 

Những câu chuyện có thể là chủ đề lớn cho báo giới 

Một trong những câu chuyện có thể là tựa đề lớn đối với báo chí là một chuyện về nội dung và một câu chuyện khác về hậu cần. Thứ nhất, về bản chất, COP này là một sự kiện đặc biệt quan trọng vì lần đầu tiên  nó thực hiện một yếu tố quan trọng của Thỏa thuận Paris – đổi mới và có lẽ là siết chặt những cam kết giảm khí phát thải quốc gia 5 năm một lần. Vấn đề quan trọng thực sự đã chi phối hầu hết những câu chuyện trên báo chí sau khi COP kết thúc hôm thứ Bẩy, ngày 13 tháng 11 (“chỉ” 24 giờ sau khi lịch trình bế mạc) là có hay không những khoản Đóng góp do Quốc gia Quyết định (NDC) mới, được cập nhật từ một số những nước phát thải lớn – chẳng hạn như Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Anh và Nhật Bản – kết hợp với những NDC hiện có nhưng chưa được cập nhật từ những nước phát thải lớn khác – Úc, Trung Hoa, Nga và Brazil – cùng đưa thế giới đang trên đà đạt được mục tiêu chính của Thỏa thuận Paris là hạn chế sự nóng lên trong thế kỷ này ở mức 2 oC, và tham vọng hơn nữa là chỉ 1,5 oC.

 

Câu trả lời, theo một báo cáo do Liên Hiệp Quốc công bố, là ngay cả khi những mục tiêu năm 2030 được nâng cao, thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ khoảng 2,7 °C trong thế kỷ này. (Và điều này giả định rằng mọi quốc gia đưa ra những chính sách hiệu quả sẽ đạt được hết những mục tiêu đã đề ra.) Nếu chúng ta kể cả những tuyên bố bổ túc (không phải là một phần của NDC theo Thỏa thuận Paris) được thực hiện bởi nhiều quốc gia sẽ cân bằng phát thải (net–zero emissions) vào năm 2050 (Ví dụ như EU và Hoa Kỳ), vào năm 2060 (Trung Hoa) hoặc vào năm 2070 (Ấn Độ), sự nóng lên của thế kỷ này có thể được giới hạn ở 2,4 oC hoặc ít nhất là 1,8 oC, nếu kẻ cả những “cam kết” khác như vậy từ khu vực tư nhân. Để nhìn việc này trong viễn cảnh, hãy lưu ý rằng những ước tính trước khi có Thỏa thuận Paris là dành cho bộ chính sách và quỹ đạo hiện tại dẫn đến sự ấm lên 3,7 oC trong thế kỷ này! Vì vậy, trong khoảng thời gian rất ngắn từ năm 2014 đến năm 2021, sự ấm lên dự đoán trong thế kỷ này đã giảm từ 3,7 oC xuống thấp nhất là 2,4 oC hoặc thậm chí 1,8 oC.

 

Đó là một sự thay đổi rất quan trọng, nhưng nó thể hiện sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào người quan sát. Rõ ràng, dưới mắt Greta Thunberg, người của Cuộc nổi dậy tuyệt chủng, và nhiều người  trẻ (và không quá trẻ) biểu tình bên ngoài khu vực an toàn COP26 (“vùng xanh”), đó chỉ là “blah, blah, blah” [“hứa hẹn hão huyền”] nếu trích dẫn lời cô Thunberg. Nhưng đối với một số chuyên viên đàm phán và một số Quan sát viên chính thức, đó là một tiến bộ đáng kể, mặc dù không phải là thành công cuối cùng.

 

Trước và trong suốt COP, Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi những phái đoàn tăng cao  tham vọng cam kết của họ hơn nữa về mặt NDC. Nói chung, điều này đã không thành hiện thực. Vì vậy, Thủ tướng Anh và Chủ tịch COP của Anh, Alok Sharma, đã thay đổi lời khuyến khích này thành một tuyên bố rằng những đại biểu nên tăng mục tiêu đã nêu của họ vào thời điểm diễn ra COP tiếp theo vào năm 2022. Điểm này xuất hiện trong thỏa thuận chính trị bế mạc COP26, “Quyết định” của COP  năm nay được gọi là “Hiệp ước Khí hậu Glasgow.” Nói cách khác, ý muốn (thấy tham vọng lớn hơn) đã bị dời mốc, với yêu cầu những Bên tham gia Thỏa thuận Paris xem xét lại NDC của họ vào năm tới.

 

Một câu chuyện có thể là tựa đề khác cho báo giới – may mắn là đã không xảy ra – là khả năng COP26 ở Glasgow sẽ trở thành một cơn ác mộng về hậu cần, có lẽ trên ở tầm cỡ của cuộc khủng hoảng hậu cần tại COP15 ở Copenhagen năm 2009. Năm nay có tới 20.000 người tham gia COP26 được cấp giấy chứng nhận định sẽ xuất hiện tại địa điểm COP ở Glasgow để vào khu vực an toàn và sức chứa giảm vì COVID có thể khiến nhiều người tham gia được cấp giấy chứng nhận không thể vào được (hoặc phải chờ hàng giờ bên ngoài trước khi xếp hàng vào tham dự). Tôi vui mừng nói rằng cơn ác mộng hậu cần này đã không thành hiện thực, một phần vì những hạn chế đi lại của COVID có thể đã khiến nhiều người trong giới quan sát không muốn tham dự. Nhưng cho tôi nói rõ hơn, lý do khác khiến cơn ác mộng ra là nước chủ trì tổ chức COP – chính phủ nước Anh, nhưng hơn thế nữa, hàng trăm nhân viên chủ nhà Scotland điều khiển những điểm kiểm soát và tại những địa điểm trong suốt hội nghị COP – thật tuyệt vời , vừa hiệu quả cao, vừa đặc biệt ấm áp và lịch sự. (Tôi thấy người Scots ở Glasgow – dù ở COP hay ở khách sạn, nhà hàng, sân bay và taxi – luôn thân thiện và giúp ích cho thấy rằng thành công về mặt hậu cần là do đọng góp của từng cá nhân cũng như của những tổ chức.)

 

Có một vấn đề khác mà tôi dự đoán sẽ thu hút sự chú ý đáng kể của báo chí – liệu một tuyên bố (Quyết định) sau COP từ những Bên có cam kết toàn cầu loại bỏ việc khai thác và đốt than hay không. Tôi nói điều này khó có thể xảy ra, bởi vì những nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn tại cuộc họp trước COP ở Rome đã không đưa một tuyên bố như vậy vào thông cáo hậu G20 của họ.  Úc, Trung Hoa, Ấn Độ, Nga, Ả Rập Xê–út và Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối. Nếu không có tín hiệu tích cực từ những nhân vật lãnh đạo G-20, khả năng đạt được thỏa thuận về điều này ở Glasgow là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, điều tôi lưu ý có thể là một tuyên bố chung từ hội nghị Glasgow về việc “giảm dần” thay vì “loại bỏ” than. Đây chính xác là những gì đã được đồng ý trong cuộc đàm phán cuối cùng vào thứ Bảy, ngày 13 tháng 11, và được đưa vào Hiệp ước Khí hậu Glasgow đã đàm phán với văn bản cuối cùng kêu gọi “tăng vận tốc nỗ lực” để giảm dần “điện than không suy giảm và loại bỏ những khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả.

 

Những vấn đề chính đối với nhiều đại biểu

 

Khoảng 80% những phái đoàn quốc gia tham dự những cuộc đàm phán về khí hậu là từ những nước đang phát triển (khoảng157 trên tổng số 197), và vì vậy những vấn đề có ý nghĩa lớn nhất đối với những phái đoàn đó là đặc biệt quan trọng. Hai điều nổi bật trong tâm trí tôi trước COP.

 

Một là tài chính khí hậu, đề cập đến cam kết đã đưa ra tại Copenhagen vào năm 2009 rằng đến năm 2020, những nước phát triển sẽ bắt đầu đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm cho những nước đang phát triển để giúp tài trợ cho việc giảm phát thải khí nhà kính (GHG) và khả năng thích ứng của họ với biến đổi khí hậu. Chúng ta sắp bước sang năm 2022, nhưng con số 100 tỷ đô la vẫn chưa thành hiện thực, với một số ước tính đưa ra mức cam kết tổng hợp là khoảng 80 tỷ đô la mỗi năm trong vài năm tới. Vì vậy, đó là một vấn đề rất lớn đối với những nước đang phát triển. Một vấn đề liên quan chặt chẽ là liệu những nước phát triển có bù đắp được khoản thiếu hụt lịch sử hay không, ngay cả khi cuối cùng đạt được 100 tỷ USD/năm.

 

“Giải pháp” cho vấn đề này, được hệ thống hóa trong Hiệp ước Khí hậu Glasgow, là những nước giàu cần khẩn cấp tăng ít nhất gấp đôi mức đóng góp tài chính của họ vào năm 2025 (đặc biệt là để giúp những nước nghèo thích ứng).

 

Một vấn đề khác đã (và đang) là vấn đề chính đối với một số nước đang phát triển, đặc biệt là những nước dễ bị thiệt hại nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, được mô tả trong những cuộc đàm phán là “Tổn thất và Thiệt hại”, vốn là một nguồn tranh cãi quan trọng trong cuộc nói chuyện hàng năm cho mười năm qua hoặc lâu hơn. Nhóm chữ này đề cập đến phạm vi thiệt hại liên quan đến biến đổi khí hậu, vì ngay cả khi lượng khí thải giảm xuống 0 vào sáng mai, thiệt hại sẽ tiếp tục do thời gian trì trệ dài của khí nhà kính (KNK) trong khí quyển, đặc biệt là CO2 với chu kỳ bán rã trong khí quyển của nó lâu hơn 100 năm. Cuộc tranh cãi liên quan đến việc ai sẽ là người chi trả cho những mất mát và thiệt hại đó, tập trung vào những người chịu trách nhiệm lớn nhất về biến đổi khí hậu, cụ thể là những quốc gia có đóng góp lớn nhất vào lượng KNK tích lũy trong khí quyển – Hoa Kỳ và những quốc gia khác , những quốc gia giàu có, cộng với Trung Hoa.

 

Điều này đã gây tranh cãi bởi vì, một mặt, nó hoàn toàn (và có thể hiểu được) được xem là điều cần thiết đối với những quốc gia như những đảo quốc nhỏ, trong khi những quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Hoa và những quốc gia thành viên EU lo ngại rằng “tổn thất và thiệt hại” l bóng ma về trách nhiệm pháp lý lảng vảng vô hạn. Thật vậy, tại một số cuộc đàm phán về khí hậu trước khi có Thỏa thuận Paris (2015), những cuộc tranh luận về vấn đề này  khiến cuộc đàm phán gần như đổ bể. Nhưng vấn đề đã được giải quyết trong Điều 8 của Thỏa thuận Paris, thừa nhận tầm quan trọng của tổn thất và thiệt hại, nhưng sau đó đã loại bỏ những khía cạnh gây tranh cãi nhất trong Quyết định 52 (một văn bản đi kèm với Thỏa thuận Paris), mà Các Bên đã đồng ý rằng tổn thất và thiệt hại “không liên quan hoặc cung cấp cơ sở cho bất kỳ trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường nào.” Như người ta có thể hiểu, một số quốc gia không hài lòng với giải pháp này, và vì vậy vấn đề lại được nêu ra ở Glasgow.

 

Những nước đang phát triển lên tiếng về tổn thất và thiệt hại – lần này ủng hộ một quỹ mới để thanh toán tổn thất và thiệt hại – nổi bật hơn bất kỳ hội nghị COP nào trước đây, nhưng cuối cùng những nước giàu có đã chặn những đề nghị đó và thay vào đó đồng ý nói nhiều hơn về nó trong tương lai bằng cách thiết lập “đối thoại” về vấn đề này trong những COP trong tương lai.

 

Những vấn đề đối với Giới đam mê Chính sách

 

Trong bài đăng trên blog trước COP, tôi đã trích dẫn hai vấn đề mà giớI đam mê chính sách giành được – cả từ những phái đoàn chính phủ và những tổ chức quan sát từ xã hội dân sự (như tôi) – sẽ suy nghĩ và nghiên cứu.

 

Một là câu hỏi đặt ra là liệu Trung Hoa và Hoa Kỳ có quay lại tinh thần và thực tế hợp tác vốn đặc trưng cho mối quan hệ của họ trong những năm Obama hay không, khi những sáng kiến chung của họ là hoàn toàn cần thiết để hoàn thành thành công Thỏa thuận Paris. Đó là trước khi sự hợp tác như vậy biến thành sự đối đầu trong những năm thời Trump, đáng buồn là đã tiếp tục trong năm Biden. Đôi khi có vẻ như “Nước Mỹ trên hết” đã trở thành “Sản xuất ở Mỹ trên hết.

 

Việc Trung Hoa và Hoa Kỳ có thể trở lại vị trí đồng lãnh đạo về biến đổi khí hậu, vốn đã đặc trưng cho mối quan hệ của họ trong những năm Obama, bất ngờ xuất hiện vào nửa tuần thứ hai của COP. Trong một thông báo đầy kịch tính, báo chí đã được cho hay rằng Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ  John Kerry và người đồng cấp Trung Hoa, Xie Zhenhua, sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung để tiết lộ một thỏa thuận bất ngờ nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mặc dù đó là một diễn biến đáng hoan nghênh và ngạc nhiên khi thấy Trung Hoa và Hoa Kỳ bắt tay và dường như hợp tác trong những sáng kiến khác nhau, cả hai nước đều không công bố  gia tăng tham vọng và hầu hết trong giới quan sát không coi đây là sự trở lại thời kỳ cũ. của sự đồng lãnh đạo nghiêm túc. Đặc biệt, không có ảnh hưởng rõ ràng của tuyên bố chung đối với những hành động ở Glasgow của 195 Bên, khác trong Thỏa thuận Paris.

 

Một vấn đề khác mà tôi đã nói sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý là một phần của Thỏa thuận Paris mà “sách điều lệ” kèm theo chưa được hoàn thiện – Điều 6. Một chút thông tin căn bản hữu ích. Thỏa thuận Paris cung cấp một cách tiếp cận mới mẻ, đầy hứa hẹn bằng cách thiết lập một chiến lược từ dưới lên, trong đó tất cả những nước tham gia đều xác định những mục tiêu của riêng mình, phù hợp với hoàn cảnh quốc gia và thực tế chính trị trong nước. Điều này đã thuyết phục nhiều quốc gia ghi danh tham dự. Những nước tham gia Thỏa thuận Paris đại diện cho 97% lượng phát thải KNK toàn cầu, so với 14% trong giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto từ trên xuống. Nhưng nó cũng tạo động lực cho mọi quốc gia để giảm thiểu những hành động của chính mình trong khi hưởng lợi từ việc giảm phát thải của những quốc gia khác.

 

Vậy, có những cách nào để thuyết phục những quốc gia gia tăng cam kết theo thời gian? Một chiến lược quan trọng là liên kết những chính sách quốc gia để những bên phát thải (những thực thể tuân thủ theo chính sách quốc gia) có thể mua và bán những khoản cho phép hoặc tín dụng phát thải carbon xuyên biên giới. Việc liên kết như vậy không cần bị hạn chế đối với những cặp hệ thống giới hạn và thương mại. Thay vào đó, mối liên kết không đồng nhất giữa giới hạn và thương mại, thuế carbon và những tiêu chuẩn hiệu suất là khả thi. Liên kết như vậy làm giảm chi phí, tạo điều kiện cho những nước tham vọng hơn. Một nghiên cứu ước tính rằng về lý thuyết, liên kết có thể giảm 75% chi phí tuân thủ.

 

Nhưng để những hệ thống như vậy có ý nghĩa, những bước đi của mỗi quốc gia phải được tính đúng vào mục tiêu quốc gia của mình theo Thỏa thuận Paris, không tính hai lần. Đây là lúc Điều 6, cụ thể là Điều 6.2. Viết những quy tắc cho Điều này là nhiệm vụ chính của giới đàm phán ở Madrid (28 Điều khác đã hoàn thành tại COP 2018 ở Katowice, Ba Lan). Thật không may, Brazil và một số quốc gia khác khăng khăng áp dụng lỗ hổng kế toán khiến không thể đạt được thỏa thuận tại Madrid về Điều 6. Giới đàm phán đã có cơ hội xác định hướng dẫn rõ ràng và nhất quán để tính toán chuyển giao khí thải nhưng không thể đạt được thỏa thuận. Mặt khác, nếu họ đã áp dụng những hướng dẫn nhảy vượt ra ngoài những quy tắc kế toán căn bản, như một số quốc gia mong muốn, kết quả có thể là những yêu cầu hạn chế thực sự cản trở sự liên kết hiệu quả.

 

Đặc biệt, ở Madrid và năm nay ở Glasgow, đã có đề nghị đưa hai yếu tố rất có vấn đề vào Sách Điều lệ cho Điều 6.2, có thể và đơn giản là cơ sở cho những quy tắc kế toán để ngăn chặn việc tính toán hai lần đối với việc đáp ứng những NDC khi trao đổi quốc tế. thực hiện giữa những công ty theo thẩm quyền của mối liên kết quốc tế song phương: (a) yêu cầu giảm lượng phát thải thực theo một số lượng cụ thể bất cứ khi nào xảy ra trao đổi theo Điều 6.2; và (b) thuế đánh vào bất kỳ hoạt động trao đổi quốc tế nào (để tạo quỹ thích ứng ở những nước đang phát triển). Mặc dù tham vọng gia tăng (cắt giảm khí thải) và tạo quỹ cho những nước nghèo để thích ứng với biến đổi khí hậu đều là những mục tiêu xứng đáng, nhưng có những phần khác của Thỏa thuận Paris là những cơ sở thích hợp cho những điều khoản như vậy. “Thuế đánh vào giao dịch” ngầm và rõ ràng như vậy sẽ chỉ đơn giản là làm giảm những trao đổi như vậy, tăng chi phí và không giảm được lượng khí thải.

 

Vì vậy, không đạt được kết quả ở Madrid, cơ hội hoàn thành Điều 6 đã được chuyển cho COP26 ở Glasgow. Tin tốt là Brazil báo hiệu rằng họ có thể sẵn sàng thỏa hiệp. Hóa ra, Sác Điều lệ sau cùng cho Điều 6 tránh điều tồi tệ nhất, mặc dù thực tế là văn bản cuối cùng không thể được dán nhãn là bản tốt nhất có thể.

 

Trong thỏa thuận cuối cùng vào thứ Bẩy, một cách tiếp cận theo hai hướng đã được thống nhất, trong đó những đề nghị tồi nhất chỉ áp dụng cho Điều 6.4 (chương trình bù đắp dự án theo kiểu CDM từ trên xuống), chứ không áp dụng cho Điều 6.2 (quy định tính toán cho quốc tế liên kết để tránh tính hai lần đối với NDC). Thứ nhất, mặc dù quy định về “giảm thiểu tổng thể phát thải toàn cầu” được đưa vào Sách Quy tắc cho Điều 6.4 dưới dạng 2% phần bù được trao đổi bị hủy bỏ với mỗi lần trao đổi, không có quy định nào như vậy theo 6.2. Điều này có thể phù hợp trong Điều 6.4, do những hệ thống bù đắp (tín chỉ giảm phát thải) như vậy bị cản trở vì vấn đề thêm thắt đã biết rõ, rất có thể những sàn giao dịch thực sự có thể dùng để tăng lượng khí thải nếu sự bù đắp là không có thật.

 

Thứ hai, đề nghị “chia tiền thu được” đã được đưa vào cơ chế của Điều 6.4 với tỷ lệ 5%, nhưng không có yêu cầu như vậy đối với việc trao đổi Điều 6.2 (không có ý nghĩa gì, vì Điều 6.2 chỉ đơn giản là một cơ chế kế toán, không phải là một nơi giao thương giữa những quốc gia – nếu không thì nó sẽ tương tự như Điều 17 của Nghị định thư Kyoto, và sẽ thất bại vì những lý do tương tự, như tôi đã viết cách đây rất lâu với Robert Hahn).

 

Những quy tắc về kế toán (theo cả hai Điều 6.2 và 6.4) thông qua “điều chỉnh tương ứng” đối với NDC đã được làm rõ ràng, đó là biện pháp bảo vệ quan trọng chống lại việc tính hai lần. Cuối cùng, yêu cầu của Brazil về việc sử dụng Giảm phát thải được chứng nhận (CERs) của thời đại Nghị định thư Kyoto để tuân thủ với Thỏa thuận Paris đã được chấp thuận theo cách thỏa hiệp, chỉ cho phép những CER được sản xuất từ năm 2013 đến năm 2020 được tính vào NDC đầu tiên (và duy nhất) của những quốc gia.

 

Một vấn đề khác mà tôi đã lưu ý trong bài đăng trên blog trước đây mà những người ủng hộ chính sách đang theo dõi có liên quan đến việc cắt giảm phát thải khí methane (CH4) trên toàn cầu – một loại khí nhà kính cực kỳ mạnh, mặc dù thời gian tồn tại tương đối ngắn trong khí quyển. Tôi dự đoán sẽ có một thành công trong vấn đề này ở Glasgow, bởi vì giới lãnh đạo từ một số quốc gia quan trọng có khả năng cam kết tại COP26 sẽ cắt giảm ít nhất 30% lượng khí thải methane vào năm 2030, một mục tiêu đã được Hoa Kỳ công bố trước đây và Liên minh Châu Âu vào tháng Chín. Hơn một chục quốc gia đã ký hiệp ước. Về phần mình, chính quyền Biden sẽ áp đặt những quy định tích cực đối với việc rò rỉ khí methane từ tất cả những giếng và đường ống dẫn dầu và khí đốt hiện có trên khắp nước Mỹ, một cách giải quyết nhiều tham vọng hơn quy định của chính quyền Obama, sau đó bị cựu Tổng thống Trump rút lại, để điều chỉnh những giếng khoan dầu xây dựng từ năm 2015. Trên thực tế, ngoài những cuộc đàm phán thực tế, tại Glasgow đã có hơn 100 quốc gia đồng ý cắt giảm 30% lượng khí methane trong vòng 8-9 năm tới. Thật không may, nước phát thải khí mehane hàng đầu thế giới, Trung Hoa, đã không tham gia cam kết quốc tế này.

 

Một vấn đề quan trọng tiềm tàng khác không thực sự liên quan trực tiếp đến COP26, mà là với thực tế là trước khi bắt đầu những phiên họp ở Glasgow, chính quyền Biden đã công bố một hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu trong đó có khái niệm sử dụng thuế nhập cảng đối với thương mại cắt giảm lượng khí thải carbon. Thỏa thuận này nhằm cắt giảm nhập cảng thép đặc biệt sử dụng nhiều carbon trong sản xuất (chẳng hạn như từ Trung Hoa và Brazil). Những thỏa thuận như vậy có thể trở thành một bổ thể rất quan trọng (hoặc thậm chí thay thế) cho Thỏa thuận Paris. Tôi hy vọng sẽ viết nhiều hơn về thuế carbon (điều chỉnh theo biên giới) trong một luận văn sắp tới tại blog này.

 

Con Voi trong Phòng

 

Đối với tất cả mọi người – báo chí, những đại biểu và giới quan sát – tôi dự đoán rằng một câu hỏi lớn ở Glasgow sẽ là liệu NDC đầy tham vọng của Hoa Kỳ – giảm 50–52% lượng phát thải KNK vào năm 2030 dưới mức 2005 – có thực sự không thể đạt được với những chính sách dự tính hợp lýTôi đã viết về điều này trong quá khứ, vì vậy đủ để nói rằng câu hỏi này chỉ tập trung vào việc liệu chính quyền Biden – trong thế giới thực của nền chính trị Quốc hội hiện tại – có thể ký ban hành đạo luật có thể đạt được những bước tiến huy hoàng hướng tới năm 2030 ấn tượng đó không. Mục tiêu. Chính quyền Biden đã đưa vào “dự luật hòa giải” thu nhỏ của mình một kế hoạch chi tiêu trị giá 555 tỷ đô la gồm những khoản giảm thuế, tín dụng thuế và những khoản trợ cấp khác cho những phương pháp tiếp cận và những loại hình sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, xác thực một lần nữa rằng những chính khác Hoa Kỳ.  cảm thấy thoải mái hơn khi đưa ra lợi ích hơn là đửaa cái giá phải trả. Điều quan trọng là, những gì đáng lẽ là một chương trình hiệu quả để tạo ra điện xanh đã bị loại bỏ, và giá phải trả để phát thải khí methane có thể còn hoặc có thể biến mất. Thật vậy, một kế hoạch mới của Tòa bạch Ốc để đạt được mục tiêu năm 2030 phụ thuộc một phần vào việc loại bỏ carbon và những kỹ thuật chưa được biết đến.

 

Vậy chính quyền Biden có thể thực hiện được những gì bằng những quy định và sắc lệnh hành pháp? Xem nhận xét của tôi ở phần trên về quy tắc methane mới. Nhưng cách giải quyết bằng quy định, nói chung, đặc biệt khó khăn vì những thách thức pháp lý từ  cánh phải có cơ hội thành công trong những năm Biden hơn nhiều so với những năm Obama, với 245 thẩm phán Liên bang do Trump bổ nhiệm (> 25% ngành tư pháp liên bang) và đa số bảo thủ 6–3 ở Tối cao Pháp viện.

 

Về vấn đề này, điều đáng chú ý là một báo cáo gần đây từ Rhodium Group tính toán rằng ngay cả khi phiên bản thu nhỏ của dự luật chi tiêu xã hội và khí hậu hiện nay trước khi Quốc hội ký thành luật, hành động mới của những tiểu bang cộng với một số đáng kể những quy tắc và quy định mới sẽ cần phải có (đối với những lĩnh vực chưa được quy định, gồm hóa chất, khí tự nhiên và nhà máy lọc dầu) để có cơ hội đạt được mục tiêu NDC của chính quyền Biden. Ngoài ra, những quy định về khí thải của nhà máy điện sẽ phải nghiêm ngặt hơn so với quy định tiền nhiệm thời Obama (Kế hoạch Điện sạch), và sẽ phải gồm cả những quy định về thu giữ và lưu trữ carbon cho những nhà máy điện hiện có. Bất chấp tất cả những điều này, nhóm khí hậu của Tổng thống Biden ở Glasgow đã cố gắng bảo đảm với những đại biểu rằng Hoa Kỳ đang trên đà đạt được mục tiêu năm 2030.

 

Mặc dù nhiều bên mà tôi đã gặp trong hành lang Hội nghị COP26 ở Glasgow – từ báo chí, những phái đoàn và những tổ chức quan sát – chắc chắn nhận thức được sự mâu thuẫn này giữa nước NDC  đầy tham vọng và ấn tượng của Mỹ và thực tế chính trị trong nước, tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng nhiều người hoặc hầu hết có vẻ khá vui khi gạt thực tế này sang một bên và tiếp tục đi tới mặc nhiều vấn đề khác mà họ đang đối mặt.

 

Lời kết

 

Ngoài những bài thuyết trình của tôi tại COP26 ở Glasgow tại những gian hàng của một số quốc gia, và tham gia những cuộc họp với những phái đoàn quốc gia, những tổ chức đa phương, những tổ chức phi chính phủ, học giả và báo chí, Dự án Harvard về Thỏa thuận Khí hậu đã tiến hành một cuộc hội thảo tại COP26, do tôi điều hợp – “Bảo Đảm Tham vọng Khí hậu với những Phương pháp Giải quyết Hợp tác: những lựa chọn theo Điều 6,” do Quỹ Enel và Hiệp Môi trường-Luật  đồng tài trợ với. Độc thêm thông tin thêm về cuộc hôi thảo ở đây và – quan trọng hơn – bạn đọc có thể xem video về cuộc thảo luận đầy đủ của ban hội luận tại sự kiện này trong khu vực màu xanh của COP26 tại đây. Như bạn đọc thấy trong video, ngay trước khi sự kiện kết thúc như đã định, tôi đã phải vội vàng ra sân bay cho kịp chuyến bay trở lại Boston!

 

Tác giả | Robert N. Stavins là  Giáo sư A.J. Meyer về Năng lượng & Phát triển Kinh tế, Trường Chính phủ John F. Kennedy, Đại học Harvard, Giám đốc Chương trình Kinh tế Môi trường Harvard, Giám đốc Nghiên cứu Hậu Đại học cho Chương trình Tiến sĩ Chính sách Công và Chương trình Tiến sĩ Kinh tế Chính trị và Chính phủ, Đồng Chủ tịch Chương trình Liên kết Trường Kinh doanh Harvard-Trường Kennedy, và Giám đốc Dự án Harvard về Thỏa thuận Khí hậu.

 

© 2021 DCVOnline   Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net” 


 

Nguồn: 

 

What Happened in Glasgow at COP26?  Robert N. Stavins | https://www.robertstavinsblog.org/  | 14 November, 2021.  





No comments: