Thursday, November 4, 2021

KHỞI TỐ CÁC VỤ ÁN LIÊN QUAN DỊCH COVID-19 : VIỆT NAM ĐANG CHỐNG DỊCH BẰNG SỰ SỢ HÃI CỦA NGƯỜI DÂN (Cao Nguyên, RFA)

 


Khởi tố các vụ án liên quan dịch COVID-19 - Việt Nam đang chống dịch bằng sự sợ hãi của người dân

Cao Nguyên
2021-11-04

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prosecute-people-in-covid-19-pandemic-vn-government-fighting-covid-by-fear-11042021103508.html

 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prosecute-people-in-covid-19-pandemic-vn-government-fighting-covid-by-fear-11042021103508.html/@@images/67b0c3b2-1db8-46b4-b615-2c28c2b09457.jpeg

Hình minh hoạ: Công an đứng chặt tại một chốt kiểm soát ra vào TPHCM khi người dân các tỉnh rời bỏ thành phố ngay trước khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ đêm 30/9/2021.  Reuters

 

Chính quyền Việt Nam đã khởi tố hàng trăm vụ án hình sự liên quan đến quy định phòng chống dịch COVID-19 trong hai năm qua. Các chuyên gia luật đánh giá rằng hành động như vậy là vi phạm các Quyền cơ bản của người dân, cũng như vi phạm luôn Hiến pháp của chính Việt Nam.

 

Một mặt, lãnh đạo nhận sai lầm, mong được bà con thông cảm, lượng thứ, nhưng mặt khác lại khởi tố, trừng trị nặng tay đối với người dân bị cho là “bất tuân”.

 

Khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến dịch COVID-19

 

Trong suốt gần năm tháng của đợt bùng dịch lần thứ tư tại các tỉnh, thành phía Nam, bên cạnh việc áp dụng các chỉ thị nghiêm ngặt để phòng ngừa lây lan dịch bệnh, chính quyền địa phương ở nhiều nơi còn thực hiện khởi tố cả trăm vụ án hình sự liên quan đến dịch COVID-19.

 

Bất kỳ người dân nào nếu không tuân lệnh hoặc có hành động phản kháng đều có thể bị truy tố và bỏ tù theo nhiều tội danh khác nhau, như là “Gây rối trật tự công cộng”, “Chống người thi hành công vụ”, hay “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”…

 

Điển hình, đối với tội “Gây rối trật tự công cộng” có các vụ án sau:

 

- Ngày 28/10, công an huyện Châu Thành, Tiền Giang ra quyết định khởi tố hình sự đối với vụ việc 70 người dân tập trung trước Uỷ ban xã đòi tiền hỗ trợ. Những người này kéo nhau lên UBND xã Tân Lý Tây, Tiền Giang yêu cầu được nhận tiền trợ cấp từ các gói hỗ trợ của Chính phủ trong đợt bùng phát dịch vừa qua.

 

Trên đường di chuyển, những người này mang theo băng rôn có nội dung “Nhân dân xã Tân Lý Tây cần hỗ trợ gấp” và livestream vụ việc này trên Facebook.

 

Phía công an cho biết những người này đã vi phạm Chỉ thị 15 tăng cường, không được tụ tập nhưng những người này vẫn cố tình ra đường. Do đó, công an đã khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng”, tìm bắt những người kích động và làm việc, điều tra những người tham gia khác.

 

VIDEO :

Vụ 70 người cầm biểu ngữ lên Ủy ban xã đòi hỗ trợ bị khởi tố #shorts

https://www.youtube.com/watch?v=yGYmc-cKzpA

 

- Ngày 23/10, Công an quận Tám, TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam hai mẹ con vì đã đến UBND quận 8 chất vấn và yêu cầu được nhận tiền trợ cấp đợt ba do ảnh hưởng dịch COVID-19.

 

Báo Tiền Phong dẫn lời từ công an quận Tám cho biết, ngày 15/10, hai mẹ con này đã la hét, gây mất trật tự ở khu vực nhận tiền trợ cấp. Dù Chính quyền cho biết hai người không thuộc diện được nhận tiền nhưng họ vẫn “hung hăng kéo áo, nắm tóc, cào cấu... làm hư hỏng bảng tên của cán bộ chiến sĩ công an”.  Do đó, hai mẹ con bị bắt về đồn tạm giữ, đến ngày 23/10 thì bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

 

Về tội “Chống người thi hành công vụ”:

 

- Ngày 6/10, Công an quận Tám thông báo khởi tố bị can ba người trong một gia đình cùng bị khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ” do do xô xát với nhân viên y tế.

Sự việc xảy ra vào ngày 24/9 khi tổ công tác lấy mẫu xát nghiệm nhanh cho 60 hộ dân tại phường Bốn, quận Tám. Gia đình ông Trọng yêu cầu được lấy kit test rồi đem về nhà xét nghiệm nhưng nhân viên y tế không đồng ý. Lúc này, cả gia đình ông Trọng xảy ra tranh cãi dẫn đến xô xát với cán bộ lấy mẫu xét nghiệm.

 

- Ngày 2/10, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết đã khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ” đối với bốn người có hành vi “kích động người khác gây rối trật tự tại chốt kiểm dịch”.

 

Từ đầu tháng 10, sau khoảng bốn tháng bị phong toả, số công nhân từ các tỉnh như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… đổ về miền Tây rất đông. Đến chốt kiểm soát tỉnh Trà Vinh thì bị chặn lại.

 

VIDEO :

Đoạn trường về quê sau giãn cách #shorts

https://youtu.be/t8lBSlGyVK0

 

Phía cơ quan chức năng cho biết, tại đây họ kiểm tra thông tin và chờ chỉ đạo từ tuyến trên. Bốn người này đã hô hào, lôi kéo, kích động nhiều người khác đi cùng gây rối trật tự công cộng, tấn công gây thương tích cho lực lượng công an, phá hàng rào chắn để vượt chốt. Sau đó, cả bốn người bị khống chế, bắt giữ và khởi tố ngay trong ngày.

 

Về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, một số vụ điển hình gồm:

 

- Ngày 29/5, Công an quận Gò Vấp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Theo Cơ quan điều tra, nhóm tôn giáo này đã không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch dẫn đến lây lan cho nhiều người.

 

Vụ án này đến nay đang trong quá trình điều tra, mới chỉ có quyết định khởi tố vụ án, chưa có quyết định khởi tố bị can.

 

- Ngày 18/10, Viện Kiểm Sát Nhân dân huyện Lâm Văn Thời, Cà Mau, cho biết đã ký quyết định khởi tố bị can, đồng thời cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lâm Minh Hiệp vì đã tiếp xúc với F0 nhưng không khai báo, làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác.

 

- Chiều ngày 1/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hà Trung, Thanh Hóa, ra quyết định khởi tố một người tên V.N.H, về từ vùng dịch ở tỉnh Bình Dương mà không khai báo, làm lây lan dịch COVID trong cộng đồng ở địa phương.

 

- Ngày 7/9, Công an huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bốn người đi từ Thủ Đức (TPHCM) về mà không chấp hành theo quyết định cách ly, tiếp xúc với những người thân trong gia đình cũng như nhiều người bên ngoài dẫn đến lây lan dịch bệnh khiến một người tử vong.

 

- Ông Lê Văn Trí vừa bị Toà án thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xử năm năm tù giam về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, vì khai báo y tế không trung thực và không thực hiện cách ly tại nhà đúng quy định. Ông Trí làm công việc buôn bán ở chợ Bình Điền. Vào tháng 7/2021, khi chợ này bị đóng cửa, ông Trí chạy xe máy trở về quê do thất nghiệp.

 

Ngoài ra, cổng thông tin Thư viện pháp luật (thuvienphapluat.vn) còn tổng hợp hơn 70 vụ án khác liên quan đến việc xử lý hình sự người dân không tuân theo những quy định của Chính quyền về chống dịch COVID, tính từ năm 2020 cho đến nay. Trong đó, chỉ riêng đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã có hơn 50 vụ án hình sự đang chờ xét xử.

 

VIDEO :

Công an Củ Chi dùng bạo lực bắt dân #shorts

https://youtu.be/OWfD9Zit-HQ

 

Dân đòi hỏi chính đáng

 

Một luật sư trong nước yêu cầu được giấu danh tính, nói với RFA rằng ông rất quan tâm và đã theo dõi, cũng như vô cùng băn khoăn, bức xúc trước tình trạng chính quyền khởi tố hàng loạt người dân như hiện nay.

 

Theo ông, chính vì chính quyền lúng túng trong việc kiểm soát dịch bệnh, các quy định, chỉ thị liên tục thay đổi và không đồng nhất ở các địa phương, đã làm cho người dân “không biết đường nào mà tuân theo”:

 

“Theo quan điểm của tôi thì có rất nhiều người bị khởi tố oan. Chính sách chống dịch của Việt Nam hiện nay nó rất là hỗn độn. Nó không có một cái trật tự chung nào cả và người dân rất khó để mà nắm bắt. Và những quy định hiện nay nó không phải là luật. Nó chỉ ở dạng những công văn và thay đổi xoành xoạch, liên tục khiến cho người dân không thể nào mà nắm bắt được để mà tuân thủ.

 

Chính sách của quốc gia thì phải có sự rõ ràng, minh bạch và phải có tính dự báo, phải có sự hướng dẫn cụ thể nhất để người dân nắm, chứ không phải là sáng anh khoanh vùng này vùng nọ rồi chiều anh lại thay đổi thì làm sao mà người dân biết mà tuân thủ. Rồi khi mà người ta không tuân thủ thì anh bảo người ta là chống đối.

 

Không hiểu tại sao ở trong thời điểm hỗn mang này mà chính quyền có thể khởi tố rồi đe dọa bằng những cách như vậy được. Tôi rất là phản đối và cá nhân tôi rất bức xúc trong những trường hợp như thế này.”

 

Trong một số vụ án, hành vi của những người bị truy cứu tránh nhiệm hình sự là hoàn toàn là chính đáng và đúng pháp luật, ví dụ như việc đi đòi tiền hỗ trợ của nhóm 70 người ở Tiền Giang, yêu cầu được tự test nhanh hay F0 được cách ly, điều trị tại nhà…:

 

“Người ta không có tiền, đến chính quyền địa phương để đòi hỏi thì đó là một nhu cầu rất chính đáng của người dân. Đó là quyền sống, quyền tham gia giám sát phản biện xã hội của người ta, được quy định trong Hiến pháp và cả trong các Công ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.”

 

VIDEO :

Luật sư Mạnh: "Phá nhà, cưỡng chế người phụ nữ đi xét nghiệm là bất hợp pháp".

https://youtu.be/MJjjVv4l6DA

 

 

Nhà nước chỉ biết trừng trị

 

Đối với những trường hợp như tấn công cán bộ công quyền, nhân viên y tế hay “làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm”, luật sư này cho biết phải xem xét cụ thể từng vụ việc, từng cá nhân nhất định.  Ví dụ, có những trường hợp khởi phát từ chính thái độ của nhân viên y tế khiến cho người dân bức xúc:

 

Mình biết là nhân viên y tế cũng rất áp lực, nhưng mà cung cách phục vụ của công chức dường như họ không tôn trọng người dân khiến cho người dân cảm thấy bức xúc. Và theo tôi người ta tranh cãi lại đó là điều bình thường.

 

Việc đánh người thì tôi hoàn toàn không ủng hộ, nhưng việc đánh người hoàn toàn có thể xử phạt thay vì khởi tố.

 

Còn đâu có ai mong muốn là mình mắc bệnh rồi lây truyền bệnh cho người khác đâu, mà không hiểu tại sao ở Việt Nam người ta lại có thể khởi tố những trường hợp như vậy được. Nó làm cho tôi nghĩ rằng là cái Nhà nước này chỉ biết xử phạt và trừng phạt, mà không biết thông cảm, không biết cách để cho dân chúng an tâm trong lúc dịch bệnh.”

 

 

Hình sự hoá các quyền cơ bản của người dân

 

Luật sư, nhà hoạt động Nhân quyền Vũ Đức Khanh từ Canada, nói với RFA rằng đầu tiên, ông thấy Chính phủ Việt Nam đang “hình sự hoá các quyền Dân sự, Chính trị” của người dân. Những người dân bị truy tố chỉ đang thực hiện đúng các quyền cơ bản của họ, những điều đã được Việt Nam ký kết trong các Công ước Quốc tế :

 

“Nếu nói một cách ngắn gọn thì tôi nghĩ rằng Chính phủ của Việt Nam đã lạm dụng quyền cầm quyền của mình bằng cách hình sự hóa và hạn chế những quyền, trong đó có Quyền con người cũng như là những Quyền dân sự, chính trị, kinh tế và xã hội của người dân.”

 

Thứ hai, luật sư Khanh cho rằng Chính quyền Việt Nam cũng đang vi phạm ngay chính Hiến pháp của Việt Nam:

 

Trong khi đó thì ở Việt Nam trong điều khoản của Hiến pháp có nói rất rõ ràng là Quyền con người và Quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng…

 

Ở đây chữ quan trọng nhất là theo quy định của Luật, nhưng mà Việt Nam chưa bao giờ công bố là Việt Nam nằm trong tình trạng khẩn cấp để có thể sử dụng thẩm quyền của Nhà nước để hạn chế những Quyền dân sự cũng như chính trị, kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã thông qua.”

 

Tại Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013 quy định về hạn chế quyền của người dân như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc quy định về hạn chế quyền là cần thiết để bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện một cách minh bạch, phòng ngừa sự cắt xén hay hạn chế các quyền này một cách tùy tiện từ phía các cơ quan Nhà nước.

 

Thứ ba, và cũng là điều mà luật sư Khanh cho là quan trọng nhất, đó là tính Nguyên tắc tương xứng trong ứng xử. Chính quyền được quyền làm những việc gì và người dân có được quyền làm những chuyện gì.

 

Cần phải thấy rõ ràng đâu là chừng mực ở trong vấn đề này, đâu là sự tương xứng giữa sự hạn chế các quyền của người dân và trách nhiệm của Chính phủ. Nhà nước luôn luôn có trách nhiệm phải thuyết phục người dân để họ chấp nhận những giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Muốn như vậy thì những giải pháp đó phải hợp tình hợp lý và hợp pháp:

Chính quyền không thể vì quyền lợi của một tập đoàn lãnh đạo nào đó rồi dùng những khái niệm mơ hồ rồi áp đặt lên người dân những sự hạn chế, mà thực sự ra là chính quyền muốn bóp nát những tiếng nói khác biệt với Chính quyền.”

 

VIDEO :

Bí thư TPHCM: "Ai khỏe thì vượt qua, giữ F0 nhưng không biết làm gì!" #shorts

https://youtu.be/uX-60ee1om4

 

 

Gây ra nỗi sợ hãi quá lớn trong dân

 

Đánh giá về hậu quả của việc khởi tố hàng trăm vụ án về vi phạm phòng chống dịch bệnh, vị luật sư giấu tên đánh giá Việt Nam đang áp dụng một cách chống dịch hết sức sai lầm, chống dịch bằng cách tạo áp lực, gia tăng nỗi sợ trong dân chúng.

 

Trong hơn bốn tháng bùng dịch, người dân, đặc biệt là người nghèo phải đối mặt với quá nhiều nỗi sợ hãi khác nhau. Phải ở một chỗ, không được đi làm, không có thu nhập, họ sợ đói, ra đường thì sợ nhiễm bệnh trong lúc hệ thống y tế quá tải, còn nếu lên tiếng thì sợ bị cho là chống đối… Do đó, Chính quyền không nên tạo thêm nỗi sợ cho người dân bằng những án phạt nặng nề, nếu không muốn gây ra thêm nhiều hậu quả về lâu dài:

 

“Việc khởi tố như vậy sẽ gây ra tâm lý hoang mang, sợ hãi cho người dân. Về một khía cạnh nào đó thì việc khởi tố, bắt giam và tạo ra tâm lý sợ hãi có thể giúp giảm dịch trong một thời gian ngắn.

 

Lúc này, người dân ai ở đâu ở yên đó và người ta rất là lo lắng. Ví dụ như tôi ra ngoài tham gia sản xuất mà bị khởi tố thì rõ ràng là thà tôi ở nhà còn hơn chứ ra ngoài đường rủi ro rất cao.

 

Nhưng mà về lâu dài nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Thứ nhất là về kinh tế. Thứ hai là khi người dân đã đói, không còn gì để ăn nữa thì lúc đó mọi thứ nó sẽ bung ra và hậu quả nó sẽ rất là nghiêm trọng.

 

Như trường hợp khi TPHCM giữ người dân ở lại trong thành phố ba, bốn tháng trời, người ta không còn gì để ăn nữa, và người ta phải túa ra trở về những địa phương khác nhau, thì nó làm cho làn sóng dịch bệnh gần như lây nhiễm ra cả nước. Đó có thể coi là một chính sách thất bại.”

 

Ông cho rằng trong lúc đất nước đang khó khăn, người dân vô cùng hoang mang về một tương lai bất định thì chính quyền nên ứng xử hợp tình hợp lý, cảm thông, chia sẻ với những thiếu sót nếu có, của người dân.

 

Nhiều lãnh đạo TPHCM như ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành uỷ) và ông Phan văn Mãi  (Chủ tịch UBND Thành phố) cũng đã thừa nhận rằng Chính quyền đã nhiều có nhiều sai sót trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư vừa qua. Ông Mãi nói hôm 26/9 rằng công tác điều hành của thành phố có nhiều lúng túng, hạn chế, bất cập. Thay mặt chính quyền thành phố, ông xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào.

 

Chính quyền mong bà con thông cảm cho những quyết sách sai lầm, dẫn đến sự thiếu đói của hàng triệu người, cái chết của hàng chục ngàn người. Trong khi đó, người dân lại bị đối xử bất công, luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt, truy tố và bỏ tù từ những quy định mơ hồ, rối rắm của Chính quyền.

 

VIDEO :

TPHCM: Ngàn người xếp hàng đợi lãnh tiền hỗ trợ nhưng bị công an từ chối  

https://youtu.be/WAaiea_jSEM

 

---------------------------------------------------

 

Tin, bài liên quan

·         Các ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng tăng nhanh, Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc-xin

·         Việt Nam mua thêm 25 triệu liều vắc-xin của hãng AstraZeneca

·         Hãng dược Nhật Bản sẽ thử nghiệm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam

·         Việt Nam tiếp nhận thêm vắc-xin COVID-19

·         Số ca nhiễm COVID-19 ở các tỉnh miền Tây tăng gây lo ngại dịch bùng phát lại

·         Việt Nam phê duyệt vắc-xin của hãng Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ

·         Việt Nam nhận 800.000 liều vắc-xin AstraZeneca từ Australia

·         Chuyến bay hồi hộp dành tặng các khúc dồi ngàn dặm

·         Đại diện Lãnh sự quán Mỹ thăm Hội thánh Truyền giáo Phục hưng ở TP. HCM

·         Sài Gòn hồi sinh




No comments: