Tuesday, November 9, 2021

COP26 : BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CÓ THỂ CƯỚP ĐI 80% THU NHẬP TẠI CÁC NƯỚC NGHÈO NHẤT (RFI)

 


NỘI DUNG :

 

COP26: Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập tại các nước nghèo nhất   

Thanh Hà  -  RFI

.

COP26: Các nước nghèo lên án các nước giàu nói không đi đôi với làm

Trọng Thành  -  RFI

.

============================================

.

.

COP26: Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập tại các nước nghèo nhất   

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 08/11/2021 - 13:16

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211108-cop26-bi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%AD-h%....A8o-nh%E1%BA%A5t

 

Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland, Anh Quốc, bước vào tuần lễ thứ nhì. Mọi chú ý tập trung vào câu hỏi làm thế nào để hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất thế giới đối mặt với thách thức Trái đất bị hâm nóng. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid báo động khí hậu là thảm họa dẫn đến  sự “sụp đổ kinh tế” đối với nhiều nước.

 

https://s.rfi.fr/media/display/377f9612-14a5-11ea-bf88-005056bf7c53/w:1024/p:16x9/madou_0.webp

Ảnh minh họa : Lũ lụt tại một khu vực dân nghèo tại Madagascar, ngày 27/02/2015. AFP PHOTO / RIJASOLO

 

Báo cáo của hiệp hội phi chính phủ Christian Aid, quy tụ hơn 40 tổ chức Thiên Chúa Giáo tại Anh Quốc, được công bố hôm 08/11/2021, dự báo thu nhập đầu người tại những nước nghèo, chủ yếu là các đảo quốc có nguy cơ giảm đi “19,6 % từ nay đến năm 2050 và sẽ mất đi gần 64 % so với hiện tại vào cuối thế kỷ này, nếu như quốc tế dửng dưng trước nhu cầu cấp bách chống Trái Đất bị hâm nóng". Ngược lại nếu như giữ được nhiệt độ của Trái đất tăng 1,5°C, thiệt hại nói trên theo thứ tự sẽ là 13 % và 33 %. Tổ chức phi chính phủ Christian Aid nghiên cứu 65 nước trong tổng số các quốc gia tham dự COP26 tại Glasgow lần này.

 

Tuy nhiên đáng lo ngại hơn cả, là nền kinh tế của “6 trong số 10 quốc gia bị tác động nhiều nhất” có nguy cơ "sụp đổ”. Biến đổi khí hậu có thể cướp đi đến 80 % thu nhập bình quân đầu người từ nay cho đến cuối thế kỷ tại những nước này. Châu Phi bị nặng nhất. Thí dụ, theo dự phóng của tổ chức Christian Aid, thu nhập bình quân đầu người ở Sudan, đến năm 2050, sẽ giảm đi từ 22 đến 34 % so với hiện tại tùy theo “yếu tố” thời tiết. Thiệt hại sẽ lên tới từ hơn 51 % đến 84 % đến cuối thế kỷ này. 

 

Châu Mỹ Latinh cũng bị tác động không kém. Suriname và Guyana sẽ là những khu vực đang chịu áp lực rất lớn. Tại hội nghị Glasgow, tổ chức Christian Aid nhấn mạnh : trước những “thiệt hại khổng lồ về mặt kinh tế nói trên, nhu cầu hỗ trợ các nước nghèo càng khẩn cấp hơn bao giờ hết. Lãnh đạo các nước giàu không thể chần chừ”.

 

Khí hậu: Bắc Kinh thừa nhận “đường còn dài”, Úc báo trước vẫn khai thác than 

 

Trung Quốc là nguồn thải khí carbone lớn nhất thế giới. Trước thềm hội nghị Glasgow, chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ “trung hòa khí thải gây hiệu ứng lồng kính trước năm 2060”. Tuy nhiên hôm 07/11/2021, chính phủ Trung Quốc nhìn nhận trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, “đường còn dài”. Trong khi đó tại Canberra, chính phủ Úc khẳng định “tiếp tục bán than đá trong nhiều thập niên nữa”. Trả lời đài truyền hình ABC, bộ trưởng bộ Tài Nguyên Keith Pitt tuyên bố “than đá của Úc có chất lượng cao nhất trên thế giới”, do vậy Canberra sẽ không đóng cửa các mỏ than hay các nhà máy điện sử dụng than đá.  Đây vẫn là nguồn năng lượng của thế giới và nhu cầu tiêu thụ, theo ông, sẽ tiếp tục tăng thêm cho đến tận năm 2030.

 

Trung Quốc và Úc từ chối tham gia thỏa thuận ngừng khai thác than đá vừa được khoảng 40 quốc gia cam kết nhân hội nghị chống biến đổi khí hậu ở Glasgow.  

 

                                                            ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

COP26: Khoảng 100 nước cam kết cắt giảm mạnh khí mêtan trước 2030

 

Tuần đầu tiên COP26: Nhiều cam kết mạnh mẽ vì khí hậu, giới môi trường kêu gọi thận trọng

 

COP26 : Việt Nam tham gia cam kết loại bỏ dần điện than

.

==========================================

.

.

COP26: Các nước nghèo lên án các nước giàu nói không đi đôi với làm

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 09/11/2021 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20211109-cop26-c%C3%A1c-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngh%C3%A8o-l%C3%A....BB%9Bi-l%C3%A0m

 

Các nước đang phát triển đồng loạt lên án nhiều nước giàu nói không đi đối với làm, đó là thông điệp nổi bật trong đầu tuần lễ thứ hai của Hội nghị về Khí hậu Liên Hiệp Quốc (COP26) ở Glasgow, Scotland, ngày 08/11/2021.

 

https://s.rfi.fr/media/display/784bded2-4160-11ec-9609-005056bfb2b6/w:1024/p:16x9/AP21312474734348.webp

Các nhà hoạt động vì khí hậu biểu tình phản đối tại hội nghị COP26, Glasgow, Scotland, ngày 08/11/2021. AP - Alastair Grant

 

Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh (LDC), chính trị gia Sonam Phuntsho Wangdi, người Butan, tuyên bố : « Nhóm các nước kém phát triển nhất lo ngại về việc hành động của một số quốc gia không ăn khớp với các tuyên bố. Có một sự tách rời giữa các tuyên bố trước công chúng và những gì diễn ra trong các cuộc đàm phán ».

 

Chủ tịch của nhóm hơn 40 quốc gia nghèo nhất hành tinh đặc biệt lo ngại về các biện pháp để thực thi mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), sẽ được xác định trong bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị COP26. Chính trị gia người Butan nhấn mạnh mọi « thỏa hiệp » về mục tiêu 1,5°C này đồng nghĩa với việc coi thường « sinh mạng của hàng tỉ người sống tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất như các nước chúng tôi ». 

 

Trả lời phỏng vấn AFP, ông Ahmadou Sebory Touré, chủ tịch Nhóm 77 và Trung Quốc (bao gồm 134 quốc gia đang phát triển và mới nổi lên) lên án các nước phát triển « luôn luôn đòi hỏi các nước dễ bị tổn thương làm nhiều hơn nữa », trong lúc lại không thực hiện lời hứa đóng góp đủ 100 tỉ đô la/năm cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực khí hậu kể từ năm 2021 (đưa ra từ năm 2009). Bà Lia Nicholson, chủ tịch Liên minh các đảo quốc nhỏ (Aosis), kêu gọi « hãy chấm dứt những tuyên bố suông về tài chính ». 

 

Kinh tế gia Pháp Laurence Tubiana, chủ tịch Quỹ châu Âu vì Khí hậu, đặc biệt tố cáo các hành động của nhiều quốc gia và doanh nghiệp giả danh vì mục tiêu chống Biến đổi khí hậu, nhưng trên thực tế đang tiếp tục các hoạt động khai thác và sử dụng năng lượng hóa thạch (« greenwashing »). Người được coi là một trong các kiến trúc sư của Hiệp định Khí hậu Paris 2015 giải thích : 

 

« Chúng ta đang ở giai đoạn triển khai việc thực thi Hiệp định Khí hậu Paris. Rõ ràng là áp lực đã có tác dụng. Các quốc gia tới hội nghị bắt buộc phải đưa ra thêm những đóng góp mới. Nhìn chung, cơ chế này đã có tác dụng. Tuy nhiên, nếu các cam kết mới không đi liền với các kế hoạch cụ thể đủ mạnh, thì điều này cũng không có ý nghĩa gì cả. Các quốc gia như các nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu khẳng định rằng họ sẽ vẫn tiếp tục xuất khẩu, cùng lúc hướng đến mục tiêu zero khí thải, và các doanh nghiệp khí đốt, dầu mỏ nói rằng họ sẽ hướng đến mục tiêu trung hòa khí thải, trong lúc tiếp tục khai thác dầu mỏ và khí đốt, như vậy điều này chắng có ý nghĩa gì. Đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn hiểu được mục tiêu mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói, giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C hay 2°C, có nghĩa là gì ». 

 

Theo AFP, trong tuần lễ thứ hai của Hội nghị, giới chức cấp bộ của các nước tham gia hội nghị sẽ phải tìm được các thỏa hiệp về các định hướng chính trị lớn trong lĩnh vực khí hậu, và đặc biệt là về nhiều điều khoản vẫn còn đang treo lại từ ba năm nay, liên quan đến các quy định thực thi Hiệp định Khí hậu Paris, nhất là về cơ chế vận hành của « các thị trường cacbon ». Còn rất nhiều việc cần làm, các đàm phán dự kiến sẽ kéo dài thâu đêm.

 

                                                  ***

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

COP26: Biến đổi khí hậu có thể cướp đi 80% thu nhập tại các nước nghèo nhất

 

Thượng đỉnh Khí hậu COP 26 thất bại, nếu nước nghèo không tin nước giàu

 



No comments: