Kinh
tế thế giới có quay lại bình thường trong năm 2022?
Trần Hùng, biên dịch
16/11/2021
http://nghiencuuquocte.org/2021/11/16/kinh-te-the-gioi-co-quay-lai-binh-thuong-trong-nam-2022/
Liệu tình trạng lạm phát đi kèm tăng trưởng
đình trệ (stagflation) đang tác động lên nền kinh tế thế giới có kéo dài? Trong
suốt năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng
các yếu tố khiến lạm phát tăng đi kèm tăng trưởng chậm sẽ chỉ mang tính tạm thời.
Các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được khơi thông, giá năng lượng sẽ quay trở
lại mặt đất, và công nhân ở các nước giàu trên thế giới đang không tham gia lực
lượng lao động — vì những lý do không ai hiểu rõ — sẽ quay trở lại làm việc.
Nhưng khi năm 2021 sắp kết thúc, các thị trường tài chính, công chúng và thậm
chí chính các ngân hàng trung ương bắt đầu mất dần niềm tin.
Tình huống lưỡng nan mà các nhà hoạch định
chính sách phải đối mặt là hết sức gay cấn. Câu trả lời trong sách giáo khoa về
tình trạng lạm phát do gián đoạn nguồn cung là cứ bỏ qua và để nó tự biến mất.
Tại sao phải gây thiệt hại cho nền kinh tế bằng việc tăng lãi suất nếu điều này
sẽ không khơi thông được tình trạng tắc nghẽn các cảng, tạo ra nguồn cung cấp
khí đốt tự nhiên mới, hoặc khiến đại dịch chấm dứt? Năm 2011, lạm phát ở Anh đã
tăng lên 5,2% do giá hàng hóa cơ bản tăng, nhưng Ngân hàng Trung ương Anh vẫn
giữ lãi suất ở mức thấp. Tại khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã
tăng lãi suất, khiến nền kinh tế khu vực này rơi lại vào suy thoái, và không
lâu sau đó, lạm phát rơi xuống thấp, dưới mức mục tiêu. Tương tự như vậy, lạm
phát vào năm 2022 do nguyên nhân giá năng lượng cao có thể sẽ giảm xuống. (Lạm
phát là tốc độ thay đổi của giá cả, có nghĩa là ngay cả khi giá không quay trở
lại mức cũ thì chỉ cần nó không tăng nhanh như trước là đủ lạm phát ổn định trở
lại.)
Tuy nhiên, việc so sánh với đầu những năm 2010
là không chính xác. Những tai ương của thương mại toàn cầu trong năm 2021 không
chỉ là do nguồn cung bị gián đoạn, chẳng hạn như đợt bùng dịch covid-19 khiến
các nhà máy ở Việt Nam phải đóng cửa. Lý do còn là vì nhu cầu cũng rất lớn.
Kích thích tài khóa và tiền tệ ồ ạt, kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội,
đã khiến người tiêu dùng say mê mua hàng, từ máy chơi game đến giày quần vợt.
Trong mùa hè năm 2021, chi tiêu của người Mỹ dành cho hàng hóa cao hơn 7% so với
mức tiền đại dịch. Ở các quốc gia khác, cũng có tình trạng thiếu hụt hàng hóa
do nhu cầu cao bất thường. Để nền kinh tế thế giới trở lại bình thường, người
tiêu dùng cần dành lượng tiền mặt dồi dào của họ để chi tiêu nhiều hơn cho các
dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng và đi du lịch.
Thật không may, các nền kinh tế đang bị cản trở
bởi tình trạng thiếu lao động cần thiết để giúp các ngành dịch vụ phát triển mạnh.
Tiền lương trong lĩnh vực giải trí và khách sạn đang tăng vọt. Nhiều nhà kinh tế
hy vọng rằng người lao động sẽ quay trở lại làm việc khi các hỗ trợ khẩn cấp
cho thị trường lao động, chẳng hạn như chương trình nghỉ phép có nhận lương và
bảo hiểm thất nghiệp khẩn cấp, kết thúc. Cho đến nay, đáng ngạc nhiên là có rất
ít dấu hiệu cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Nếu chúng ta muốn lạm phát chỉ là tạm
thời, sự tăng trưởng tiền lương cũng như mức tăng giá có lẽ cần phải giảm xuống.
Các lựa chọn thay thế có ít khả năng xảy ra, bao gồm tăng mạnh năng suất hoặc tỷ
suất lợi nhuận thấp hơn, bởi đối với các doanh nghiệp như nhà hàng, các chỉ số
này vốn dĩ đã rất thấp.
Một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang
bắt đầu lo sợ điều ngược lại: tăng trưởng tiền lương sẽ tiếp tục tăng do người
lao động kỳ vọng lạm phát sẽ ngày càng cao hơn. Các nước giàu đã chưa chứng kiến
đợt tăng giá kèm tăng tiền lương nào kể từ những năm 1970, và các nhà hoạch định
chính sách ủng hộ các biện pháp nới lỏng tiền tệ cho rằng ở các nền kinh tế
không có phong trào công đoàn rộng khắp, người lao động khó có thể thương lượng
mức lương cao hơn. Nhưng nếu kỳ vọng lạm phát tăng cao trở thành hiện thực,
công việc của các ngân hàng trung ương sẽ đột ngột trở nên khó khăn hơn nhiều.
Họ sẽ không thể giữ lạm phát ở mức mục tiêu mà không phải hy sinh việc làm. Các
thị trường mới nổi đã quen với sự đánh đổi đau đớn giữa tăng trưởng và lạm
phát, nhưng vấn đề này đã không gây khó khăn nào cho các nước giàu trong nhiều
thập niên. Ở các nước giàu, chỉ có Ngân hàng Trung ương Anh là ngân hàng gần nhất
với chính sách thắt chặt tiền tệ, chủ yếu là để bảo toàn mức độ đáng tin cậy
trong mục tiêu lạm phát của mình, hơn là vì việc thắt chặt chính sách tiền tệ
đã được đảm bảo bởi các điều kiện kinh tế nền tảng.
Có thể dễ dàng hình dung các nhà hoạch định
chính sách tiền tệ sẽ tăng lãi suất để rồi sau đó phải hối hận. Mặc dù lạm phát
sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm 2022, các ngân hàng trung ương thường
cho rằng phải mất một năm rưỡi thì lãi suất cao hơn mới có tác dụng đầy đủ lên
nền kinh tế. Các lực lượng trước đây khiến lãi suất toàn cầu và lạm phát ở mức
thấp, như thay đổi nhân khẩu học, bất bình đẳng và nhu cầu toàn cầu đối với tài
sản an toàn, có thể sẽ lại phát huy tác dụng vào thời điểm đó. Việc thắt chặt
chính sách tài khóa sắp xảy ra ở nhiều quốc gia sẽ giúp hạ nhiệt các nền kinh tế:
Anh đã công bố các đợt tăng thuế lớn và Tổng thống Joe Biden đang phải vật lộn
để Quốc hội thông qua các dự luật chi tiêu lớn. Và tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở
Trung Quốc, quốc gia đang phải vật lộn với sự suy thoái của thị trường bất động
sản, có thể sẽ lan ra toàn cầu.
Trên hết, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Sự lây
lan của vi-rút vẫn có thể làm gián đoạn nền kinh tế một lần nữa nếu khả năng miễn
dịch suy giảm và các biến thể mới có thể trốn tránh vắc-xin. Nhưng với các chuỗi
cung ứng đang ở mức giới hạn của chúng, thế giới không thể lặp lại thủ thuật
duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng các biện pháp kích thích để chuyển
chi tiêu của người tiêu dùng sang hàng hóa. Thay vào đó, các ngân hàng trung
ương sẽ phải cắt giảm chi tiêu bằng cách tăng lãi suất để tránh lạm phát quá mức
trong khi phía cung của nền kinh tế phải thích ứng với các mô hình chi tiêu và
làm việc khác rất nhiều so với mô hình trong những năm 2010. Nếu tình trạng
bình thường không quay trở lại vào năm 2022, giải pháp thay thế sẽ là phải tiến
hành một quá trình điều chỉnh kinh tế đầy đau đớn.
--------------
Nguồn: “Will
the world economy return to normal in 2022?”, The Economist, 8/11/2021.
No comments:
Post a Comment