LƯ HƯƠNG TƯỢNG ĐÀI ĐỨC THÁNH
TRẦN LÀ NĂNG LƯỢNG CỦA LÒNG DÂN
https://www.facebook.com/he.via.54/posts/1346297005816349
Khá bất ngờ, ngay trong cao điểm dịch Covid –
19 ở TP.HCM, ngày 26-9-2021, lãnh đạo TP.HCM thông tin sẽ lấy ý kiến dân về
chuyện chỉnh trang khu vực bến Bạch Đằng, trong đó có khuôn viên công trường Mê
Linh, đầu đường Hai Bà Trưng. Lý do: Theo Ủy ban nhân dân Quận 1, “tượng Trần
Hưng Đạo xây dựng trước năm 1975, hiện nay đã xuống cấp; khu vực chân tượng đài
Trần Hưng Đạo tại công viên Mê Linh đã sụp lún; hệ thống chiếu sáng cũ, hư hỏng;
đèn trang trí và phun nước nghệ thuật cũng đã hư hỏng...”.
Từ ngày 1 đến hết ngày 5 – 11 - 2021, tại trụ
sở Ủy ban nhân dân Quận 1 và Sở Xây dựng TP.HCM, chính quyền quận 1 tổ chức lấy
ý kiến người dân về các phương án thiết kế, chỉnh trang cụm công trình văn hóa
công viên cảng Bạch Đằng và công viên Mê Linh; trong đó có hai biểu tượng nổi bật
là Cột cờ Thủ Ngữ và tượng
đài Đức Thánh Trần. Trong các phương án đưa ra lấy ý kiến có hình ảnh
lư hương trước tượng đài Đức Thánh Trần.
Ai cũng hiểu chiếc lư hương trước tượng đài Đức
Thánh Trần này mới thực sự là quan tâm lớn nhất của người dân TP.HCM chứ không
phải những chuyện trùng tu, tôn tạo, chỉnh trang khác.
Nhiều chuyên gia đô thị, nhà quản lý văn hóa,
nghiên cứu lịch sử và điêu khắc gia, luận bàn sâu hơn về phương án tôn tạo tượng
Đức Thánh Trần Hưng Đạo và chỉnh trang công viên Mê Linh: ông Phan Thanh
Bình (nguyên ủy viên Trung ương Đảng; nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo
dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội); ông Dương Trung Quốc
(phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam); phó giáo sư – tiến
sĩ Nguyễn Minh Hòa (phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam),
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, ông Trần Hữu Phúc Tiến (tác giả
chuyên viết về di sản và lịch sử; Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch phát triển
đô thị Việt Nam)...
Chỉnh trang một khu vực,
một tượng đài sau một thời gian vốn là chuyện bình thường. Chuyện không bình
thường ở đây là một hình ảnh, sinh hoạt bình thường quen thuộc hơn nửa thế kỷ
nay trong khuôn viên công trường Mê Linh bỗng không còn từ 17-2-2019: lư hương
bị cẩu đi, mang về Đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu, với lễ an vị vào
ngày 20-2-2019.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên
Mi (Trung tâm phong thủy Đông Phương Cát, TP.HCM), cấu trúc thờ tự thường
tuân theo phong thủy tâm linh để bố trí làm sao cho đạt năng lượng tốt nhất.
Các nơi thờ tự thường có ba lư hương, nương theo tam cực trong triết lý cổ của
đạo giáo: vô cực, thái cực và hoàng cực.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1346296979149685&set=pcb.1346297005816349
Lư hương ở Công trường
Mê Linh sau khi an vị ở đền cao hơn lư hương phía sau - đặt trước tượng Đức
Thánh Trần; trái với nguyên lý tam cực trong triết lý cổ - Ảnh: HOÀI NHÂN
Cũng theo bà, lư hương phía ngoài cùng thường
phải được đặt thấp nhất và cao dần vào bên trong. Vì nguyên lý của “khí” phải
đi theo một mạch, một luồng suôn sẻ. Nếu thứ tự cao thấp thất thường, xét về cấp
bậc để thờ và năng lượng để đi đều không đúng.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1346296745816375&set=pcb.1346297005816349
Chiếc lư hương,
hình ảnh không thể thiếu của người Sài Gòn trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại
công trường Mê Linh - Ảnh tư liệu
Trong khi đó, sau khi an vị lư hương ở chân tượng
đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh, để đảm bảo “nguyên lý tam cực”, khu
vực sân Đền thờ Đức Thánh Trần ở đường Võ Thị Sáu trước đó có ba lư hương thì
sau đó vẫn ba lư hương. Chiếc lư hương được dời từ công trường Mê Linh về thay
vị trí một lư hương nhỏ, thấp hơn vốn đặt ở phía ngoài cùng (từ cổng đền vào).
Thay một lư hương có ở đó xưa nay, nội chuyện này đã không hay rồi. Rồi lại
thêm một điều không hay khác: lư hương ở công trường Mê Linh sau khi an vị ở đền
cao hơn lư hương ở phía sau (đặt trước tượng Đức Thánh Trần).
Nghĩa là việc an vị lư hương có vẻ “trái
khoáy”, “không bình thường” với thông lệ tâm linh của người Việt. Cùng với việc
trước đó, lư hương bị cẩu đi vội vã, cũng không bình thường trong ngày kỷ niệm
40 năm cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc 1979 (17-2-1979/2019). Rõ ràng
đây là vấn đề tâm linh, ẩn ức của dân tộc Việt phương Nam muôn đời này: luôn cảnh
giác, đề phòng các thế lực xâm lược phương Bắc.
Cũng xin nhắc lại một cách thay thế tên đường
Pháp bằng tên đường Việt hồi năm 1955 tại Sài Gòn ở khu vực trung tâm: các khu
bến dọc từ trung tâm Đô thành Sài Gòn sang thành phố Chợ Lớn (đến 1955, Chợ Lớn
vẫn là một thành phố đa số người Hoa riêng biệt với Sài Gòn – đa số người Việt)
đều mang tên những chiến tích sông nước thắng giặc phương Bắc của dân tộc Việt
- Triều Trần: Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử.
“Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã...”
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà khu vực hiện
nay là công trường Mê Linh từng đặt tượng đài Rigault de Genouilly và tên của
nó là công trường Rigault de Genouilly - vị đô đốc chỉ huy các lực lượng Pháp
và Tây Ban Nha trong giai đoạn mở đầu của chiến dịch Nam Kỳ (1858–1862), bắt đầu
cuộc chinh phục, xâm lược nước Việt của Pháp - từ nơi cửa sông này, khu vực
này.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1346296792483037&set=pcb.1346297005816349
Khung cảnh hùng vĩ
của công Trường Mê Linh trước 1975, liên tưởng lời thề của Đức Thánh Trần:
"Không phá được giặc, không về khúc sông này" - Ảnh tư liệu
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà sau khi dẹp bỏ
tượng đài Rigault de Genouilly, chính quyền nền Đệ nhất Cộng hòa đặt ở đây tượng
đài Hai Bà Trưng từng khởi nghĩa chống Nhà Hán mà nhiều người dân Sài Gòn cho
là khuôn mặt tượng giống hai mẹ con bà Ngô Đình Nhu – Ngô Đình Lệ Thủy. Vậy nên
tượng đài này đã bị quật đổ sau cuộc đảo chánh 1-11-1963, chỉ sau một năm tồn tại.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà 1967, tượng đài
Trần Hưng Đạo, vị tướng Triều Trần ba lần đại thắng giặc Nguyên Mông từ những
chiến thắng sông nước được dựng nên trước khu vực sông nước Sài Gòn này.
Trước đó, từ thời chúa Nguyễn, theo Petrus Ký,
ở khu vực sau này là bến phà Thủ Thiêm, xưa có Thủy Các, nơi làm việc, nghỉ mát
bên sông của vua và một khu vực tắm riêng cho vua, gọi là Lương Tạ. Vùng đất
bao quanh Thủy Các và Lương Tạ gọi chung là Bến Ngự: bến sông dành cho vua.
Các bậc đế vương, vua chúa xưa làm gì, ở đâu,
thậm chí yên nghỉ nơi nào, đầu tiên cũng là tính chuyện phong thủy, chọn thế đất
cho muôn đời.
Theo nhà nghiên cứu Phúc Tiến (ủy viên Ban chấp
hành Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), đoạn bờ sông ngày nay từ công
trường Mê Linh đến bến Water Bus Sài Gòn và bến tàu cao tốc Greenlines là đất Bến
Ngự. Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Ánh - Gia Long chọn khu đất làm “hành dinh”
thủy bộ của mình. Hẳn người xưa cho rằng nơi đây là điểm “đắc địa” vì cảnh sắc
khoáng đạt và thuận thiên theo thuật phong thủy phương Đông”.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=1346296902483026&set=pcb.1346297005816349
Dấu vết của lư
hương hiện nay trước tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường Mê Linh - Ảnh:
Phúc Tiến Phuc
Tien Tran Huu
Cũng theo ông, ở khu vực “Khí thiêng thịnh vượng”
này, “tượng đài cùng với chiếc lư hương uy nghi phía trước, được tạo dáng như một
chiến hạm dũng mãnh, đã tạo ra ấn tượng lớn về lịch sử Việt Nam trong lòng nhiều
thế hệ người dân và du khách. Từ ấy đến nay, công trường Mê Linh và tượng đài Đức
Thánh Trần không chỉ là nơi chốn du ngoạn hay đẹp mà còn là một địa điểm bồi đắp
tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn thờ tiền nhân bất khuất. Chắc chắn cái hồn
thiêng sông nước được hun đúc qua bao năm tháng đã và đang là một nguồn sức mạnh
độc đáo của Sài Gòn!”.
“Cái hồn thiêng sông nước được hun đúc” ấy ít
nhất với người Sài Gòn cụ thể là những bái lạy, thắp hương thành kính ở chiếc
lư hương trước tượng đài. Nói như anh Nguyễn Văn Phước (founder & CEO của
First News Trí Việt), “lư hương là nơi tích lũy nhiều năng lượng của bao nhiêu
thế hệ người dân thắp hương, nguyện cầu. Nó có năng lượng chứ không như những
thứ khác”.
https://www.facebook.com/photo?fbid=1346296752483041&set=pcb.1346297005816349
Một lễ giỗ trang
nghiêm, thành kính đầu thập niên 1990 ở tượng đài Trần Hưng Đạo tại công trường
Mê Linh - Ảnh Phong Quang Phong Quang
“Năng lượng” ấy rõ ràng cần cho đất nước ta
trong công cuộc bảo vệ đất nước, trường tồn dân tộc. Lư hương xét cho cùng là
năng lượng của lòng dân. Chọn phương án gì cũng được, trước hết xin trả lại
năng lượng của lòng dân - lư hương của tượng đài Đức Thánh Trần về nơi năng lượng
ấy tích lũy bao năm nay.
Thần thánh
Việt bao đời nay luôn đứng cùng phía với lòng dân Việt.
.
No comments:
Post a Comment