Thursday, November 4, 2021

GÓP Ý VỚI TS GIÁP VĂN DƯƠNG (Nguyễn Đình Cống)

 


Góp ý với TS Giáp Văn Dương

Nguyễn Đình Cống

04/11/2021

https://baotiengdan.com/2021/11/04/gop-y-voi-ts-giap-van-duong/

 

Tôi vừa đọc bài Trí thức cận thần và trí thức độc lập, của TS Giáp Văn Dương. Đó là một bài hay, rất đáng cho các trí thức tham khảo để chọn con đường hành động, sao cho có hiệu quả cao trong mục tiêu ích nước lợi dân. Tuy vậy, tôi cũng có một ý kiến nhỏ, xin bàn thêm cho rõ vấn đề về vai trò của trí thức trong cải cách xã hội.

 

Một quốc gia, một tổ chức cần cải cách khi lâm vào tình trạng trì trệ, yếu kém. Cải cách có thể đến từ phía trên hoặc phía dưới. Phía trên được đại diện bởi những người có quyền cao nhất. Phía dưới được đại diện bởi những phần tử tinh hoa trong quần chúng mà chủ yếu là trí thức.

 

Cải cách từ trên xuống khi một số người có quyền cao nhất giác ngộ được tình hình, đứng ra kêu gọi cải cách và tổ chức thực hiện. Lúc này vai trò người đứng đầu rất quan trọng. Một việc dù hay đến đâu, tốt đến đâu, chỉ có thể thành công khi nó biến thành nhận thức và tình cảm của người lãnh đạo cao nhất.

 

Cải cách từ dưới lên khi quần chúng thấy quá cần thiết, tập họp lại để đấu tranh mà một số trường hợp đạt đỉnh cao là cách mạng.

 

Sẽ là đẹp nhất khi hai phía thống nhất quan điểm, hợp tác với nhau, ý của lãnh đạo hợp với lòng dân. Dù cho theo cách nào thì vai trò của trí thức trong công cuộc cải cách cũng rất quan trọng.

 

TS Dương đưa ra hai loại: Trí thức cận thần và trí thức độc lập.

 

Trí thức cận thần là người thấy rõ việc cần cải cách, lập ra đường lối và kế hoạch rồi dâng trình lên cho người cầm quyền. Đại diện là Nguyễn Trường Tộ ở VN, dưới thời vua Tự Đức. Nguyễn Trường Tộ đã thất bại.

 

Trí thức độc lập là người thấy rõ công việc cần cải cách, đã hoạt động để nâng cao dân trí và quan trí, tạo sự thay đổi về nhận thức, để từ đó tiến hành cải cách. Đại diện là Fukuzawa Yukichi ở Nhật dưới thời Minh trị Thiên Hoàng. Yukichi đã thành công.

 

Ý của tôi là không nên phân ra hai loại trí thức như vậy, vì rằng một người trí thức có thể vừa thuộc loại này vừa thuộc loại kia. Nên phân thành hai loại hành động: Hành động Tâu trình và Hành động Khai phóng.

 

Tâu trình là việc viết thư, báo cáo, góp ý, kiến nghị lên cấp trên cho đến người cao nhất. Trong mấy chục năm qua trí thức, cán bộ và người dân Việt Nam rất hay dùng loại này, nhưng chỉ có những ý kiến hợp lỗ tai của cấp trên mới được để ý, còn phần lớn những lời góp ý chân thành đều bị vứt bỏ. Có thể kể ra một vài trường hợp, như là: Thư của ông Chu Đình Xương gửi Trung ương Đảng, thư của ông Võ Văn Kiệt, ông Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chính trị, kiến nghị của 61 đảng viên (tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đứng đầu) gửi Đại hội 12 ĐCSVN, thư của cựu đại sứ Nguyễn Trung gửi lãnh đạo Đảng, kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức (do cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đứng đầu) gửi Quốc hội, kế hoạch Cải cách toàn diện để phát triển của 14 nhà khoa học Việt kiều gửi Đảng, Chính phủ và Quốc hội, trong đó có TS Giáp Văn Dương (ngoài ra còn các vị như Hồ Tú Bảo, Trần Hữu Dũng, Phạm Trọng Yêm v.v…).

 

Những tâu trình như thế, một số là của trí thức cận thần, phần khác là của trí thức độc lập. Chúng không lọt được vào đầu những người bị nhồi sọ bởi nhiều điều kinh viện hoặc vì để bảo vệ quyền lợi cá nhân đã chiếm đoạt được.

 

Khai phóng (hoặc khai trí) là việc mà nhiều trí thức đang dấn thân nhằm nâng cao dân trí về chính trị cho đại đa số người dân, để họ biết về Nhân quyền, Dân quyền, Hiến pháp và những điều liên quan. Đó là hoạt động đang bị chính quyền ngăn cấm nhằm làm ngu dân cho dễ thống trị. Những hoạt động này tuy chưa đủ mạnh, nhưng vẫn đang được tiến hành, lớp trước như Tần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Phạm Thành, Phạm Đoan Trang và rất nhiều người khác bị tù tội, bị khủng bố thì đã có nhiều người kế tiếp, đặc biệt là các bạn trẻ, tiếp bước.

 

Tôi biết một số trí thức trong nước đang khắc phục nhiều khó khăn trở ngại để  làm việc khai phóng này, từng chút một, từng bước một. Họ vừa làm vừa sẵn sàng tâm thế bị bắt, bị khủng bố không biết khi nào. Tôi cũng biết một số trí thức Việt kiều đã về nước (sau khi nghỉ hưu) để đóng góp cho sự khai phóng này, tuy gặp nhiều trở ngại, nhưng cũng đã gặt hái được một số thành công. Thật đáng quý.

 

TS Dương viết: “Sự thất bại của Nguyễn Trường Tộ chính là bài học lớn nhất dành cho hậu thế. Tiếc rằng, bài học này, dù phải trả học phí rất đắt bởi không chỉ Nguyễn Trường Tộ mà còn cả dân tộc, không được sử dụng. Những người có trách nhiệm thậm chí còn cổ vũ và yêu cầu trí thức phải đi theo lối con đường “trí thức cận thần” của Nguyễn Trường Tộ khi cho rằng: Trí thức muốn kiến nghị hay phản biện xã hội, cần gửi cho các cơ quan hữu trách trước khi phổ biến ra ngoài xã hội. Lịch sử đã chứng minh: Đi theo còn đường đó là đi vào ngõ cụt. Làm theo cách đó là kéo lùi bước đi của dân tộc”.

 

Phải chăng TS Dương tỉnh ngộ ra sau khi cùng 13 nhà khoa học Việt Kiều bỏ nhiều tâm sức và thời gian viết ra được bản kiến nghi “Cải cách toàn diện để phát triển”, rồi gửi về cho lãnh đạo nhà nước? Nhiều người trong nước xem đó là một báu vật, nhưng nhiều lãnh đạo cộng sản lại xem là luận điểm của “thế lực thù địch”.

 

Biết thế, nhưng xin đừng chùn bước. Xin hãy tin rằng, chính thể độc tài toàn trị chỉ là tạm thời. Dân tộc Việt sẽ không chịu mãi cảnh lầm than tăm tối, đúng như câu kết bài viết của TS. Việc Quốc hội lắng nghe tiếng nói của những trí thức độc lập trong thời gian gần đây cho thấy con đường trí thức độc lập đã được khai mở, chỉ chờ người dấn bước”.




No comments: