Tuesday, November 9, 2021

NGOẠI GIAO QUYỀN LỰC MỀM CỦA BIDEN và PHONG TRÀO DÂN CHỦ VIỆT NAM (Đăng Nguyễn - Luật Khoa)

 


Ngoại giao quyền lực mềm của Biden và phong trào dân chủ Việt Nam

Đăng Nguyễn   -  Luật Khoa

08/11/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/11/ngoai-giao-quyen-luc-mem-cua-biden-va-phong-trao-dan-chu-viet-nam/?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=ngoai-giao-quyen-luc-mem-cua-biden-va-phong-trao-dan-chu-viet-nam

 

Chính quyền Joe Biden liệu có tác động mới nào tích cực đến tình hình dân chủ hóa Việt Nam?

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/biden-soft-power-1024x577.jpg

Nguồn: Na Kim (minh họa), Tom Brenner (ảnh)/ Thinh Nguyen, Luat Khoa Magazine/ Kao Nguyen, AFP. Đồ họa: The Vietnamese.

 

Đã hơn một năm từ khi ông Joe Biden đắc cử vào vị trí tổng thống Mỹ. Đến thời điểm này, từ khóa đã trở nên nổi bật trong chính sách ngoại giao của ông là “quyền lực mềm” (soft power), được nhắc đến hầu như ở mọi diễn đàn ngoại giao có sự góp mặt của Mỹ: từ việc kết thúc “cuộc chiến vĩnh viễn” (forever war) ở Afghanistan đến việc tái tổ chức các mối quan hệ ngoại giao xuyên Đại Tây Dương, cũng như việc dịch chuyển trọng tâm ngoại giao chiến lược sang khu vực Á châu.

 

Người Việt có thể yên tâm về sự nghiêm túc của nước Mỹ trong việc dịch chuyển trọng tâm ngoại giao sang Á châu. Các bước đi đầu tiên của ông Biden – bổ nhiệm ông Kurt Campbell, một chuyên gia “chắc tay” cho chiến lược này, vào đội ngũ Nhà Trắng; [1] ủng hộ Đài Loan và liên minh với Nhật để đối đầu Trung Quốc; ngoại giao vaccine; và gần đây nhất là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến khu vực, trong đó có Việt Nam – là các minh chứng.

 

Vậy với chiến lược “ngoại giao công chúng” để tăng cường “quyền lực mềm” của nước Mỹ, cùng trọng tâm đặt ở Á châu, Mỹ nên tiếp cận vấn đề dân chủ hóa mà cụ thể là phong trào dân chủ ở Việt Nam như thế nào?

 

Ngoại giao công chúng và quyền lực mềm là gì?

 

Thuật ngữ “ngoại giao công chúng” (public diplomacy) lần đầu tiên được Edmund Gullion, người sáng lập trung tâm Edward R. Murrow Center of Public Diplomacy tại Đại học Tufts, đặt ra vào năm 1965. [2] Một cách ngắn gọn, đây là công tác xây dựng hình ảnh và thương hiệu quốc gia đối với công chúng ngoại quốc, là một hướng làm ngoại giao khác hẳn với ngoại giao truyền thống cấp nhà nước.

 

Theo nhà sử học Nicholas J. Cull, các hoạt động được coi là ngoại giao công chúng bao gồm (1) trình bày các ý tưởng chính sách mới với công chúng nước ngoài (vận động chính sách), (2) xuất khẩu văn hóa ra nước ngoài và giao lưu văn hóa hai chiều, và (3) truyền thông quốc tế (tiếp cận công chúng nước ngoài thông qua các phương tiện thông tin đại chúng). [3]

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/tta-3403-jp.jpg

Lễ tiếp nhận một lô vaccine phòng COVID-19 do Hoa Kỳ viện trợ Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Ảnh chụp tháng 7/2021. Nguồn: Mạnh Hùng/ Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong khi ngoại giao công chúng có thể được hiểu là kênh hay phương cách truyền thông để thuyết phục, thì quyền lực mềm nằm ở nội dung được truyền thông mà có thể mang lại cho một quốc gia sức thuyết phục đối với công chúng nước ngoài. Học giả nổi tiếng về quyền lực mềm, Joseph S. Nye Jr., định nghĩa quyền lực mềm là sức hấp dẫn của một quốc gia dựa trên tài nguyên văn hóa của quốc gia đó, bao gồm ngôn ngữ, nghệ thuật, ẩm thực, các thể chế, các thương hiệu, và các giá trị đạo đức (Nye, 2008). [4]

 

Quyền lực mềm đi đôi với ngoại giao công chúng, vì “ngoại giao công chúng thu hút sự chú ý [của người dân] đến các tài nguyên này thông qua việc phát sóng, xuất khẩu văn hóa, trao đổi giao lưu, v.v.” (Nye, 2008, tr. 95). [5]

 

Quyền lực mềm cũng có thể đạt được qua quyền lực cứng. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở biển Đông để hỗ trợ các nước bị Trung Quốc ức hiếp chuyển tải thông điệp về những giá trị hay quan điểm có tính đạo đức (làm điều đúng đắn) của Mỹ trong căng thẳng biển Đông, cho dù thực tế việc hiện diện của Mỹ có những động cơ thực dụng chứ không chỉ đơn giản là một lập trường hay chuẩn mực đạo đức.

 

Dựa trên những lý thuyết về ngoại giao công chúng và quyền lực mềm như trên, ta có thể đánh giá gì về mức độ hiệu quả của cách tiếp cận “quyền lực mềm” của tổng thống Biden trong bối cảnh chính trị Việt Nam?

 

Chính sách ngoại giao của Biden trong bối cảnh chính trị Việt Nam

 

Những lời của ông Biden hứa hẹn một kỷ nguyên ngoại giao mới của Hoa Kỳ tập trung vào ngoại giao công chúng và quyền lực mềm. Tuy nhiên, những hành động của ông cho đến nay dường như vẫn chưa có gì đột phá so với cách làm ngoại giao truyền thống cấp nhà nước và can thiệp quân sự.

 

Hơn nữa, cần nhớ rằng ngoại giao công chúng trước nay vẫn luôn là một thành phần trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong các thời tổng thống trước, bao gồm việc hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và những nhân vật bất đồng chính kiến.

 

Do đó, với sự nhấn mạnh của tổng thống Biden về “quyền lực mềm”, Mỹ sẽ không tránh khỏi gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế nếu trong vài năm tới đây chính quyền Biden chỉ lặp lại các món trong “menu” cũ. Chính “menu” cũ này đã được thực tế chứng minh là không hiệu quả và bị bất hoạt bởi thực trạng đối đầu giữa nhà cầm quyền Việt Nam và người dân, cũng như các làn sóng đàn áp xã hội dân sự ngày một tăng cao trong nước.

 

Tuy nhiên, tin tốt cho tổng thống Biden là mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump mang lại khá nhiều thiệt hại cho hình ảnh quốc gia và các biến động chính trị cũng như xã hội trong lòng nước Mỹ, dư luận Việt Nam vẫn dành nhiều ưu ái cho xứ “cờ hoa”, nhất là khi so sánh với Trung Quốc. [6] Quyền lực mềm của nước Mỹ ở một mức độ nào đó đã tồn tại sẵn trong lòng Việt Nam.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/11/93660335_037355747-1.jpg

Người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc vào tháng 1/2017. Ảnh: AFP/ Hoang Dinh Nam.

 

Trong hiện tại và tới đây, khi người Việt quan tâm nhiều hơn đến Hong Kong và Đài Loan, quan điểm của họ cũng sẽ được định hình bởi cách chính quyền ông Biden can thiệp vào căng thẳng Đài Loan – Trung Quốc.

 

Sự sụp đổ của Hong Kong dưới tay Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của phương Tây trong bối cảnh chủ nghĩa độc tài, chuyên chế có xu thế bành trướng. Tuy nhiên, trên mặt trận Đài Loan thì phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng vẫn đang duy trì được hình ảnh tốt. Ngoài ra, câu chuyện của Đài Loan không chỉ là về một đối trọng với Trung Quốc, mà nó còn là câu chuyện về một dân tộc trong quá trình kiến quốc với lòng tự tôn cũng như với lựa chọn đúng đắn đứng về những giá trị dân chủ.

 

Tóm lại, trong bối cảnh chính trị Việt Nam, quyền lực mềm của Hoa Kỳ sẽ phải dựa vào những câu chuyện về nhân quyền, dân chủ của chính Hoa Kỳ như một tấm gương, và đồng thời dựa vào việc ủng hộ Đài Loan trước mũi dùi của Trung Quốc.

 

Sức mạnh của quyền lực mềm này sẽ còn được củng cố hơn nữa nếu Hoa Kỳ tạo điều kiện, thúc đẩy để xây dựng vị thế Đài Loan như một nhân vật “chính diện” trong bối cảnh chính trị của khu vực, đối nghịch lại với hình ảnh “phản diện” của Trung Quốc, cũng như truyền tải câu chuyện dân chủ hóa đầy cảm hứng của Đài Loan đến với công chúng Việt.

 

Những câu chuyện này sẽ càng đẩy người Việt ra xa hơn khỏi Trung Quốc, đồng thời khơi dậy khát vọng dân chủ hóa trong lòng Việt Nam.

 

Khi làm như vậy, Mỹ cũng sẽ tránh được việc truyền thông nhà nước Việt Nam dán nhãn mình là “thế lực thù địch” và bôi nhọ phong trào dân chủ trong nước mà Mỹ muốn ủng hộ. Truyền thông nhà nước sẽ không thể cáo buộc Mỹ là áp đặt các lý tưởng và giá trị chính trị của phương Tây lên Việt Nam, hay là đạo đức giả ở Việt Nam trong khi chính “sân nhà” của Mỹ thì hỗn loạn.

 

Mỹ nên tiếp cận phong trào dân chủ Việt Nam như thế nào?

 

Trong bối cảnh chính phủ Việt Nam không quan tâm mấy đến tâm ý người dân đối với vấn đề Trung Quốc và không ngần ngại sử dụng vũ lực chống lại các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, thì việc nâng khát vọng dân chủ hóa và tinh thần chống Trung trong người dân liệu có ích gì?

 

Với câu hỏi này, cần xác định là chiến lược ngoại giao công chúng phải lấy mục đích trọng yếu là xây dựng nhận thức của đại chúng và cảm hứng hành động trong người dân – những tiền đề để dẫn đến tinh thần tự chủ chính trị trong công dân và các hành động đối lập tập thể.

 

Các chương trình ngoại giao công chúng của những tổng thống Mỹ tiền nhiệm đã bỏ ngỏ đường hướng này, cũng như đã không thành công trong việc giúp phong trào dân chủ Việt Nam đạt được sự quan tâm, đồng cảm, và ủng hộ của quần chúng.

 

Thông qua các cuộc trò chuyện với những nhà hoạt động chủ chốt trong phong trào nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam, tôi thấy rằng sức mạnh thoạt trông có vẻ bất khả chiến bại của chính phủ Việt Nam trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, các cuộc biểu tình, và khăng khăng theo đuổi các chính sách bị quần chúng chỉ trích, xuất phát từ thực tế là phong trào nhân quyền và dân chủ còn nhỏ về số lượng và còn yếu về độ bám rễ trong dân.

 

Đồng thời, nó cũng xuất phát từ thực trạng là đại bộ phận quần chúng dù có dư sự phẫn nộ và bất mãn với nhà cầm quyền và các bất công trong xã hội, họ lại thiếu sự hỗ trợ về tư duy chính trị để có thể biến những bất mãn và phẫn nộ đó thành các yêu cầu dân chủ hóa chặt chẽ về lý luận và mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức trước nhà cầm quyền.

 

Vì vậy mà việc hun đúc tinh thần tự chủ chính trị trong công dân và thúc đẩy các hành động phản kháng tập thể là một mũi nhọn mà Mỹ không nên bỏ lỡ trong chính sách ngoại giao công chúng và nâng cao quyền lực mềm, qua đó cũng tạo được những đột phá quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam.

 


Phiên bản tiếng Anh của bài viết này đã được đăng tải trên The Vietnamese vào ngày 9/10/2021 với tiêu đề “Biden’s Emphasis On Soft Power And What It Means For Vietnam’s Democracy Movement”.


 

Chú thích

 

1.  Green, M., J. (2021, 13 Jan). Biden makes his first bold move on Asia. The Guardian.

 

2.  Cull, N. (2009). Public Diplomacy Before Gullion: the Evolution of a Phrase. In: Snow, N. and Taylor, P. (eds). Routledge Handbook of Public Diplomacy (pp. 19-23). Tayler & Francis.

 

3.  Cull, N. (2008). The Cold War and the United States Information Agency. Cambridge:Cambridge University Press.

 

4.  Nye, J. (2008). Public diplomacy and soft power. The Annals of the American Academy of Political and Social Science, 616, pp. 94-109.

 

5.  Xem [4]

 

6.  Seah, S. et al., (2021). The state of Southeast Asia: 2021. Singapore: ISEAS Yusof Ishak Institute.




No comments: