NGÂN
SÁCH CHO TP.HCM : VẤN ĐỀ KHÔNG PHẢI LÀ BAO NHIÊU PHẦN TRĂM
Tuổi
Trẻ Online
16/11/2021
TP.HCM đã và đang là một megacity của cả châu Á, và
điều siêu đô thị này cần nhất là một cơ chế riêng để phát huy sức mạnh sẵn có,
nghĩa là một hành lang đủ lớn để tăng tốc thật sự.
Với những người nhập cư trên 20 năm như tôi, tức
từng chứng kiến người Sài Gòn xuống đường chỉ để đi vòng vèo Lê Lợi - Đồng Khởi
thời bóng đá Việt Nam mới thành á quân SEA Games, hay chen chúc ở đường Nguyễn
Huệ nhân lễ Sài Gòn 300 năm để được xem ca nhạc và trình diễn thời trang miễn
phí cả tuần, thì các biểu tượng vật chất của Sài Gòn lần lượt thay đổi theo...
chiều cao của các tòa nhà.
Vào cuối những năm 1990, đến Sài Gòn là phải
nhìn thấy tòa nhà 33 tầng ở 37 Tôn Đức Thắng. Một thập niên sau là tòa hoa sen
68 tầng Bitexco. Rồi 10 năm sau nữa là tòa Landmark 81 tầng của Vingroup. Từ những
ngày đầu tiên choáng ngợp với những cao ốc 10 -15 tầng ở quận 1, đến khi phải đứng
tận trên cầu Sài Gòn mới chụp được hết nóc tòa nhà cao 300m, thuộc top 20 tòa
chọc trời của thế giới, với đa số người dân ở Sài Gòn, họ vẫn chỉ được xem bắn
pháo hoa mỗi dịp cuối năm, vẫn phải đến sân Thống Nhất xem bóng đá với không
gian chật chội nhếch nhác không khác một sân bóng hàng tỉnh thời bao cấp.
https://cdn.tuoitre.vn/2021/11/7/box-16362585288171166811770.jpg
Biểu tượng vật chất
của Sài Gòn lần lượt thay đổi theo . . . chiều cao của các tòa nhà
Giấc mơ về một trung tâm thể thao cho đàng
hoàng ở một đô thị mười mấy triệu dân, ngay cả chỉ là món quà cho thế hệ con
cái, vẫn mãi là giấc mơ, dù cái biển báo chỉ đường “Trung tâm TDTT Rạch Chiếc”
đã có cách đây cũng xấp xỉ 20 năm.
Một câu chuyện mới gần đây thôi làm chia rẽ
lòng người không nhỏ là khi thành phố quyết định đầu tư xây dựng một nhà hát
opera trong lòng Thủ Thiêm. Nhiều ý kiến gay gắt với quan điểm: Thành phố
còn bao nhiêu nhu cầu cấp thiết khác, đi xây dựng một công trình biểu diễn thứ
nghệ thuật mà không mấy người hiểu được làm gì?
NGHỊCH LÝ CỦA ĐẠI
ĐÔ THỊ
Đấy là những ví dụ để có thể thấy được một nghịch
lý của TPHCM. Là đầu tàu cung cấp hơn 1/4 cho ngân sách quốc gia, là megacity của
cả khu vực Đông Nam Á, nhưng vừa chi ra một đồng thì ngay lập tức bị người dân
nặng nhẹ bởi tình trạng giật gấu vá vai, làm gì cũng không đủ, và khó để đa số
người dân hài lòng đã trở thành mãn tính. Cốt lõi vấn đề, ai cũng biết, nhưng
nói ra thì ai cũng thở dài: tiền thu được cần cho quốc gia hơn.
Một ngày thành phố thu ngân sách hơn một nghìn
tỉ, một năm xấp xỉ 380.000 tỉ; cho đến năm nay, thành phố được giữ lại khoảng
78.000 tỉ, tương đương 18% tổng thu ngân sách. Năm sau sẽ được tăng thêm 6.000
tỉ, tức tăng 3 điểm phần trăm. Con số tăng thêm này là kết quả của cả một quá
trình thương lượng và nâng lên đặt xuống giữa các cấp, bộ, ngành của trung ương
và thành phố suốt mấy năm qua.
6.000 tỉ tăng thêm mỗi năm không thể gọi là
nhiều, nó chưa đủ để xây một tòa Landmark 81 (300 triệu USD, tức gần 7.000 tỉ đồng)
nhưng vẫn là niềm vui lớn cho chính quyền thành phố và người dân Sài Gòn. Tuy
nhiên, đấy không phải là một niềm vui trọn vẹn, bởi lẽ con số phần trăm tăng
thêm chỉ được xem xét mỗi năm, có nghĩa là có thể cao hoặc thấp hơn trong các
năm tiếp theo. Và bởi một lẽ khác quan trọng hơn, nó là con cá, chứ chưa phải cần
câu, cho một thành phố mà nhu cầu nguồn lực cho sự phát triển không thể chỉ
trông chờ vào một sự tái phân bổ rộng rãi hơn. Cái cần là cái... cần câu.
https://cdn.tuoitre.vn/2021/11/7/box-copy-1636279951865333964056.jpg
Và bởi một lẽ khác
quan trọng hơn, nó là con cá, chứ chưa phải cần câu, cho một thành phố mà
nhu cầu nguồn lực cho sự phát triển không thể chỉ trông chờ vào một sự tái phân
bổ rộng rãi hơn. Cái cần là cái... cần câu.
Không gì rõ nét hơn sự thiếu thốn tiền bạc của
thành phố khi đi ra các cửa ngõ. Con đường huyết mạch cho nền kinh tế của Sài
Gòn và vùng Đông Nam Bộ - xa lộ Biên Hòa đoạn từ Khu tưởng niệm Vua Hùng đến cầu
Đồng Nai, nơi giáp ranh của 3 tỉnh thành động lực tăng trưởng chính của miền
Nam và cả nước là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai - 20 năm qua vẫn chỉ có một làn
xe hơi và một làn xe máy.
Tỉnh lộ 43, từ cầu Bình Triệu ra đến quốc lộ
13 nối Bình Dương, bao nhiêu năm không khắc phục được tình trạng kẹt xe - thứ
mà chỉ qua bên kia vài chục mét thuộc địa phận Bình Dương đã lại rất hiếm hoi.
Con đường đi ra cảng Cát Lái, qua bên kia Nhơn Trạch vẫn bến phà kẽo kẹt gồng
gánh bao nhiêu năm. Rồi để đi qua được Cần Giờ - lá phổi xanh của thành phố,
nơi con đường xuyên qua rừng Sác thuộc loại rộng rãi xanh sạch nhất Sài Gòn -
cho đến giờ vẫn không có cách nào khác, lại là phà.
NHỮNG CÂU HỎI PHÁT
TRIỂN
Với những người nhập cư có khoảng thanh xuân lớn
lên cùng thành phố 20 năm có lẻ, sống được nhờ thành phố và cũng có cống
hiến ít nhiều cho nơi này như tôi, mỗi tuần đều phải đi lại trên những cung đường
đấy, chưa bao giờ hết bức bối với câu hỏi: Có quá khó lắm không khi hàng mấy thập
niên trôi qua, những công trình đường sá cầu cống thuộc loại vô cùng thiết yếu
như thế cho dân sinh và nền kinh tế vẫn ì ạch? Đúng là khó thật nếu chỉ trông
vào 3% giữ lại thêm kia để thành phố vừa có thêm cầu, thêm đường lẫn thêm nhà
hát. Vậy tiền đâu khi mà 5 hay 6% là điều bất khả thi?
https://cdn.tuoitre.vn/2021/11/7/box1-1636279977917122633486.jpg
Bài toán tiền đâu của
thành phố thực chất nằm ở khả năng có thêm quyền tự chủ và năng lực dám làm của
những người đứng đầu.
Câu trả lời là thành phố phải tự xoay xở, và
phải có thêm quyền, thêm tự chủ. Nó tương tự như bố mẹ không cho con cái tiền
nhưng cho nó quyền được tự kiếm tiền, quyền đi vay mượn, thậm chí cho nó vay.
Bài toán tiền đâu của thành phố thực chất nằm ở khả năng có thêm quyền tự chủ
và năng lực dám làm của những người đứng đầu.
Những giải pháp đã được rất nhiều chuyên gia
đưa ra từ lâu đến mức người không có chuyên môn cũng thuộc lòng: Thành phố được
tự huy động vốn bằng cách tăng khối lượng trái phiếu địa phương; con số hiện tại
chỉ là 2.000 tỉ, là muối bỏ bể nếu so với giá trị trái phiếu chính phủ là vào
khoảng 330.000 tỉ. Hiểu nôm na là thành phố đang chỉ được phép vay mượn
chưa đến 1% so với trung ương, dù tỉ phần về quy mô kinh tế lớn hơn thế nhiều
(giai đoạn 2016 - 2019, tổng sản lượng của TPHCM chiếm 22,2% cả nước, theo báo
Nhân Dân).
Thành phố có thể vay mượn thêm không? Với tư
cách là người cho vay thì các doanh nghiệp tài chính chắc chắn là sẵn lòng với
một con nợ hoàn toàn có khả năng trả nợ như TP.HCM. Vấn đề chỉ là thành phố có
được vay và muốn vay hay không? Vế một thuộc về trung ương, vế hai thuộc về
lãnh đạo thành phố.
Thứ nữa là tăng thu từ quản lý đất đai - nôm
na là bán đất công, đất vàng. Vấn đề này mấy năm gần đây thường dẫn tới không
ít vụ lao lý cho giới chức thành phố nhiều hơn là tiền nộp vào ngân sách, nên
chìa khóa của nó không phải là có bán được giá hay không mà là bán rồi thì tiền
vào tay ai?
TP.HCM đã và đang là một megacity của cả châu
Á, một siêu đô thị cần có cơ chế riêng để nó có thể phát huy sức mạnh sẵn có,
nghĩa là một hành lang đủ lớn để khi tăng tốc, ít bị chặn lại bởi các rào cản
mà chính quyền trung ương tạo ra đối với những đô thị quy mô nhỏ hơn. Muốn thế,
trước hết bản thân thành phố phải được lèo lái bởi những con người hiểu rõ đường
đua và làm chủ được tốc độ. Câu chuyện tăng ngân sách giữ lại thêm 3% là
câu chuyện của việc cho cá. Với người dân thường, họ mong mỏi con cá đấy biến
thành một cây cầu, một sân banh, một trường học...
https://cdn.tuoitre.vn/2021/11/7/box-copy-4-16362799908481100349323.jpg
Tình trạng hạ tầng
quá tải ở các cửa ngỏ Sài Gòn
Còn có được cần câu, để tự kiếm được nhiều cá
hơn, nó phải thực sự là một đột phá đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và một kỹ năng quản
trị công khoa học và hợp lý. Ví dụ như để trả lời cho câu hỏi, nếu chính quyền
thành phố được trao quyền tự chủ nhiều hơn, thì những thiệt hơn của việc TPHCM
sẽ phát triển nhanh hơn hay trở thành một đô thị đắt đỏ, giãn rộng thêm sự bất
bình đẳng, gây mất cân đối cho cả khu vực Đông Nam Bộ sẽ ra sao.
Liệu rằng không có sự tham gia của những
chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, chúng ta có thể có một câu
trả lời khả dĩ hợp lý, nếu nhìn vào thực trạng một thập niên qua: Bao nhiêu lợi
ích văn hóa được tạo ra từ sự phát triển của thành phố dành cho người dân không
thuộc tầng lớp giàu có?
Sự tự chủ và cơ chế hợp lý ở đây cần phải được
hiểu thêm về khía cạnh cân bằng lợi ích. Không chỉ giữa thành phố và các tỉnh
lân cận, mà còn ngay trong cộng đồng cư dân của chính đại đô thị này.
No comments:
Post a Comment